Thực trạng triển khai Luật Doanh nghiệp trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong xu thế toàn cầu xã hội thì việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, việc Quốc hội đã ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của các bộ luật mà trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là cần được quan tâm nhiều nhất. Bài viết của nhóm tác giả sẽ tập trung phân tích thực trạng ảnh hưởng của Luật Doanh nghiệp khi áp dụng vào trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đất nước ta đang đứng trước cuộc cách mạng đại công nghệ 4.0 là cơ hội rất tốt để đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam thêm khởi sắc, trong đó, doanh nghiệp và người dân Việt Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm được nhiều việc làm mới lương cao và doanh nghiệp cũng có lợi thế tiếp cận được nhiều thị trường mới và đối tác mới. Trong quá trình hội nhập với thế giới thì cần phải sớm hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để bảo đảm cho các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và người dân yên tâm làm việc, đặc biệt, tạo niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định và đời sống kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.

Nhưng đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của đại đa số người dân nói chung và người lao động nói riêng. Do đó, việc Quốc hội đã ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh Covid-19 là kịp thời, nhằm cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở vừa tìm tòi từ thực tiễn cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia có nền kinh tế thị trường trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển, Việt Nam đã rất coi trọng công tác xây dựng thể chế phục vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Luật Doanh nghiệp mới, khi đưa vào áp dụng trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay ở Việt Nam sẽ có ít nhiều tác động đến người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên Luật Doanh nghiệp mới được Quốc hội ban hành này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thực trạng triển khai Luật Doanh nghiệp trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay

Việc sớm đưa Luật Doanh nghiệp năm 2020 được Quốc hội thông qua vào đời sống kinh tế – xã hội hiện nay sẽ góp phần hạn chế những bất cập mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 trước đây còn nhiều lỗ hổng và chưa hoàn thiện. Ví dụ, hiện nay pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp, các nhà đầu tư chứng minh việc đã góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký khi đăng ký kinh doanh, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có thể góp vốn vào bất kỳ thời điểm nào.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện hành thì khái niệm vốn điều lệ được hiểu là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty. Thành viên, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 giữ nguyên thời hạn tối đa 90 ngày kể từ lúc công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (áp dụng cho đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp) để thành viên, cổ đông góp vốn thực hiện nghĩa vụ.

Theo khảo sát từ phía cộng đồng doanh nghiệp về thời hạn 90 ngày là quá ngắn ngủi, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã rất “thoáng”, khi quy định đối với vốn góp là tài sản (Điều 47, Điều 75, Điều 113…) không tính thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản vào thời hạn này. Sẽ rất khó đáp ứng được thời gian đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, có vốn điều lệ đăng ký lớn. Song ở chiều ngược lại, vô hình chung trở thành điều kiện thuận lợi để cho các nhà đầu tư “lách” theo hướng tiêu cực. Vấn đề là khi nào thì người góp vốn bắt đầu vận chuyển, nhập khẩu hay thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản? Luật đặt ra thời hạn mà không có điểm bắt đầu thì khó mà xác định được khi nào mới hết khoảng thời gian đó. Nhà đầu tư rất dễ tận dụng kẽ hở đó để kéo dài thời hạn góp vốn, bằng hình thức đăng ký vốn góp bằng tiền mặt nhỏ, đẩy tài sản thật lớn. Hoặc đăng ký vốn ban đầu nhỏ, đăng ký vốn góp thêm lớn hơn vì Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn không đặt ra thời hạn cho vốn góp thêm.

Liên quan đến việc góp vốn, riêng đối với loại hình Công ty TNHH MTV, tại khoản 3 Điều 75 quy định: “Đối với trường hợp thành viên không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định 90 ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thì chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp. Trường hợp nếu hết 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ, nếu chủ sở hữu không đăng ký thay đổi vốn điều lệ thì phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ”.

Quy định trên của pháp luật là nhằm để bảo đảm nguyên tắc trung thực khi kê khai, góp vốn điều lệ của người tham gia góp vốn và ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu công ty khi mà luật không còn quy định về hậu kiểm về việc đăng ký vốn điều lệ. Tuy nhiên sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn loại hình Công ty TNHH MTV để “chọn mặt gửi vàng” nguồn vốn đầu tư. Bởi nếu vì lý do nào đó bất khả kháng, trong thời hạn 30 ngày, chủ sở hữu công ty không đăng ký thay đổi vốn điều lệ thì phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ hoặc nếu công ty làm ăn bị thua lỗ thì chủ sở hữu còn phải chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của gia đình. Trong khi các loại hình khác, như Công ty TNHH hai thành viên trở lên, nếu xảy ra rủi ro chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ.

Quy định trên của Luật Doanh nghiệp còn trái với một trong các điều kiện quy định về công nhận pháp nhân của Bộ luật Dân sự năm 2015 (điểm c khoản 1 Điều 74): “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”. Như vậy xét ở góc độ trách nhiệm tài sản của pháp nhân thì thành viên pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân và ngược lại, pháp nhân cũng không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của mình. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV cũng được xác định là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đặc biệt trong thời gian qua, việc tư duy trong xây dựng pháp luật được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm chú trọng nên đã có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, trong đó, có những thay đổi mang tính đột phá rõ nét, như: chuyển từ “tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (và chỉ dành riêng quyền tự do kinh doanh đó cho công dân) sang “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (và dành cho tất cả mọi người). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, không gian hoạt động kinh doanh, đầu tư của người dân, doanh nghiệp từ “trong khuôn khổ do pháp luật quy định” chuyển sang không gian rộng lớn hơn nhiều, thỏa sức sáng tạo, chỉ ngoại trừ những ngành, lĩnh vực pháp luật cấm. Đi kèm với đó là việc Nhà nước không cố gắng tìm ra các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh để “cho phép” người dân, doanh nghiệp tiến hành đầu tư, kinh doanh, điều vừa bó buộc tiến trình giải phóng lực lượng sản xuất vốn còn non trẻ ở Việt Nam lại vừa không khả thi về mặt lập pháp, không thực sự phù hợp với bản chất của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân của Nhà nước. Chúng ta cũng cần lưu ý tới một thực tế là không một nhà nước nào, dù có trình độ hiện đại đến đâu có thể giỏi hơn trí tuệ của toàn thể nhân dân – người chủ đích thực của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cải cách tư pháp và nỗ lực trong cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong những năm qua kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thu được kết quả rất đáng ghi nhận. Nhờ đó, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ; nhiều yếu tố, vấn đề về xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chú trọng chỉ đạo giải quyết góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư (được thể hiện cải thiện qua bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế).

Một số kiến nghị khi triển khai Luật Doanh nghiệp trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay

Thứ nhất, trên thực tế việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư và điều chỉnh công suất dự án đầu tư không làm thay đổi bản chất của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hay nói cách khác không làm thay đổi mục tiêu dự án là sản xuất năng lượng tái tạo bằng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời; do đó không cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư vẫn kiểm soát được tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư FDI. Do đó điều luật này nên sửa đổi theo hướng nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư không cần phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thứ hai, liên quan đến việc quy định về thời gian vốn góp (theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020), để không làm khó các nhà đầu tư thực chất, luật không nên quy định về thời gian góp vốn cụ thể mà nên có quy định mở. Việc điều chỉnh này cũng sẽ tương thích với quy định không bắt buộc phải chứng minh số vốn điều lệ thực góp mà Luật Doanh nghiệp đang theo đuổi để tiệm cận với thế giới. Tương tự như vậy, về quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong loại hình công ty TNHH MTV, điều luật trên quy định: “Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Có nghĩa, nghĩa vụ góp vốn của chủ sở hữu phát sinh từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ góp vốn. Như vậy, khi Công ty TNHH MTV đã có tư cách pháp nhân thì thành viên của pháp nhân cũng không phải chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân.

Từ phân tích trên, để tương thích với Bộ luật Dân sự và khuyến khích nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp lựa chọn loại hình Công ty TNHH MTV để đầu tư, nên sửa đổi điều khoản này theo hướng: nếu chủ sở hữu Công ty góp vốn không đủ, không đúng hạn thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý về các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra (nếu có) tương ứng với số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Thứ ba, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản luật dành riêng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi nhằm kích thích nền kinh tế hơn là đơn thuần hỗ trợ (cho phép cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, giảm, miễn một số loại thuế, phí, lệ phí, miễn và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới, bổ sung vốn lưu động để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu nội địa…) cần quan tâm những nội dung sau:

Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tích cực triển khai thi hành các luật có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, qua đó khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu khai thông điểm nghẽn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, tập trung kích cầu một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống.

Pháp luật luôn phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của thực tiễn cuộc sống và việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu pháp luật thường xuyên thay đổi sẽ có tác động tiêu cực tới quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và gây nhiều khó khăn cho người thực hiện pháp luật, đồng thời cũng gây khó khăn cho hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Doanh nghiệp năm 2020. Thuvienphapluat.vn, ngày 17/6/2020.
2. Điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020. cspl.mic.gov.vn, ngày 14/8/2020.
3. Các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành về giải thể doanh nghiệp. Tạp chí Công thương, số ra tháng 8/2021.
4. Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp khắc phục những bất cập, hạn chế. Baotintuc.vn, ngày 21/5/2021.
5. Luật Doanh nghiệp gây khó cho các nhà đầu tư. Phaply.net, ngày 04/3/2022.
Nguyễn Thị Hoa Tâm
Phó Giám đốc Trường Đại học Lao động xã hội cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh
Hồ Đức Hiệp
Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh