Xu hướng hành vi mua của người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Xu hướng hành vi mua của người tiêu dùng Việt Nam sau đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi nhất định và ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, do vậy, cần có sự hỗ trợ, quản lý thương mại từ phía Nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Mặc dù đã qua thời kỳ cao điểm khó khăn của dịch bệnh Covid-19, người dân hiện nay đã có cuộc sống bình thường ổn định trở lại, song hậu quả của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, hành vi mua và thói quen tiêu dùng của người dân. Sự thay đổi hành vi tiêu dùng có những tín hiệu tích cực về mặt kinh tế – xã hội, đó là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) nắm bắt để phục vụ người tiêu dùng (NTD) tốt hơn và có lợi nhuận nhiều hơn. Mặc khác, sự thay đổi này cũng là kẽ hở cho việc lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Các mặt hàng giả ngày càng đa dạng, từ đồ ăn, thức uống đến đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thương mại từ phía Nhà nước chặt chẽ hơn để bảo vệ NTD và các DN.

Xu hướng thay đổi hành vi mua của người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19

Thói quen chi tiêu của người dân thay đổi sau đại dịch Covid-19

Thời gian giãn cách xã hội do bệnh dịch Covid-19 đã làm đa số thu nhập của người dân, nhất là ở khu vực thành thị bị ảnh hưởng và giảm mạnh do tình trạng mất việc, thời gian làm việc ít hơn, do không di chuyển và vận chuyển hàng hóa… NTD gần như thay đổi thói quen mua sắm, thay đổi các giá trị ưu tiên trong hành vi mua khi thu nhập bấp bênh. Họ thận trọng hơn và có xu hướng chỉ mua những hàng hóa thật sự cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, đồng thời, có sự lựa chọn kỹ lưỡng về giá cả trước khi mua.

Thay đổi hình thức mua hàng hóa của NTD

Qua các đợt giãn cách xã hội, số lượng NTD mua sắm tại các siêu thị, chợ truyền thống giảm dần, thay vào đó là ưu tiên các hình thức mua sắm trực tuyến trên các trang mạng xã hội thông qua các thiết bị công nghệ điện tử như laptop, smartphone. Xu hướng chuyển sang hình thức mua hàng hóa trực tuyến thay cho hình thức mua hàng truyền thống vẫn được NTD sử dụng khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống. Mặt khác, hình thức mua trực tuyến với các hàng hóa quảng cáo hấp dẫn, phương thức thanh toán thuận lợi, giao hàng nhanh chóng làm hài lòng NTD nên họ vẫn duy trì hình thức mua này.

Ngoài ra, mạng xã hội là một trong những kênh tham khảo của NTD trước khi họ ra quyết định mua sắm hàng hóa nào đó. NTD có thể nhận được rất nhiều thông tin chi tiết về sản phẩm thông qua mạng xã hội trong một không gian nhỏ cô đọng và khá nhanh chóng về mặt thời gian, đặc biệt những chương trình khuyến mãi và sự chia sẻ cảm nhận về hàng hóa của những khách hàng khác trên các trang mạng xã hội đã thu hút sự chú ý và ra quyết định mua của NTD. Chính sự tiện lợi của các nền tảng mua sắm trực tuyến là một phần kích thích nhu cầu mua sắm của NTD. Với các sàn mua sắm lớn, như: Shopee, Lazada hay các app Grab, Shopee Food, Beamin ngày càng phát triển mạnh đã giúp NTD có thể tiết kiệm thời gian thay vì phải đi đến các cửa hàng hay trung tâm thương mại.

Xu hướng lựa chọn hàng hóa

Phần lớn NTD chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu, trong đó ưu tiên số một là thực phẩm, sữa, sau đó là dụng cụ hỗ trợ nấu ăn. Thay vì mua nhiều lần, NTD có xu hướng mua dự trữ với số lượng hàng hóa gấp 2 – 3 lần so với trước đây. Mặt khác, NTD cũng chú ý đến sức khỏe hơn trước rất nhiều nên ngoài những mặt hàng thiết yếu, họ cũng ưu tiên chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, những loại sản phẩm tăng cường sức đề kháng, sản phẩm y tế. NTD hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu, như: may mặc, gia dụng, đồ uống, làm đẹp, các dịch vụ giải trí.

Xu hướng nhận hàng hóa mua tại nhà và thanh toán trực tuyến

Khi chọn phương thức mua hàng trực tuyến, NTD muốn nhận hàng tại nhà theo khung giờ thuận tiện, giúp họ tiết kiệm thời gian đi lại, giảm sự bất lợi khi thanh toán, vận chuyển khi lưu thông trên đường. Dịch vụ vận chuyển giao hàng cho phép cung cấp hệ thống giao hàng an toàn, thuận lợi trong khoảng thời gian ngắn để đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu giao hàng tại nhà. Bằng chứng cho thấy trong và sau thời dịch bệnh Covid-19, có sự tăng trưởng mạnh về số lượng các app giao hàng, xuất hiện nhiều các công ty vận chuyển nhanh, vận chuyển 24 giờ và số lượng shipper tăng lên.

Song hành với hành vi mua hàng trực tuyến, NTD còn sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến qua app các ngân hàng, tài khoản online, ví điện tử, thanh toán bằng smartphone hay qua tài khoản thẻ có cổng thanh toán trực tuyến được cung cấp bởi PSP (Payment Service Provider) vừa nhanh chóng, thuận tiện và không phải cầm nắm tiền mặt.

Xu hướng tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh được xem là xu hướng tiêu dùng của thế kỷ XXI khi môi trường trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu dùng xanh là hành vi quyết định mua hàng của NTD có thể ảnh hưởng đến môi trường ở mức độ nào1. NTD ngày nay ý thức hơn về môi trường sống, họ xem trọng hành vi mua sắm thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam, trải qua thời gian lo lắng cho sức khỏe vì bệnh dịch Covid-19, NTD cũng trở nên quan tâm đến việc tiêu dùng các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến sử dụng sản phẩm.

Hiện nay, NTD có xu hướng lựa chọn mua hàng hóa liên quan đến màu xanh lá, sản phẩm được kiểm tra kỹ về nguyên liệu sản xuất trước khi mua. Họ quan tâm đến các quảng cáo sản phẩm xanh kết nối với thiên nhiên, chuộng sản phẩm được gói bằng lá hơn bằng túi ni lông, sử dụng ống hút bằng tre hay giấy, sử dụng sản phẩm giấy thay nhựa…; muốn mua sắm những sản phẩm bảo vệ môi trường, khôi phục hệ sinh thái, tốt cho sức khỏe. Xu hướng này cũng rất phù hợp với nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp cần thích ứng với xu hướng thay đổi hành vi mua của người tiêu dùng

Để đáp ứng xu hướng thay đổi hành vi mua của NTD, để có khách hàng, tiêu thụ được sản phẩm, dịch vụ, tạo sự tăng trưởng doanh thu và có lợi nhuận, các DN cần thực hiện một số công việc sau:

Thứ nhất, tăng cường hay mở rộng sản xuất – kinh doanh đối với các DN sản xuất – kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, mặt hàng chăm sóc bảo vệ sức khỏe, nhất là vào thời điểm cuối năm, vì đây cơ hội tiêu thụ hàng hóa làm tăng doanh thu, lợi nhuận. Các DN cần đầu tư và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối với giá cả hợp lý và phục vụ tốt cho NTD. Theo Tổng cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, sản xuất đồ uống tăng 19,5%, sản xuất thuốc và dược liệu tăng 20,1% so với cùng kỳ và tổng mức bán lẻ cũng như doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước2.

Thứ hai, đây là cơ hội tốt cho các DN biết đầu tư và kinh doanh bán hàng trực tuyến hiệu quả, biết tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao nhận đổi trả hàng hóa. Có hoạt động tương tác với khách hàng tốt cũng như nâng cao sự trải nghiệm cho khách hàng là tiêu chí quan trọng giúp các DN thu hút được nhiều khách hàng hơn. Trong đó, tương tác khách hàng đòi hỏi năng lực tập trung vào khách hàng cũng như việc sử dụng tốt chiến lược truyền thông, tiếp thị. Bán hàng trực tuyến với sự trợ giúp đắc lực của mạng xã hội có độ phủ rộng, đây cũng chính là tính năng đắc lực và mạnh mẽ của việc bán hàng trực tuyến thành công. Khi bán hàng thành công cũng là giúp khách hàng giải quyết các nhu cầu của họ bằng sản phẩm của mình với một tâm thế đầy sự tín nhiệm.

Thứ ba, các DN cần tạo điều kiện thuận lợi trong phương thức thanh toán điện tử. Các DN cần tạo điều kiện hơn trong việc thanh toán điện tử như giảm bớt hay không có thu phí thanh toán và mở rộng mạng lưới thanh toán điện tử cho những địa phương xa thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua hàng qua hình thức trực tuyến và đưa sản phẩm của mình gần với NTD hơn.

Thứ tư, ngoài những mặt hàng đang thu hút người dân theo xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm, hàng thiết yếu, sản phẩm y tế chăm sóc sức khỏe các DN nên đầu tư cho việc sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Sản phẩm sản xuất nên có nguồn gốc rõ ràng và nguyên nhiên liệu sử dụng theo hướng giảm thiểu chất thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Có như vậy, các DN mới đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, thị hiếu mới của người dân, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường và hướng tới kinh doanh bền vững.

Thứ năm, các DN nên có biện pháp bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình tốt, phát hiện kịp thời những hàng giả, hàng nhái sản phẩm lưu thông và mua bán trên thị trường để có biện pháp xử lý nhằm bảo vệ NTD và bảo vệ chính bản thân DN, tránh việc NTD quay lưng với DN. Tình trạng xâm phạm thương hiệu ngày càng phổ biến, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường cùng với nhiều hình thức phức tạp, các DN cần tăng cường các biện pháp nhanh chóng và kịp thời nhằm đối phó, xử lý các hành vi này để hạn chế tối đa mức ảnh hưởng gây ra.

Một số khuyến nghị

Để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ NTD, bảo vệ DN trong hoạt động thương mại, cần thêm một số giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, cụ thể như sau:

Một là, hỗ trợ người dân sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội thông dụng. Hỗ trợ các hoạt động thương mại trực tuyến được diễn ra thuận lợi, bảo đảm cáp quang cung cấp dịch vụ internet xuyên suốt với giá cả phải chăng cho người dân sử dụng rộng rãi, phổ biến. Theo số liệu từ Trung tâm Internet Việt Nam, tính đến đầu năm 2022, Việt Nam có 68,72 triệu người sử dụng internet (chiếm 70,3% dân số)3, tuy nhiên, kết nối của Việt  Nam ra quốc tế phụ thuộc vào 7 tuyến cáp quang biển (trung bình khoảng 14 triệu người dân sử dụng một cáp) và hiện tượng đứt cáp quang vẫn xảy ra, trong khi đó, nhu cầu sử dụng mạng internet của người dân Việt Nam rất cao.

Hai là, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các DN kinh doanh mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người dân, bên cạnh việc hỗ trợ chính sách tài khóa cho các DN bị thu hẹp thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu do dịch bệnh Covid-19. Hỗ trợ trong việc thành lập DN, đăng ký kinh doanh, trang bị công nghệ với các công cụ kỹ thuật số, giải pháp thương mại điện tử, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất – kinh doanh…

Ba là, xử lý nghiêm và thường xuyên thanh tra, kiểm tra các trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường, nhất là thị trường mua bán trực tuyến ở những thành phố lớn. Tăng cường tuyên truyền chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ… bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

Bốn là, xử lý nghiêm các trường hợp lấy cắp thông tin NTD như: căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng… để lợi dụng trục lợi trong những việc bất chính như sử dụng những thông tin đó để tống tiền, tạo hành vi lừa đảo, làm thẻ giả mạo, áp dụng khoản vay, bán thông tin ra bên ngoài,..

Năm là, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các DN tuân thủ hoạt động sản xuất – kinh doanh phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Đây cũng là xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh được ưa chuộng và bền vững trong tương lai trên thế giới. Tăng trưởng xanh bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời, bảo đảm các nguồn lực tự nhiên sẽ tiếp tục đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về tài nguyên và môi trường sống cho con người trong tương lai.

Chú thích:
1. Eng, N., Buckley, C., & Peng, R. X. (2022). Tracking the Path of the Green Consumer: Surveying the Decision-Making Process from Self-Transcendent Values to Supportive CSR Intentions.Sustainability14(3), 1106.
2. Điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022. https://www.gso.gov.vn, ngày 02/8/2022.
3. Internet Việt Nam đang ở đâu so với thế giới. https://vnexpress.net, ngày 19/12/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật An ninh mạng năm 2018.
2. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
3. Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
4. Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
5. Quyết định s790/QĐ-TTg ngày 03/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
6. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
NCS. ThS. Trần Thị Hương
Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải trung ương VI