Kinh nghiệm chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của Cộng hòa Pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc chuyển đổi kỹ thuật số trong hoạt động khu vực công ở Cộng hòa Pháp đã diễn ra liên tục trong hơn 20 năm. Nhờ sự phát triển của công nghệ, nhiều dịch vụ phi vật chất hóa đã được tạo ra. Công nghệ số đã trở thành kênh chính để người dân, tổ chức tiếp cận các dịch vụ công tại Pháp và Pháp cũng là một trong những quốc gia hàng đầu châu Âu về chuyển đổi số. Nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của Cộng hòa Pháp có thể rút ra được những kinh nghiệm đối với công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Một nền quản trị điện tử được triển khai liên tục trong 20 năm

Giai đoạn 1998 – 2007

Từ năm 1998, các cơ quan công quyền của Pháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm phát triển nền hành chính điện tử. Bắt đầu với Chương trình hành động của Chính phủ về một xã hội thông tin và sự ra đời cổng thông tin quản trị của chính quyền Cộng hòa Pháp vào năm 2000. Thông qua đó, hoạt động của Nhà nước trở nên minh bạch hơn và hiệu quả hơn, bằng cách thông tin công cộng thiết yếu được phổ biến rộng rãi và giải quyết các thủ tục trực tuyến từ xa.

Giai đoạn 2004 – 2007

Kế hoạch tiếp tục được thực hiện biến nền hành chính điện tử trở thành đòn bẩy để hiện đại hóa Nhà nước. Kế hoạch bao gồm rất nhiều biện pháp để tất cả các thủ tục hành chính được thực hiện từ xa qua điện thoại hoặc Internet vào năm 2006. Cơ quan Phát triển hành chính điện tử (ADAE) được thành lập vào năm 2003 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm việc thực hiện kế hoạch.

Giai đoạn 2008 – 2018

Năm 2008, kế hoạch “France numérique 2012” được ban hành nhằm tăng khả năng truy cập của các trang Internet công cộng, phát triển thanh toán trực tuyến, cải thiện khả năng tương tác giữa các cơ quan hành chính (CQHC) và mở ra dữ liệu công cộng (dữ liệu mở). Một kho lưu trữ khả năng tương tác chung đã được ra đời vào năm 2009 và thúc đẩy các tiêu chuẩn mở. Chính sách dữ liệu mở được hiện thực hóa với việc tạo ra nền tảng dữ liệu công khai vào cuối năm 2011 (qua cổng thông tin data.gouv.fr).

Năm 2012, Ban Thư ký chung về Hiện đại hóa Hành động công được thành lập. Tổ chức này có trách nhiệm thực hiện chính sách hiện đại hóa của Nhà nước, đặc biệt là trong các vấn đề kỹ thuật số (KTS) nhằm triển khai dự án “Choc de simplification” (tạm dịch là “cú sốc của việc đơn giản hóa”) được Tổng thống nước Cộng hòa Pháp công bố vào tháng 3/2013. Tiếp đó, Nghị định số 2014-879 ngày 01/8/2014 liên quan đến hệ thống thông tin và truyền thông của Nhà nước kết hợp các hệ thống thông tin cấp bộ, tạo ra một hệ thống thông tin Nhà nước thống nhất dưới sự quản lý của Thủ tướng Chính phủ. Để làm cho KTS trở thành công cụ chuyển đổi của Nhà nước, nhiều biện pháp mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho cá nhân được công bố. theo đó, có nhiều dịch vụ KTS mới được tạo ra, nhân sự quản trị viên dữ liệu chung được bổ nhiệm để lãnh đạo và điều hành chính sách dữ liệu mở trong các CQHC nhà nước.

Vào cuối năm 2015, người dùng đã được cung cấp một dịch vụ KTS mới: đó là nhập các thông tin bằng phương thức điện tử (SVE) – với các điều kiện tương tự như chuyển tuyến qua bưu điện – đến các CQHC nhà nước đối với hầu hết các thủ tục hành chính. Việc nhập các thông tin này có thể được thực hiện bằng điện thoại, biểu mẫu liên hệ hoặc qua email.

Năm 2016, công cụ France Connect được triển khai, cho phép người dân sử dụng một tài khoản, tên người dùng và mật khẩu duy nhất cho tất cả các dịch vụ công trực tuyến (thuế, quỹ trợ cấp gia đình, tòa thị chính…). Ngày 07/10/2016, Pháp công bố Luật cho Một nước Cộng hòa KTS (được gọi là Luật “Lemaire“- đây là đạo luật được đề xuất bởi Axelle Lemaire, Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề KTS). Luật yêu cầu các cơ quan quản lý phải mở dữ liệu công khai của họ theo mặc định. Luật được sử dụng ngày càng nhiều trong các quyết định hành chính, đồng thời cũng tạo ra một dịch vụ dữ liệu công cộng.

Năm 2017, Kế hoạch Quận thế hệ mới (viết tắt là PPNG) đã được thực hiện. Thủ tục cấp giấy phép (đơn xin cấp giấy phép lái xe hoặc thẻ đăng ký trước khi xin cấp hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân) được đơn giản hóa. Cải cách này được thực hiện bởi Cơ quan Quốc gia về tài liệu bảo mật, các trung tâm tài nguyên và nguồn giấy phép trải rộng khắp cả nước.

Để thiết kế các dịch vụ công sáng tạo trong thời gian ngắn, các tổ chức khởi nghiệp của Nhà nước, có vai trò tạo ra các dịch vụ KTS, giúp các CQHC nhà nước xây dựng các dịch vụ số hữu ích, đơn giản, dễ sử dụng và thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo Chỉ số kinh tế và xã hội KTS do Ủy ban châu Âu công bố vào tháng 5/2018, Pháp đứng ở vị trí thứ 13 ở châu Âu về các dịch vụ công KTS. Pháp có điểm số trung bình cho mức độ dịch vụ công trực tuyến (87 so với 84 cho mức trung bình của châu Âu). Mặt khác, Pháp là một trong số các quốc gia dẫn đầu về dữ liệu mở (vị trí thứ 4 ở châu Âu)1.

Chuyển đổi kỹ thuật số của Nhà nước trong khuôn khổ Hành động công 2022

Chương trình Hành động công 20222 – một chương trình cải cách nhà nước do Chính phủ phát động vào tháng 10/2017, ưu tiên chuyển đổi KTS của các CQHC. Chương trình hướng tới 3 mục tiêu cơ bản: (1) Đối với người sử dụng: nâng cao chất lượng dịch vụ công, chuyển từ văn hóa kiểm soát sang văn hóa tin cậy; bằng cách nỗ lực đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính. (2) Đối với công chức: cung cấp cho họ một môi trường làm việc hiện đại hóa, bằng cách cho họ tham gia đầy đủ vào việc xác định và giám sát các chuyển đổi. (3) Đối với người nộp thuế: hỗ trợ giảm chi tiêu công, với mục tiêu giả định là 3 điểm GDP vào năm 2022.

Các nội dung chính của chương trình:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ công thông qua đổi mới KTS. Chính phủ dự định tận dụng cuộc cách mạng KTS để cung cấp các dịch vụ sáng tạo, đồng thời, giảm chi phí. Cùng với đó, đơn giản hóa hồ sơ cấp phép cho các hiệp hội, tiến tới mô hình một cửa liên thông. Tăng tốc số hóa các quy trình quản trị nội bộ, với mục tiêu là quản trị “không giấy tờ” để đơn giản hóa và hợp lý hóa công việc cũng như quá trình ra quyết định; chính sách dữ liệu trở thành ưu tiên trong chiến lược của Nhà nước. Mỗi bộ phải xây dựng lộ trình và cử người quản trị dữ liệu, thuật toán và mã nguồn.

Thứ hai, để thực hiện chuyển đổi các dịch vụ công, Chính phủ đã lên kế hoạch hỗ trợ các công chức. Nhiều công cụ được cung cấp, như: công cụ démarches-simplifiées.fr cung cấp cho các cơ quan quản lý và công chức một trình tạo biểu mẫu và một nền tảng xử lý tệp; một “ba lô kỹ thuật số cho công chức” được thiết kế. Công cụ này cho phép các nhân viên nhà nước làm việc từ xa dễ dàng hơn và an toàn hơn. Một số kế hoạch đã được xây dựng để thu hút người tài làm việc trong lĩnh vực KTS ở khu vực công.

Thứ ba, đầu tư tài chính cho chuyển đổi số (CĐS). Quỹ chuyển đổi hành động công được thành lập, hỗ trợ 700 triệu euro trong vòng 5 năm cho các CQHC trung ương và phi tập trung trong các dự án chuyển đổi và đơn giản hóa của các cơ quan này. Tiếp đó, một tỷ euro được dành cho việc chuyển đổi KTS của Nhà nước. Trong kế hoạch, mỗi một Quỹ đổi mới và chuyển đổi KTS được tài trợ 292 triệu euro. Một cổng thông tin được thiết lập cho phép chính quyền đệ trình các dự án của họ đã được thực hiện. Nếu dự án cho thấy đã góp phần phục hồi nền kinh tế Pháp và phải tạo ra kết quả cụ thể trong vòng 18 tháng sẽ được xét duyệt hỗ trợ3.

Một số kinh nghiệm đối với chuyển đổi số ở Việt Nam

CĐS mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt với các nước phát triển như Việt Nam, đây là cơ hội để vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhìn chung, CĐS đối với mọi quốc gia đều mới, từ kinh nghiệm CĐS trong quản lý nhà nước của Cộng hòa Pháp, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về CĐS.

Ở Việt Nam, CĐS là một lĩnh vực mới, quy định trong các luật để phục vụ cho công việc CĐS còn hạn chế. Hiện nay, Nhà nước chưa ban hành chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo, chưa phù hợp với yêu cầu CĐS, phát triển kinh tế số. Còn thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành,… Vì vậy, hoàn thiện hành lang pháp lý về CĐS là điều kiện cơ bản để Việt Nam có thể tiến hành CĐS thành công, tạo bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế – xã hội.

Hai là, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo trong thực hiện CĐS.

Một trong những thành công trong CĐS khu vực công của Cộng hòa Pháp là phát huy được trí tuệ và sự sáng tạo của lực lượng lao động ở trong cũng như ngoài khu vực công. Từ năm 2017, với mục tiêu tập hợp các tài năng KTS và các quan chức nhà nước để đáp ứng những thách thức vì lợi ích chung, Chính phủ Pháp đã ban hành Chương trình Chuyên gia vì lợi ích công nhằm chọn các chuyên gia về công nghệ, thiết kế và KTS để kiểm tra và thử nghiệm các khả năng mới với các công chức của Nhà nước. Ngoài ra, các CQHC nhà nước còn tổ chức các cuộc thi ngắn (trong khoảng 2 ngày) về các ý tưởng sáng tạo và giải pháp CĐS. Cùng với đó, Ủy ban Hành động công 2022  chính thức được thành lập. Ủy ban bao gồm khoảng 30 người, gồm: các nhà kinh tế từ khu vực công và tư nhân, các quan chức được bầu chọn. Đồng thời, Ủy ban Hành động công trẻ năm 2022 cũng đã được thành lập, bao gồm các sinh viên và lao động trẻ để đề xuất những ý tưởng thực hiện chương trình Hành động công.

Cách làm trên của Chính phủ Pháp có thể gợi mở cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam về cách thức phát huy khả năng, trí tuệ của người lao động trong khu vực công cũng như ngoài khu vực công vào thực hiện chiến lược CĐS quốc gia. CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Nhà nước mà là vấn đề chung của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Việc huy động rộng rãi sự tham gia của nhiều tầng lớp, nhiều chuyên gia khác nhau vào thực hiện chiến lược CĐS là cách tối ưu nhất để phát huy nguồn lực con người – nguồn lực cơ bản, quan trọng nhất trong công cuộc CĐS hiện nay.

Ba là, triển khai các biện pháp hỗ trợ công chức trong CĐS.

Con người là cái gốc của mọi công việc, để có nền hành chính số thì trước hết phải xây dựng được đội ngũ công chức số. Bên cạnh thu hút nhân tài trong lĩnh vực KTS vào khu vực công thì giải pháp cơ bản nhất vẫn là hỗ trợ công chức trong CĐS. Cũng giống như đội ngũ công chức các nước khác, công chức Pháp cũng không phải là những người ngay từ đầu đã có được kỹ năng số, họ được Chính phủ hỗ trợ những công cụ hữu ích, như: ba lô KTS của công chức – bộ phần mềm gồm: công cụ tin nhắn nhanh đáng tin cậy, làm việc nhóm, hội thảo, hội nghị trực tuyến,… được trang bị máy tính xách tay để làm việc từ xa.

Ở Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã rất quan tâm đến việc hỗ trợ công chức làm việc trên môi trường số. Các phần mềm văn phòng điện tử, quản lý văn bản, điều hành, cho đến các phần mềm chuyên dụng cho từng lĩnh vực đã được thiết kế và đưa vào sử dụng. Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng về chính phủ điện tử, chính phủ số. Vấn đề đặt ra là, cần tiếp tục cải tiến các công cụ hỗ trợ đã có để tối ưu hơn, thuận tiện hơn với công việc của cán bộ, công chức; tiếp tục nghiên cứu những công cụ hỗ trợ mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của CĐS, cũng như sự phát triển của khoa học – kỹ thuật. Mặt khác, cần quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đồng bộ, hiện đại phục vụ cho công việc của cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức ở cơ sở.

CĐS là xu hướng tất yếu, bởi dù muốn hay không thì CĐS vẫn cứ diễn ra. Không có một lộ trình, một hình mẫu CĐS chung cho tất cả; mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ phải xây dựng lộ trình và cách thức CĐS phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của chính quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Chính vì vậy, việc học tập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm CĐS của những quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng là vấn đề đáng được quan tâm và thực hiện.

Chú thích:
1. La Commission européenne (2018), Indice relatif à l’économie et à la société numériques 2018 – Rapport par pays: France.
2. Premier ministre de la République française (2017), Le programme Action Publique 2022.
3. https://france-relance.transformation.gouv.fr, truy cập ngày 12/8/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Hélène Bégon (2021), La transformation numérique des administrations,  La Documentation française.
2. Premier ministre de la République française (2014), Décret n° 2014-879 du 1er août 2014 relatif au système d’information et de communication de l’Etat.
3. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
4. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
5. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”
TS. Trần Thị Minh Tâm
Học viện Hành chính Quốc gia