Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao là chủ trương chiến lược của Đảng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bài viết phân tích sự cần thiết xây dựng lực lượng dự bị động viên và đề xuất một số giải pháp xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnhđáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở Trung đoàn 852, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng. Ảnh: baoquankhu1.vn.
Sự cần thiết phải xây dựng lực lượng dự bị động viên ở nước ta

Xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) hùng hậu, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc (BVTQ) là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây:

(1) Xuất phát từ vị trí, vai trò của lực lượng DBĐV là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm “toàn thể quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị đã được lựa chọn trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội”1. Xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng cao có vị trí, vai trò hết sức to lớn, là nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu… làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”2. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030: “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu… xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng ngày càng cao”3.

Vai trò của lực lượng DBĐV được thể hiện rõ trên các khía cạnh:

Thứ nhất, góp phần xây dựng tiềm lực quân sự quốc phòng của đất nước trong thời bình, đồng thời đáp ứng yêu cầu khi có chiến tranh xảy ra. Trong thời bình, lực lượng DBĐV được huy động là nguồn lực to lớn trong xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận của khu vực phòng thủ đất nước. Khi có chiến tranh xảy ra, lực lượng DBĐV được huy động là nguồn sức mạnh bất ngờ, to lớn, nhanh chóng hình thành thế trận chiến tranh nhân dân BVTQ, tạo ra sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta để giành thắng lợi trên chiến trường.

Thứ hai, góp phần quan trọng tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh. Lực lượng DBĐV mà nòng cốt là quân nhân dự bị là lực lượng không thoát ly khỏi sản xuất, công tác, vừa là dân cũng lại vừa là quân, mọi hoạt động của quân nhân dự bị đều gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế, các phong trào hành động cách mạng của địa phương; lực lượng này đã phát huy tốt vai trò xung kích trong lao động sản xuất, đi đến những nơi khó khăn, nguy hiểm, kể cả vùng bị thiên tai, dịch bệnh… Được tổ chức lao động chặt chẽ, có quản lý, chỉ huy, tác phong quân sự; phát huy tính tiền phong gương mẫu, cán bộ, đảng viên, quân nhân dự bị luôn làm chủ khoa học kỹ thuật, xung kích trong cải tiến phương tiện sản xuất tạo ra năng suất lao động cao, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Thứ ba, góp phần củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị, đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các hành động chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng lực lượng DBĐV vững mạnh tạo ra lực lượng nòng cốt tại chỗ, phối hợp kịp thời và chặt chẽ với các lực lượng vũ trang thường trực nhằm củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị; chủ động, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương, là một thành phần quan trọng trong xây dựng khu vực phòng thủ, nhằm giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

(2) Xuất phát từ thực trạng xây dựng lực lượng DBĐV hiện nay. Trong những năm qua, công tác xây dựng lực lượng DBĐV đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện theo hướng toàn diện, kết hợp với tập trung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu đạt được chất lượng, hiệu quả thiết thực. Chế độ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được duy trì thường xuyên, có nền nếp. Hệ thống sổ sách, mẫu biểu được củng cố, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ.

Đến nay, các địa phương đã đăng ký, quản lý cơ bản được trên 5 cấp. Đặc biệt, các địa phương đã quản lý trực tiếp ở hai cấp. Thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng DBĐV cho các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao chỉ tiêu về quy mô, loại hình tổ chức, số lượng các đơn vị DBĐV do các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiếp nhận lực lượng DBĐV cho các đơn vị thường trực của Quân đội và quy định động viên ở từng trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Hằng năm, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị và các đơn vị DBĐV. Nhờ đó, quân nhân dự bị tham gia kiểm tra, sẵn sàng động viên, huấn luyện luôn đạt chỉ tiêu được giao. Hiện nay, hầu hết quân nhân dự bị đều được xếp vào các đơn vị DBĐV có khung thường trực, sẵn sàng nhận lệnh động viên, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung huấn luyện cho cán bộ khung B, nhằm nâng cao chất lượng chỉ huy, quản lý, huấn luyện quân nhân dự bị; tổ chức diễn tập chỉ huy và cơ quan về động viên, kết hợp với huy động, tiếp nhận đơn vị DBĐV huấn luyện, diễn tập chiến thuật có bắn đạt thật. Các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, gia đình quân nhân dự bị khi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên và quân nhân dự bị có lệnh tập trung làm nhiệm vụ; quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị DBĐV; chủ có phương tiện kỹ thuật được huy động đều được bảo đảm đầy đủ, đúng quy định. Ngoài ra, các địa phương còn hỗ trợ quân nhân dự bị xây nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; dạy nghề, tạo việc làm, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết,…

Nhìn chung, chế độ, chính sách của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị đã góp phần khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ quân dự bị tích cực huấn luyện, chấp hành tốt Luật Lực lượng DBĐV, nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, lực lượng DBĐV tích cực tham gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, huy động lực lượng DBĐV của các cấp, các ngành, các địa phương vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lực lượng DBĐV ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành đoàn thể một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức xây dựng lực lượng DBĐV. Đội ngũ cán bộ làm công tác động viên ở các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh, đơn vị quản lý trực tiếp quân nhân dự bị vừa thiếu, vừa yếu, lại thường xuyên biến động. Việc xây dựng các trạm tập trung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của các đơn vị chưa được chú trọng. Công tác dự trữ vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần, tài chính cho xây dựng và huy động lực lượng DBĐV của các đơn vị bộ đội địa phương còn hạn chế. Nguồn động viên là sĩ quan dự bị thuộc các chuyên ngành phân bố không đều. Công tác đăng ký, quản lý của các địa phương, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa được chú trọng. Ngân sách bảođảmhuấn luyện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức các loại hình đơn vị DBĐV; quản lý, huấn luyện, duy trì khả năng sẵn sàng động viên ở các cấp độ sẵn sàng chiến đấu cần nghiên cứu cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và thực tiễn.

(3) Xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp tục diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đỗ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Trên Biển Đông, các hoạt động tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn ra ngày càng phức tạp. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều chỉnh tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, đồng thời nâng cao chất lượng của lực lượng thường trực, xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu cả về số lượng, chất lượng để sẳn sàng huy động lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Một số giải pháp nhằm xây dựng lực lượng dự bị động viên ở nước ta

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV. Đây là nguyên tắc, giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng lực lượng DBĐV. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh, làm cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước về xây dựng lực lượng DBĐV.

Về nhận thức, cần xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể và mọi người dân địa phương trong thực hiện. Trên cơ sở đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng DBĐV trong tình hình mới; Luật Lực lượng DBĐVLuật Biển Việt Nam gắn với thực hiện Luật Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam,… phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong xây dựng lực lượng DBĐV, kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, biện pháp giải quyết.

Hai là, làm tốt công tác tạo nguồn, đăng ký, quản lý quân nhân dự bịCác tỉnh trên cả nước đang thực hiện chủ trương kết hợp chặt chẽ công tác tuyển quân với công tác xây dựng lực lượng DBĐV trên cùng một địa bàn. Vì vậy, đa số chiến sĩ trong các đơn vị quân đội, sau khi hết hạn phục vụ tại ngũ trở về địa phương đều được đăng ký, sắp xếp vào các đơn vị DBĐV.

Với phương châm lấy đúng chuyên nghiệp quân sự, “gần, gọn địa bàn”, các đơn vị DBĐV trên cả nước luôn bám sát địa bàn, phối hợp với địa phương trong công tác tạo nguồn; đồng thời, tích cực tổ chức huấn luyện bổ sung, chuyển loại cho chiến sĩ và đào tạo sĩ quan dự bị. Nhờ tích cực, chủ động trong việc tạo nguồn, nên: “Đã sắp xếp đạt 94,08% so với chỉ tiêu động viên được Chính phủ giao, trong đó sĩ quan dự bị đạt 81,26%, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đạt 96%. Nhiều đơn vị đã sắp xếp đủ 100% quân số và có lượng dự phòng 10%, trong đó tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sựcủa sĩ quan dự bị đạt 72,25%, gần đúng đạt 20,4%, không đúng 7,35%; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 68,7%, gần đúng đạt 14,3%, không đúng 17%. Chất lượng chính trị từng bước được nâng lên, tỷ lệ đảng viên trong quân nhân dự bị đạt 5,5%, tỷ lệ đoàn viên đạt33%”4.

Tuy nhiên, do yêu cầu tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự cao, trong khi đó hàng năm vẫn phải giải ngạch số quân nhân DBĐV hết hạn tuổi phục vụ, nên việc thực hiện phương châm gần, gọn địa bàn còn gặp những khó khăn nhất định. Hiện nay, hiện tượng quân nhân DBĐV đi làm xa địa phương; chủ phương tiện tự ý chuyển nhượng phương tiện, cơ sở vật chất đã đăng ký trong nguồn động viên mà không báo cáo; chất lượng phương tiện biến động, xuống cấp… cũng ảnh hưởng không ít đến công tác tạo nguồn, quản lý nguồn và động viên sẵn sàng chiến đấu. Để khắc phục tình hình trên, hằng quý các đơn vị đều phối hợp với địa phương tổ chức rà soát quân số, biên chế và phương tiện; tiến hành phúc tra, báo động sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch động viên với thời gian từ 1 đến 2 ngày. Qua đó, kiểm tra, đánh giá khả năng huy động lực lượng; đồng thời, tổ chức học tập chính trị, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho quân nhân DBĐV trước yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu cho quân nhân dự bị. Hàng năm, căn cứ vào điều kiện kinh phí trên cấp cho huấn luyện và tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị DBĐV, bảo đảm đủ quân số và đúng thời gian huấn luyện theo quy định. Cùng với đó, các đơn vị DBĐV luôn quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xác định đây là khâu đột phá để nâng cao trình độ, sức mạnh chiến đấu của lực lượng này.

Bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế chiến đấu với quan điểm “huấn luyện dự bị như thường trực”; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, coi trọng huấn luyện đội ngũ cán bộ khung B, huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự cho quân nhân dự bị binh chủng, chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường tổ chức diễn tập chỉ huy, cơ quan, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, thực hành huy động tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, kiểm tra sẵn sàng động viên, nhằm rèn luyện, nâng cao năng lực chỉ huy, trình độ kỹ chiến thuật, khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của đơn vị DBĐV.

Bốn là, xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, “phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”5. Xây dựng lực lượng DBĐV phải tuân thủ pháp luật, thực hiện sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Quốc phòng. Khi triển khai thực hiện, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; gắn nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV với xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội và phát triển thế trận QPTD, sẵn sàng chuyển sang thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống tổ chức xây dựng lực lượng DBĐV của dân tộc, trực tiếp là của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các cuộc kháng chiến; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng lực lượng DBĐV của các nước trên thế giới.

Năm là, thực hiện bảo đảm tốt các chế độ, tiêu chuẩn, chính sách cho lực lượng DBĐV. Đây là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, coi trọng. Các đơn vị huấn luyện lực lượng DBĐV chuẩn bị đầy đủ và bảo đảm tốt các chế độ, tiêu chuẩn như: quân lương, quân trang, nơi ăn, ở tập trung học tập, sinh hoạt; chi trả phụ cấp trách nhiệm và trợ cấp cho gia đình lực lượng DBĐV khi tham gia huấn luyện, diễn tập, không để trường hợp nào phải thắc mắc, kiến nghị về chế độ, tiêu chuẩn, chính sách.

Lực lượng DBĐV trong quá trình tham gia huấn luyện bị ốm đau được đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh như chế độ quân nhân tại ngũ, vì thế đã tạo động lực cho họ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với người có phương tiện được huy động, thông qua các lần tập trung kiểm tra, các đơn vị DBĐV đã phối hợp với ban chỉ huy quân sự các huyện thực hiện chi trả chế độ theo đúng quy định hiện hành. Các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, gia đình quân nhân dự bị khi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên và quân nhân dự bị có lệnh tập trung làm nhiệm vụ; quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị DBĐV; chủ có phương tiện kỹ thuật được huy động đều được bảo đảm đầy đủ, đúng quy định.

Ngoài ra, các địa phương còn hỗ trợ quân nhân dự bị xây nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; dạy nghề, tạo việc làm, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết,… Nhìn chung, chế độ, chính sách của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị đã góp phần khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ quân dự bị tích cực huấn luyện, chấp hành nghiêm kỹ luật và các quy định của Luật lực lượng DBĐV, nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội. Luật lực lượng dự bị động viên. H. NXB Hồng Đức, 2020.
2. Quốc hội. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1. H.NXB Chính trị quốc gia, 2021.
4. Bộ Quốc phòng. Báo cáo số 276/BC-BQP về tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Lưu hành nội bộ năm 2018.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
ThS. Nguyễn Hữu Trung
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng