Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cấp huyện hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, cung ứng dịch công góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến các cấp, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến cấp huyện.
Cán bộ Bộ phận Một cửa điện tử huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến. Ảnh: phutho.gov.vn
Vai trò của dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng1. DVCTT cấp huyện có 4 mức độ như các loại DVCTT khác.

(1) DVCTT mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời gian; phí và lệ phí thực hiện nhiệm vụ.

(2) DVCTT mức độ 2: là DVCTT mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

(3) DVCTT mức độ 3: là DVCTT mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

(4) DVCTT mức độ 4: là DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Như vậy, DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai chính phủ điện tử. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại đối với việc gửi hồ sơ cũng như việc nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân. đặc biệt, sử dụng DVCTT tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, hách dịch; đồng thời, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính (TTHC). Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT) của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) được phân công xử lý hồ sơ TTHC… qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Một số dịch vụ công trực tuyến cấp huyện hiện nay

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử; Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp DVCTT và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng… hiện nay, DVCTT đã cung cấp:

(1) Dịch vụ hành chính công: là những dịch vụ phục vụ cho tất cả người dân, Nhà nước phục vụ các quyền của người dân, có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ hành chính, tư pháp theo quy định của pháp luật. Phạm vi dịch vụ hành chính công bao gồm các hoạt động thực thi chính sách, pháp luật và việc bảo đảm các quyền và nghĩa vụ có tính pháp lý của các tổ chức và công dân, như: cấp các loại giấy phép, giấy khai sinh, chứng minh thư, xác nhận hộ tịch, hộ khẩu, bổ trợ tư pháp, thu thuế,…

(2) Dịch vụ sự nghiệp công: là loại dịch vụ cung cấp hàng hóa dịch vụ về giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa và tinh thần do các tổ chức sự nghiệp cung ứng, không thu tiền hoặc thu một phần nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận.

(3) Dịch vụ công ích: là hoạt động cung cấp các hàng hóa dịch vụ có tính chất kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật chất thiết yếu cho sinh hoạt của người dân, nó gắn liền với việc cung ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản.

Trên địa bàn cả nước, chính quyền cấp huyện đã ban hành các chính sách và lập kế hoạch triển khai thực hiện DVCTT cấp huyện; xác định các dịch vụ công (DVC) có thể cung cấp trực tuyến trên địa bàn; điều kiện cần thiết để thực hiện DVCTT; giới thiệu DVC đến người dân và doanh nghiệp; tổ chức thực hiện quy trình cung cấp DVCTT; theo dõi, kiểm tra và kiểm soát các vấn đề phát sinh trong quá trình cung ứng DVCTT. Đơn cử, như: Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, hệ thống một cửa điện tử tiếp nhận, giải quyết TTHC đã được xây dựng và vận hành tại 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, cung cấp 100% các DVCTT mức độ 2 trên cổng, trang thông tin điện tử, từng bước cung cấp các DVC mức độ 3 và 4; 100% Ủy ban nhân dân huyện và các xã ứng dụng phần mềm một cửa điện tử2. Hay huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trong 4 tháng đầu năm 2022, đã tiếp nhận và giải quyết được 1.096 hồ sơ TTHC, trong đó có 394 hồ sơ được số hóa kết quả và cập nhật kết quả lên cổng DVC của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,4%. Hệ thống truyền hình trực tuyến ổn định chất lượng, bảo đảm phục vụ các hội nghị trực tuyến từ trung ương đến địa phương được thông suốt. Quý I/2022 đã phát sinh 136 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực, đạt tỷ lệ trên 30%3.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, như: một số huyện chưa kịp thời niêm yết bổ sung hoặc thay thế một số văn bản hướng dẫn mới; CBCC làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát TTHC chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong công tác kiểm soát TTHC, nên thiếu sự chủ động trong việc xin ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền, vì vậy, một số công việc đạt hiệu quảchưa cao. Mặt khác, việc ứng dụng CNTT của một bộ phận người dân còn hạn chế, họ quen với hình thức giao dịch tại bộ phận một cửa vì theo quan niệm của nhiều người dân, cứ phải đến tận nơi mới “chắc chắn” và để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan. Tương tự, việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cũng chưa được người dân đón nhận do tâm lý muốn gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. Việc này không chỉ tốn thời gian của tổ chức và công dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian của CBCC làm công tác tiếp nhận và trả kết quả của bộ phận một cửa.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến cấp huyện hiện nay

Thứ nhất, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng CNTT của đội ngũ CBCC.

Cần phải xây dựng đội ngũ CBCC cơ sở giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm, có kiến thức chuẩn về tin học, ngoại ngữ, có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới. Kết hợp chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện cách thức làm việc của CBCC.

Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ CBCC nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng một nền hành chính tiên tiến, hiện đại.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về DVCTT đến người dân và doanh nghiệp.

Việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền DVCTT phải được thực hiện đồng bộ theo một chương trình tuyên truyền về CCHC nói chung. Công tác tuyên truyền về DVCTT cần được đẩy mạnh thông qua các hình thức, như: (1) Liên kết trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; (2) In, cấp phát pano, băng rôn và tờ gấp cho các xã, thị trấn để phối hợp tuyên truyền về lợi ích, cách thức sử dụng DVCTT; (3) Tận dụng những phương tiện truyền thông cơ bản và thân thiện với người dân, như: ti vi, ra-đi-ô, truyền thanh không dây và điện thoại di động; (4) Tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về lợi ích và sự thuận tiện của DVCTT mức độ 3, 4 (5) Thực hiện các biện pháp về bảo đảm an toàn và bí mật thông tin của các cá nhân khi sử dụng DVCTT.

Thứ ba, tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Ủy ban nhân dân các huyện chủ động phát huy nội lực của huyện cũng như các đơn vị trên địa bàn cùng nhau phối hợp trong việc tham gia đầu tư trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Thường xuyên nâng cấp, bảo trì, bổ sung hệ thống máy tính, nhằm bảo đảm an toàn an ninh mạng ở các cấp.

Việc ứng dụng DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số hiện nay. Áp dụng DVCTT sẽ giúp cơ quan nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện hơn và khoa học hơn. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Chú thích:
1. Dịch vụ công trực tuyến là gì? https://stnmt.dongnai.gov.vn, truy cập ngày 24/8/2022.
2. Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc. Báo cáo số 325/BC-UBND ngày 29/11/2021 về cải cách hành chính năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
3. Huyện Ý Yên dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính các tháng tiếp theo năm 2022. https://namdinh.gov.vn, ngày 05/6/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
2. Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
3. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
4. Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử.
5. Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
6. Thông tư số 32/2017/TT-BTTT ngày 05/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thôn in điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.                                      
      ThS. Hoàng Thị Hoài Hương
Học viện Hành chính Quốc gia