Quản lý nhà nước về hoạt động của đạo Cao Đài tại tỉnh Bình Thuận

(Quanlynhanuoc.vn) – Đạo Cao Đài là một trong những tôn giáo lớn tại tỉnh Bình Thuận. Trong quá trình phát triển, các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài đã có nhiều đóng góp trong đời sống và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao Đài trên địa bàn đã có được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, còn bộc lộ bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập.
Ngôi thờ Điện Thờ Đức Phật Mẫu Họ Đạo Cao Đài Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ubmttqvn.binhthuan.dcs.vn

Bình Thuận là tỉnh đa tôn giáo, gồm 12 tôn giáo khác nhau, với 386.223 tín đồ (chiếm 31,4% dân số), trong đó đạo Cao Đài là tôn giáo đứng thứ 6 về số lượng tín đồ nhưng ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tâm linh của cư dân.

Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh, hoạt động tuân thủ theo Hiến chương, Đạo quy của Giáo hội và chấp hành pháp luật của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 hệ phái Cao Đài: Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban Chính Đạo và Hội thánh Cao Đài với 3.879 tín đồ, gồm: 42 chức sắc, 257 chức việc, có đại diện cấp tỉnh. Cơ sở thờ tự của các Hệ phái, gồm: “11 Thánh thất, 1 Tổ Nghi lễ và 1 điểm sinh hoạt tôn giáo Cao Đài”1. Các họ đạo Cao Đài tại Bình Thuận nhìn chung hoạt động ổn định, tuân thủ Hiến chương, Đạo quy và pháp luật, gắn bó, đồng hành với dân tộc theo phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”. Các hệ phái đạo Cao Đài ở Bình Thuận luôn động viên tín đồ chăm lo làm ăn, xây dựng cộng đồng nơi cư trú hòa thuận, hỗ trợ lẫn nhau; động viên tín đồ, chức sắc tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động của đạo Cao Đài tại tỉnh Bình Thuận

Quản lý nhà nước (QLNN) về hoạt động của đạo Cao Đài tại tỉnh Bình Thuận dựa trên 3 vấn đề cốt lõi sau: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và triển khai chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) đối với tín đồ, chức sắc đạo Cao Đài và cán bộ, công chức (CBCC) trong hệ thống chính trị; quản lý hoạt động nghi lễ, cơ sở thờ tự và giải quyết nhu cầu sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; QLNN về đất đai, cơ sở thờ tự, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đạo Cao Đài.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và triển khai chính sách về TNTG đối với tín đồ, chức sắc đạo Cao Đài và cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của QLNN về các hoạt động tôn giáo. Hằng năm, Ban Tôn giáo tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tôn giáo cho CBCC của các ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện và các chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo tỉnh đã tổ chức các Hội nghị phổ biến về công tác tôn giáo, như: Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/6/2004 về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài; Thông tư số 01/2013/TT – BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ về ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực TNTG cho hầu hết CBCC cấp huyện, xã và chức sắc, chức việc các tôn giáo, trong đó có nhiều chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài.

Sở Nội vụ tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo của Ban Tôn giáo Chính phủ phổ biến, triển khai, quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản dưới luật liên quan đến TNTG, đạo Cao Đài để nâng cao nhận thức và thực hiện các hoạt động QLNN hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Nội vụ đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho hơn 4.000 lượt CBCC làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo2.

Việc duy trì thường xuyên công tác phổ biến pháp luật về tôn giáo đã tạo cơ hội để các tổ chức, chức sắc, tín đồ các hệ phái đạo Cao Đài nắm rõ được chủ trương, chính sách về các hoạt động tôn giáo, như: xây dựng, nâng cấp cơ sở thờ tự; tổ chức các hoạt động tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự… Từ đó, công tác QLNN về các hoạt động của đạo Cao Đài diễn ra thuận lợi; các hệ phái, chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài có điều kiện tham gia các hoạt động tôn giáo đầy đủ, nâng cao hiệu quả công tác QLNN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo sự đồng thuận giữa các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài với chính quyền các địa phương trong thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

QLNN về hoạt động nghi lễ, giải quyết nhu cầu sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tự do TNTG của các hệ phái đạo Cao Đài và nhân dân, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với đạo Cao Đài trên địa bàn qua công tác QLNN về hoạt động, như: phong phẩm, bổ nhiệm, suy cử và thuyên chuyển chức sắc, chức việc; hướng dẫn hoạt động giáo dục, đào tạo, mở lớp bồi dưỡng giáo lý đạo hạnh; đăng ký danh mục hoạt động tôn giáo và hoạt động hành chính của đạo.

Hằng năm, Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức tôn giáo, trong đó có các hệ phái đạo Cao Đài đăng ký chương trình, hoạt động tôn giáo với chính quyền cơ sở; hướng dẫn các hệ phái đạo Cao Đài những thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các hệ phái này hoạt động TNTG. Nhờ vậy, các họ đạo, hệ phái đạo Cao Đài được chính quyền các cấp tạo điều kiện hoạt động thuận lợi, nhất là tổ chức các hoạt động lễ nghi, từ Đại hội Nhơn sanh trang trọng toàn phái nhiệm kỳ 2015 – 2020 (lần thứ IV) đến việc tổ chức các lớp giáo lý hạnh đường đều diễn ra đúng kế hoạch, quy định của các hệ phái. Về công tác phong chức, phong phẩm, trong 20 năm qua, các họ đạo Cao Đài đã đề nghị và được sự đồng thuận của chính quyền các cấp phong chức cho 9 trường hợp, phong phẩm 6 trường hợp, bổ nhiệm 7 trường hợp, thuyên chuyển 7 trường hợp, bãi nhiệm 2 trường hợp3.

Ban Tôn giáo tỉnh thường xuyên quan tâm, xây dựng mối quan hệ với các chức sắc, chức việc và tín đồ các hệ phái đạo Cao Đài qua việc tổ chức gặp mặt, thăm hỏi vào các ngày lễ lớn, như: Lễ tưởng niệm ngày khai đạo Cao Đài, Lễ Thượng Ngươn, Lễ vía Đức Chí tôn… Qua đó, động viên các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài phát huy tinh thần yêu nước, thực hành phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”. Một mặt, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TNTG và sự nghiệp đổi mới của đất nước; mặt khác, nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các hệ phái, góp phần lan tỏa, nâng cao đời sống văn hóa, tâm linh của đạo Cao Đài.

QLNN về đất đai, cơ sở thờ tự, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đạo Cao Đài

Để tạo điều kiện cho các hệ phái đạo Cao Đài có được các cơ sở thờ tự đáp ứng nhu cầu hành đạo của tín đồ, chính quyền các cấp thường xuyên tạo điều kiện, hướng dẫn các chức sắc hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tổng số đất của các họ đạo Cao Đài đang sử dụng là 35.986,9m2, trong đó có 25.598,2m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm 71.1%)4.

Ban Tôn giáo tỉnh Bình Thuận cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, tham mưu cho UBND tỉnh và chính quyền các cấp giải quyết các đơn thư, khiếu nại liên quan đến nhà, đất có nguồn gốc của đạo Cao Đài cũng như các vấn đề liên quan đến các hệ phái đạo Cao Đài một cách kịp thời, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Những hạn chế trong công tác QLNN về hoạt động của đạo Cao Đài tại tỉnh Bình Thuận

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác QLNN về các hoạt động của đạo Cao Đài tại Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế sau:

Một là, đội ngũ làm công tác QLNN về các hoạt động tôn giáo ở cơ sở và cấp huyện còn thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ, thường xuyên phải luân chuyển nên thiếu kinh nghiệm, ngại tiếp xúc, đối thoại với các chức sắc, chức việc. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình cơ sở thiếu kịp thời; việc tham mưu, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo còn lúng túng, bị động.

Hai là, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến các hoạt động tôn giáo, đạo Cao Đài còn thiếu đồng bộ. Một số vụ việc liên quan đến nhà, đất, cơ sở thờ tự… chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là việc giao đất làm nơi thờ tự cho các hệ phái đạo Cao Đài; một số hoạt động từ thiện, nhân đạo… của các tổ chức đạo Cao Đài chưa được hướng dẫn, quản lý có hiệu quả.

Ba là, công tác QLNN ở một vài địa bàn về các hoạt động tôn giáo, đạo Cao Đài chưa được sâu sát; chưa tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa chính quyền với chức sắc, tín đồ các hệ phái đạo Cao Đài. Nhiều nơi còn xảy ra vi phạm pháp luật về xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, tổ chức điểm sinh hoạt… nhưng chưa có biện pháp xử lý, làm giảm hiệu lực của pháp luật trong đời sống xã hội. Một số ngành, địa phương thiếu nhất quán, chậm phối hợp trong trả lời một số vấn đề liên quan đến đạo Cao Đài, làm cản trở việc tham mưu, trình cấp thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Bốn là, đa số các chức sắc, chức việc đạo Cao Đài tại địa phương là người lớn tuổi nên việc triển khai các hoạt động tôn giáo liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG và các hoạt động liên quan đến các mặt đời sống xã hội còn chậm. Tư tưởng phân ly giữa các hệ phái đạo Cao Đài cùng những tác động của các thế lực xấu dễ tạo ra những bất ổn trong một số họ đạo, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả QLNN về lĩnh vực tôn giáo.

Nguyên nhân cơ bản của hạn chế nêu trên là do công tác QLNN về các hoạt động tôn giáo, đạo Cao Đài là lĩnh vực tổng hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt của đời sống xã hội; hoạt động tôn giáo liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành trong bộ máy nhà nước… nhưng trong thực tế, sự phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như thẩm quyền giữa Ban Tôn giáo tỉnh với UBND huyện, thị, thành phố chưa được rõ ràng. Điều này, dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo, vừa buông lỏng và thả nổi trong quản lý.

Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tôn giáo cho tín đồ, chức sắc đạo Cao Đài chưa thường xuyên. Vì vậy, nhận thức của một bộ phận CBCC về đạo Cao Đài chưa đầy đủ, chưa xem tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài, đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Một bộ phận CBCC không cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TNTG, đạo Cao Đài nên thường lúng túng, kém hiệu quả trong xử lý công việc.

CBCC thực hiện công tác QLNN về tôn giáo ở cơ sở thường xuyên biến động, thiếu cán bộ chuyên trách; kiến thức, chuyên môn về tôn giáo, về đạo Cao Đài còn thiếu và yếu; hằng năm, CBCC ít được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ… dẫn đến tình trạng CBCC giải quyết công việc liên quan đến TNTG còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với các hoạt động tôn giáo, đạo Cao Đài.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, lý luận về tôn giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ cho CBCC và các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong thực thi công tác tôn giáo. Trước hết cần xây dựng, thiết kế các chương trình và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC cụ thể, như: yêu cầu cơ bản về nghiệp vụ quản lý, kiến thức và pháp luật về tôn giáo, QLNN về các hoạt động tôn giáo… Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đội ngũ làm công tác tôn giáo. Quy hoạch CBCC gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng theo 3 cấp: công chức làm công tác tôn giáo ở cấp xã, phường; cấp huyện, thị, thành phố; cấp tỉnh. Trong đó, đội ngũ CBCC cấp tỉnh phải có chuyên môn sâu về tôn giáo, đạo Cao Đài, có hiểu biết và trình độ về luật pháp đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đối với lĩnh vực đặc biệt này.

Thứ ba, đổi mới chính sách phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn tôn giáo. Bình Thuận cần có kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… góp phần giúp đồng bào giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhằm ổn định cuộc sống. Củng cố các mối quan hệ trong cộng đồng các tôn giáo và giữa các tôn giáo với toàn thể xã hội; thực hiện đoàn kết toàn dân nhằm bảo vệ an ninh – quốc phòng; đấu tranh chống các hoạt động mê tín, dị đoan và truyền đạo trái pháp luật.

Bình Thuận là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, các hệ phái đạo Cao Đài trên địa bàn có số lượng tín đồ lớn, gắn bó, đồng hành với dân tộc. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả QLNN về hoạt động của đạo Cao Đài trên địa bàn tỉnh là một việc làm quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu tự do TNTG của người dân và ổn định xã hội. Vấn đề đặt ra là không ngừng xây dựng, tổ chức bộ máy QLNN về các hoạt động tôn giáo, đạo Cao Đài có hiệu lực, hiệu quả để các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do TNTG được lan tỏa, đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo tổng kết công tác quản lý nhà nước và 5 năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Cao Đài tại Bình Thuận của Ban Tôn giáo tỉnh Bình Thuận năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB. Chính trị Quốc gia, 2020.
2. Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/6/2004 về tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
4. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
5. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cườngcông tác tôn giáo trong tình hình mới.
6. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa IX về công tác tôn giáo.
7. Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ về ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
8. Nguyễn Đức Lữ. Tôn giáo với dân tộc và chủ nghĩa xã hội. H. NXB. Chính trị Quốc gia, 2013.
Phạm Văn Nam 
NCS của Học viện Hành chính Quốc gia