Ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra nhiều bất ổn về kinh tế, chính trị và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa những nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Sau khi vượt qua làn sóng đầu tiên của đại dịch, Trung Quốc tập trung vào các chính sách đối ngoại và ngoại giao nhằm bảo đảm các lợi ích chính của quốc gia. Bài viết nghiên cứu, phân tích những thách thức, cơ hội và chính sách của Trung Quốc về ngoại giao kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Vaccine Covid-19 từ công ty Sinovac của Trung Quốc tại căn cứ không quân Villamor, Philippines, ngày 28/2/2021. Ảnh: Reuters.
Khái quát chung về ngoại giao kinh tế của Trung Quốc

Với sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trên thế giới ngày càng tăng, ngoại giao kinh tế (NGKT) đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Điều này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định tại Hội nghị chuyên đề về tình hình quốc tế và quan hệ đối ngoại Trung Quốc: “Phục vụ phát triển trong nước là một mục tiêu cố hữu của ngoại giao Trung Quốc”1. Xét về nội hàm, NGKT được các học giả Trung Quốc hiểu theo hai nghĩa: (1) Sử dụng ngoại giao để đạt được các mục tiêu và lợi ích kinh tế; (2) Sử dụng các phương tiện kinh tế để theo đuổi các mục tiêu chính trị2.

Thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện NGKT dưới nhiều hình thức, trong đó nổi bật là việc cung cấp các khoản hỗ trợ cho vay ưu đãi, viện trợ nước ngoài và đầu tư cho nhiều quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Điển hình là sáng kiến “Vành đai và Con đường” (The Belt and Road Initiative – BRI) – một biện pháp được đánh giá mang tầm chiến lược nhằm triển khai chính sách NGKT của Trung Quốc. Với chiến lược này, Trung Quốc tham vọng xây dựng lại vị thế từng có trên con đường tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử. Bản chất của BRI là Trung Quốc khởi động lại việc tài trợ cho các dự án xây dựng hạ tầng, kỹ thuật phát triển các tuyến đường sắt, đường giao thông, hệ thống cảng biển nhằm kết nối các nước với Trung Quốc. Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ, Trung Quốc cũng ban hành các đợt trừng phạt thương mại nhằm đạt được các mục tiêu địa – kinh tế, địa – chính trị của mình. Điển hình như những động thái kinh tế cứng rắn của Trung Quốc đối với một số nước, như: Nhật Bản và Phi-líp-pin liên quan đến các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ3.

Trung Quốc đẩy mạnh NGKT theo phương châm “kinh tế xúc tiến chính trị, chính trị hướng dẫn và mở đường cho kinh tế, chính trị và kinh tế hợp tác cùng phát triển”4. Về mặt chiến lược, khi mà vấn đề kinh tế đang nổi lên chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống quốc tế hiện đại thì NGKT đã trở thành nhân tố được ưu tiên hơn song hành cùng ngoại giao chính trị và ngoại giao an ninh.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với NGKT đã có những thay đổi đáng kể. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu từ năm 2008 – 2009, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi chuyển đổi đất nước của họ trở thành một “cường quốc thương mại hùng mạnh”5. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo cải cách nhằm thúc đẩy tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của châu Á với tư cách là một nền kinh tế khu vực, sửa đổi các quy tắc và chuẩn mực thương mại quốc tế, đồng thời, bảo đảm công nghệ, nguồn lực và thị trường cần thiết để cải thiện khả năng cạnh tranh của Trung Quốc. Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt với Mỹ, khi nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với các nguy cơ mới từ trong nội tại và trên khắp thế giới. Những thay đổi này làm suy yếu vai trò của các mối quan hệ thương mại – đầu tư lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế căng thẳng chính trị và an ninh trong quan hệ Mỹ – Trung. NGKT dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh căng thẳng chính trị nhưng cũng có thể là một công cụ để khôi phục quan hệ đối ngoại. 

Công tác đối ngoại của Trung Quốc thế kỷ XXI chú trọng tạo dựng một môi trường quốc tế hòa bình tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia. Với phương châm đó, việc tăng cường phát triển quan hệ với các nước châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh vừa giúp tăng thêm tình hữu nghị và lợi ích kinh tế, vừa có lợi cho việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường các nước phát triển phương Tây. Đồng thời, mở ra những thị trường mới cho mặt hàng công nghiệp nhẹ và điện tử của Trung Quốc. Việc phát triển các mối quan hệ này cũng rất có lợi cho nguồn cung các mặt hàng chiến lược được mở rộng, như: nguyên vật liệu, năng lượng đối với kinh tế Trung Quốc, tranh thủ được sự thừa nhận về vị trí kinh tế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Cơ hội và thách thức với ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên toàn thế giới vào năm 2020, nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến sự hỗn loạn nghiêm trọng và thiệt hại đáng kể. Để đối phó với dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngành Ngoại giao Trung Quốc đã cùng các cấp, ban, ngành, địa phương tích cực thực hiện các biện pháp, phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ của mình vào công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua hình thức “ngoại giao nguyên thủ” thúc đẩy ngoại giao phòng, chống dịch với vai trò lãnh tụ để thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đóng vai trò như một kênh chính, thông qua đó Trung Quốc đã tham gia và phát huy ảnh hưởng với ASEAN kể từ khi thành lập vào năm 2013. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức đối với NGKT nói chung và các dự án BRI của Trung Quốc nói riêng trên toàn thế giới. Theo hãng Reuters, tính đến tháng 6/2020, do các hạn chế về đi lại và các biện pháp giãn cách xã hội, khoảng 20% các dự án BRI đã “bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, trong khi 30 – 40% các dự án khác bị “ảnh hưởng phần nào”6. Khi nền kinh tế dần phục hồi vào năm 2021, Trung Quốc nỗ lực đẩy nhanh tiến độ của các dự án BRI trên toàn cầu. Đến cuối năm 2021, các khoản đầu tư phi tài chính của Trung Quốc vào 57 quốc gia BRI đạt 20,3 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 14,1%. Trong số 10 quốc gia tiếp nhận chính, 7 quốc gia đến từ Đông Nam Á, cụ thể là Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia, cùng với Băng-la-đét, quốc gia Tây Á và Ca-dắc-xtan7.

Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 cũng mang đến các cơ hội khác trong công tác NGKT nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Nhiều đánh giá cho rằng, thành phố Bắc Kinh đã cố gắng tự biến mình thành một hình mẫu chống Covid-19 trên thế giới nhằm nâng cao hình ảnh và định hướng dư luận khỏi những thất bại của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Theo đó, Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp và viện trợ y tế cho các quốc gia khác bằng các hình thức, như: cung cấp khẩu trang, mặt nạ phòng độc và cử đội ngũ bác sỹ tham gia chống dịch đến hỗ trợ. Chính sách “ngoại giao khẩu trang” đã mang lại lợi ích cho công tác đối ngoại của Trung Quốc. Vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cạn kiệt các thiết bị bảo hộ y tế và ngừng xuất khẩu ra ngoài EU, ứng cử viên của EU là Xéc-bi-a tuyên bố sự đoàn kết của châu Âu đã kết thúc và quay sang Trung Quốc để ngoại giao hỗ trợ. Sự cố này được đánh giá là có khả năng trở thành bước ngoặt tạo thế đối ngoại có lợi cho Trung Quốc trong quan hệ với các nước EU.

Chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trong ứng phó với khủng hoảng Covid-19  

“Ngoại giao vắc-xin” có thể được coi là một nhân tố mới trong ngoại giao y tế nói riêng và tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói chung. Đây cũng là cơ hội để xóa bỏ khoảng cách giữa Trung Quốc với các cường quốc đi trước, như: Mỹ, EU, Nhật Bản,… trên các mặt về an ninh, phát triển kinh tế và vị thế trong môi trường quốc tế đầy biến động. Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong việc sử dụng biện pháp hỗ trợ y tế như một hình thức vừa viện trợ phát triển quốc tế, vừa phục vụ cho các mục tiêu chính sách của riêng mình. Nội dung đó đã được đưa vào Sách trắng về viện trợ nước ngoài của Trung Quốc được công bố vào đầu năm 20218.

Thứ nhất, về hợp tác song phương nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trung Quốc và Nga với sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau đã tiên phong trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin trên toàn cầu đã chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy sự đoàn kết là con đường đúng đắn để chiến đấu chống đại dịch. Thông qua hoạt động NGKT, mối quan hệ giữa Nga – Trung Quốc đã trở nên tốt đẹp, hợp tác mọi chiều được nâng lên; thương mại song phương giữa hai nước được ghi nhận thêm với các dự án chiến lược lớn đang được tiến hành hiệu quả, hợp tác về đổi mới khoa học và công nghệ đang tiến triển nhanh chóng.

Thứ hai, về hợp tác đa phương nhằm ứng phó với Covid-19.

Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh các sáng kiến trên nhiều diễn đàn uy tín lớn, từ Đại hội đồng Y tế thế giới đến Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới, các sự kiện của Liên hiệp quốc và các cuộc gặp, hội đàm trực tuyến. Trong những thời điểm quan trọng nhất, Trung Quốc đã thúc đẩy Sáng kiến hành động hợp tác vắc-xin toàn cầu (Global Vaccine Cooperation Action Initiative) và hợp tác vắc-xin Covid-19; trở thành nước đi đầu trong tăng cường hợp tác quốc tế và tiên phong trong nỗ lực phân phối vắc-xin một cách công bằng. Đồng thời, Trung Quốc cũng nêu bật sự khác biệt, tương phản trong chính sách ngoại giao vắc-xin của mình so với một số quốc gia khác đã đặt trọng tâm vào thao túng chính trị nhằm làm suy yếu sự đoàn kết trên toàn cầu trong ứng phó với đại dịch Covid-199.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thực hiện hoạt động NGKT hiệu quả với các nước ASEAN. Năm 2021, đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc và nâng tầm quan hệ ASEAN – Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện. Thông qua tích cực triển khai NGKT, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển mạnh mẽ hơn bất chấp sự gián đoạn của đại dịch Covid -19 và căng thẳng gia tăng ở biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thương mại song phương Trung Quốc –  ASEAN đạt 789,53 tỷ USD và tăng 29,8% trong 11 tháng đầu năm 202110. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009; đồng thời, ASEAN là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc kể từ năm 202011.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong một thời gian dài và có thể vẫn tiếp tục để lại những hậu quả khó lường. Mặc dù xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế hậu đại dịch, nhưng với những hậu quả do đại dịch để lại cũng như những thay đổi trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, các quốc gia sẽ phải điều chỉnh chính sách NGKT một cách phù hợp để đạt được mục tiêu tối đa cho lợi ích quốc gia mình. Trung Quốc là một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, là quốc gia có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn về kinh tế, chính trị trong khu vực và trên trường quốc tế. Những phản ứng chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực NGKT trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã thể hiện sự nỗ lực của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong ứng phó với đại dịch nhằm duy trì sự ổn định, phát triển và hòa bình trong khu vực.

Chú thích:
1, 9.  China’s Diplomacy in 2021: Embracing a Global Vision and Serving the Nation and its People. https://www.fmprc.gov.cn, ngày 20/12/2021.
2, 3. Chinese Perspectives on Economic Diplomacy. https://theasanforum.org, ngày 22/9/2016.
4. Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao. Sổ tay công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.
5. China’s Evolving Approach to Economic Diplomacy.https://www.nbr.org, ngày 27/7/2016.
6. Chinasays one-fifth of Belt and Road projects ‘seriously affected’ by pandemic. https://www.reuters.com, ngày 19/6/2020.
7. Ministry of Commerce People’s Republic of China, “China’s investment and cooperation with countries along the “Belt and Road” in 2021, 2022″. http://fec.mofcom.gov.cn, ngày 15/8/2022.
8. China’s International Development Cooperation 2021.
10. China’s Ministry of Foreign Affairs, “China- ASEAN Cooperation Facts and Figures: 1991- 2021”, 2021.https://www.fmprc.gov.cn, ngày 15/8/2022.
11. China ASEAN Business Council, 2022, “Break through 800 billion! ASEAN remains my country’s largest trade partner in goods”, 2022. https://www.imsilkroad.com, ngày 15/8/2022.
Lâm Thanh Hà, Nguyễn Thị Thu Hoàn, Trần Diệu Linh
Học viện Ngoại giao