Ngoại giao kinh tế của In-đô-nê-xi-a trong những năm gần đây

(Quanlynhanuoc.vn) – In-đô-nê-xi-a là thành viên nhóm G20 và là nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á, là nước đang phát triển, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại đang chuyển dần từ một nền kinh tế định hướng xuất khẩu thuần túy dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế hỗn hợp dịch vụ, sản xuất, dựa vào tài nguyên thiên nhiên1.
Thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a. Ảnh: Indonesia Expat.
Khái quát chung ngoại giao kinh tế của In-đô-nê-xi-a

Ngoại giao kinh tế (NGKT) của In-đô-nê-xi-a được coi là công cụ phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Hoạt động NGKT được phụ trách bởi hai đơn vị trực thuộc Bộ Thương mại là Tùyviên Thương mại quốc tế và các trung tâm Thương mại quốc tế (ITPC). Trong đó, Tùy viên Thương mại quốc tế có mặt ở 23 nước, đặt trong các đại sứ quán, báo cáo công việc trực tiếp cho Tổng Thư ký của Bộ Thương mại. Các ITCP có mặt tại 19/30 nước, đặt tại các thành phố lớn, hoạt động dưới sự giám sát của Tổng cục Phát triển thương mại quốc gia (DGNED). Giám đốc trung tâm không mang hàm ngoại giao, do đó, hoạt động của trung tâm có thể tập trung hoàn toàn vào xúc tiến thương mại mà không bị cản trở bởi các nhiệm vụ ngoại giao.

Giai đoạn từ năm 2004 – 2014, dưới thời của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, chính sách đối ngoại của In-đô-nê-xi-a hướng tới vấn đề toàn cầu, như: dân chủ, biến đổi khí hậu, thương mại… Điều này cho thấy, In-đô-nê-xi-a muốn đóng vai trò quan trọng hơn ở cấp độ quốc tế. Tuy nhiên, về ủng hộ tự do hóa thị trường, chính sách thương mại nội địa lại có nhiều mâu thuẫn, khiến nước này dường như quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Từ năm 2014 đến nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị Bộ Ngoại giao ưu tiên lĩnh vực kinh tế trong chiến lược ngoại giao. ​​NGKT sẽ được tăng cường hợp tác kinh tế ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang đối mặt với không ít thách thức kinh tế và địa chính trị. Theo “công thức 4+1”, thúc đẩy NGKT là ưu tiên hàng đầu cùng với 4 chính sách. Cụ thể, NGKT sẽ thực hiện 4 mục tiêu chính: (1) Tìm kiếm các thị trường xuất khẩu phi truyền thống; (2) Thúc đẩy quan hệ đối tác về đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại hàng hóa với các nước châu Phi; (3) Ủng hộ việc ký kết nhanh chóng các Hiệp định thương mại tự do (FTA); (4) Bảo vệ các mặt hàng chiến lược của In-đô-nê-xi-a chống bị phân biệt đối xử2. Tuy nhiên, 4 mục tiêu này đơn thuần chỉ là ngoại giao thương mại. NGKT được hiểu rộng hơn là việc sử dụng các công cụ kinh tế để bảo đảm lợi ích quốc gia, bao gồm các mục tiêu chính sách đối ngoại, mục tiêu chính trị và an ninh.

Có thể thấy, hoạt động tiếp cận NGKT của In-đô-nê-xi-a đã có sự thành công, đặc biệt là về mở rộng khai thác những thị trường mới và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chương trình chính sách đối ngoại lấy kinh tế làm trung tâm ở một mức độ nào đó đã làm giảm tính tích cực của In-đô-nê-xi-a trong các nền tảng khu vực và toàn cầu3.

Hoạt động ngoại giao kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Về thương mại, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, In-đô-nê-xi-a đã xây dựng các chính sách thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu bền vững, không phụ thuộc vào các quốc gia khác. Trong đó có việc tận dụng lợi thế thị trường và nhân khẩu học để khuyến khích đầu tư và thương mại trong các lĩnh vực chiến lược. Chính phủ nước này cũng đang tìm cách tối đa hóa vai trò trung tâm của In-đô-nê-xi-a tại ASEAN và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mở ra cơ hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay. Để chia sẻ thông tin và nghiên cứu các giải pháp biến thách thức thành cơ hội kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Chiến lược ngoại giao thương mại In-đô-nê-xi-a ở giữa đại dịch Covid-19” vào ngày 08/6/2020. Hội thảo đã truyền đạt những nỗ lực của Chính phủ In-đô-nê-xi-a trong việc bảo vệ lợi ích của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, sức khỏe của con người, đồng thời gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế thế giới và khu vực, kéo theo những thách thức nghiêm trọng cho các xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có các nước thành viên ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, In-đô-nê-xi-a đã đề xuất Tuyên bố ASEAN về thiết lập khuôn khổ hành lang đi lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến công tác thiết yếu giữa các nước thành viên;đồng thời, ưu tiên an toàn sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuyên bố trên đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua vào ngày 13/11/2020.

Về đầu tư, Bộ trưởng Ngoại giao đã chỉ thị tiến hành tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp và nhà đầu tư để tìm hiểu khả năng chuyển đầu tư của các quốc gia sang In-đô-nê-xi-a. Chẳng hạn, Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a ở Thủ đô Béc-lin (Đức) đã tiếp cận với Phòng Thương mại Đức nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư giữa hai nước. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020, In-đô-nê-xi-a đứng thứ 6/10 thành viên ASEAN về mức độ thuận lợi kinh doanh; chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số nhận thức tham nhũng đứng thứ tư. Ba chỉ số này luôn tác động lớn đến niềm tin của nhà đầu tư. In-đô-nê-xi-a đang nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của đầu tư trong nước với các chính sách NGKT, tự do hóa thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách nông nghiệp, luật lao động và thuận lợi về thuế. Mục tiêu của nước này là biến những thách thức khó khăn phía trước thành cơ hội và biến suy thoái kinh tế đang rình rập trở thành phục hồi kinh tế ổn định, mang tính bền vững, bứt phá. Điều này khuyến khích công tác NGKT ở nước ngoài với vai trò tiên phong và đồng bộ với các cải cách loại bỏ các rào cản đối với đầu tư trong nước của In-đô-nê-xi-a.

Về hoạt động ngoại giao đa phương, một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Chính phủ là tăng cường khả năng quản trị toàn cầu trong khuôn khổ GlobalHealth4. In-đô-nê-xi-a tiếp tục ủng hộ các chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tìm cách xây dựng hợp tác đa phương để hỗ trợ quản trị y tế toàn cầu trong việc giảm thiểu nguy cơ Covid-19. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ bởi đại dịch Covid-19 gây ra đã cho thấy quản trị y tế toàn cầu vẫn còn yếu kém. In-đô-nê-xi-a là một trong những quốc gia khởi xướng nghị quyết “Đoàn kết toàn cầu để chống lại bệnh Covid-19” vào ngày 27/3/2020. Nghị quyết này là nỗ lực nhằm xây dựng sự phối hợp toàn cầu khi các nước siêu cường không tham gia. Nghị quyết tập trung vào các nỗ lực hợp tác sâu rộng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu đại dịch thông qua chia sẻ thông tin, phổ biến kiến thức về các phương pháp điều trị tốt nhất và khuyến khích WHO soạn thảo một hướng dẫn cung cấp thông tin cho các quốc gia5.

Những nỗ lực của In-đô-nê-xi-a nhằm giảm thiểu nguy cơ đại dịch Covid-19 cũng đã được ghi nhận tại cuộc họp lần thứ 25 của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) thông qua hội nghị trực tuyến vào ngày 09/4/2020. Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a nhấn mạnh 4 yếu tố chính: (1) Tầm quan trọng của việc triển khai kết quả của các cuộc họp Bộ trưởng Y tế ASEAN, ASEAN+3 và đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN liên quan đến đại dịch Covid-19 rằng, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN có thể hướng dẫn cơ chế soạn thảo nghị định thư về phản ứng sức khỏe cộng đồng xuyên biên giới; (2) Đề xuất chính sách chuỗi cung ứng và dòng hàng hóa trong thời kỳ Covid-19 sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3; (3) Vai trò quan trọng của ASEAN trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và người lao động nhập cư bằng cách áp dụng các quy trình y tế, cũng như đề xuất các bước phục hồi sau đại dịch; (4) Các nước thành viên ASEAN bảo đảm trang thiết bị y tế bằng cách thành lập Quỹ ứng phó ASEAN Covid-19 thông qua Quỹ Phát triển ASEAN và Quỹ Hợp tác APT6.

In-đô-nê-xi-a cũng là thành viên trong Diễn đàn Chính sách Đối ngoại và Y tế Toàn cầu (FPGH). Ngày 18/5/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế của FPGH đã tổ chức cuộc họp trực tuyến và đưa ra tuyên bố chung về hai chủ đề: (1) Hợp tác xử lý Covid-19. (2) Chăm sóc y tế với giá cả hợp lý cho tất cả mọi người, trong đó các nước FPGH cam kết nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế trong việc dự phòng và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như củng cố hệ thống y tế tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cuộc họp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các hoạt động tương tự để bảo đảm sự sẵn có của các dịch vụ y tế cho tất cả mọi người, đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) cũng như các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 20307.

Tháng 4/2020, cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB đã được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của các thống đốc Ngân hàng Trung ương và các bộ trưởng Tài chính từ các quốc gia khác nhau. Trong cuộc họp này, In-đô-nê-xi-a khuyến khích thực hiện một phản ứng phối hợp chính sách hỗn hợp để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Tất cả các quốc gia có mặt đã ủng hộ kế hoạch hành động G20 để đối phó với khủng hoảng như một tài liệu tham khảo cho các phản ứng chính sách của các quốc gia nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-198.

In-đô-nê-xi-a cũng tham gia Đề án Thử nghiệm Đoàn kết (Solidarity Trial) của WHO nhằm tìm ra loại vắc xin phù hợp cho Covid-19. Tháng 8/2020, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước In-đô-nê-xi-a đã đến thăm Trung Quốc và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để hợp tác phát triển vắc-xin Covid-19. Trong bối cảnh hợp tác phát triển vắc xin Covid-19 của một số công ty như G-42, UAE và Trung Quốc đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vắc xin Sinofarm cho In-đô-nê-xi-a9.

Về hoạt động ngoại giao song phương, In-đô-nê-xi-a đã hợp tác với Hàn Quốc – một trong những quốc gia ở châu Á đã thành công trong việc ngăn chặn số người dương tính với Covid-19. Thông qua hợp tác song phương, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 500.000 USD cho Chính phủ In-đô-nê-xi-a để hỗ trợ giảm thiểu sự lây lan của Covid-19 ở In-đô-nê-xi-a, bao gồm: bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 và bình xịt điện có thể sạc lại, 50.000 bộ dụng cụ chẩn đoán Covid-19 (loại RTPCR) và 40.000 PPE10.

Với Việt Nam, quan hệ hai nước được triển khai hiệu quả, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo Tổng Cục Hải Quan, năm 2021, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a ghi nhận giá trị thương mại 11,5 tỷ USD, tăng 40,14% so với 8,2 tỷ USD năm 2020, thành quả này phản ánh nền tảng vững chắc của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Tháng 11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Gia-các-ta đã chủ trì, phối hợp với Hội Hữu nghị In-đô-nê-xi-a – Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Nắm bắt cơ hội thương mại, đầu tư và du lịch tại Việt Nam và In-đô-nê-xi-a trong bối cảnh đại dịch Covid-19”nhằm cập nhật thông tin về các chính sách của Chính phủ Việt Nam và In-đô-nê-xi-a trong việc ứng phó với tác động của dịch bệnh; đồng thời, thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a.

Giai đoạn hậu khủng hoảng

Tháng 01/2022, Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Retno Marsudi đã công bố trọng tâm của chính sách đối ngoại năm 2022, trong đó tập trung vào y tế, kinh tế, bảo hộ công dân, phân định biên giới, thúc đẩy hòa bình và phục vụ cho nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)11. Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, do đó, ngoại giao y tế vẫn là một trong những ưu tiên của In-đô-nê-xi-a hiện nay.

Năm 2022, In-đô-nê-xi-a vẫn tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực NGKT thông qua việc cải thiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm chiến lược quốc gia trong các lĩnh vực y tế, đường sắt, công nghiệp quốc phòng, đóng tàu; tăng cường sự cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài đối với quỹ đầu tư quốc gia. Ngoài phục vụ tiến trình chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững, ngành Ngoại giao In-đô-nê-xi-a sẽ thúc đẩy đàm phán các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với liên minh châu Âu (EU), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Chi lê. Ngành Ngoại giao sẽ phục vụ đắc lực cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của In-đô-nê-xi-a, đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Kết luận

Thành tựu phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế – xã hội trong những năm qua của In-đô-nê-xi-a phản ánh đường lối phát triển đúng hướng của Nhà nước và sự chung sức của người dân nước này. Mỗi bước đi trong chính sách NGKT đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc đạt được trọng tâm chính sách ngoại giao và hiện thực hóa hợp tác quốc tế bình đẳng và cùng có lợi.

Tuy nhiên, để bảo đảm mọi chính sách NGKT sẽ có tác động tối đa đến lợi ích quốc gia của In-đô-nê-xi-a, một chiến lược NGKT phù hợp phải được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ cả về nhân lực và tài chính từ Chính phủ In-đô-nê-xi-a. Chiến lược NGKT với những bước đi cụ thể, cần được xây dựng phù hợp với tình hình quốc tế, khu vực và trong nước nhằm đối phó với những thách thức tiềm ẩn, tận dụng các thời cơ của giai đoạn mới và xác định rõ trọng tâm của NGKT trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Để làm được điều này, In-đô-nê-xi-a cần tiến hành một nghiên cứu toàn diện về tình hình quốc tế và khu vực, phân tích kỹ mọi thách thức và cơ hội NGKT phải đối mặt, hướng dẫn các chương trình nghị sự ngoại giao trở thành trọng tâm của Chính phủ. Bên cạnh đó, In-đô-nê-xi-a cũng cần xem xét kỹ diễn biến toàn cầu, tuân thủ các chính sách ngoại giao của từng quốc gia nhằm hoạch định chiến lược NGKT tập trung và có mục tiêu cụ thể cho In-đô-nê-xi-a trong những năm tiếp theo.

Chú thích:
1. The Rise of Indonesia on the Global Stage: Reflections on an Economic Ascenthttps://thediplomat.com, The Diplomat, month 7/2022.
2. The missing strategy in Indonesia’s Economic Diplomacy. https://thediplomat.com, The Diplomat month 11/2019.
3. Making sense of Indonesia’s Economic Diplomacy. https://thediplomat.com, The Diplomat month 6/2020.
4. Indonesian Ministry of Foreign Affairs (2018). Kesehatan Untuk Semua: StrategiDiplomasi Kesehatan Global Indonesia. Jakarta: BPPK.
5. Keterbatasan Tata Kelola Kesehatan Global dalam Penanganan Covid-19. https://www.researchgate.net, accesed on August 25, 2021.
6. Indonesian Ministry of Foreign Affairs (2020). Mesin Diplomasi ASEAN TerusBekerja Hadapi Covid-19. https://kemlu.go.id, accesed on August 30, 2021.
7. Indonesia Pimpin Foreign Policy and Global Health dan DukungUpaya Global Akhiri Pandemi Covid-19. https://sehatnegeriku.kemkes.go.id, accesed on August 20, 2021.
8. Bank Indonesia (2020). Indonesia Dorong Kerjasama Internasional MengatasiDampak Pandemi Covid-19. https://www.bi.go.id, accesed on August 22, 2021.
9. Dukung Percepatan Kerja Sama Vaksin Covid-19, Badan PomLakukan Kerja Sama Dengan Uni Emirat Arab. https://pom.go.id, accesed on August 24, 2021.
10. Berita Indonesia(2020). Indonesia Perkuat Kerja Sama Bilateral dengan Korseldalam Penanganan Pandemi Covid-19. http:///Downloads/berita-indonesia-perkuat, accesed on August 25, 2021.
11. Annual Press Statement of The Minister for Foreign Affairs of The Republic of Indonesia 2022. https://kemlu.go.id
Nguyễn Thị Thu Hoàn, Hồ Thị Giang, Đinh Thị Trà My
Học viện Ngoại giao