(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 – 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả đạt được bước đầu là khả quan và nhận sự đồng tình, ủng hộ của đa số cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập, cần được đánh giá, phản ánh cũng như sự quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh của các cấp, ngành, đơn vị chức năng có liên quan nhằm bảo đảm hiệu quả tốt nhất cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng quá trình sắp xếp
Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh Thừa Thiên Huế có 152 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã,gồm 105 xã, 39 phường và 08 thị trấn. Trong đó, số ĐVHC cấp xã đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số có 30 đơn vị; số ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định có 122 đơn vị; số ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhưng có cả 2 tiêu chuẩn đều đạt từ 50% trở lên có 42 đơn vị; số ĐVHC cấp xã có một tiêu chuẩn đạt từ 50% trở lên, tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 50% có 73 đơn vị. Trong 73 ĐVHC cấp xã này có 44 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, 29 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy mô dân số. Số ĐVHC cấp xã có cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều chưa đạt 50% theo quy định gồm có 7 xã. Tính đến ngày 31/6/2021, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh là 145, gồm: 98 xã (giảm 7 xã so với trước), 39 phường và 8 thị trấn1.
Từ thực tiễn sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập sau:
Thứ nhất, quy trình triển khai, tham vấn ý kiến Nhân dân trong sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Thực hiện Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của UBTVQH về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 16/8/2019, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Đề án số 196/ĐA-UBND sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 – 2021 và một số văn bản quy định về chế độ, chính sách trong thực hiện sắp xếp ĐVHC. Để thể chế hóa chủ trương, chính sách và phổ biến, tuyên truyền về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 19/8/2019 quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã và thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ…
Với quyết tâm chính trị cao, ngày 29/6/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị triển khai chủ trương cho cán bộ chủ chốt trực tiếp bị tác động; qua phương tiện truyền thông đại chúng để quán triệt, tuyên truyền đến CBCC và Nhân dân toàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát dư luận xã hội có đến 71,7% Nhân dân rất đồng thuận và đồng thuận, song cũng có đến 21,2% chưa đồng thuận, và có đến 8,5% phản ứng. Việc lấy ý kiến cử tri đại đa số đồng thuận cao, kết quả lấy ý kiến cử tri ở 14 xã sáp nhập được đồng thuận cao. Có 9 xã cử tri đồng thuận trên 80%, 4 xã cử tri đồng thuận từ 60% – 80%. Nhiều xã đạt tỷ lệ rất cao như: xã Hương Hòa: 97,78%, Vinh Giang: 97,8%, Vinh Thái: 99,38%. Tuy nhiên, kết quả lấy ý kiến cử tri có một số địa phương kết quả thấp có đến 43,11% không đồng ý (Hồng Tiến, thị xã Hương Trà) và xã Hương Giang (Nam Đông) chỉ 69,76% đồng ý2.
Sở dĩ có tình trạng trên là do công tác tuyên truyền nhằm ổn định tư tưởng người dân về kinh tế – xã hội nếu chia tách, sáp nhập ĐVHC không hiệu quả, làm cho người dân hoang mang về điều kiện, hoàn cảnh sinh sống sau sắp xếp. Từ đó, có thể thấy, do nhận thức của một bộ phận CBCC và người dân vận động cử tri không đồng thuận, phải bỏ phiếu 2 lần, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp. Qua khảo sát ở một số địa phương, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai quy trình chưa thật sự bám sát địa bàn, thậm chí “khoán trắng” cho CBCC trên địa bàn. Điều này cho thấy, quy trình thực hiện lấy ý kiến cử tri thiếu chặt chẽ; công tác vận động, tuyên truyền chủ trương đến người dân chưa thật sự có hiệu quả, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, (qua kết quả khảo sát Biểu 1 dưới đây, có đến 25% người được khảo sát xác định không được chính quyền lấy ý kiến và 0,9% Nhân dân không được tham gia bàn bạc)3.
Thứ hai, sắp xếp CBCC, người hoạt động không chuyên trách
Cùng với sắp xếp tổ chức đảng, các tổ chức chính trị – xã hội, các địa phương sắp xếp, cơ cấu lại chính quyền cấp xã một cách khẩn trương, cụ thể: HĐND cấp xã mới hình thành trên cơ sở đại biểu HĐND của các xã cũ. HĐND ở xã mới hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương với số lượng đại biểu giữ nguyên số lượng đại biểu HĐND hai xã cũ. HĐND sau bầu cử nhiệm kỳ 2021 – 2016 được thực hiện theo luật định, số lượng giảm đi gần 50%. Số cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thiếu năng lực không giới thiệu bầu vào HĐND nhiệm kỳ mới. UBND cấp xã mới thành lập tại kỳ họp thứ nhất của HĐND mới tiến hành bầu chủ tịch UBND; bầu phó chủ tịch, ủy viên UBND để điều hành hành chính.
Về sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành như sau:
– Đối với cán bộ: tổ chức sắp xếp CBCC theo 3 hướng cơ bản:
Cán bộ cấp xã được bố trí, sắp xếp lại trên nguyên tắc phải đủ tiêu chuẩn để tái cử nhiệm kỳ cấp ủy 2020 – 2025 và các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 – 2026 hoặc điều động, bố trí ở đơn vị khác. Đối với cán bộ không đủ điều kiện (tuổi, tiêu chuẩn tái cử), đủ điều kiện nghỉ hưu thì vận động nghỉ hưu; đối với cán bộ không đủ điều kiện chuyển qua công chức thì vận động nghỉ theo chế độ quy định. Sau sắp xếp, trên 7 xã mới dôi dư 58 cán bộ. Đến ngày 31/12/2021,tỉnh Thừa Thiên Huế đã sắp xếp cơ bản, chỉ còn 12 cán bộ đang tiếp tục thực hiện điều chuyển, chờ nghỉ hưu theo chế độ.
– Đối với công chức: nguyên tắc bố trí đúng vị trí việc làm hoặc điều chuyển. Số không bố trí được tạm thời bố trí theo chức danh và chấp nhận tăng số lượng. Tuy nhiên, số tăng thêm không được vượt quá số lượng hiện có sau khi sáp nhập.
Qua sắp xếp, công chức chuyên môn các xã mới có số lượng gần gấp đôi, số dôi dư đã tổ chức sát hạch, điều động về các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh hoặc qua các xã khác được: 32 người; tinh giản biên chế: 31 người và công chức nghỉ hưu: 14 người. Tuy nhiên số lượng công chức đến ngày 31/12/2021 chưa bố trí được còn: 54 người, cá biệt huyện A Lưới dôi dư 42 công chức4. Hiện nay,số công chức chuyên môn trên 7 xã bình quân một vị trí từ 3 – 4 người, có vị trí dôi dư gấp 3 lần định mức…
– Đối với người hoạt động không chuyên trách (KCT) cấp xã: số lượng người làm việc KCT 14 xã sáp nhập là 215 người, đã bố trí được theo quy định 85 người, dôi dư 130 người. Đến ngày 31/12/2021, cơ bản đã giải quyết nghỉ theo quy định.
Qua thực tế cho thấy quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã là cơ hội để rà soát, đánh giá, sàng lọc,tinh giản biên chế đối với CBCC chưa đạt chuẩn hoặc hạn chế về năng lực. Cơ hội sắp xếp, bố trí lại CBCC góp phần hoàn thiện tổ chức ĐVHC cấp xã, đạt được các mục tiêu cơ bản: tinh gọn bộ máy, chuẩn hóa, vận hành phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; tiết kiệm. Đặc biệt sàng lọc, tuyển chọn được đội ngũ CBCC trẻ, năng động, đủ tiêu chuẩn và thích ứng trong đổi mới, CCHC.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã, bố trí CBCC luôn là khâu khó nhất. Kết quả khảo sát cho thấy, trong 5 yếu tố khó khăn được CBCC và người dân xác định là sắp xếp, bố trí CBCC (76,6%) và tinh giản dôi dư (58,56%)5, trong 7 chức danh công chức cấp xã có ba chức danh công chức khó bố trí, sắp xếp nhất đó là chức danh văn phòng – thống kê (71,3%), chức danh địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (65,7%) và chức danh tư pháp – hộ tịch (57,6%)6. Mặt khác trong các chức danh sắp xếp 58,2% cho các chức danh cấp phó HĐND, UBND là khó sắp xếp, 18,1% là chức danh chủ tịch và 15,8% là chức danh bí thư, chức danh chủ tịch HĐND chỉ 1,5% [Biểu 2]7.
Cùng với khó khăn trong sắp xếp, bố trí đội ngũ CBCC đủ điều kiện tái cử, bố trí lại, việc vận động CBCC nghỉ hưu trước thời hạn, tinh giản biên chế, chuyển công tác, vị trí việc làm cũng là vấn đề khó khăn, nan giải đối với chính quyền các cấp. Mặt dù được vận động, chuẩn bị tư tưởng trước song nhiều vấn đề bất cập về chính sách, về chế độ làm cho việc sắp xếp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Việc dôi dư đội ngũ CBCC có nhiều nguyên nhân. Đó là vừa tinh giản do thực hiện chính sách đưa công an chính quy về địa phương; vừa sắp xếp ĐVHC cấp xã theo Nghị quyết số 834/2019/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế; vừa thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố các xã đều giảm 2 định mức CBCC. Mặt khác,tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương đến ngày 31/12/2021 các địa phương phải bố trí xong số công chức dôi dư, trong lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sắp xếp CBCC trong 5 năm, điều đó tạo sức ép lớn và khó khả thi.
Thứ ba, thực hiện chế độ, chính sách trong sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Song song với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí CBCC, người làm việc KCT, tỉnh Thừa Thiên Huế từng bước giải quyết chính sách cho số CBCC và người làm việc KCT. Trên cơ sở thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/8/2018, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Để cụ thể hóa và hỗ trợ thêm cho đối tượng dôi dư, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 nhằm việc thực hiện chế độ, chính sách cho CBCC, viên chức, người bán chuyên trách liên quan đến sắp xếp, bố trí vị trí việc, tinh giản biên chế. Qua hai năm thực hiện, toàn tỉnh đã dành 7.687.191.506 đồng giải quyết chế độ khi sắp xếp, bố trí lại CBCC, trong đó giải quyết chế độ, chính sách và hỗ trợ cho CBCC viên chức là 4.562.319.506 đồng, người hoạt động KCT: 3.126.872.000 đồng. Tuy nhiên, nhìn chung chế độ còn quá thấp. Qua khảo sát 421 CBCC chỉ có 12% cho là chế độ rất, thỏa đáng, 55,9% cho thỏa đáng, có đến 24,7% cho không thỏa đáng8. Mặt khác, dân cư vùng dân tộc thiểu số xã Hồng Tiến (xã khu vực III) trước đây được hưởng chế độ hỗ trợ bảo hiểm y tế trên toàn xã, sau khi sáp nhập vào xã mới (Bình Tiến)không còn xã khu vực III, khu vực II, một bộ phận dân cư không được hưởng chế độ này theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, gây ra những thắc mắc, kiến nghị khá phức tạp chưa xử lý được.
Thứ tư, cơ sở vật chất và sự vận hành của bộ máy sau sắp xếp ĐVHC.
Để ổn định hoạt động, các ĐVHC cấp xã mới sáp nhập khẩn trương phân công CBCC chủ chốt tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn do sắp xếp ĐVHC mang lại. Việc sáp nhập ĐVHC đã tạo chuyển biến mới về phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tăng quy mô về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tập trung được nguồn lực tạo thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu, hoạch định phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, thị trường.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, các xã mới sáp nhập tiếp tục duy trì phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới; tạo sự đồng thuận, liên kết giữa các dân tộc vốn có nhiều khác biệt về văn hóa, tập tục sản xuất, lối sống như giữa dân tộc Pacô (Hồng Trung) và dân tộc Tà ôi, Cơ Tu (Bắc Sơn) tại xã Trung Sơn; giữa dân tộc Ca Tu (Hương Lâm) và dân tộc Tà Ôi (A Đớt) của xã Lâm Đớt; giữa dân tộc Pa Cô (Hồng Quảng) và dân tộc Tà Ôi (Nhâm) của xã Quảng Nhâm. Qua đó, góp phần xây dựng đoàn kết giữa các dân tộc, xóa bỏ bất đồng về văn hóa, tập tục hay nạn xâm canh mang lại.
Một trong những thành công của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ nâng cao được chất lượng bộ máy, CBCC mà còn tiết kiệm chi ngân sách khá lớn, gần 50%. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thừa Thiên Huế giảm chi được 8.311.777.000 đồng, trong đó giảm chi lương, phụ cấp: 4.871.592.000 đồng; giảm chi phí hành chính: 2.809.965.000 đồng; giảm chi khác: 630.220.000 đồng9.
Tuy nhiên, những khó khăn phải đối mặt trước mắt đó là thời gian đầu sáp nhập do tổ chức bộ máy chưa ổn định, CBCC nhiều nhưng trụ sở làm việc quy mô nhỏ, chật hẹp, điều kiện làm việc không tương thích, trong khi một số trụ sở không sử dụng; trụ sở làm việc chưa tương xứng, tạo trở ngại trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện giao dịch của người dân. Mặt khác, do trụ sở phải chọn một trong hai trụ sở cũ nên số trụ sở xã được bố trí làm việc không nằm trung tâm địa lý, tạo ra một số khó khăn cho Nhân dân (xã Giang Hải, xã Hương Xuân, Quảng Nhâm…). Qua khảo sát 340 người dân có đến 70,6% cho bất tiện do xa trung tâm xã, 32,0% cho trụ sở chật hẹp, quá tải, 27,6% chưa có cơ hội hưởng thụ các loại dịch vụ10.
Giải pháp khắc phục hạn chế từ những hạn chế qua sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện quy trình sắp xếp ĐVHC đúng quy định.
Việc sắp xếp này tạo ra biến động lớn trong xã hội, nhất là sắp xếp CBCC; thay đổi đời sống của một bộ phận dân cư ở các xã. Một bộ phận CBCC và Nhân dân bị tác động bất lợi về việc làm, cuộc sống…, từ đó dễ chuyển biến tiêu cực, thậm chí còn vận động Nhân dân không đồng thuận với chủ trương chung, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình sắp xếp. Vì vậy, để triển khai, thực hiện hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyềnlàm cho CBCC, Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp ĐVHC, nhất là các đối tượng, địa phương bị tác động, thiệt thòi, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việc vận động, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, CBCC và toàn xã hội có tính quyết định đến thành công của sắp xếp ĐVHC hiện nay.
Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến sắp xếp ĐVHC.
Việc sắp xếp ĐVHC phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, có trọng tâm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và ổn định chính trị – xã hội. Đây là vấn đề mới, chứa đựng sự khác biệt, tiềm ẩn xung đột, rủi ro do thiếu tính đồng bộ của hệ thống pháp lý. Vì vậy, việc triển khai sáp nhập các ĐVHC mới cần tiến hành bài bản, chỉ đạo thống nhất, thực hiện theo lộ trình chặt chẽ… Điều này đòi hỏi các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn, quy trình thực hiện, chế độ…, liên quan làm cơ sở pháp lý cho quá trình sắp xếp, vận hành ĐVHC phải hợp lý, tránh trình trạng một lúc thực hiện nhiều chính sách liên quan đến tinh giản biên chế, gây ra những phản ứng và khó thực hiện. Cần có quy chế kiểm tra, giám sát để Nhân dân tham gia, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Ba là, phát huy trách nhiệm và sự quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thực tiễn sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua cho thấy sự chần chừ, ngại va chạm, không có quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo thiếu quyết liệt, trông chờ…, của một số cấp ủy, người đứng đầu…, là nguyên nhân cơ bản tạo ra sự trở ngại, kém hiệu quả của quá trình sắp xếp ĐVHC. Mặt khác, một bộ phận CBCC bị ảnh hưởng đến vị trí, quyền lợi thiếu quyết tâm, thậm chí vận động người không đồng tình với chủ trương…, đã tạo ra tư tưởng e dè, ngại thay đổi ĐVHC trong Nhân dân, xã hội, tạo ra những khó khăn cho quá trình sắp xếp ĐVHC. Vì vậy, để đạt được hiệu quả của quá trình sắp xếp ĐVHC, các cấp cần phát huy trách nhiệm và sự quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương.
Bốn là, chú trọng sắp xếp đội ngũ CBCC.
Công tác sắp xếp, bố trí CBCC là vấn đề khó khăn nhất trong sáp nhập ĐVHC cấp xã. Tính đến ngày 30/6/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi sắp xếp 14 xã thành 7 xã số lượng CBCC dôi dư là: 63 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 42 chiếm tỷ lệ 69,42 %11. Một vị trí công chứccó từ 3 – 4 công chức, thậm chí 7 công chức trở lên là phổ biến, tạo ra sự lãng phí và xung đột trong vận hành bộ máy mới. Số công chức dôi dư này đều đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, tuổi đời trẻ nhưng thiếu vị trí việc làm nên chưa sắp xếp được. Do đó, để sớm ổn định, căn cứ vào quy hoạch, cấp ủy Đảng, chính quyền mới cần tiến hành rà soát, xây dựng tiêu chí làm cơ sở lựa chọn, bố tríCBCC có đạo đức, năng lực tham gia bộ máy mới hợp lý, hiệu quả.
Để lựa chọn, sắp xếp một cách công bằng, ngoài việc rà soát đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực, trình độ chuyên môn, sự cống hiến, cần thiết áp dụng một số hình thức lựa chọn như thi tuyển, bảo vệ đề án. Chính quyền các cấp cũng cần có giải pháp luân chuyển, điều động CBCC dôi dư bố trí trong hệ thống chính trị để sớm ổn định bộ máy.
Năm là, sớm đầu tư, sắp xếp, sử dụng cơ sở vật chất và tài chính hợp lý.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, về vấn đề tài chính, sắp xếp trụ sở làm việclà vấn đề nhạy cảm, nhiều phát sinh. Một mặt, sớm ban hành chế độ, định mức các khoản chi liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC các cấp; các chế độ, chính sách liên quan đến CBCC dôi dư, tinh giản.Mặt khác, ngoài áp dụng quy định chung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, các địa phương cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho CBCC…, tinh giản biên chế góp phần tạo đồng thuận trong xã hội.
Đối với chế độ hỗ trợ cho CBCC dôi dư các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021; Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, tránh đề ra các quy định của địa phương thiếuhợp lý, thiếu khả thi làm nảy sinh thêm khúc mắc cho người dân cũng như dư luận xã hội. Sớm có phương án sử dụng phù hợp đối với trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập, cần thiết giao trụ sở dôi dư cho các thôn, khu dân cư làm nhà sinh hoạt cộng đồng; chuyển đổi công năng phù hợp…
Từ những vấn đề rút ra qua đánh giá của CBCC và Nhân dân từ thực tiễn sắp xếp ĐVHC của tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho thấy toàn diện các mặt của vấn đề, qua đó, có những giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sắp xếp các ĐVHC các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản trị quốc gia, bảo đảm vai trò thống nhất quản lý của chính quyền trung ương và phát huy vai trò chủ động, tự lực của chính quyền địa phương, tối đa hóa nguồn lực, lợi thế của vùng, miền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, hiện thực hóa các mục tiêu của cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay.