Nguyên tắc bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Lợi ích kinh tế theo nghĩa rộng được hiểu là một phạm trù kinh tế khách quan, được quy định bởi hệ thống các quan hệ kinh tế nhất định và biểu hiện mối quan hệ lẫn nhau giữa các chủ thể trong việc giải quyết nhu cầu của chính mình. Xét ở nghĩa hẹp, lợi ích kinh tế có thể là những “lợi ích vật chất, lợi ích thu được khi thực hiện các hoạt động kinh tế của con người”1. Cụ thể hơn, đó là khoản thu nhập, những điều kiện nhất định được quyết định bởi các quan hệ kinh tế nhằm bảo đảm cho các chủ thể giải quyết nhu cầu sống, hoạt động và phát triển. Bảo đảm lợi ích cho người lao động là nguyên tắc quan trọng, bắt buộc trong các khu công nghiệp hiện nay.
TP. Hà Nội hiện có 9 KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động với diện tích 1.264 ha.
Thực trạng hoạt động bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội

Tại các khu công nghiệp (KCN) nói chung, lợi ích kinh tế của người lao động luôn là chủ đề được quan tâm nhiều nhất, thậm chí còn được coi là một trong những vấn đề sống còn của sản xuất và đời sống của người lao động cũng như của mỗi doanh nghiệp (DN). Lợi ích kinh tế là sự thể hiện của mối quan hệ giữa người lao động với các chủ thể khác trong hoạt động của các DN. Đồng thời, đó cũng là các khoản thu nhập và những điều kiện vật chất cơ bản mà người lao động nhận được để bảo đảm nhu cầu kinh tế của bản thân, và đó cũng là động lực chính thúc đẩy người lao động tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN.

Với bản thân mỗi cá nhân người lao động, lợi ích kinh tế cơ bản nhất mà họ hướng đến là thu nhập, điều kiện bảo đảm cho họ tồn tại trước hết. Khi thu nhập được bảo đảm, người lao động sẽ tích cực hoạt động, sáng tạo để tạo ra các giá trị ngày càng cao cho DN, cho khách hàng và cộng đồng nói chung. Và như thế, nó không chỉ là cơ sở cho sự tồn tại của cá nhân người lao động, cho mỗi DN mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội nói chung.

Ngoài ra, lợi ích kinh tế còn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, duy trì các mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể SXKD. Lợi ích kinh tế là điều kiện thiết thực nhất để gắn kết từng cá nhân, từng chủ thể lao động cụ thể trong hoạt động SXKD. Khi lợi ích cá nhân trong các DN được bảo đảm, sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ kích thích người lao động phát huy tính sáng tạo, sáng kiến, cải tiến sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động…

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng đó của lợi ích kinh tế đối với người lao động nói riêng và với các DN và xã hội nói chung, trong những năm qua, các cấp, các ngành ở trung ương và TP. Hà Nội đã luôn chú trọng quan tâm tới việc chỉ đạo các DN trên địa bàn bảo đảm các chính sách, lợi ích kinh tế của người lao động tại các KCN trên địa bàn TP. Hà Nội.

TP. Hà Nội hiện có 9 KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động với diện tích 1.264 ha, thu hút 700 dự án đầu tư thứ phát, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký trên 6,43 tỷ USD và 397 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 18.000 tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các KCN và chế xuất Hà Nội là 164.957 người, trong đó lao động nước ngoài là 1.100 người, với thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam từ 5 triệu đến trên 5,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 326 công đoàn cơ sở với 147.770 lao động, trong đó đoàn viên là 137.772 người2.

Trong những năm gần đây, công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội đã chú trọng tới việc bảo đảm lợi ích kinh tế nói riêng và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động thông qua nhiều mặt hoạt động, cụ thể:

Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai hướng dẫn chế độ chính sách đối với người lao động.

Thực hiện các chủ đề của năm như: “Phúc lợi đoàn viên công đoàn”, “Năm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và TP. Hà Nội phát động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố và Đảng ủy các KCN và chế xuất Hà Nội, Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, như: tích cực tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động, đóng góp sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động. Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, thương lượng, ký kết mới 88 bản thỏa ước lao động tập thể và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể đạt 58,8%. Phối hợp giải quyết 2 vụ ngừng việc tập thể của công nhân lao động Công ty TNHH Hicel Vina và Công ty TNHH ELK Vina. Nguyên nhân do công ty không thực hiện thưởng tết theo thỏa thuận trong thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và công ty nợ lương, nợ tiền BHXH của người lao động.

Cùng với đó, phối hợp với Ban quản lý chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại theo quy định, kết quả tổ chức hội nghị cán bộ, công chức (đạt 100%), hội nghị người lao động (đạt 52,9%), hội nghị đối thoại (đạt 86%), góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở tiêu biểu như Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, Công ty TNHH Daiwa Plastic Thăng Long, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, Công ty TNHH Sato… Ngoài ra, còn tư vấn hơn 2.000 cuộc qua điện thoại cho công đoàn cơ sở và công nhân, viên chức, lao động về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, BHXH, BHYT và giao kết và chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), đặc biệt về tiền lương, tiền thưởng Tết…3

Thứ hai, hỗ trợ hoàn thiện về chính sách tiền lương và thưởng.

Thực hiện sự chỉ đạo của công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức đàm phán, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về tiền lương, tiền thưởng tết năm 2022. Theo đó, đã đạt được nhũng kết quả tích cực đối với người lao động, cụ thể: Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam tăng lương 6%; Công ty TNHH NCI Việt Nam tăng lương 5%; Công ty TNHH Toto Việt Nam tăng lương: 3,7%… Một số công ty tăng 100.000đ/người/tháng và một số công ty giữ nguyên mức tiền lương như năm 20214.

Theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở, năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức thưởng Tết cho công nhân lao động nhìn chung thấp hơn năm 2021, cụ thể: Công ty TNHH Toto Việt Nam thưởng Tết: 1,7 tháng lương và 2 triệu; Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam: 1,42 tháng lương thực lĩnh; Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long, Công ty TNHH NCI Việt Nam, Công ty TNHH Elentec Việt Nam thưởng Tết 1,2 tháng lương… Một số DN gặp khó khăn trong SXKD nên thưởng Tết cho công nhân lao động chỉ ở mức 0,4 và 0,5 tháng lương cơ bản. Mức thưởng Tết bình quân là 1 tháng lương khoảng 6 triệu đồng5.

Thứ ba, tổ chức cho công nhân lao động về quê đón Tết.

Liên đoàn lao động thành phố đã hỗ trợ 1.200 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để làm tốt công tác phòng, chống dịch, Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ tiền vé xe ô tô cho 1.000 công nhân lao động, đồng thời tổ chức xe ô tô cho 200 công nhân lao động về quê đón Tết. Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội hỗ trợ tiền vé xe ô tô cho 615 đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền là 275.900.000 đồng6. Một số công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức xe ôtô đưa, đón công nhân lao động, như: Công ty TNHH Hoya Việt Nam: 96 chuyến xe, Công ty TNHH hệ thống dây Sumi Hanel Việt Nam: 31 chuyến xe, DN chế xuất Nitori Việt Nam: 9 chuyến xe…7

Thứ tư, trao hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động.

Việc bảo đảm lợi ích kinh tế cho người lao động còn được Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội thực hiện thông qua việc tổ chức trao 2.300 suất quà của Liên đoàn Lao động thành phố, mỗi suất 1 triệu đồng với tổng số tiền là 2.3 tỷ đồng. Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội trao 2.005 suất quà, mỗi suất 500.000đ với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng8. Ngoài ra, Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội còn triển khai thực hiện các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn lao động Thành phố về thực hiện chế độ chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán và hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội đã chi hỗ trợ cho 4.539 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 với số tiền là 4.285.500.000 đồng9.

Mặc dù các cơ quan hữu quan đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm về mặt chính sách liên quan đến lợi ích kinh tế cho người lao động tại các KCN, tuy vậy, vấn đề lợi ích kinh tế là vấn đề lớn, chịu sự tác động trực tiếp của nhiều chủ thể, đặc biệt là từ phía các đơn vị trực tiếp sử dụng lao động nên không phải lúc nào lợi ích kinh tế của người lao động cũng đồng nhất với lợi ích của DN. Bởi trên thực tế, lợi ích kinh tế, lợi nhuận của DN luôn được các chủ sử dụng lao động đặt lên hàng đầu và tối đa hóa. Do đó, lợi ích kinh tế của người lao động trong các DN tư nhân tại các KCN trên địa bàn Hà Nội nhìn chung vẫn cònmang tính chất bấp bênh, không ổn định. Lợi ích kinh tế của người lao động luôn phải phụ thuộc vào tình hình hoạt động SXKD của DN. Không ít trường hợp, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 như vừa qua, nhiều DN gặp phải biến động lớn, ảnh hưởng tới nguồn doanh thu và lợi nhuận nên quyền lợi kinh tế của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Nhiều DN cũng cắt giảm các khoản chi, thậm chí không ít DN còn phải áp dụng biện pháp cắt giảm nhân sự.

Bên cạnh đó, đối với các DN có quy mô vừa và nhỏ, có đặc trưng quy mô vốn nhỏ bé. Việc hạn chế về nguồn lực tài chính cũng là nguyên nhân khiến các DN này hạn chế trong đầu tư trang thiết bị và đổi mới công nghệ. Phần lớn trang thiết bị của các DN ở tình trạng lạc hậu và thiếu đồng bộ nên chưa có điều kiện để quan tâm tới các quyền lợi kinh tế và cải thiện môi trường làm việc tối ưu cho người lao động nên người lao động cũng chịu nhiều thiệt thòi.

Hơn nữa, với các DN nhỏ, người đứng đầu chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu hụt kiến thức về kinh tế thị trường, về quản trị DN và các hoạt động kinh doanh. Trong quá trình quản lý, chủ DN quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tiễn. Đó là chưa kể nhận thức về pháp luật và hệ thống văn bản quy định hiện hành của họ cũng còn khá thấp. Trình độ thấp, năng lực yếu, hiệu quả hoạt động kém, là những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý, SXKD của DN và trực tiếp ảnh hưởng tới thu nhập nói riêng và các quyền lợi kinh tế khác của người lao động nói chung.

Nguyên tắc bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay phải dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Đề xuất một số nguyên tắc bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay

Một là, phải dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ lao động trong DN để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Do đó, việc bảo đảm quyền lợi nói chung và lợi ích kinh tế nói riêng của người lao động cần phải dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước. Chỉ có sự tuân thủ nguyên tắc này mới bảo đảm được vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các DN để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Để quan điểm này được thể hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước thông qua việc tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người lao động tại các DN nói chung và tại các KCN nói riêng, theo đó hoàn thiện các luật như: Luật DN, Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm; Luật Y tế; Luật Nhà ở; Luật Việc làm; Luật Công đoàn… Cùng với đó, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước liên quan đến các vấn đề về tiền lương, thu nhập; chính sách lao động và việc làm, các chính sách an sinh xã hội (chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trợ giúp người lao động nghèo…).

Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, cần xúc tiến công tác tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với việc thực thi luật pháp và các chính sách có liên quan đến lợi ích kinh tế của người lao động trong các DN tại các KCN. Các quy định của pháp luật và chính sách lao động cần được quán triệt thực hiện trong từng DN và từng người lao động. Trong quá trình quản lý, cần theo dõi, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những DN có hành vi vi phạm pháp luật lao động, xâm hại tới lợi ích kinh tế của người lao động.

Việc quản lý, kiểm tra và giám sát của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các DN là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với đó cũng cần phải bảo đảm các quy định về tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN nhằm định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các DN. Qua đó, giúp các DN thúc đẩy hiệu quả hoạt động SXKD, tăng năng suất lao động thì mới bảo đảm được thu nhập và các quyền lợi kinh tế cho người lao động.

Hai là, kết hợp hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Trong quá trình quản lý và SXKD, các DN cần phải kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động để bảo đảm lợi ích của cả hai bên, đồng thời là cơ sở để bảo đảm cho sự ổn định bền vững của mối quan hệ lao động này. Như vậy, trong quá trình thực hiện các cam kết và nội quy lao động, các DN cũng cần phải vừa quan tâm tới lợi ích của các cá nhân, vừa phải bảo đảm lợi ích của tập thể và của DN cũng như của xã hội. Các lợi ích kinh tế này luôn gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích kinh tế của cá nhân được xem là động lực trực tiếp và có ý nghĩa quyết định tới việc tạo ra năng suất và sản phẩm của DN. Mỗi DN khi tiến thành thực hiện các lợi ích kinh tế của người lao động về bản chất là quá trình giải quyết mối quan hệ lợi ích kinh tế giữa các chủ thể trong DN, do đó phải hướng tới bảo đảm thực hiện trong mối quan hệ lợi ích kinh tế một cách hài hòa, ổn định, tránh để xảy ra tình trạng tranh chấp, dẫn đến xung đột và mâu thuân về lợi ích kinh tế. Đây cũng là điều kiện quan trọng để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của người sử dụng lao động và người lao động.

Để giải quyết đúng đắn các lợi ích kinh tế của người lao động trước hết các chủ sử dụng lao động cần bảo đảm việc bố trí, sắp xếp công việc đúng với năng lực và trình độ; cải thiện các điều kiện nơi làm việc; tăng thu nhập cá nhân, bảo đảm mức sống của bản thân người lao động và gia đình theo hướng ngày càng tăng… Từ đó mới có thể khuyến khích được tinh thần của người lao động một cách tích cực, động viên họ tham gia hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, mang lại doanh thu, lợi nhuận ngày càng cao cho DN. Qua đó, thúc đẩy người lao động gắn bó hơn với DN, hướng tới nâng cao năng suất lao động. Về phía các DN/người sử dụng lao động, việc gia tăng lợi nhuận sẽ kích thích họ yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển DN bền vững hơn. Thực hiện tốt nguyên tắc kết hợp hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận trong DN, giúp người lao động và người sử dụng lao động cùng đạt được mục tiêu chung, cùng có động lực để thúc đẩy tinh thần và năng suất lao động, nâng cao đời sống người lao động và giúp DN ngày càng phát triển.

Ba là, bảo đảm tái sản xuất sức lao động và cải thiện đời sống của người lao động.

Qua thực tế cho thấy, mặc dù đã có sự quan tâm của các cấp các ngành đối với việc quy định và bảo đảm quyền lợi của người lao động, tuy nhiên, thu nhập của người lao động tại các KCN trên địa bàn TP. Hà Nội nhìn chung vẫn còn thấp, chưa bảo đảm mức sống và điều kiện sinh hoạt của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay ở các thành phố lớn. Do đó, trong thời gian tới, việc bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động tại các KCN ở TP. Hà Nội cần phải được quán triệt theo hướng không ngừng nâng cao thu nhập của người lao động. Qua đó, góp phần bảo đảm được quá trình tái sản xuất sức lao động và cải thiện đời sống cho họ. Có như vậy mới tạo được động lực thúc đẩy việc tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm của DN.

Bốn là, phải dựa trên cơ sở phát triển SXKD của DN.

Trong các DN, việc thực hiện lợi ích kinh tế của người lao động không chỉ đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích kinh tế của người sử dụng lao động, mà còn thể hiện mối quan hệ mật thiết với tình hình hoạt động của DN. Lợi ích kinh tế của người lao động có được thực hiện như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình hoạt động của DN. Trên thực tế, với các DN có tình hình SXKD phát triển, làm ăn có lãi về cơ bản đều thực hiện tương đối tốt lợi ích kinh tế cho người lao động. Và ngược lại, những DN hoạt động thua lỗ đều là những DN xử lý không tốt về lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người lao động. Người lao động không có việc làm ổn định, tiền lương và thu nhập bấp bênh, không bảo đảm tái sản xuất sức lao động và những nhu cầu tối thiểu của người lao động. Do đó, chỉ khi bảo đảm tốt về lợi ích kinh tế của người lao động DN mới có thể hướng tới sự phát triển bền vững của DN và là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả SXKD.

Năm là, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn và thực hiện thỏa ước tập thể.

Trong các DN, người lao động có quyền đề xuất ý kiến cá nhân hoặc kiến nghị tập thể yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện những quyền lợi chính đáng của người lao động. Những ý kiến cá nhân và các thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thường được thực hiện thông qua hoạt động của tổ chức Công đoàn cơ sở và các tổ chức chính trị – xã hội khác. Tổ chức công đoàn cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Tổ chức công đoàn không chỉ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tổ chức, phát triển DN, mà còn thực hiện nhiệm vụ to lớn trong việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các DN theo quy định của pháp luật.

Do đó, cần thực hiện tốt quan điểm bảo đảm phát huy vai trò của tổ chức công đoàn. Để thực hiện tốt quan điểm này cần chủ động: hoàn thiện pháp luật của nhà nước về tổ chức công đoàn, mà trực tiếp nhất là Luật Công đoàn Bộ luật Lao động; tăng cường thành lập và nâng cao chất lương hoạt động của các công đoàn cơ sở trong DN tư nhân; quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất và năng lực, nhiệt tình, nhiệt huyết và uy tín để bảo đảm phát huy tiếng nói của công đoàn cơ sở trong quá trình hoạt động của DN cũng như quá trình bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động. Các cán bộ,công đoàn cần được thường xuyên bồi dưỡng và nắm bắt hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo vệ quyền lợi và lợi ích kinh tế của người lao động.

Ngoài ra, các cấp công đoàn cần quan tâm bảo đảm và hỗ trợ việc tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể của người lao động trong DN. Bởi trên thực tế, nhận thức của người lao động tại các KCN còn thấp, tiếng nói của người lao động chưa được quan tâm lắng nghe và thể hiện. Do đó, trong thời gian tới, để người lao động được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, việc ký kết thảo ước tập thể là cần thiết. Thỏa ước lao động tập thể sẽ cụ thể hóa những quy định của pháp luật phù hợp với đặc điểm của từng DN. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, hình thành nên quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN, hướng tới bảo vệ quyền lợi của người lao động và sự phát triển bền vững của DN.

Chú thích:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình học phần Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chương 7: Lợi ích kinh tế và bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế trong phát triển ở Việt Nam. H. NXB Giáo dục, 2018, tr.189.
2, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Hà Nội, tháng 5/2022.
3. Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Hà Nội, tháng 12/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thị Thương. Lợi ích kinh tế của người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận án Tiến sỹ chuyên ngành: Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2018.
2. Đỗ Huy Hà và cộng sự. Giải quyết quan hệ lợi ích kinh tế trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia, 2013.
3. Đào Duy Tùng và cộng sự. Bàn về các lợi ích kinh tế. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1982.
4. Đoàn Xuân Thủy. Cơ chế thực hiện lợi ích kinh tế đối với các tài sản thuộc sở hữu toàn dân ở nước ta. Đề tài khoa học cấp cơ sở, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hà Nội, 2008.
5. Nguyễn Linh Khiếu. Góp phần nghiên cứu quan hệ lợi ích. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002.
ThS. Trần Thị Lý
Trường Đại học Dân lập Phương Đông