Bảo vệ quyền con người trên không gian mạng trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, Việt Nam có khoảng 70,3% dân số dùng internet và khoảng 60 triệu người sử dụng mạng xã hội cũng như tham gia các giao dịch dân sự trên mạng internet1, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19, mọi hoạt động trên không gian mạng ngày càng được đẩy mạnh. Trên thực tế, pháp luật về quyền con người tại Việt Nam đã khá đầy đủ và đồng bộ, tuy nhiên, các quy định về quyền con người trên không gian mạng internet hiện nay chưa được quy định cụ thể và rõ ràng trong các văn bản pháp luật của nước ta.

Quyền con người trên không gian mạng trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tại khoản 3 Điều 1 Luật An ninh mạng năm 2018 của Việt Nam xác định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”. Với sự phát triển của mạng internet gắn với công nghệ thông tin – một không gian khác hoàn toàn với không gian địa lý, không gian thực được xác định bởi các mối quan hệ và hoạt động trong xã hội loài người thì nay đã xuất hiện trên thế giới một không gian ảo không “cân đo, đong đếm” được bằng mắt thường, nhưng rất sống động vì nó phản ánh các chiều, khía cạnh thực và ảo, sáng và tối…, của mọi mối quan hệ, hoạt động xã hội trên khắp thế giới, đó là không gian mạng (KGM).

Nhờ KGM, các cá nhân, nhóm xã hội có thể biểu đạt, kết nối quyền của mình với nhau mà không bị cản trở bởi không gian, thời gian, trong nước và toàn cầu… Và, việc giao lưu, kết nối con người với nhau trên toàn thế giới đã trở thành một nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện đại, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát khắp thế giới như hiện nay.

Ngày 19/11/1997, Việt Nam được hòa mạng internet, được phủ sóng toàn cầu, kể từ thời điểm này KGM tại Việt Nam liên tục phát triển với tốc độ cao. Tính đến tháng 01/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97,8 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 37,7%. Trong đó, có khoảng 68,17 triệu người đang sử dụng internet (chiếm 70,3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày2, chủ yếu là các mạng xã hội lớn như: Facebook, YouTube, Zalo, Instagram… Cùng với sự phát triển của KGM, quyền con người (QCN) khi tham gia các hoạt động trên KGM cũng rất cần được lưu tâm. Một số đặc điểm về QCN trên KGM cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, sự kết nối thông tin về QCN trên KGM không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, bởi giới hạn địa lý – chính trị. Việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN trên KGM được thể hiện, thực hiện qua một tập hợp các cấu trúc nhất định (cá nhân, nhóm và tổ chức của họ). Tập hợp này được kết nối bằng quan hệ thu thập, sản xuất, phân phối, tiêu thụ thông tin thông qua mạng máy tính toàn cầu. Việc trao đổi dữ liệu điện tử không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các thực thể cá nhân, tổ chức và cho phép chủ thể các quan hệ pháp lý dân sự điện tử tương tác với nhau mà không biết, hơn nữa trong nhiều trường hợp không thể biết vị trí của chủ thể đó. QCN trên không gian ảo không phải lúc nào cũng được kết nối với bề mặt trái đất và với ranh giới địa lý quốc gia. Từ đó, cách thức tổ chức, vận hành QCN trên KGM gây khó khăn cho việc thực thi trách nhiệm của các quốc gia và quyền tài phán của tòa án đối với loại hình nhân quyền này.

Thứ hai, QCN trên KGM, xét về bản chất, là nhân quyền phổ quát của không gian toàn cầu. Như bao sự vật, hiện tượng khác, KGM và QCN trên không gian này cũng thường gồm hai mặt: một mặt nó tạo cho con người có điều kiện thuận lợi bày tỏ ý kiến, thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ nhân phẩm, tự do khởi nghiệp nhưng mặt khác, nó dễ để lộ, lọt dữ liệu cá nhân, bị giám sát theo dõi, bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bị “ném đá” không chỉ trong phạm vi biên giới quốc gia mà có thể trên toàn thế giới. Xét về bản chất, KGM và nhân quyền trên không gian này là không gian toàn cầu và truyền tải QCN phổ quát, cho nên sức mạnh và sức lan tỏa của nó là đặc biệt lớn.

Thứ ba, vấn đề về mối quan hệ giữa tính phổ quát và tính đặc thù của nhân quyền trên KGM phức tạp hơn so với QCN trong đời sống thực của xã hội loài người. QCN được xác định bởi sự hiểu biết của người dùng về KGM. Đây là một không gian thông tin toàn cầu nhưng điểm xuất phát và cách thức, nội dung biểu đạt của thông tin lại luôn gắn với không gian địa lý – chính trị của mỗi quốc gia. Từ đó, cho phép xác định và thực hiện QCN không tách rời không gian địa lý – chính trị. Vì vậy, KGM cũng như việc tôn trọng, bảo vệ QCN trên không gian này vẫn là một đối tượng bị lưu giữ và quản lý bởi mỗi quốc gia. Việc xác định không gian địa lý – chính trị trên KGM là rất quan trọng và không thể thiếu đối với tất cả các quốc gia, nhất là khi tội phạm trực tuyến phát triển rất nhanh như: lừa đảo, đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy, gây thù hằn dân tộc.

Thực tế tại các quốc gia cho thấy, có những thế lực đã tận dụng lợi thế của mạng internet để thực hiện cuộc “chiến tranh thông tin”, “chiến tranh mạng” diễn ra giữa các nhóm xã hội trong nội bộ một quốc gia hay liên quốc gia hoặc giữa các quốc gia, với phương diện, cách thức mới không có khói súng từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến QCN3. Bản chất của kiểu chiến tranh này là tác động đến cộng đồng với những thông tin thất thiệt, khiến con người khó có thể nhận biết được thật – giả để đưa ra suy nghĩ và hành động đúng. Mối đe dọa trên KGM là mối đe dọa vô hình nhưng lại diễn ra trong đời sống thực tại của con người, không một quốc gia nào có thể khoanh tay đứng ngoài.

Như vậy, bên cạnh những thuật lợi lớn mà KGM và QCN trên không gian này đã và đang tạo ra thì xuất hiện rất nhiều cản trở, thậm chí còn xâm hại đến QCN một cách nghiêm trọng. Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, những năm gần đây, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Bộ Công an cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo về việc nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt quyền tài sản với số tiền lớn4. Kể cả trong đại dịch Covid-19, QCN trên KGM diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp, trong khi việc soạn thảo các quy định của pháp luật thường chậm hơn.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền con người trên không gian mạng

Đại dịch Covid-19 có độ tàn khốc hơn bất kỳ một đại dịch nào trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, như: HIV/AIDS, cúm gia cầm (H1NI, H5N1)…, và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt từ kinh tế – xã hội, văn hóa…, trên toàn thế giới. Điển hình trong đại dịch này là hình thành từng đợt hay làn sóng, cụ thể là làn sóng lây nhiễm thứ tư với những biến thể hay virus đột biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn như Alpha, Delta và Omicron.

Trước tình hình trên, các quốc gia đều đã tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và các nhóm cộng đồng, như: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, kể cả ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội… Từ đó tác động trực tiếp đến việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN như sau:

Thứ nhất, QCN thực và ảo trên KGM: hiện nay, đã xuất hiện nhiều QCN trực tuyến như: quyền giáo dục, giảng dạy, học tập, làm việc, sinh hoạt tôn giáo, mua sắm hàng hóa, thanh toán… Các quyền này trải dài từ những quyền cấp bách của đời sống thường nhật (ăn, uống, đi lại) đến những quyền được biểu đạt thông tin, chính kiến, ngôn luận, kể cả những quyền ảo (ví dụ: mọi người có thể tưởng tượng về quyền được vui chơi giải trí, du lịch…, trên không gian ảo). Tác nhân của các QCN trực tuyến là các phương pháp để kiểm soát hoạt động của người dân nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, như: thực hiện kiểm dịch, áp dụng các hạn chế đi lại hoặc đóng cửa hay hạn chế đến các trường học, nơi làm việc, sân vận động, nhà hát và trung tâm mua sắm, tránh những khu vực đông người… Hệ quả là nhiều người, đặc biệt trẻ em, người mắc bệnh mãn tính nghiêm trọng phải đối mặt với nguy cơ sang chấn tâm lý, các QCN trực tuyến như một biểu hiện của biến chứng từ đại dịch Covid-19.

Thứ hai, sự sai lệch trong truyền bá thông tin trên KGM: trong tình trạng hạn chế trong sinh hoạt, đi lại bởi cách ly xã hội trong đại dịch Covid-19, mức độ sai lệch thông tin lại càng lớn và diễn ra tràn lan nhằm phê phán sự phản ứng của chính quyền với đại dịch (đeo khẩu trang, tiêm chủng…). Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm duyệt thông tin nhằm tăng cường hướng dẫn ý kiến công chúng. Cơ quan quản lý KGM (CAC) tuyên bố ý định thúc đẩy “bầu không khí trực tuyến tốt”. Đây là một phần trong cách làm giảm thiểu sự bất mãn của của công dân trong đại dịch này.

Thứ ba, tình trạng vi phạm hoặc xâm phạm quyền bình đẳng về chủng tộc tại nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ. Có thể kể đến: nạn bài ngoại, phân biệt chủng tộc với người gốc Á. Ủy ban Khẩn cấp của WHO phải ban hành một tuyên bố khuyến nghị tất cả các nước hãy chú ý đến Điều 3 trong “Quy định về sức khỏe quốc tế – IHR”. Theo đó, WHO yêu cầu loại bỏ các hành động thúc đẩy sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử khi một quốc gia tiến hành các biện pháp ứng phó với đại dịch.

Bảo vệ quyền con người trên không gian mạng dưới tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

Một là, tham chiếu kinh nghiệm quốc tế.

Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (WSIS), các chính phủ của hơn 180 quốc gia đã nhấn mạnh áp dụng vô điều kiện Tuyên ngôn quốc tế về QCN đối với internet. Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người và tự do cung cấp thông tin trên mạng. QCN trên KGM được điều chỉnh bởi bốn nguyên tắc cơ bản: internet phải dựa trên QCN, phải cởi mở, dễ tiếp cận với tất cả mọi người và chịu sự chi phối của nhiều bên có liên quan. Điểm đáng chú ý mới đây chính là đề xuất của các nhà khoa học thông qua “Tuyên bố về quyền kỹ thuật số của con người”5.

Theo chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam về QCN, quyền tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối mà vẫn phải chịu những ràng buộc nhất định theo quy định của pháp luật. Việc thụ hưởng nhân quyền nói chung, trong đó có quyền tiếp cận thông tin của công dân trên KGM, không được xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. Ở nước ta, khoản 3 Điều 4 Luật An ninh mạng quy định nguyên tắc: “kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên KGM…”. Điều 8 Luật này là “cấm lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi”.

Những quy định này hiện nay phổ biến trên thế giới nhằm bảo đảm QCN trên KGM và các nhà mạng đóng vai trò quan trọng. Do vậy, nhiều quốc gia đã quy định trách nhiệm của các nhà mạng. Chẳng hạn, tại Phi-líp-pin, Quốc hội đã thông qua Luật Tội phạm máy tính vào tháng 12/2016. Pháp luật nước này quy định hoạt động truyền bá thông tin giả mạo bị coi là tội phạm hình sự, bị phạt tới 6 tháng tù, kèm khoản tiền phạt hơn 3.000 USD. Thái Lan cũng áp dụng các bộ luật kiểm duyệt mạng rất nghiêm ngặt. Tại Nhật Bản vào tháng 11/2014, Luật Cơ sở về an ninh mạng đã được ban hành. Theo Luật này, Chính phủ Nhật Bản xây dựng chiến lược an ninh mạng, lập ra Bộ Chỉ huy chiến lược an ninh mạng nhằm tăng cường hiệu quả các chính sách về an ninh mạng6.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân chủ, nhân quyền.

Hệ thống pháp luật ở nước ta nhìn chung vẫn đang được xây dựng theo hướng đồng bộ; chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao; thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải “xây dựng pháp luật từ sớm, từ xa”7, cụ thể:

(1) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và thể chế hóa nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để Nhân dân tích cực tham gia thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân.

(2) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm QCN, quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, kể cả trên KGM; củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về QCN, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa.

(3) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự và kinh tế nhằm trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Từ đó, tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của mình, nhất là trong việc huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.

Ba là, pháp luật hóa việc mở rộng cơ chế bảo đảm dân chủ ở cơ sở.

Hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương châm lớn hơn, toàn diện hơn cho Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, gồm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”8. Cán bộ, đảng viên, Nhân dân bước đầu đã phân biệt những mức độ tham gia khác nhau của người dân vào thực hành, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Với phương châm lớn hơn như vậy, trong thời gian tới, kiến nghị Quốc hội cần tăng cường khuôn khổ pháp lý của Pháp lệnh này theo hướng nâng lên thành luật cũng như hoàn thiện các nghị định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, doanh nghiệp để chủ động trước sự phát triển của QCN trên KGM.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền trong hoạt động tư pháp.

Qua đó thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, QCN, quyền công dân như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”9 và đấu tranh có hiệu quả với mọi loại tội phạm, vi phạm trên KGM nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, QCN gắn với an ninh con người, an ninh xã hội và an ninh quốc gia.

Năm là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh và chủ động, tích cực đối thoại, đấu tranh về dân chủ, nhân quyền nhằm bảo đảm an ninh con người và xã hội.

Biện pháp này làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh đó, cần kết hợp với phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Nhân dân, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm nhân quyền gắn với nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trên KGM, bảo đảm ổn định chính trị đất nước và an ninh quốc gia, kể cả trên KGM với sự tác động của đại dịch Covid-19.

Chú thích:
1. Thống kê số người dùng internet tại Việt Nam năm 2020. Ngân hàng Thế giới, 2020.
2. Thống kê internet Việt Nam 2021. https://vnetwork.vn, ngày 12/3/2021.
3. Những vụ chiến tranh mạng nổi tiếng. https://baophapluat.vn, ngày 08/8/2016.
4. An toàn không gian mạng. http://daidoanket.vn, ngày 14/12/2019.5. https://www.ideals.illinois.edu/Information_as_a_Human_Right.doc.pdf.
6. Nhân quyền và an ninh mạng ở Việt Nam cần có quan niệm rạch ròi. https://baotintuc.vn, ngày 07/12/2018.
7. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Xây dựng pháp luật từ sớm, từ xa.https:// Vietnamplus.vn, ngày 13/8/2021.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 27, 177.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh