Về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

(Quanlynhanuoc.vn) – Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố quản lý. Sau gần 5 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách được cho là đặc thù cho Thành phố nhưng trên thực tế cũng áp dụng với các địa phương khác nên không có sự khác biệt. Vì vậy, trong thời gian tới, cần sớm ban hành nghị quyết mới quy định cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong bối cảnh mới, theo đó, không còn là nghị quyết quy định cơ chế, chính sách “thí điểm” và mang tính “đặc thù”.
Ảnh minh họa. Nguồn: tphcm.chinhphu.vn.

TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất Việt Nam, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh; Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai; Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang; có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện với diện tích 2.061,4 km2, dân số 8.993.082 ngườivà là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. Sự phát triển của Thành phố luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước, đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách nhà nước, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước…2.

Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách (CCCS) đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, quy định này trao quyền cho Thành phố thực hiện thí điểm với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý: (1) Quản lý đất đai; (2) Quản lý đầu tư; (3) Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; (4) Cơ chế ủy quyền; (5) Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2018.

Kết quả thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh

Ngay sau khi Nghị quyết số 54/2017/QH14 có hiệu lực, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều CCCS, đề án để thực hiện. Sau gần 5 năm thực hiện đã mang lại một số kết quả:

Thứ nhất, về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với quy định này, HĐND đã ban hành 03 nghị quyết để thông qua 32 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích là 1.843,79 ha.

Thứ hai, về quản lý đầu tư, HĐND Thành phố được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách và Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, trừ dự án quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này. HĐND đã thông qua nghị quyết, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách của Thành phố với tổng mức vốn đầu tư là 12.954,331 tỷ đồng và điều chỉnh quy mô 1 dự án từ nhóm B sang nhóm A với tổng mức đầu tư là 4.849,320 tỷ đồng3.

Thứ ba, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã quy định nhiều cơ chế, thẩm quyền nhằm tạo lập và gia tăng nguồn lực cho TP. Hồ Chí Minh phát triển. Tuy nhiên, những cơ chế, thẩm quyền này chưa phát huy được hiệu quả trên thực tiễn. Theo Nghị quyết, HĐND Thành phố được quyền đề xuất với Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. Thành phố cũng đã xây dựng hai đề án thí điểm tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường thông qua giá xăng (dự kiến thu khoảng 750 tỷ đồng) và thí điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia trên địa bàn Thành phố, nhưng hai đề án này đều không được trình Chính phủ do Thành phố đánh giá tác động việc thực hiện hai đề án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 54/2017/QH14, HĐND Thành phố được quyền quyết định áp dụng về phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. HĐND Thành phố cũng đã quyết định áp dụng đối với phí sử dụng tạm thời lòng đường đỗ ô tô, phí bảo vệ môi trường từ nước thải công nghiệp (Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018, Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021); phí hạ tầng cảng biển (Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022). Song, số thu từ các loại phí này còn hạn chế, riêng phí hạ tầng cảng biển chỉ mới được triển khai từ ngày 01/4/2022 do phải hoãn hai lần vì đại dịch Covid-194.

Về ngân sách, theo khoản 9 Điều 5 Nghị quyết số 54/2017/QH14), Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh chưa được hưởng vì hai cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn chưa được các đơn vị thuộc trung ương thực hiện thủ tục để bán, chuyển nhượng nên chưa phát sinh nguồn thu.

Quy định tại khoản 10 Điều 5 Nghị quyết số 54/2017/QH14: “ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu”, nhưng trên thực tế, trong gần 5 năm qua, Thành phố không có nguồn thu từ thoái vốn quy định trên. Về cơ chế cho phép Thành phố huy động vốn đầu tư xã hội (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để cho Thành phố vay lại) chưa thực hiện, chỉ thực hiện kế hoạch vay và trả nợ chính quyền địa phương theo quy định…

Thứ tư, về phân cấp, ủy quyền, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án ủy quyền. Nội dung ủy quyền tập trung vào phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định các nhiệm vụ, quyền hạn chủ tịch UBND cấp huyện được ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp xã.

Thứ năm, về thẩm quyền quyết định chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018, đồng thời ban hành các nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND để phù hợp thực tiễn và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Cụ thể như: mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018, sau đó, thay thế bằng Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018. Trong gần 5 năm, đã thu hút được một số chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc ở Ban Quản lý Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát kéo dài nên việc mời các chuyên gia nước ngoài chưa được thực hiện.

Như vậy, các CCCS được quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả trong gần 5 năm qua. Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản:

(1) Tác động của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn 1/3 thời gian thực hiện;

(2) Tính chủ động, quyết liệt trong nhận diện, xử lý và đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết chưa cao;

(3) Sự “chung tay vào cuộc” của bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện một số CCCS cụ thể chưa được đồng bộ, hiệu quả (một số CCCS không thuộc thẩm quyền của chính quyền Thành phố);

(4) Tình hình kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói riêng diễn biến phức tạp; nhiều vấn đề phát sinh vượt khả năng dự báo, kiểm soát và xử lý của chính quyền các cấp;

(5) Tính “thí điểm” của các CCCS được quy định trong Nghị quyết cũng góp phần làm giảm tính hiệu quả trên thực tiễn theo thời gian.

Những vấn đề đặt ra khi thực hiện cơ chế đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh

Trải qua giai đoạn tác động nghiêm trọng, kiệt quệ bởi dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh hiện đang hồi sinh và phục hồi phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,82%5. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang triển khai xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số mạnh mẽ. Tuy nhiên, Thành phố cũng đang đứng trước một số vấn đề lớn cần được đánh giá toàn diện, chính xác trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để bảo đảm các CCCS quy định trong nghị quyết mới được xác lập một cách khoa học, toàn diện, có tính khả thi cao trong thực tiễn.

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố hiện đã có dấu hiệu chậm lại, thực tế này đặt ra các câu hỏi: (1) Tại sao các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh chưa tạo ra đột phá trong phát triển tại Thành phố này? (2) Với đà tăng trưởng chậm lại như vậy, vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong phát triển vùng và cả nước sẽ như thế nào? (3) Những động lực phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai là gì? (4) CCCS phát triển bền vững có phải là động lực mà TP. Hồ Chí Minh đang thiếu và cần nhất…? Do đó, quá trình nghiên cứu, xây dựng các CCCS phát triển TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần quan tâm, cài đặt trả lời các câu hỏi trên thông qua từng CCCS nói riêng và trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nói chung.

(2) Ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 đã làm Thành phố kiệt quệ về kinh tế, gián đoạn nhiều chương trình, kế hoạch phát triển, trong đó có các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. Thực tế này cần được sự quan tâm nghiên cứu, đánh giá trong quá trình xem xét các cơ chế liên quan đến tài chính – ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để phát triển bền vững.

(3) Những vấn đề phát sinh trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị đòi hỏi nghị quyết mới cần quy định rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; giải quyết các vấn đề, xung đột pháp lý giữa các quy định trong Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 và các quy định pháp lý hiện hành. Bên cạnh đó, quá trình thành lập và vận hành thành phố Thủ Đức (thành phố trực thuộc thành phố) cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết trong nghị quyết mới.

(4) Nhiều CCCS được quy định trong Nghị quyết số 54/2014/QH14 còn bộc lộ hạn chế, chưa có sự quyết liệt trong triển khai thực hiện của một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến nhiều CCCS có độ trễ, thậm chí không được thực hiện. Bên cạnh đó, do tính “thí điểm” của các CCCS thiếu ổn định nên khó khăn trong thực hiện.

Một số vấn đề khác như: tăng dân số cơ học, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, kẹt xe, tác động của biến đổi khí hậu… cũng cần được quan tâm, nghiên cứu để xây dựng hệ thống CCCS toàn diện, sát với tình hình thực tiễn.

Trong bối cảnh phát triển mới, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế hội nhập quốc tế, xu hướng cạnh tranh đô thị…, đặc biệt là những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Thực tế này đặt ra những cơ hội cũng như những thách thức cho Thành phố trong quá trình quản lý, tổ chức, phát triển “TP. Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và châu Á, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên cơ cấu kinh tế hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, có trình độ khoa học công nghệ phát triển và đời sống của người dân ở mức cao”6.

Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, về cách tiếp cận trong xây dựng và ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị quyết mới, các cơ quan có trách nhiệm và các bên liên quan cần thống nhất cách tiếp cận theo quan điểm: “Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố”. Bởi trên thực tế, với những tiềm năng, lợi thế và thành tựu trong phát triển TP. Hồ Chí Minh đã và sẽ là trung tâm của khu vực vùng Đông Nam Bộ, rộng ra là miền Nam Việt Nam như một tất yếu. Việc phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy Thành phố phát triển đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Hai là, về tên gọi, trích yếu của nghị quyết mới.

Theo đề xuất của tác giả, tên gọi, trích yếu của nghị quyết mới là “Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh”. Trong nghị quyết mới bỏ cụm từ “thí điểm” vì các CCCS đã được thí điểm gần 5 năm qua, nếu tiếp tục thí điểm sẽ không bảo đảm tính ổn định trong khâu tổ chức thực hiện, dẫn đến hiệu quả không cao. Đồng thời, bỏ cụm từ “đặc thù” để bảo đảm tính rõ ràng, không phân biệt trong nhìn nhận của các địa phương khác đối với TP. Hồ Chí Minh; thừa nhận tính tất yếu, cần phải có của các CCCS để thúc đẩy Thành phố phát triển trong sự phát triển chung của cả nước. Bên cạnh đó, các CCCS phát triển TP. Hồ Chí Minh và các CCCS cụ thể cho thành phố Thủ Đức tiếp tục cần được nghiên cứu, luật hóa để làm cơ sở pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững của Thành phố.

Ba là, về nội dung của nghị quyết mới.

Trong nghị quyết mới, ngoài các CCCS cụ thể thuộc 5 lĩnh vực trong Nghị quyết số 54/2017/QH14, cần bổ sung các CCCS cụ thể về: (1) Thành phố Thủ Đức; (2) Thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức trong xây dựng và ban hành các CCCS thí điểm (theo mô hình sanbox, đặc thù trong đặc thù) về vận hành chính quyền đô thị, đô thị thông minh, chính quyền số; phát triển kinh tế số, kinh tế trí tuệ nhân tạo, kinh tế du lịch, kinh tế đêm…; xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức trở thành khu đô thị tương tác cao; huy động nguồn lực xã hội trong phát triển…); (3) Tuyển dụng, quản lý, sử dụng và chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý (nên có cơ chế giao HĐND Thành phố quyết định biên chế; chi trả lương, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố); (4) Cơ chế quy định về bổ sung, điều chỉnh các CCCS cụ thể trong nghị quyết mới khi phát sinh các vấn đề trong quá trình thực hiện (có thể xem xét quy định việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao UBND Thành phố phối hợp với các bộ, ngành; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất điều chỉnh, bổ sung các CCCS trong quá trình tổ chức thực hiện).

Bốn là, về xây dựng hệ thống văn bản cụ thể, hướng dẫn thực hiện nghị quyết mới.

Để bảo đảm tính khả thi và đồng bộ trong thực hiện, nghị quyết mới cần được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bởi nghị định của Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành có liên quan. Cùng với đó, HĐND Thành phố cần chủ động xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện thuộc phạm vi thẩm quyền. Hệ thống văn bản này phải được xây dựng và ban hành ngay sau khi nghị quyết mới được ban hành để không có khoảng trễ trong triển khai thực hiện.

Năm là, về trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện nghị quyết mới.

Để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, khả thi và phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nghị quyết mới và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan hữu quan trong tổ chức thực hiện nghị quyết mới. Bên cạnh đó, cần quy định cơ chế phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện CCCS trong nghị quyết mới.

Trước những tác động của bối cảnh phát triển mới cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, đòi hỏi Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần quan tâm xây dựng, ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 và hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện góp phần phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2019.
2. Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. https://dangcongsan.vn, ngày 06/02/2022.
3. Dự thảo Báo cáo của HĐND TP. Hồ Chí Minh về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 07/12/ 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
4. TP. Hồ Chí Minh sau hơn 4 năm có cơ chế đặc thù. https://vnexpress.net, ngày 08/5/2022.
5. Kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng. https://hcmcpv.org.vn, ngày 20/6/2022.
6. Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5//2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
2. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018; Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
3. Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu Hồ Chí Minh.
4. Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 1, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
TS. Bùi Ngọc Hiền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh