(Quanlynhanuoc.vn) – Tối 27/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự Cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu trên cả nước.
Chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) được tổ chức với 6 điểm cầu, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định và An Giang.
Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng…
Tham dự chương trình tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Thủ tướng Phạm Minh Chính; đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh…
Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng…
Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Bình Định có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Cùng dự có các đồng chí: Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương…
Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực. Cùng dự có đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng…
Tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh An Giang có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương…
Tham dự tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, đại diện lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nơi tổ chức điểm cầu.
Được thực hiện với 3 chương: “Những dấu chân hòa bình”, “Bài ca không quên” và “Khát vọng hòa bình”, cầu truyền hình trực tiếp mang đến những hình ảnh ấn tượng, nhiều cảm xúc và những câu chuyện xúc động về những thương binh, liệt sĩ, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân của những người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Những dấu chân hòa bình
Từ đầu cầu Hà Nội, trong không gian linh thiêng của Tượng đài Bắc Sơn, “Những dấu chân hòa bình” được mở đầu bằng hình ảnh của cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972 trong giai điệu của các ca khúc: Lá xanh (Sáng tác: Hoàng Việt), Gửi anh đi đầu quân (Sáng tác: Nguyễn Đình Phúc), Hát mãi khúc quân hành (Sáng tác: Diệp Minh Tuyền). Đó là những ca khúc đi cùng năm tháng của một thời “hoa lửa” ngập tràn tinh thần xung phong của bao thế hệ học viên, sinh viên Thủ đô xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Một phóng sự ngắn mang tên Tuổi 20 giữa bão lửa đã mang tới cho khán giả cái nhìn rõ nét hơn về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của lớp lớp thanh niên, sinh viên Việt Nam trong giai đoạn 1970-1972. Chỉ tính riêng trong giai đoạn này, hàng nghìn sinh viên đã lên đường nhập ngũ, tham gia vào các chiến trường khốc liệt nhất, những tọa độ lửa đầy đạn bom. Những câu chuyện về Tuổi 20 giữa bão lửa đầy xúc cảm được tái hiện qua liên khúc Kỷ niệm của tôi và Thời hoa đỏ.
“Những dấu chân hòa bình” xuôi về mảnh đất Quảng Nam. Trong không gian cảm xúc Thời hoa lửa, những câu thơ của nhà thơ Giang Nam vang lên như tiếng vọng của quá khứ. Kết nối với cảm xúc thiêng liêng ấy, giai điệu Vết chân tròn trên cát (Sáng tác: Trần Tiến) giúp người xem cảm nhận rõ hơn về những ngày tháng thanh xuân của bao người con đất Quảng cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Âm thanh hào hùng hòa cùng tiếng sóng biển dạt dào của bài hát Tổ quốc gọi tên mình ở đầu cầu Bình Định tái hiện hình ảnh những con tàu không số cập bến, viết lên thiên anh hùng ca về người lính hy sinh, vùi thân theo tàu để bảo vệ tuyến đường không số huyền thoại.
Chương I khép lại với những vòng hoa trắng được đặt trên khắp các điểm cầu – vòng hoa tri ân của thế hệ hôm nay dành cho các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để gìn giữ “dấu chân hòa bình” hôm nay.
Bài ca không quên
Chương 2 “Bài ca không quên” được mở đầu bằng những hình ảnh hào hùng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên (Hà Giang). Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử, các anh trở thành những thành lũy tuổi 20 tại địa đầu Tổ quốc. Câu chuyện về những người lính Vị Xuyên khép lại cũng là lúc âm thanh ca khúc Lũy đá bất tử vang lên, trong nước mắt của nhiều đại biểu, khán giả.
Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, chương trình mang tới cho người xem 2 câu chuyện về những người thân đi tìm liệt sĩ. Đó là câu chuyện của bà Đinh Thị Minh – người sinh ra đã không được thấy mặt cha. Ký ức về cha trong bà chỉ là ngày gia đình nhận được giấy báo tử. Hàng chục năm sau, bà mới “tìm thấy” cha mình tại nghĩa trang Kon Tum.
Cũng tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đã phải lặng đi khi đại diện đội K53 trao lại kỷ vật một chiếc cặp tóc không rỉ cho thân nhân liệt sĩ Đỗ Văn Bân. Sự hội ngộ của quá khứ và hiện tại, sợi dây gắn kết linh thiêng của tình máu mủ… đã khiến cho người đàn ông xuất hiện trên sân khấu không sao kìm được nước mắt.
Tại điểm cầu An Giang, phóng sự về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam cùng hành trình 20 năm đi tìm đồng đội của Đại tá Huỳnh Trí cùng đội K93 cũng gây xúc động mạnh mẽ. Những hình ảnh nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (An Giang) khép lại là lúc giai điệu Bài ca không quên (Sáng tác: Phạm Minh Tuấn) vang lên đầy lắng đọng qua sự thể hiện của NSND Tạ Minh Tâm ở điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Khát vọng hòa bình
Những giai điệu của Đất nước tình yêu (Sáng tác: Lê Giang) tại điểm cầu An Giang mở ra một không gian của hiện tại và tương lai tươi sáng sau cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Hiện tại và tương lai là hình ảnh những người trẻ đương thời dốc sức, đồng lòng cống hiến cho mảnh đất quê hương, bảo vệ và phát triển những giá trị thiêng liêng mà cha anh để lại.
Tiếp đó, phóng sự đặc biệt về những cựu chiến binh trở về với hòa bình, mang theo tinh thần lạc quan, chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang những trang sử mới: trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Bên cạnh đó, là những thế hệ trẻ – những người đang viết tiếp bài ca không quên bằng nhiệt huyết, tài năng và trái tim quả cảm của mình. Họ là những hiệp sĩ đường phố sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của xã hội, là người lính luôn phải đối mặt với hiểm nguy ngay trong thời bình.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?…” là câu hát trong bài Một đời người, một rừng cây (Sáng tác: Trần Long Ẩn) đã thành tâm niệm sống của bao thế hệ trẻ Việt Nam dù trong bất kỳ thời điểm nào. Những giai điệu của bài hát vang lên tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh truyền đi thông điệp rằng ở thời bình, toàn quân, toàn dân vẫn luôn cùng nhau cống hiến sức lực, trí tuệ, tận tâm, tận lực cho sự bình yên, phát triển của Tổ quốc.
Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” kết thúc bằng hợp xướng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Thơ: Tố Hữu, Nhạc: Nguyễn Văn Thương) gửi tới thông điệp: Đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình.