Đào tạo, bồi dưỡng công chức ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Đào tạo, bồi dưỡng công chức có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền hành chính nhà nước đối với mọi quốc gia. Bài viết trình bày một số nội dung liên quan đến định hướng, mục tiêu, chương trình về đào tạo, bồi dưỡng công chức ở một số nước, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet)
Đào tạo, bồi dưỡng công chức ở một số nước

Cộng hoà Pháp

Công chức Pháp được phân thành 3 loại chính: A, B, C. Công chức loại A là công chức lãnh đạo cấp vụ, cục, tổng cục (A’ là công chức lãnh đạo cấp phòng). Công chức loại A và A’ phải có trình độ đào tạo đại học trở lên. Công chức loại B là công chức thực thi nhiệm vụ, có thể tốt nghiệp phổ thông. Công chức loại C là công chức bậc thấp, không qua đào tạo. Xuất phát từ nhu cầu của cá nhân và của cơ quan, bộ phận nhân sự xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) chung cho cơ quan trên cơ sở ngân sách cho phép. Công chức được đào tạo ở trường Hành chính khu vực (IRA); các trung tâm đào tạo kinh tế; các trung tâm đào tạo, giáo dục, trường đào tạo công chức của các bộ và các trung tâm đào tạo tư nhân. Chương trình đào tạo chủ yếu đến 90% là dựa trên các tình huống thực tế, ít lý thuyết. Giáo viên là những công chức của các bộ được mời đến giảng dạy và đưa ra những tình huống cho học viên xử lý. Có ít nhất 50% thời gian khoá học là học thực tế tại các cơ quan hành chính, còn đi thực tập, tham gia trực tiếp xử lý công việc tại các cơ quan. Học viên cần viết thu hoạch có ý nghĩa thực tế cho cơ quan mình.

Xinh-ga-po

Nền công vụ Xinh-ga-po luôn đặt chất lượng đội ngũ công chức là số một và chuẩn hóa ngay từ đầu. Công chức được ĐTBD định kỳ và liên tục (từ ngắn hạn đến dài hạn). Xinh-ga-po lập ra bộ phận chuyên trách đánh giá năng lực, chất lượng phục vụ của từng cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị với các bảng biểu cho điểm chi tiết làm dữ liệu cho ĐTBD. Việc ĐTBD công chức theo hướng mỗi người đều đạt chuẩn chung và phát triển tài năng riêng. Theo quy định, mỗi công chức bắt buộc phải được bồi dưỡng 100 giờ/năm; công chức phải tự đề ra chương trình học tập, trong đó tối thiểu phải bảo đảm 60% thời lượng phục vụ công việc trong cương vị hiện tại và 40% cho công việc tương lai. Để khuyến khích việc tự đào tạo, Chính phủ Xinh-ga-po quy định hỗ trợ 50% chi phí cho người tự học. Các hình thức ĐTBD công chức được áp dụng là: đào tạo ban đầu (cơ bản), đào tạo nâng cao, đào tạo mở rộng và đào tạo bổ sung.

Trung Quốc

Trung Quốc đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức nhằm hiện thực hóa chiến lược cải cách hệ thống công vụ như đòn bẩy phát triển quốc gia. Nội dung ĐTBD công chức tập trung vào: lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc của Trung Quốc và chiến lược phát triển, quản lý hành chính nhà nước trong nền kinh tế thị trường; quản lý vĩ mô nhà nước với những nội dung cụ thể như: thể chế hành chính, quyết sách hành chính, đào tạo và phát triển nhân tài. Tất cả các khoá đào tạo đều phải học chủ nghĩa Mác – Lênin và lý luận Đặng Tiểu Bình. Thông thường một khóa học của công chức bao gồm học phần cơ bản và học phần chuyên môn, gọi là mô hình “cơ bản + chuyên môn”. Trong đó đi sâu vào các nội dung về học thuyết chính trị, luật hành chính, hành chính công, phát triển kinh tế – xã hội… được thiết kế dựa vào các nhu cầu khác nhau của công chức ở các cơ quan khác nhau. Tỷ lệ chương trình của các khóa học thường được sắp xếp là 30% cơ bản và 70% chuyên môn. Cấu trúc và thời lượng bài học có thể được sắp xếp gồm 70% bài giảng, 10% thảo luận và trao đổi, 10% điều tra, 5% văn bản và thủ tục, 5% kinh nghiệm thực tiễn. Học viên được cử đi học phải có kỷ luật cao, chí hướng mạnh mẽ, cam kết tốt và công bằng trong cơ hội.

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, cần chú trọng một số nội dung ĐTBD. Từ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và Xinh-ga-po cho thấy, chương trình ĐTBD cần theo sát thực tiễn làm việc tại cơ quan, truyền đạt những kiến thức hành chính căn bản để hoàn thành tốt công vụ; đồng thời, bổ sung những kiến thức trụ cột nhằm tự phát triển và có thể thăng tiến đến những bậc cao hơn, đảm nhiệm những vai trò lớn hơn trong tổ chức và với xã hội. Cụ thể, nên trang bị cho các học viên các nội dung sau:

(1) Kiến thức nền tảng về quản lý nhà nước: Học viên cần được tiếp cận sớm về hệ thống kiến thức chính yếu, mang tính kinh điển và lý luận hiện đại về Nhà nước và pháp luật, công vụ và dịch vụ hành chính công, hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước, văn bản pháp quy…

(2) Kỹ năng trụ cột: Ngoài những kỹ năng như chương trình hiện có, Học viên cần được ĐTBD một số kỹ năng cần thiết để soạn thảo, sử dụng, thẩm định, hoàn thiện các nghiệp vụ hành chính điển hình trong cơ quan, đơn vị (quy trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ chủ chốt, có liên thông giữa các phòng, ban trong tổ chức)

(3) Khả năng trụ cột: Học viên cần được ĐTBD khả năng thực thi công vụ, nghiệp vụ một cách chủ động, năng động và hợp cách (về yêu cầu chuyên môn và đúng pháp lý) trong tình huống bất cập, có các yếu tố biến động, nhằm phục vụ mục tiêu của tổ chức

(4) Phẩm chất trụ cột: Học viên cần được ĐTBD tư tưởng, lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, trên cơ sở hiểu biết rộng về các chủ thuyết quản trị.

Thứ hai, về cấu trúc chương trình và phương pháp giảng dạy. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Xinh-ga-po, chương trình ĐTBD cần được phân bổ thời lượng như sau: 40% nội dung học trên lớp, với danh mục các chuyên đề, bài giảng có tính lý thuyết; 30% kiến tập theo lớp và theo từng nhóm chuyên đề; 20% thực tập theo tình huống quản lý điển hình và đổi mới, gắn với thực tế quá trình làm việc; 10% viết các thu hoạch định kỳ và khóa luận đánh giá kết quả học tập.

Để quá trình ĐTBD phù hợp thực tế và đáp ứng yêu cầu người học, các giảng viên nên áp dụng, kết hợp một cách linh hoạt các phương pháp truyền đạt, giảng dạy, như: nêu nguyên lý trong từng môn học, những định đề áp dụng nguyên lý đó trong môi trường, hoàn cảnh quản lý chuẩn tắc; nêu các tình huống, vấn đề điển hình của thực tiễn quản lý, áp dụng với mô hình thực chứng để gợi ý học viên đưa giải pháp; liên hệ với các cơ quan nhà nước ở địa phương để học viên được thực hành với một số công việc thực tế. Giảng viên cần khuyến khích, gợi mở cho các học viên phản biện về một số chủ đề hoặc chính sách đang trong quá trình đổi mới, đồng thời, chú trọng phát triển khả năng tự nghiên cứu những tài liệu tham khảo, tăng khả năng thuyết trình của học viên. Cuối chương trình đào tạo, nên thiết kế tiếp xúc trao đổi giữa học viên và cán bộ lãnh đạo cấp chính quyền địa phương.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đầu vào của học viên. Để công tác ĐTBD công chức thực sự phát huy hiệu quả, các cơ quan, tổ chức cử người đi học tham gia bồi dưỡng cần phải làm tốt công tác thống kê trình độ, năng lực đã được đào tạo chuyên môn, dự tính quy hoạch nhân sự. Đồng thời, công chức được cử đi học cần được xác định có thái độ tốt về học tập, tính mục tiêu nghề nghiệp, được đánh giá sơ bộ về năng lực công vụ và hiểu biết về nền hành chính công. Cần rà soát, chuẩn hóa các cơ sở ĐTBD về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, chương trình, đội ngũ giảng viên, khả năng liên kết với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Gắn chương trình đào tạo với thực tiễn hoạt động của các cơ quan và nhu cầu đào tạo ở các chuyên môn, lĩnh vực khác nhau, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ và hội nhập quốc tế sau quá trình đào tạo.

Tài liệu tham khảo:
1. Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ở Pháp và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam.http://lyluanchinhtri.vn, ngày 20/12/2017.
2. Đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu cải cách công vụ ở Singapore và những kinh nghiệm có thể vận dụng đối với Việt Nam. https://tcnn.vn,ngày 17/12/2020.
3. Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Liên bang Nga, Trung Quốc và Xin-ga-po.http://www.xaydungdang.org.vn,ngày 28/7/2021.
4. Nghị định số 89/2021/NĐ-CPngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
5. Thông tư số 11/2014/TT-BNVngày 09/10/2044 của Bộ Nội vụquy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính.
6. Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNVngày 09/10/2014 vàThông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng BNội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.
TS.  Nguyễn Tất Thịnh
Học viện Hành chính Quốc gia