Quản lý di sản văn hóa vật thể thế giới tại một số nước châu Á – kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa vật thể thế giới nói riêng. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa di sản vật thể ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của quốc gia trước sự phát triển đầy thách thức của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa. Bài viết đề cập đến kinh nghiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa vật thể của Hàn Quốc, Trung Quốc, Cam-pu-chia, từ đó rút ra một số kinh nghiệm trong công tác quản lý về di sản văn hóa vật thể cho Việt Nam.
Quần thể di tích Cố đô Huế – Di sản văn hoá thế giới. Ảnh: khamphahue.com.vn
Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia có nhiều di sản văn hóa (DSVH) được UNESCO công nhận, điều này chứng tỏ Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn di sản, được thế giới đánh giá cao trong việc quản lý nhà nước (QLNN) về DSVH và thiên nhiên thế giới, trong đó bao gồm các mặt:

Về tổ chức bộ máy

Trước hết, vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có đóng góp to lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH và thiên nhiên tại nước này. Với mô hình tổ chức hợp lý, chức năng nhiệm vụ rõ ràng, đủ thẩm quyền để thực thi công tác QLNN về DSVH và thiên nhiên thế giới hiệu lực, hiệu quả. Một trong những trách nhiệm chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn quốc là bảo tồn DSVH quốc gia. Chức năng bảo tồn, như: tu bổ các cung điện lịch sử được thực hiện bởi Cục Quản lý Tài sản Văn hoá. Các bộ phận bảo tàng trực thuộc cũng được thành lập tại các bảo tàng lớn của Hàn quốc tại nước ngoài như: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Các tổ chức trực thuộc này do Hiệp hội Văn hóa và Nghệ thuật Hàn Quốc và Hội Bảo trợ ngành kinh tế tư nhân hỗ trợ về tài chính.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về quản lý các tài sản văn hóa hiện có tại các công viên quốc gia này, như: đền, chùa, các công trình lớn về tự nhiên, các loài động vật đang gặp nguy hiểm, trong khi Bộ QLNN và Tự trị địa phương chịu trách nhiệm về công tác bảo tồn các công viên này. Bộ đã tiến hành sửa đổi Luật Công viên quốc gia vào năm 1996 để bảo vệ các công viên quốc gia khỏi những tác động từ các phương tiện giải trí và hoạt động thể thao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Quản lý Tài sản Văn hóa có nhiệm vụ chính trong việc thực hiện công tác bảo tồn DSVH và các hoạt động như: quản lý, nghiên cứu, khai quật, trùng tu các khu di tích văn hóa, hợp tác quốc tế về văn hóa. Đồng thời, Cục Quản lý Tài sản Văn hóa cũng thực hiện chức năng công nhận các DSVH quốc gia.

Về vai trò của Chính phủ trong việc phát huy các giá trị DSVH

Chính phủ Hàn Quốc luôn nhận thức được tầm quan trọng của các di sản trên đất nước mình và không ngừng nỗ lực bảo vệ, nâng cao nhận thức về giá trị các di sản này. Mỗi di sản đều được Chính phủ xác định là tài sản và báu vật của quốc gia và địa phương. Chính phủ Hàn Quốc hiện đã và đang rất nỗ lực nâng cao vị thế và hình ảnh của Hàn Quốc như một phần của “Sáng kiến xây dựng Thương hiệu Quốc gia” thông qua việc phát huy các di sản vật thể và phi vật thể. Ngày càng có nhiều DSVH được UNESCO công nhận, cũng có nghĩa rằng Hàn Quốc sở hữu nhiều tài sản có giá trị với nhân loại. Hay nói cách khác, DSVH của Hàn Quốc được hình thành trên nền tảng môi trường thiên nhiên tuyệt vời đã và đang được thế giới đánh giá cao theo những tiêu chuẩn khách quan. Điều này góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của Hàn Quốc thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến với Hàn Quốc. Trong tương lai nếu có nhiều hơn nữa di sản được UNESCO công nhận thì nhất định nó sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước trên cả phương diện văn hóa và kinh tế.

Hiện nay, Hàn Quốc thu hút rất nhiều du khách nước ngoài từ châu Âu và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt du khách từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Khi đến Thủ đô Seoul, mọi người đều ấn tượng về một thành phố phát triển hiện đại. Vì thế, trong xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch, Hàn Quốc luôn cố gắng thể hiện rõ sự hiện đại đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng rất chú trọng tới văn hóa truyền thống, đặc biệt là các DSVH vật thể thế giới được UNESCO công nhận. Mỗi du khách đến với Hàn Quốc đều được giới thiệu về giá trị kiến trúc của Cung Gyeongbok, đây là niềm tự hào của kiến trúc cung điện phương Đông; di sản những phản gỗ Tripitaka Koreana (dùng để in kinh Phật) và Janggyeongpanjeon (một địa danh cổ xưa lưu giữ những tấm phản gỗ này), đền Haeinsa, tạ đình Gyeongsangnam-do, miếu thờ Jongmyo và Cung Changdeokgung ở Seoul, pháo đài Hwaseong tại Suwon. Gyeongbokgung – Cảnh Phúc Cung uy nghiêm ở Seoul – DSVH thế giới ở Hàn Quốc1, một kết hợp tuyệt vời gắn kết giữa DSVH vật thể và phi vật thể tại DSVH thế giới này.

Người Hàn Quốc chú trọng giới thiệu các phong tục tập quán rất đặc trưng với du khách nước ngoài. Những phong tục tập quán được giới thiệu với du khách rất tự nhiên và thực tế, chẳng hạn khi giới thiệu về Phật giáo, về những ngôi chùa cổ, mời du khách đến thăm ngôi chùa đó, được nghe giảng đạo và ngủ đêm ở chùa. Cùng với đó, du khách sẽ tham gia các công việc của nhà chùa như quét sân, đi tham quan những nơi ở, nơi ăn của sư, sãi trong chùa, được xem những không gian tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt của người Hàn Quốc xưa. Qua những hoạt động này, du khách nước ngoài, cảm nhận được rõ nét truyền thống của Hàn Quốc. Mỗi vùng, miền ở Hàn Quốc đều có nét văn hóa riêng và thể hiện rõ nhất ở trong các lễ hội truyền thống. Vì thế, Hàn Quốc luôn có những gói du lịch đến với lễ hội truyền thống tùy theo từng vùng, từng mùa trong năm.

Hàn Quốc tổ chức định kỳ các sự kiện ở từng địa phương nhằm xúc tiến chương trình nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, tạo điều kiện cho toàn dân hiểu về giá trị của đất nước mình để người dân thấm nhuần những gì mình đang có, tôn vinh và nghiêm khắc trong ứng xử với di sản của quốc gia. Các cuộc thi sáng tác, thi viết phóng sự các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn di sản được tổ chức thường xuyên. Nhiều hoạt động thực tế cũng như các bài giảng, chương trình đào tạo đối với thanh niên, giúp cho họ hiểu được sự tuyệt vời và tầm quan trọng của di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia để từ đó có ý thức tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế. Hầu như bất kỳ đại sứ quán nào của Hàn quốc trên thế giới cũng mang đậm tinh thần “Hàn quốc và di sản Hàn quốc”.

Tài sản gắn liền với lịch sử 5.000 năm của Hàn Quốc hiện đã trở thành một phần di sản của nhân loại. Ngày nay, người dân và Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực để bảo tồn và nâng cao hơn nữa những giá trị di sản của mình để đóng góp tích cực vào nền văn hóa của thế giới.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có nhiều DSVH và thiên nhiên hàng đầu thế giới. Tính đến 2021, Trung Quốc có 55 di sản thế giới, trong đó, có 37 DSVH, 14 di sản thiên nhiên và 4 di sản hỗn hợp2. Những thành công chính trong QLNN về di sản thế giới ở Trung Quốc, đó là:

Làm tốt công việc kiểm kê, đánh giá di sản quốc gia nói chung, trong đó có DSVH và thiên nhiên thế giới. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc thực hiện kiểm kê di sản quốc gia lần thứ 3 với quy mô lớn. Kết quả, số lượng DSVH vật thể đăng ký (tăng từ 300.000 – 760.000), trong số đó, các di tích quốc gia ưu tiên bảo vệ đặc biệt tăng từ 750 di tích quốc gia (năm 2000) lên 4.296 di tích quốc gia (năm 2021)3.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, Trung Quốc đã thành công trong công tác bảo tồn DSVH có giá trị, nhiều DSVH quan trọng được cứu nguy thông qua nhiều dự án phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo tồn, chẳng hạn như DSVH thế giới Vạn Lý Trường Thành.

Từ những năm 20 của thế kỷ XX cho đến nay, Trung Quốc thực hiện nhiều hoạt động quan trọng đối với công tác bảo tồn các di sản khảo cổ trên quy mô lớn và xây dựng các công viên khảo cổ học, có được những kinh nghiệm trong điều chỉnh các mối quan hệ giữa phát triển đô thị với bảo tồn các di sản. Các dự án bảo tồn và thành lập các công viên khảo cổ học tại Yin Xu, Anyang (thành phố Lạc Dương thời nhà Tùy và nhà Đường), Jinsha (tại Thành Đô) và Cung điện Damming (tại Tây An), áp dụng các phương thức mới trong công tác bảo tồn, sử dụng, diễn giải và giới thiệu về các khu khảo cổ học, liên kết các mối quan tâm lớn của các nhà hoạt động, ngành du lịch và sự tăng trưởng kinh tế trong công tác bảo tồn. Các dự án này mang đến sự ổn định trong phát triển các khu di sản khảo cổ học và bảo tồn tính đa dạng văn hóa trong khi hỗ trợ các cộng đồng địa phương và tạo lợi ích về mặt xã hội và kinh tế. Đây cũng là thời kỳ có bước tiến lớn và nổi bật trong công tác bảo tồn và quản lý di sản thế giới của Trung Quốc. Năm 1985, Trung Quốc đã phê chuẩn Hiệp định về Bảo tồn DSVH và thiên nhiên thế giới. Cuối năm 2015, 48 di sản tại Trung Quốc đã được đưa vào trong danh sách di sản thế giới. Trung Quốc đã thành công trong đề cử các di sản trong danh sách di sản thế giới với chặng đường liên tục kéo dài 13 năm4. Sự thành công này có được từ sự phát triển của một quốc gia với hệ thống cơ chế hiệu quả về đề cử, bảo vệ, quản lý, điều hành và nghiên cứu về di sản thế giới. Quan trọng hơn, Trung Quốc ngày càng nâng cao ý thức bảo tồn di sản nhờ sự phổ biến các kiến thức liên quan đến di sản thế giới, bao gồm các giá trị chung nổi bật, tính chân thực và tính nguyên vẹn cũng như các hoạt động trong bảo tồn nguồn DSVH, như: Vạn Lý Trường Thành, con đường Tơ lụa và con kênh Grand. Từ những kinh nghiệm đó, cách thức và phương thức tiếp cận được tăng cường đã được áp dụng không chỉ nhằm bảo vệ di sản thế giới tại Trung Quốc mà còn tăng cường công tác bảo tồn các di sản khác tại quốc gia này.

Kể từ những năm 90 của thế kỷ XX, đặc biệt trong 15 năm qua, Trung Quốc đã có bước phát triển nhanh về mặt lý luận đối với bảo tồn DSVH. Cùng với kiến thức chuyên sâu hơn về khái niệm liên quan đến công tác bảo tồn: tính chân thực, nguyên vẹn và sử dụng phù hợp, nhiều loại hình DSVH mới đã được công nhận, tạo thêm nền tảng lý thuyết trong công tác bảo tồn di sản tại Trung Quốc. Thông báo về tăng cường Bảo tồn DSVH do Hội đồng quốc gia ban hành vào tháng 12/2005 đã xác định các chỉ dẫn, nguyên tắc cơ bản, mục đích chung và các biện pháp trọng điểm. Đầu năm 2006, Ban Quản lý DSVH quốc gia đã tổ chức Diễn đàn thường niên về Bảo tồn DSVH Trung Quốc, tập trung vào di sản công nghiệp, cảnh đẹp văn hóa, lộ trình văn hóa, các con kênh, sự phát triển phù hợp của các di sản thế giới, bảo tồn và sử dụng DSVH, tăng cường hệ thống pháp lý.

Cam-pu-chia

Cam-pu-chia là một quốc gia hình mẫu thành công trong quản lý nhà nước bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vật thể thế giới – Quần thể di tích Ăngkor được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer và được công nhận là DSVH thế giới năm 19925.

Đưa giáo dục DSVH vào nhà trường

Về mặt chiến lược, Cam-pu-chia đưa giáo dục DSVH nói chung và DSVH thế giới Angkor nói riêng vào trong nhà trường cho giới trẻ. Bộ Giáo dục Cam-pu-chia và Cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về khảo cổ học Angkor, Apsara đã thiết lập một loạt chương trình giáo dục để khuyến khích học sinh, sinh viên tìm hiểu về các di sản địa phương. Chương trình nhằm mục đích giúp cho học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về DSVH của họ. Các lớp học, do các cán bộ kỹ thuật và nhà nghiên cứu từ Cơ quan Quốc gia Apsara truyền đạt, tập trung vào ý nghĩa văn hóa của mạng lưới đền thờ rộng lớn của Cam-pu-chia, học sinh cũng đi thực tế đến các ngôi chùa gần trường học. Nhờ có giáo dục mà các thế hệ người dân Cam-pu-chia nối tiếp nhau đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, trong đó có DSVH vật thể thế giới – Quần thể di tích Angkor.

Bố trí việc làm trong cơ quan khảo cổ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho người dân trong vùng lõi và vùng đệm của các di sản thế giới để họ sống được nhờ di sản.

Nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền, phát huy nguồn lực DSVH là mục tiêu quan trọng lâu dài, mang ý nghĩa then chốt. Tuy nhiên, bảo tồn di sản không có nghĩa là đóng khung di sản vào một lồng kính để ngắm. Chính vì vậy, Cam-pu-chia đã có không ít dự án du lịch vừa bảo tồn và tạo sức hút cho di sản như một điểm đến hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Ngoài việc phục hồi và nghiên cứu khảo cổ học trong các di sản, đào tạo các chuyên gia bảo tồn tại địa phương, chính quyền cũng ưu tiên tạo điều kiện cho người dân địa phương sống dựa vào di sản. Theo đó, những người dân tại đây được bố trí làm việc trong Cơ quan khảo cổ Angkor – Apsapa được đào tạo về chuyên môn phù hợp với trình độ, có nguồn thu nhập ổn định để tránh tác động tối thiểu lên di sản.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế rất quan trọng để giúp bảo vệ và phát triển Khu di tích lịch sử Angkor. Đây là khẳng định của người phát ngôn cơ quan bảo vệ Angkor, điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở Cam-pu-chia. Trong quá trình hoạt động của mình, Ủy ban Điều phối Quốc tế về Bảo vệ và Phát triển Di tích lịch sử Angkor (ICC-Angkor) đã trở thành một nền tảng đa phương, nơi đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến việc bảo vệ và phát triển Angkor. Với cơ chế quốc tế này, nhiều nước như: Pháp, Đức hay các tổ chức quốc tế như UNESCO đều có các chuyên gia hỗ trợ Cam-pu-chia trong nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản. Mặc dù Angkor phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng sức sống của di sản với mô hình quản lý chặt chẽ vẫn thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Thành công của Angor đã minh chứng cho hiệu quả thực hiện của Công ước Di sản Thế giới và sự đoàn kết quốc tế.

Can thiệp của cơ quan QLNN về bảo tồn đi đôi với phát triển du lịch

Vào năm 2019, ngành Du lịch Cam-pu-chia đã đón 6,61 triệu lượt khách quốc tế, đem lại doanh thu trên 4,92 tỷ USD. Tuy nhiên, sang năm 2021, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành Du lịch chỉ đón được 163,366 nghìn lượt khách quốc tế trong giai đoạn từ tháng 01/2021 – 11/2021, giảm 87% (1,28 triệu lượt khách) so với cùng kỳ năm 2020. Bước sang năm 2022, Bộ Du lịch Cam-pu-chia thông báo, nước này đã phát động chiến dịch mang tên “Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn” nhằm phục hồi ngành Du lịch sau dịch Covid-19.

Chính phủ Cam-pu-chia đã có những bước đi kịp thời để giải quyết sớm những tác động lên di sản. Ngay sau khi UNESCO cảnh báo về tình trạng quá tải khách du lịch đổ về Angkor, Chính phủ Cam-pu-chia đã có những biện pháp hiệu quả, như: giới hạn số lượng khách cũng như thời gian tham quan. Việc phát triển các khu du lịch biển tại các hòn đảo và thị trấn Kép thuộc Sihanoukville, ngoài mục đích khai thác tài nguyên du lịch biển còn nằm trong chủ trương giãn khách khỏi Angkor, hướng khách đến những sản phẩm du lịch khác để giảm sức ép cho di sản. Đối với việc lo ngại tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, chính quyền địa phương ngay lập tức ban hành các biện pháp cấm sử dụng rác thải nhựa tại một số khu vực để giảm lượng rác gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc bảo tồn di sản để phát triển du lịch bền vững, Cam-pu-chia còn thực thi nhiều giải pháp đáng để các quốc gia khác học tập trong việc thúc đẩy du lịch. Trong những kế hoạch xây dựng các địa điển phát triển du lịch văn hóa và tự nhiên, như: Phnom Penh, Siem Riep và Sihanoukvill, một quy hoạch tổng thể và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn về kiến trúc, chỉ giới xây dựng được áp dụng, nhằm thu hút khách du lịch như việc các khách sạn không được phép cao quá 3 tầng, các tuyến phố cổ, phố cũ nằm trong khu vực bảo tồn và các nhà phải sơn cùng một màu, giữ lại tất cả các cây cầu cổ. Các chi tiết nhỏ cũng được tính đến trong kế hoạch bài bản thu hút khách du lịch như yêu cầu khắt khe đối với hướng dẫn viên du lịch tại Angkor. Những hướng dẫn viên được hành nghề ở đây đều phải trải qua những khóa đào tạo bài bản từ UNESCO hoặc những đỉa chỉ dạy nghề có uy tín đã được Nhà nước thừa nhận.

Vé tham quan Angkor cũng là một điều thú vị với du khách quốc tế, giá vé được phân định theo thời gian tham quan. Cách làm này không chỉ tạo tâm lý được tiếp đón mà còn kích thích du khách mong muốn khám phá, tìm hiểu kỹ hơn về quần thể di tích vĩ đại này. Khách càng tìm hiểu sâu nền văn hóa – lịch sử Cam-pu-chia càng được quảng bá rộng và đó là cách quảng bá, xúc tiến tại chỗ tốt nhất.

Chính phủ Cam-pu-chia cũng thực hiện một loạt các chính sách về du lịch, như: tổ chức hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến hướng tới các tỉnh, thành phố trọng điểm có lượng khách tới Cam-pu-chia đông tại các quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ; cải thiện hệ thống đường sá, phát triển nhiều điểm du lịch sinh thái tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa phía Bắc Cam-pu-chia; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh như cấp visa ngay tại các cửa khẩu, sân bay, miễn visa cho một số quốc gia; bố trí cảnh sát du lịch tại tất cả các điểm du lịch. Tất cả những chính sách này đã tạo ra hình ảnh mới về một Cam-pu-chia thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chào đón và chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong quản lý di sản văn hóa vật thể thế giới

Từ kinh nghiệm của 3 quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc và Cam-pu-chia về quản lý DSVH , thiên nhiên thế giới nói chung, DSVH vật thể thế giới nói riêng là những bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho Việt Nam, cụ thể:

Một là, tập trung nguồn lực bảo tồn di sản, nhất là di sản thế giới trong danh sách ưu tiên gắn với các dự án lớn song song với phát triển kinh tế, kể cả các dự án cứu nguy và bảo tồn các di sản quan trọng bị thiên tai, thảm họa thiên nhiên. Tăng cường công tác dự báo các thảm họa lớn của thiên nhiên tác động đến di sản nói chung và di sản thế giới nói riêng để giảm thiểu tác hại khi thảm họa xảy ra.

Hai là, nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, giữ gìn, lưu truyền, phát huy nguồn lực DSVH là mục tiêu quan trọng lâu dài, mang ý nghĩa then chốt. Người dân vùng lõi và vùng đệm của di sản phải được hưởng lợi về kinh tế thông qua các dự án du lịch. Đó là biện pháp tốt nhất để bảo tồn di sản thế giới. Nâng cao ý thức bảo tồn di sản nhờ vào phổ biến các quan niệm liên quan đến di sản thế giới bao gồm các giá trị chung nổi bật, tính chân thực và tính nguyên vẹn cũng như các hoạt động trong bảo tồn di sản thế giới. Cần xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch tại các tỉnh, thành phố có DSVH vật thể thế giới thông qua phát huy các di sản vật thể và phi vật thể ở các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Ba là, áp dụng những thành tựu mới của khoa học, công nghệ trong bảo tồn; liên kết các nhà khoa học trong nước, ngoài nước ở nhiều lĩnh vực trong công tác bảo tồn cũng như giải quyết mối quan hệ giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản.

DSVH nói chung và DSVH vật thể của thế giới nói riêng là một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian. Di sản được coi là loại tài sản không thể tái sinh, không thể thay thế và có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ kế tiếp. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của DSVH, bao gồm cả DSVH vật thể và phi vật thể đã và đang trở thành mối quan tâm có tính chất toàn cầu, nhất là trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa. Mỗi quốc gia kể trên có những kinh nghiệm riêng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị của DSVH, nhất là DSVH vật thể thế giới của Hàn Quốc, Trung Quốc, Cam-pu-chia sẽ là những bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Chú thích:
1. Khám phá cung điện lớn nhất – Gyeongbokgung, Hàn Quốc. https://www.vntrip.vn, ngày 04/11/2019.
2. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Trung Quốc. http://www.ccchanoi.org, ngày 11/12/2020.
3, 4. Công tác bảo tồn di sản văn hóa và những thành công đạt được trong thế kỷ 21 của Trung Quốc. https://bvhttdl.gov.vn, ngày 18/7/2017.
5. Quần thể di tích đền Angkor – kỳ quan thế giới tại Campuchia. https://baodantoc.vn, ngày 23/12/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính sách văn hóa của Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo tồn di sản từ năm 1960 đến nay. https://www.vass.gov.vn, ngày 01/01/2022.
NCS. Triệu Thị Ngọc
Thành ủy Hà Nội