(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 21/9/2022, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Góp ý Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Học viện chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có các đại biểu, khách mời: GS.TS. Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam; TS. Ngô Sỹ Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, Đại học Nội vụ Hà Nội; ông Đỗ Tài Tuyên, Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ; ThS. Trần Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, phân viện thuộc và trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.
Hội thảo trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố Huế và Khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường nhấn mạnh, Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Trong đó, việc xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) của Học viện giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vô cùng cần thiết, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển KHCN của ngành Nội vụ giai đoạn 2015 – 2025, Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN trong giai đoạn tới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính cho biết, Viện có chức năng nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học về hành chính, quản lý nhà nước, chính sách công và lĩnh vực có liên quan, thực hiện quản lý thống nhất hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện, trong đó, xây dựng Kế hoạch phát triển KHCN là nội dung đặc biệt quan trọng. Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp chuyên sâu của các nhà khoa học, các chuyên gia, giúp bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện Kế hoạch phát triển KHCN của Học viện giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính trình bày Báo cáo tóm tắt dự thảo Kế hoạch phát triển KHCN của Học viện giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo kế hoạch đã xác định rõ mục tiêu chung: Phát triển Học viện thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu về khoa học hành chính; tư vấn, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hành chính và quản lý nhà nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm KHCN của Học viện hướng tới đạt chuẩn quốc tế, phục vụ trực tiếp, có hiệu quả cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực, nội dung, phương pháp nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, có công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế.
Tham luận của TS. Trần Nghị đề xuất nên cân nhắc bổ sung mục tiêu phát triển nhân lực R&D của Học viện (đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có trình độ cao) lên trước hết để thể hiện quan điểm đầu tư cho phát triển nhân lực R&D là đầu tư cho sự phát triển bền vững, lâu dài, có tính chất quyết định thành công của kế hoạch. Mục tiêu phát triển KHCN cần có những sản phẩm đặc biệt, có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và tiềm lực KHCN của Học viện, xứng tầm vị thế Học viện.
Theo TS. Tạ Ngọc Hải, cần nghiên cứu điều chỉnh một số căn cứ pháp lý tại dự thảo kế hoạch; xây dựng kế hoạch theo hướng tổng quan, mang tính định hướng; điều chỉnh một số mục tiêu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế. TS. Tạ Ngọc Hải đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển KHCN theo 2 hướng: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong đó xác định chỉ số, mục tiêu định mức cụ thể cho kế hoạch.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở nhất trí với dự thảo kế hoạch, các quan điểm trong mục tiêu chung thể hiện được tầm phát triển mới của Học viện trong giai đoạn mới, làm căn cứ, định hướng cho những nghiên cứu của nhà khoa học, giảng viên của Học viện. Một số nội dung cần cụ thể hóa, thể hiện sâu hơn, như: cần xây dựng các định hướng lớn về phát triển KHCN, làm cơ sở cho định hướng nghiên cứu của các nhà khoa học trong Học viện; mở rộng, bao quát hơn mục tiêu chung của kế hoạch trong bối cảnh sáp nhập Đại học Nội vụ vào Học viện; xem xét các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu sát thực, có tính khả thi, có lộ trình thực hiện phù hợp; bổ sung nội dung về cơ chế hỗ trợ tài chính…
GS.TS. Đinh Văn Tiến cơ bản đồng tình với dự thảo kế hoạch, các nội dung được xây dựng sát với chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của Học viện. Theo ông, kế hoạch cần đưa ra định hướng nghiên cứu khoa học cụ thể, đặc thù cho Học viện. Đồng thời, giáo sư đề xuất một số vấn đề nghiên cứu, như: mối quan hệ giữa khoa học hành chính và khoa học chính trị, giữa quản lý công và quản lý tư; mối quan hệ giữa quản trị nhà nước và quản lý doanh nghiệp, ứng dụng quản trị doanh nghiệp trong quản trị nhà nước; các nội dung nghiên cứu về hành chính công, hành chính doanh nghiệp, hành chính quốc tế; chính quyền đô thị; chính quyền cấp xã, phường; mô hình tổ chức nhà nước…
TS. Nguyễn Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam góp ý, kế hoạch nên kết cấu nhóm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo các định hướng nghiên cứu khoa học đặt ra. Về giải pháp thực hiện kế hoạch cần áp dụng các tiêu chuẩn khoa học công nghệ, các giải pháp quản lý tiên tiến; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan; thúc đẩy hợp tác quốc tế về KHCN…
PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh cho rằng, cần định hướng các nhóm, mảng nghiên cứu KHCN, như: (1) Các đề tài, đề án, chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị. (2) Cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu theo đặt hàng của các bộ, ngành, địa phương. (3) Phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. (4) Hỗ trợ cho các bộ, ngành địa phương, xã hội hóa các sản phẩm của nghiên cứu vào thực tiễn. Các giải pháp đặt ra trong kế hoạch cần bám sát, giải quyết các nội dung: xác định các lĩnh vực nghiên cứu trong từng giai đoạn; xác định chuẩn đầu ra của các nghiên cứu về quản lý nhà nước; xác định các nguồn lực cho phát triển KHCN; xác định các phương thức quản lý KHCN.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh khẳng định, việc xây dựng kế hoạch phát triển KHCN của Học viện là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, qua đó tạo cơ sở, định hướng chung một cách bài bản, khoa học cho hoạt động nghiên cứu, phát triển KHCN của Học viện nói chung, tạo động lực cho sự phát triển của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính nói riêng. Nội dung kế hoạch cần xây dựng với mục tiêu cụ thể, phù hợp thực tế, căn cứ tình hình phát triển của Học viện.
Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự: TS. Hà Quang Thanh, TS. Ngô Sỹ Trung, ThS. Trần Thị Hải Yến… Các ý kiến tập trung vào các nội dung, như: giải pháp nâng cao trình độ, trang bị kiến thức, cập nhật kỹ năng cần thiết cho giảng viên, nhà khoa học nhằm hiện thực hóa mục tiêu của kế hoạch; cơ chế, chế tài để nộp đăng tải các công trình khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Các vấn đề, như: định danh của Học viện trong hệ thống sản phẩm nghiên cứu khoa học quốc tế; tỷ lệ tăng trưởng KHCN; xác định các chỉ tiêu chất lượng; cụ thể hóa các giải pháp theo định hướng mục tiêu; công cụ hỗ trợ trong các nghiên cứu quốc tế…
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường gửi lời cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia đã gửi bài, tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Phó Giám đốc Học viện đề nghị Viện Nghiên cứu khoa học hành chính tiếp thu những ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh xây dựng kế hoạch có tính khả thi, trên cơ sở kế thừa truyền thống, giá trị của Học viện. Xây dựng kế hoạch cần nghiên cứu, khảo sát kỹ các nguồn lực hiện tại và trong tương lai, bám sát vai trò, sứ mệnh của Học viện, rà soát, cân nhắc các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Đồng thời, có giải pháp nâng cao năng lực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phục vụ tốt hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn chính sách của Học viện, đáp ứng mục tiêu, chiến lược phát triển Học viện trong giai đoạn phát triển mới.