Quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp  

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua huyện Sóc Sơn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một nâng cao. Lao động nông thôn đã có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp và có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Những kết quả đạt được phản ánh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Sóc Sơn trong công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Tường Vy
Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

Với 98,59% dân số ở vùng nông thôn, Sóc Sơn có nguồn lao động dồi dào đáp ứng nhu cầu tuyển lao động vào làm việc tại các cụm – khu công nghiệp cận kề. Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và người lao động về vai trò của công tác đào tạo nghề (ĐTN), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn (LĐNT), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội1.

Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng của thành phố, huyện được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời, làm cơ sở cho việc triển khai lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động ĐTN cho LĐNT. Các khâu của quy trình quản lý nhà nước (QLNN) có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT huyện. Thực hiện việc sơ kết, tổng kết đề án ở cấp huyện, cấp xã thường xuyên, đầy đủ. Hằng năm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác ĐTN trên địa bàn. Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp cơ sở dạy nghề nhận rõ những mặt tích cực, đồng thời xác định rõ những khó khăn, hạn chế cần có tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục trong những năm tiếp theo.

Thông qua hoạt động QLNN về ĐTN trên địa bàn huyện, mọi chế độ, chính sách đối với cơ sở ĐTN, với giáo viên, người học nghề đã cơ bản được thực hiện theo quy định. ĐTN bước đầu đã gắn kết với mục tiêu, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (DN), như: nghề may công nghiệp, nghề trồng và chế biến nông sản… đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương và dự kiến tạo việc làm cho số lượng lớn LĐNT trong những năm tới.

Anh Nguyễn Văn Giáp (thôn Đông Thủy, xã Đông Xuân) sau 3 tháng được học nghề trồng cây ăn quả, bước đầu đã có doanh thu vài chục triệu đồng. Ảnh: Thủy Trúc.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, công tác ĐTN cho LĐNT tại huyện Sóc Sơn vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể:

Một, công tác QLNN về ĐTN, chỉ đạo tổ chức thực hiện, quản lý chuyên môn về ĐTN cho LĐNT ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa sự tập trung, điều phối nguồn vốn đầu tư, nhân lực, như: cán bộ, giáo viên trong toàn hệ thống các cơ sở ĐTN hiện nay còn dàn trải, kém hiệu quả.

Hai là, công tác điều tra, khảo sát dự báo nhu cầu học nghề còn thiếu hợp lý, chưa thực sự sát với thực tế, chưa cụ thể theo các tiêu chí, chưa thể hiện rõ độ tin cậy của kết quả điều tra.

Ba là, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện chưa xây dựng được mối quan hệ gắn kết hiệu quả với các DN đóng trên địa bàn đối với việc ĐTN, cung cấp lao động cho DN, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mối liên kết 3 nhà (Nhà trường – Nhà nước – Nhà DN) chưa được củng cố và tăng cường.

Bên cạnh đó, một số Ban Chỉ đạo cấp xã về ĐTN cho LĐNT đã được thành lập nhưng sự phối hợp giữa các các thành viên chưa chặt chẽ và nhịp nhàng; việc triển khai thực hiện Đề án chủ yếu do một đồng chí lãnh đạo UBND xã và cán bộ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trực tiếp phụ trách. Các thành viên trong Ban chỉ đạo chưa chủ động trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương lập, phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT hằng năm. Một số xã chưa đưa chỉ tiêu dạy nghề vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của địa phương, chưa xây dựng kế hoạch dạy nghề hàng năm theo Đề án ĐTN.

Những hạn chế trên là do một số nguyên nhân, như:

Thứ nhất, bộ máy, biên chế công chức thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực ĐTN  thiếu ổn định; trách nhiệm QLNN về ĐTN chưa rõ ràng. Việc phân cấp QLNN về ĐTN cho LĐNT còn chồng chéo giữa các cấp, ngành nên việc chỉ đạo có nội dung còn chưa thống nhất, đồng bộ. Biên chế giáo viên dạy nghề của Trung tâm GDNN – GDTX huyện còn hạn chế, không đủ so với số ngành nghề được phê duyệt và nhu cầu của nghề đào tạo; còn tình trạng “thiếu giáo viên cơ hữu”, trong khi đó mỗi lớp đào tạo cần ít nhất một giáo viên cơ hữu.

Thứ hai, chưa có chính sách khuyến khích để phát triển ĐTN giúp thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực của huyện. Chủ trương phân luồng và định hướng ĐTN chưa được thực hiện một cách khoa học. Cơ sở ĐTN công lập chưa phát huy hết tính năng động và tự chủ của đơn vị. Một số chế độ, chính sách hỗ trợ ĐTN không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học nghề song chậm được thay đổi.

Thứ ba, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ĐTN cho LĐNT chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; cùng với đó là trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp, có tư tưởng trông chờ vào sự bao cấp từ nhà nước. Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về ĐTN cho LĐNT chưa đầy đủ, nhất là về xã hội hóa công tác ĐTN.

Thứ tư, trình độ học vấn của LĐNT còn thấp, phần lớn là lao động lớn tuổi, do đó việc tiếp nhận kiến thức, kỹ năng còn gặp nhiều khó khăn. Tập quán sản xuất, canh tác nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm lâu đời, tâm lý ít muốn thay đổi cũng là trở ngại lớn trong thực hiện dạy nghề cho các đối tượng này. Mặt khác, do đặc điểm sản xuất và làm việc theo mùa vụ, người học nghề vừa tham gia học, vừa phải lao động sản xuất hằng ngày để kiếm sống nên gặp khó khăn khi tham gia học nghề thường xuyên.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

Một là, giải pháp về phổ biến, tuyên truyền chính sách.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong công tác phố biến, tuyên truyền chính sách ĐTN cho LĐNT trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin về ĐTN cho LĐNT. Trung tâm GDNN – GDTX huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện, xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và truyền thông huyện, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tầng lớp xã hội, các DN về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ĐTN cho LĐNT trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, xóm, hoặc tuyên truyền lưu động. Nội dung tuyên truyền cần chính thống, đầy đủ, tập trung vào mục tiêu chính sách, những lợi ích mà chính sách mang lại. Đồng thời, cần tuyên truyền về nhu cầu của xã hội về nghề nghiệp; những yêu cầu tuyển dụng của DN cũng như cơ hội việc làm để các bên liên quan hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm.

Đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, như: đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện, trang fanpage “Sóc Sơn quê mình”… phù hợp với các đối tượng để dễ dàng tiếp cận và thực thi chính sách. Kênh truyền thanh của huyện đến xã nên phát nội dung tuyên truyền về chính sách ĐTN cho LĐNT vào thời gian phù hợp với thời gian người dân sinh hoạt tại địa phương. Đối tượng tuyên truyền tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện; cán bộ chủ chốt của 26 xã, thị trấn; cán bộ của các phòng ban liên quan được phân công phụ trách, trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi chính sách ĐTN cho LĐNT; các DN, cơ sở sản xuất và LĐNT trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tiếp tục tổ chức các hội thảo, đối thoại với DN, tổ chức ngày hội việc làm… từ đó khuyến khích DN chủ động tham gia, đóng góp vào hoạt động ĐTN cho LĐNT ở địa phương.

Hai là, phân công, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm trong thực thi chính sách ĐTN cho LĐNT.

Trong công tác phân công, phối hợp thực hiện, Ban chỉ đạo công tác ĐTN cho LĐNT huyện cần có điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động, trong đó xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, của các bên liên quan trong triển khai thực thi chính sách ĐTN. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn cán bộ, công chức có đủ năng lực trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp để tham gia thực thi chính sách. Điều chỉnh nhiệm vụ của cán bộ, công chức các phòng chuyên môn tham gia công tác quản lý, tránh tình trạng quá tải, chồng chéo nhiệm vụ ảnh hưởng đến chất lượng thực thi chính sách. Tăng cường vai trò của các DN vào quá trình thực thi chính sách ĐTN cho LĐNT. Cần có sự ràng buộc trách nhiệm đối với đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo đảm chất lượng công tác ĐTN. Đề xuất với thành phố, trung ương bổ sung, xây dựng cơ chế, trong đó LĐNT tham gia ĐTN cần được thực hiện đối ứng kinh phí học tập khi được ĐTN ở bậc trung cấp và cao đẳng. Tăng cường phối hợp, liên kết với DN trong việc sắp xếp việc làm, tiêu thụ sản phẩm của LĐNT sau quá trình đào tạo.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện ĐTN cho LĐNT.

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa ĐTN cho LĐNT. Trên cơ sở các văn bản, quy định hiện hành của Nhà nước về ĐTN cho LĐNT, cấp ủy, chính quyền huyện cần nghiên cứu, cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị, tổ chức và tư nhân đầu tư tham gia hoạt động ĐTN cho LĐNT ở địa phương. Tập trung đào tạo những nghề mũi nhọn, trọng điểm và phù hợp với đặc thù lao động ở địa phương, ưu tiên tuyển sinh ở các xã tập trung nhiều hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Tạo mối quan hệ gắn kết giữa DN với Trung tâm dạy nghề, hướng tới đào tạo theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động; đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động ở cả trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng bền vững.

Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức, thị trường để nông dân có thể sản xuất những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hằng năm định kỳ tổng hợp, đánh giá kết quả hoạt động xã hội hóa ĐTN và có những điều chỉnh thích hợp cho từng địa phương và từng giai đoạn; đồng thời đề xuất góp ý chính sách, cơ chế, chế độ ưu đãi của thành phố về khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa trong ĐTN. Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề của Trung tâm GDNN – GDTX huyện, các cơ sở ĐTN nhằm nâng cao chất lượng ĐTN cho LĐNT.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động ĐTN cho LĐNT.

Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác ĐTN cho LĐNT và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động ĐTN từ cấp huyện đến cấp xã bằng các hình thức: kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra công tác tổ chức dạy nghề, quản lý, sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, quy trình tổ chức ĐTN. Thông qua kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động QLNN về ĐTN cho LĐNT. Đặc biệt cần đẩy mạnh sự giám sát của HĐND huyện, xã và các tổ chức đoàn thể xã hội, như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… nhất là sự giám sát trực tiếp của Nhân dân đối với hoạt động ĐTN tại địa phương.

Năm là, gắn công tác ĐTN cho LĐNT với công tác giải quyết việc làm sau đào tạo.

Tăng cường các hình thức hỗ trợ cho LĐNT sau ĐTN. Xây dựng các mối liên kết với các tổ chức, DN, cở sở kinh doanh trên địa bàn huyện, tăng cường thực hiện các ký kết hợp đồng nhận học viên sau khi ĐTN từ hệ thống các DN, cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn huyện. Cần đổi mới và tăng cường hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, tránh ĐTN cho LĐNT một cách tràn lan, đào tạo không phù hợp với nhu cầu của lao động tại địa phương, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học và nhu cầu sử dụng lao động thực sự của các cơ sở sản xuất – kinh doanh, từ nhu cầu phát triển kinh tế của huyện. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch, hội chợ việc làm để người dân có cơ hội tiếp xúc với DN, qua đó tạo cho người dân hướng mở và quyết định chọn lựa chọn nghề đào tạo. Ngoài ra, cần tư vấn, định hướng cho LĐNT chọn đúng nghề thích hợp để học, tạo việc làm ổn định nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng người lao động học xong không có việc làm hoặc không có việc làm phù hợp.

Chú thích:
1. Báo cáo số 390/BC-UBND ngày 19/7/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn về nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ huyện Sóc Sơn. Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 2025. Hà Nội, 2020.
2. Báo cáo số 217/BCUBND ngày 21/6/ 2017 của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn về Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Sóc Sơn từ năm 20102020.
3. Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 12/02/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.
4. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn – Thực trạng và giải pháp. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 21/11/2017.
5. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới. https://tuyengiao.vn, ngày 29/11/2021.
Nguyễn Thị Bền
Học viện Hành chính Quốc gia