Ngoại giao kinh tế của Xinh-ga-po

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngoại giao kinh tế dựa trên nỗ lực vì sự thịnh vượng của người dân đã trở thành mối quan tâm lớn đối với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Xinh-ga-po. Chính phủ nước này đã duy trì thành công chính sách ngoại giao kinh tế có hiệu quả, thông qua nhiều công cụ đa dạng khác nhau. Nội dung bài viết làm rõ những chính sách ngoại giao kinh tế của Xinh-ga-po trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra và giai đoạn hậu khủng hoảng.
Ảnh minh họa (internet).

Tại Xinh-ga-po, các mục tiêu cơ bản của chính sách ngoại giao kinh tế được định hướng bởi việc theo đuổi mục tiêu an ninh kinh tế quốc gia, bên cạnh những yếu tố địa kinh tế và việc đặt vai trò quản lý nhà nước làm trung tâm1.  Chính phủ Xinh-ga-po luôn phát huy tốt vai trò quản lý trong điều hành kinh tế vĩ mô và hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế cho quốc gia. Tính chủ động về ngoại giao kinh tế ở Xinh-ga-po còn được thể hiện rõ ở các cấp độ ngoại giao song phương, tiểu vùng, khu vực và đa phương. Chính phủ Xinh-ga-po cũng luôn tìm cách thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh kinh tế của quốc gia. Nhờ đó, Xinh-ga-po được biết tới như một trung tâm thương mại hiện đại trong khu vực, duy trì mức độ tương đối cao về đổi mới thương mại, định hướng xuất khẩu, và tự do kinh tế. Những chính sách ngoại giao kinh tế của Xinh-ga-po trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mang lại những dấu ấn tích cực.

Trong đại dịch Covid- 19

Xinh-ga-po vốn được xem là một câu chuyện thành công về chống dịch Covid -19 ở giai đoạn đầu. Nước này đã đóng chặt cửa biên giới, quyết liệt xét nghiệm và truy vết các ca nhiễm, đồng thời cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á đặt mua vắc xin. Là một quốc gia nhỏ về diện tích lãnh thổ và quy mô dân số, có nền kinh tế mở và giao thương sâu rộng với bên ngoài, Xinh-ga-po khó có thể đóng cửa lâu dài. Trong suốt 2 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đảo quốc này đã luôn nỗ lực để mở cửa đất nước theo từng bước.

Xinh-ga-po đã thực hiện điều chỉnh trong chính sách đối ngoại, đồng thời tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực hoạt động chính, gồm: (1) Chăm sóc người Xinh-ga-po ở nước ngoài;  (2) Quản lý và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khối ASEAN và các đối tác quan trọng trong khu vực và quốc tế; (3) Duy trì sự tham gia phù hợp của Xinh-ga-po trên trường quốc tế và thu hút các đối tác quốc tế khi Xinh-ga-po bắt tay vào cuộc chiến tập thể chống lại Covid-192.

Với mong muốn khẳng định vị thế trung tâm về kinh doanh, dịch vụ hàng không của thế giới, Chính phủ Xinh-ga-po dồn nỗ lực quảng bá cho thành công chống dịch, như: ngợi ca “Đảo quốc sư tử” là “thiên đường an toàn”, Xinh-ga-po cho xây dựng khách sạn mới ở sân bay Changi Airport. Khách sạn có tên gọi “Connect@Changi” được thiết kế như là một bong bóng sinh học an toàn, chuyên phục vụ các cuộc gặp gỡ, thảo luận quốc tế trực tiếp.

Xinh-ga-po cũng lập làn xanh về di chuyển hàng không đối với nhân viên ngoại giao, giới lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thúc đẩy trao đổi, giao thương và phục hồi kinh tế. Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long thậm chí còn đứng ra đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một sự kiện thường diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Davos có tiếng tại Thụy Sĩ. Với tất cả những biện pháp đó, Xinh-ga-po dường như đã sẵn sàng mở cửa nền kinh tế để chào đón thế giới.

Giai đoạn hậu khủng hoảng Covid- 19

Là một quốc gia nhỏ, việc phát triển các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, bền vững và nhiều mặt là rất quan trọng đối với an ninh lâu dài và sự thịnh vượng liên tục của Xinh-ga-po. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, chi tiêu cho phát triển trong năm tài chính 2021 của Bộ Ngoại giao Xinh-ga-po đạt 12,50 triệu USD, tăng 41,7% so với chi tiêu thực tế của năm tài chính 2020 (8,82 triệu USD) nhờ vào việc nối lại các dự án phát triển bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19. Dự kiến, chi tiêu cho phát triển trong năm tài chính 2022 của Bộ Ngoại giao Xinh-ga-po tiếp tục tăng lên mức 16,00 triệu USD, cao hơn 28,0% so với mức chi tiêu của năm 2021. Sự gia tăng này chủ yếu là do các dự án phát triển nhỏ hơn được lên kế hoạch cho năm tài chính 20223.

Trong quan hệ song phương với Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po tiếp tục áp dụng cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung, như: dự án Liên kết Hệ thống Giao thông Nhanh Johor Bahru-Xinh-ga-po mà hai bên đã đồng ý tiến hành. Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a cũng đang thảo luận về các biện pháp để từng bước khôi phục việc đi lại xuyên biên giới trong khi bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của công dân của cả hai nước. Xinh-ga-po đã hợp tác với Ma-lai-xi-a nhằm chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là đóng góp của Xinh-ga-po trong lĩnh vực vật tư y tế ở cả cấp Liên bang và Tiểu bang bao gồm bộ kít xét nghiệm Covid-19, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), 20.000 liều vắc xin Sinovac và 100.000 liều vắc xin Pfizer BioNTech4.

Hợp tác với các nước trong khối ASEAN tiếp tục là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Xinh-ga-po5. Điều này, đóng vai trò là động lực cần thiết cho một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Xinh-ga-po tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác bên ngoài của ASEAN để nâng cao dấu ấn toàn cầu của ASEAN. Hai bên chia sẻ quan hệ kinh tế, quốc phòng và giao lưu nhân dân thực chất và ngày càng phát triển với các nước láng giềng Đông Nam Á. Đồng thời, hai bên cũng đang phát triển các lĩnh vực hợp tác mới, như: thành phố thông minh, Fintech, công nghệ kỹ thuật số, đổi mới, cũng như thương mại nông sản để bảo đảm và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Xinh-ga-po tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và chiến lược với các đối tác khác, đồng thời khám phá các lĩnh vực hợp tác mới, đặc biệt là trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương về vắc xin, điều này rất quan trọng giúp Xinh-ga-po bảo đảm khả năng tiếp cận sớm và đầy đủ đối với vắc xin Covid-19. Với Mỹ, Xinh-ga-po thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi, như: an ninh mạng và tài trợ cơ sở hạ tầng. Với Trung Quốc, Xinh-ga-po tận dụng Hội đồng chung về Hợp tác song phương giữa hai nước để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế công cộng. Đồng thời, Xinh-ga-po tiếp tục tham gia, hợp tác tích cực với các đối tác quan trọng khác, bao gồm: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Liên minh châu Âu (EU)cũng như tìm ra các cách thức mới để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, như: y tế công cộng, làn đường xanh có đi có lại và kết nối chuỗi cung ứng.

Xinh-ga-po cũng đã tham gia vào những nỗ lực hỗ trợ tiêm chủng Covid-19 trên toàn cầu. Xinh-ga-po đã đóng góp cho Cam kết thị trường tiến bộ COVAX và Quỹ ứng phó ASEAN Covid-19. Quốc đảo này đã tặng các quyền lợi của mình cho những quốc gia láng giềng, nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu y tế khẩn cấp bằng cách gửi vật tư y tế, bao gồm hơn 500 tấn oxy lỏng đến Indonesia thông qua chương trình “Xe đưa đón oxy” và 120.000 liều vắc xin đến Batam và Quần đảo Riau, cũng như 100.000 liều vắc xin tới Ma-lai-xi-a và 200.000 liều vắc xin tới Bru-nây. Xinh-ga-po cũng đã gửi một lô hàng gồm 256 bình oxy để hỗ trợ ứng phó với đại dịch của Ấn Độ ở đỉnh điểm của đợt dịch thứ hai vào tháng 4/20216.

Là một quốc gia nhỏ bé trong khu vực Đông Nam Á, Xinh-ga-po đã tranh thủ và tận dụng được những lợi thế riêng của quốc gia mình; theo đuổi thành công những chính sách ngoại giao kinh tế có hiệu quả thông qua nhiều công cụ đa dạng khác nhau. Nhờ đó, Xinh-ga-po không chỉ đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và những thành tựu vượt bậc về chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân, quốc gia này cũng đã hội nhập thành công và biết cân đối những lợi ích về phát triển kinh tế của mình với lợi ích của những nước lớn trong khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN, hội nhập khu vực và quốc tế.

Chú thích:
1. Christopher M.Dent (2001). Singapore’s Foreign Economic Policy: The Pursuit of Economic Security. Contemporary Southeast Asia, Volume 23, Number 1, pg 1-2.
2. Ministry of Foreign Affairs SingaporeAvailable at: https://www.mfa.gov.sg, truy cập ngày 15/7/2022.
3, 4. Head N Ministry of foreign Affairs. https://www.mof.gov.sg, truy cập ngày 15/7/2022.
5. Sigapore foreign policy. https://www.mfa.gov.sg, truy cập ngày 16/7/2022.
6. Speech by Minister for Foreign Affairs Dr Vivian Balakrishnan at MFA’s Committee of Supply Debate. https://www.mfa.gov.sg, ngày 03/3/2022.
Tài liệu tham khảo
1. Barry Desker and Margaret Liang. “Singapore’s Economic Diplomacy: An introduction”, 2010, https://www.worldscientific.com
2. Yang Shichao. “Singapore’s Economic Diplomacy”. China International Studies,2012, page 112-125.
Nguyễn Thị Thu Hoàn, Trần Diệu Linh, Bùi Hương Thảo
Học viện Ngoại giao