Quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hoá với tốc độ cao, do đó, thời gian qua nhu cầu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Quận ngày càng tăng. Điều này đặt ra yêu cầu quận Tân Phú phải tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của người dân.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn quận Tân Phú

Uỷ ban nhân dân (UBND) quận Tân Phú luôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các ngành, UBND các phường quan tâm, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (GCNQSDĐ, QSHNƠ) và tài sản khác gắn liền với đất, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận. Vì vậy, đã có nhiều văn bản được triển khai và chỉ đạo thực hiện, qua đó, việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất của quận Tân Phú ngày càng hoàn thiện và có hiệu quả. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng quan tâm và hỗ trợ cho quận trong công tác cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.

UBND quận đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Các văn bản được ban hành dựa trên sự cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phục vụ cho hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó, để tạo cơ sở cho hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất, quận Tân Phú chú trọng đến việc hoàn thiện bộ máy, nhân sự, đặc biệt là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn quận trong hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho công dân.

UBND quận Tân Phú đã ban hành được quy chế phối hợp giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai của quận và UBND các phường. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng, tạo cơ sở cho sự phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn quận trong hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.

Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng ngày càng được nâng lên. Đa phần các công chức đều có chuyên môn phù hợp với vị trí công tác. Năng lực, trình độ của đội ngũ công chức địa chính xây dựng của các phường đã nâng lên rõ rệt. Đội ngũ này từng bước được chuẩn hoá để đáp ứng yêu cầu công việc thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kịp thời và thường xuyên.

Quy trình cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất của quận Tân Phú ngày càng được hoàn thiện. Quận đã xây dựng và chuẩn hoá quy trình này. Việc niêm yết công khai các quy trình, biểu mẫu hồ sơ tại trụ sở cơ quan và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Việc ứng dụng phần mềm theo dõi và quản lý hồ sơ trong việc tiếp nhận và trả kết quả cho các tổ chức, công dân đã tạo thuận lợi, dễ dàng, công dân có thể tự mình theo dõi tiến độ của hồ sơ.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên liên tục. Các cơ quan nhà nước đã chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Việc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các sai lệch và vi phạm để từ đó đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Việc kiểm tra thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ công chức được chú trọng, nhờ đó đã bảo đảm cho công chức thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình thực thi công vụ. Việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận được chú trọng và đẩy mạnh. Các kiến nghị, phản ánh được xử lý kịp thời, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong Nhân dân.

Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất của quận Tân Phú cũng còn tồn tại những bất cập cơ bản sau đây:

Việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất còn tiến hành chậm, tình trạng trả hồ sơ chậm tiến độ còn diễn ra. Bên cạnh đó, việc giải quyết còn có những sai sót, tình trạng bổ sung hồ sơ trong thực hiện thủ tục về cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất vẫn còn.

Chưa triển khai thực hiện đồng bộ cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho tất cả các loại đất mà chủ yếu tập trung vào một số loại đất chính gây ra tình trạng chậm cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho các loại đất khác. Đặc biệt, chậm thực hiện việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở, nhà hình thành trong tương lai, nhất là nhà chung cư do hầu hết căn hộ đã qua mua bán trao tay, chưa có giấy tờ hợp lệ và được mua đi bán lại nhiều lần mà không làm thủ tục đúng quy định. Vì vậy, việc xét cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất rất khó khăn, đã gây nên sự ách tắc kéo dài.

Việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn quận còn lúng túng; sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với UBND các phường trong công tác cấp GCN có lúc chưa chặt chẽ và đồng bộ; việc rà soát số hộ có nhu cầu cấp giấy trong địa bàn các phường quản lý còn nhiều khó khăn, thiếu tính kế thừa.

Năng lực, trình độ công chức làm công tác này cũng còn những hạn chế nhất định. Một số công chức chưa được chuẩn hoá với vị trí việc làm. Công chức địa chính ở các phường chưa thực hiện tốt việc theo dõi, cập nhật biến động đất đai theo quy định nên công tác quản lý, thống kê còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu chính xác, số liệu báo cáo chốt số từ các phường thường biến động, chưa thực hiện tốt các chỉ đạo từ quận và từ các phòng ban chuyên môn, dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, tạo lập nhà, trong xử lý vi phạm xây dựng, vi phạm pháp luật đất đai và trong công tác tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cấp GCN lần đầu.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý khiếu nại, tố cáo về cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất vẫn chưa phát huy hết vai trò phòng ngừa vi phạm pháp luật. Sự phối hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra là chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó, tình trạng đơn thư phản ánh kiến nghị của người dân còn nhiều, việc tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân còn tiến hành chậm.

Định hướng hoàn thiện hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất

Thứ nhất, việc xác định QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cần bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất toàn bộ đất đai trong phạm vi cả nước bằng hệ thống GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất để thuận lợi, dễ dàng trong công tác quản lý. Mặt khác, nhằm từng bước hiện đại hoá công tác quản lý đất đai, hướng tới việc thay thế toàn bộ các loại giấy tờ tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử để thống nhất quản lý bằng một loại giấy tờ thống nhất GCNQSDĐ.

Thứ hai, hoạt động cấp giấy phải được triển khai đơn giản, thuận lợi, dễ dàng, tránh gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân. Các điều kiện về cấp giấy hay điều kiện càng dễ thì thời gian cấp GCN sẽ nhanh. Tuy nhiên, nếu giảm thiểu các yếu tố cấp GCN sẽ không có cơ sở bảo vệ cho người sử dụng đất và đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước hoặc giản đơn các điều kiện xem xét cấp GCN sẽ dẫn tới sự không chặt chẽ, từ đó ý thức chấp hành pháp luật không cao. Theo đó, cần tiếp tục cải cách toàn diện các thủ tục hành chính về cấp giấy, thay đổi lề lối làm việc, thái độ làm việc của cán bộ khi thực hiện hoạt động này.

Thứ ba, cần phải công khai, minh bạch quy trình, trình tự và thủ tục cấp GCNQSDĐ để người dân được biết, được bàn, được tham gia trực tiếp vào hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Thông qua hoạt động này, người dân được hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó, sẽ có ý thức và trách nhiệm cùng với Nhà nước trong việc thực hiện tốt và có hiệu quả việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.

Trụ sở UBND quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Một số giải pháp cụ thể

Một là, UBND quận Tân Phú cần ban hành văn bản quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan; trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Văn phòng HĐND-UBND quận, UBND các phường cũng như các cơ quan có liên quan. Phòng Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường tham mưu về việc xác định trách nhiệm quyền hạn cho UBND quận. Trách nhiệm quyền hạn cần được quy định cụ thể trong quy trình cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Ngoài quy chế phối hợp do UBND quận Tân Phú ban hành thì các cơ quan có liên quan đến hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn quận Tân Phú cần ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan. Quy chế quy định rõ những nội dung cần phối hợp, cách thức phối hợp cũng như trách nhiệm của các bên. Đặc biệt, các nội dung hiện nay còn vướng mắc trong hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất thì cần được quy định cụ thể và chi tiết.

Hai là, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức bảo đảm về số lượng và chất lượng, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho lực lượng cán bộ địa chính, bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp. Cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về đăng ký, cấp GCNQSDĐ cho công chức địa chính các phường cũng như nắm bắt các nghị định mới về quản lý đất đai để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện các công việc cần thiết, những buổi tập huấn như vậy sẽ tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các công chức, viên chức với nhau. Có thể xem xét luân chuyển cán bộ địa chính giữa các phường để tạo ra sự đồng đều về trình độ giữa các cơ quan. Công chức địa chính phường không được buông lỏng quản lý, ỷ lại trách nhiệm cho phòng. Những phường có trình độ công chức còn yếu kém thì quận cần thường xuyên kiểm tra giám sát, hướng dẫn cụ thể hơn cho họ.

Nâng cao phẩm chất, trách nhiệm của công chức, viên chức. Cần gắn trách nhiệm công vụ của công chức với việc đánh giá, phân loại công chức cuối năm. UBND quận cần tăng cường tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử của công chức, viên chức nói chung và công chức phụ trách công tác GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất nói riêng. UBND quận Tân Phú cần tăng cường công tác kiểm tra hành chính để thiết lập kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Đối với đội ngũ công chức địa chính các phường không được kiêm nhiệm các công việc khác, cần có đủ cán bộ địa chính để thực hiện vai trò quản lý đất đai của cấp mình, nhất là trong công tác cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.

Ba là, về quản lý quy trình, thủ tục GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong quá trình cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Đơn giản hoá thủ tục trong lĩnh vực cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và hệ thống thông tin đất đai. Theo đó, để việc xây dựng hồ sơ địa chính và thông tin đất đai được bảo đảm, hoàn thiện công tác lập hồ sơ địa chính và hệ thống thông tin đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lập hồ sơ địa chính và thông tin về đất đai. Để làm tốt điều này, quận cần tính đến khả năng kết nối đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với xã hội khi thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử ở mức cao hơn.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ quan nhà nước, công chức viên chức trong thực hiện việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh kiến nghị của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận. Xử lý nghiêm minh các cá nhân, cơ quan vi phạm trong quá trình cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.

Với các giải pháp nói trên nếu được thực hiện đồng bộ, chắc chắn việc QLNN đối với hoạt động cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới, góp phần vào việc tăng cường QLNN về đất đai nói chung của địa phương.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc ban hành quy định phối hợp giải quyết thu tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
2. Quyết định số 4114/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện.
3. Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 28/01/2015 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
4. Chỉ thị số 23/CT-CTUBND ngày 23/5/2020 của Chủ tịch UBND quận Tân Phú về tăng cường công tác cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.
5. Quyết định số 706/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND quận Tân Phú về ban hành quy chế phối hợp tạm thời giữa Văn phòng UBND quận, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Phú, UBND 11 phường.
6. Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 28/01/2021 của UBND quận Tân Phú về việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2021.
7. Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 22/6/2021 của Chủ tịch UBND quận Tân Phú về việc tăng cường, kiểm tra xử lý các hành vi lấn chiếm đất công, không gian công cộng, diện tích phần sở hữu chung tại các chung cư.
8. Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 29/6/2021 của UBND quận Tân Phú về việc thành lập đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất.
Dương Phượng Ngân
Trường Cao đẳng Kiến trúc xây dựng TP. Hồ Chí Minh