Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh có vị trí, điều kiện khá thuận lợi để phát triển kinh tế đa dạng, bao gồm kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch biển, du lịch sinh thái, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng nông thôn mới hiện nay đang là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn huyện. Bằng quyết tâm chính trị cao, phát huy tiềm năng lợi thế, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, do đó kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm mô hình trang trại tại các xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Huyện Cẩm Xuyên chính thức được công nhận về đích nông thôn mới năm 2021

Huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh có 23 đơn vị hành chính, 21 xã, 2 thị trấn, 223 thôn, tổ dân phố; diện tích đất tự nhiên gần 64 ha; dân số hơn 148 nghìn người. Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện ban đầu gặp không ít khó khăn do số xã đạt tiêu chí, tiêu chuẩn thấp, hạ tầng yếu kém… Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và của Nhân dân, đến nay cơ sở hạ tầng được đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13%/năm; thu ngân sách toàn huyện đạt 520 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 26%, trong đó, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn 42%, phát triển mạnh về chăn nuôi trang trại, có 34 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 500 con/lứa. Từng bước sản xuất theo hướng an toàn, đạt chuẩn hữu cơ, Vieet Gap. Kinh tế vườn phát triển khá mạnh, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung.

Những năm gần đây, huyện đã tập trung chỉ đạo phá bờ thửa nhỏ thành ô thửa lớn, thực hiện thí điểm chuyển đổi ruộng đất lần thứ 3, với diện tích khoảng 2.500 ha, sau chuyển đổi đã áp dụng đồng nhất giống, quy trình kỹ thuật để sản xuất cánh đồng lớn. Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản phát triển khá mạnh. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhờ vậy toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn.

Đến tháng 6/2020, huyện Cẩm Xuyên có 25/25 xã đạt chuẩn (đạt 100%). Sau khi đạt chuẩn, các xã đều nâng cấp mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, đáp ứng theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016 – 2020. 9/9 tiêu chí cấp huyện đã được các sở, ngành thẩm tra, đánh giá đạt chuẩn theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ mặt nông thôn Cẩm Xuyên có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hiện đại, 100% tuyến đường huyện, trục xã, liên xã đạt chuẩn. Các tuyến trục thôn, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa với tỉ lệ đạt chuẩn trên 90%, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Đặc biệt, tiêu chí số 20 về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở huyện Cẩm Xuyên đã trở thành mô hình thăm quan, học tập và nhân rộng trên cả nước.

Kết quả lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn về kết quả chung xây dựng NTM của huyện đạt 98,8%. Nhờ vậy, huyện đã huy động Nhân dân đóng góp được 713,195 tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động; vận động Nhân dân hiến trên 953.459mđất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Cẩm Xuyên trở thành huyện dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng đồng bộ hệ thống đường giao thông.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đến xây dựng đời sống tinh thần cho người dân, tạo cảnh quan môi trường công cộng với hệ thống hàng rào xanh, hoa tươi dọc các trục đường chính, liên thôn, liên xã. Phong trào “trồng hoa làm đẹp ngõ, xóm” thu hút đủ mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tự giác tham gia.

Huyện Cẩm Xuyên chính thức được công nhận về đích nông thôn mới năm 2021.

Huyện cũng đã bê tông hóa, nhựa hóa được 1.051km đường giao thông, trong đó, 100% tuyến đường liên xã, trục xã đã được thảm nhựa và bê tông, 91% đường trục thôn đạt chuẩn và 88% đường ngõ xóm được bê tông hóa, bảo đảm chiều rộng nền đường tối thiểu 5m, mặt đường 3m. Hơn 90% kênh mương nội đồng được kiên cố hóa (tăng gấp đôi so với năm 2011). Hệ thống giao thông được xây dựng đồng bộ đã góp phần quan trọng kết nối vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Từ một huyện còn nhiều khó khăn, xây dựng NTM ở huyện Cẩm Xuyên đã có nhiều bước tiến vững chắc, thực chất với giá trị sản xuất năm 2020 đạt 9.712 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với năm 2010; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng với giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ 60,83%; nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 39,17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41,31 triệu đồng/năm, tăng 2,75 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,41%, thấp hơn so với bình quân của tỉnh, giảm 10,36% so với năm 2010. Thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 7,1 lần so với năm 2010. Tổng đầu tư toàn xã hội năm 2020 đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với 2010.

Yêu cầu về chất lượng đội ngũ công chức cấp xã tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị và người dân quan tâm, ủng hộ. Đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, tổ chức thực hiện từ Trung ương xuống đến xã ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được hình thành có tính hệ thống và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Hầu hết các xã thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, bước đầu đã tạo cho diện mạo NTM tại huyện Cẩm Xuyên ngày càng giàu đẹp. Kết quả đạt được là nhờ chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã ở huyện Cẩm Xuyên cũng đã dần đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM như: CBCC phát triển cả về số lượng và chất lượng; bảo đảm cơ cấu phù hợp giữa chức danh chuyên trách và công chức chuyên môn; CBCC nữ; cán bộ trẻ và cán bộ có kinh nghiệm trong phong trào xây dựng NTM.

Nông thôn mới tại huyện Cẩm Xuyên ngày càng giàu đẹp là nhờ chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã ở huyện Cẩm Xuyên cũng đã dần đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Một số mặt còn hạn chế xuất phát từ yêu cầu cao đối với đội ngũ CBCC cấp xã trong tiến trình xây dựng NTM đòi hỏi các địa phương trong huyện cần khắc phục, như:

(1) Đặc thù của công tác quản lý nhà nước ở cấp xã, công việc nhiều nhưng số lượng người có hạn nên thực tế, CBCC cấp xã không chỉ thực hiện các nhiệm vụ được quy định cụ thể, mà phải làm tất cả các công việc được chủ tịch UBND cấp xã giao và nhiều việc trong số đó không thuộc lĩnh vực chuyên môn được đào tạo và chưa bao giờ phải làm. Đối tượng phục vụ của CBCC cấp xã chủ yếu là người dân ở địa phương, một phần trong số đó còn có những hạn chế nhất định về nhận thức và tư duy; một bộ phận nhỏ có quan hệ họ hàng, làng xóm, do vậy sẽ rất khó khi giải quyết công việc nếu chỉ dựa trên những quy định của luật pháp một cách cứng nhắc. Điều này đòi hỏi, CBCC cấp xã ngoài kiến thức, kỹ năng, thái độ liên quan đến chuyên môn trực tiếp, cần phải có các kỹ năng khác như kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng hòa giải và kỹ năng thuyết phục…

(2) Khối lượng công việc của đơn vị ngày càng tăng, biên chế lại thiếu nên việc tổ chức học tập hoặc cử công chức tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn, nhất là bố trí cho công chức nghỉ việc để tham gia ĐTBD tập trung dài ngày (từ 3 đến 6 tháng). Chủ yếu vẫn là hình thức vừa học, vừa làm hoặc học ngoài giờ hành chính nên chất lượng học tập không cao. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ ĐTBD CBCC hiện nay chưa thật sự khuyến khích người học trong việc tự ĐTBD, đặc biệt là những CBCC đang công tác tại các địa phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

(3) Công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch về ĐTBD đội ngũ CBCC tại một số địa phương chưa hiệu quả, do vậy chưa lựa chọn được những CBCC đủ đức, đủ tài đảm nhận các chức vụ, vị trí lãnh đạo, đặc biệt công tác ĐTBD đội ngũ CBCC kế cận còn nhiều hạn chế.

(4) Cơ sở vật chất mặc dù đã từng bước được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ĐTBD trong tình hình mới.Ý thức tự học, tự ĐTBD của một số CBCC cấp xã chưa cao. Nội dung, chương trình ĐTBD chậm đổi mới, chưa phù hợp với các đối tượng, vùng miền. Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng bố trí sử dụng, sắp xếp CBCC cấp xã không đúng chuyên môn đào tạo.

(5) Ở các địa bàn khó khăn hiện nay còn thiếu các chính sách, biện pháp tạo động lực cho đội ngũ CBCC yên tâm công tác, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chất lượng của công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và thu hút được công chức có trình độ chuyên môn cao về làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước. Ở một số địa phương vùng miền núi, biên giới và hải đảo trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người dân tộc học hết trung học phổ thông còn ít. Do đó, khi tổ chức thực hiện ĐTBD và đưa đội ngũ CBCC cấp xã đi ĐTBD theo hình thức tập trung gặp rất nhiều khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân về khách quan cũng như chủ quan đã tạo ra những tồn tại và hạn chế. Đó là:

Thứ nhất, công tác quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở một số địa phương thiếu nghiêm túc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo CBCC cấp xã chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời.

Thứ hai, các quy định của pháp luật về ĐTBD CBCC cấp xã chưa hợp lý, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về trình độ lý luận chính trị và kiến thức, chứng chỉ về quản lý hành chính nhà nước cụ thể đối với các chức danh.

Thứ ba, một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị (nhất là các xã) thường xuyên thay đổi (do chuyển công tác) nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.

Thứ tư, một số cơ sở giáo dục chỉ quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất mà không quan tâm đến việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và kết quả ĐTBD chuyên môn nghiệp vụ cho học viên. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập, có nơi phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính trị.

Thứ năm, nguồn kinh phí ngân sách địa phương cấp cho công tác ĐTBD CBCC cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn ngân sách trung ương cấp hàng năm quá chậm, vì vậy việc tổ chức ĐTBD chủ yếu tập trung vào thời gian cuối năm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới

Một làchú trọng nguồn lực xã hội hóa; xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng nông thôn; động viên con em Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc hưởng ứng phong trào xây dựng NTM của quê hương.

Hai là, tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tổng hợp ở nông thôn. Ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế, nhất là các loại cây ăn quả, hải sản chế biến, các sản phẩm OCOP, trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã. Quan tâm phát triển công nghiệp chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới; khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn với thương mại, dịch vụ ở nông thôn.

Ba làphát triển toàn diện, đồng bộ các tiêu chí NTM cấp tỉnh, huyện và xã, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Ngoài việc ưu tiên hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục; bảo vệ môi trường sinh thái xanh – sạch – đẹp – an toàn; xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, văn hóa ứng xử nông thôn; tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư; khơi dậy, phát triển các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.

Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, bảo đảm thống nhất về nhận thức, chủ trương và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, tránh hình thức. Mạnh dạn điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với xây dựng NTM, ưu tiên những địa bàn khó khăn; đồng thời phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân.

Năm làtiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển nguồn nhân lực đang triển khai, nhất là trong bố trí sử dụng, bồi dưỡng. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cả lượng và chất đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nhân tài có chọn lọc, phục vụ yêu cầu phát triển của huyện. Duy trì tổ chức các lớp đào tạo chính trị, ĐTBD chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng, an ninh. Chú trọng đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ xã.

Sáu là, trong các tiêu chí xây dựng NTM, cần xác định ưu tiên, có bước đi và lộ trình để thực hiện. Trong đó, công tác quy hoạch NTM phải đi trước một bước. Những tiêu chí về phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động là yêu cầu cốt lõi và cũng là những tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi phải tìm giải pháp tối ưu để thực hiện.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
2. Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
3. Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh khoá XVI và XVI.
4. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 19/8/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh (khoá XVI) đã ban hành Nghị quyết về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn.
5. Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành và Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 16/12/2017 HĐND tỉnh ban hành chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2021 và định hướng những năm tiếp theo.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai
Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường