(Quanlynhanuoc.vn) – An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên thông qua các biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế – xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, dịch bệnh… An sinh xã hội được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận là quyền của công dân, được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Bảo đảm quyền an sinh xã hội cho nhóm yếu thế sau đại dịch Covid-19 là một việc làm nhân văn, mang tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, các cấp, các ngành và toàn xã hội phải tích cực chung tay để những người thuộc nhóm yếu thế nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và lao động, sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Quy định của pháp luật về quyền an sinh xã hội
An sinh xã hội (ASXH) có thể hiểu là hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được xây dựng, thiết lập trên cơ sở điều kiện thực tế của đất nước bảo đảm cho mọi người dân có mức sống ổn định, có cơ hội, điều kiện được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ về y tế, nhà ở, giáo dục, văn hóa, thông tin…
Điều 34 Hiến pháp năm 2013, khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Để thực hiện quyền này, khoản 2 Điều 59 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Như vậy, ASXH hiện nay được ghi nhận là quyền công dân. Quyền này lần đầu tiên được hiến định trong tiến trình lập hiến Việt Nam. Công dân Việt Nam có quyền bình đẳng trong hưởng thụ ASXH, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khác khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế…”1.
ASXH có vai trò quan trọng trong việc tái phân phối, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, hòa nhập xã hội, ngăn chặn trình trạng bị gạt ra bên lề của sự phát triển, bảo đảm nhân phẩm của tất cả mọi người, đặc biệt khi họ gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
ASXH ở Việt Nam hiện nay gồm 4 nhóm cơ bản: (1) Nhóm chính sách việc làm bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo: hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; (2) Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… thông qua tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên; (3) Nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất. (4) Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông.
Chính sách an sinh xã hội trong đại dịch covid-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và kinh tế – xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tổng thể nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh.
Nổi bật trong lĩnh vực ASXH phải kể đến việc ban hành và tổ chức thực hiện 3 gói hỗ trợ ASXH khẩn cấp với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể, ngày 09/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; ngày 01/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế – xã hội của cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam bị tổn thất khá nặng nề. Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị phá sản, hoặc ngừng sản xuất, nhiều lao động phải nghỉ việc. Tình trạng không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến trong đại dịch, khiến cho hàng trăm nghìn lao động bị mất việc, hàng triệu lao động phải nghỉ giãn việc. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng lớn đến lao động, việc làm, ASXH của người dân các tỉnh phía Nam và cả nước rất nặng nề. Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ việc luân phiên; khoảng 80% người bị giảm thu nhập. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý II và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động2.
Các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt lao động trong khu vực phi chính thức càng khó khăn hơn, do sinh kế của họ gắn nhiều với các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao. Trước những khó khăn đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021, về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngày 01/7/2021 lên 360.000 đồng/tháng, mở rộng cho một số nhóm đối tượng; Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, ngày 07/12/2021, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 19953.
Năm 2021, qua triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 74.106 tỷ đồng thực hiện các chính sách, hỗ trợ 741.930 lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng), trên 43,78 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 61.073 tỷ đồng)4.
Chính sách ASXH kịp thời đã góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục
Bảo đảm quyền ASXH cho nhóm yếu thế ở nước ta tuy bước đầu đạt được những kết quả cụ thể nhưng nhìn chung “chất lượng thực hiện các mục tiêu chưa cao, như: chất lượng việc làm còn thấp; tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng; tỷ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế tăng chậm; chất lượng phổ cập giáo dục còn chênh lệch, đặc biệt với nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, hộ nghèo và vùng đặc biệt khó khăn; tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề gặp nhiều khó khăn; vẫn còn gần 25% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế; chậm triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp…5.
Đặc biệt, trong đại dịch và tại thời điểm hiện tại, một số chương trình ASXH chưa thực sự hiệu quả. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chương trình trợ giúp xã hội còn phân tán về đối tượng, kinh phí, tổ chức thực hiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về ASXH ở một số địa phương còn yếu, hình thức thông tin, tuyên truyền chưa hiệu quả… Bảo đảm an sinh tối thiểu cho người dân có nhiều thách thức. Phạm vi bao phủ của chính sách ASXH còn hẹp; thiếu tài chính và sự phân bố tài chính hợp lý giữa các chương trình; các công cụ, chính sách thiếu nhạy bén, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, cải cách kinh tế và biến đổi khí hậu6.
Tỷ lệ giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chậm, có nguy cơ tái nghèo cao. Nguồn lực sinh kế của người nghèo còn hạn chế cả về tài chính, vật chất, điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn lực xã hội. Kết cấu hạ tầng ở vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu mặc dù Nhà nước đã hết sức ưu tiên, quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sinh kế. Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, ở nhiều nơi còn thiếu trường lớp, trạm y tế hoặc trường lớp, trạm y tế ở cách xa, đường sá đi lại khó khăn. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà kiên cố, có nước sạch còn thấp. Chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội ở nhiều nơi chưa cao7.
Một số kiến nghị bảo đảm quyền an sinh xã hội cho nhóm yếu thế sau đại dịch Covid-19
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách giảm nghèo.
Để bảo đảm quyền ASXHcho nhóm yếu thế cần thiết kế lại chính sách, chương trình giảm nghèo theo hướng xây dựng các dự án phát triển sinh kế, hỗ trợ có điều kiện, loại bỏ các nội dung hỗ trợ cho không, tạo sự ỷ lại của người nghèo, xây dựng các chương trình việc làm công tạo việc làm cho người nghèo.
Theo đó, tách bạch nội dung giữa các chính sách hỗ trợ việc làm và giảm nghèo qua phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập từ lao động với các chính sách trợ giúp thường xuyên hoặc đột xuất, mang tính cho không; tách bạch giữa đối tượng nghèo nhưng không có khả năng thoát nghèo và cần phải trợ cấp thường xuyên và đối tượng có khả năng lao động, có thể thoát nghèo nếu được tạo điều kiện việc làm và phát triển sinh kế.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo.
Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, dễ thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lắp. Trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách.
Đổi mới hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến ASXH sau đại dịch theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn các chính sách kinh tế với chính sách xã hội và ASXH, để từ đó tăng trưởng kinh tế thực sự gắn kết với phát triển xã hội công bằng, bảo đảm ASXH. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước và quản lý phát triển xã hội trong việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp, hiệu lực và khả thi.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và ASXH bền vững sau đại dịch giai đoạn 2021 – 2030.
Chính phủ cần tập trung chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và ASXH bền vững sau đại dịch giai đoạn 2021 – 2030 hướng đến sự tích hợp, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực tài chính cho ASXH trên cơ sở đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa. Thực hiện tích hợp các chương trình hiện nay về giảm nghèo bền vững, việc làm, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bảo trợ xã hội… Tăng cường tính chủ động của địa phương, các chủ thể liên quan trong thực hiện, tư vấn, phản biện, kiến nghị và giám sát thực hiện các chương trình này.
Thứ năm, tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Có chiến lược tuyên truyền phù hợp hơn để người lao động, người sử dụng lao động và người dân thấy rõ được chính sách BHXH là một biện pháp ASXH chủ động và bền vững nhất. Cần nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện bằng việc hỗ trợ phí đóng BHXH tự nguyện, ưu tiên các đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp, nông thôn…
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật. 2021, tr.150.
2,3,4. Bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. http://mattran.org.vn, truy cập ngày 01/10/2022.
5,6. An sinh xã hội ở Việt Nam – những thành tựu, thách thức và định hướng phát triển. http://www.ilssa.org.vn, truy cập ngày 24/8/2020.
7. Bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam – vấn đề đặt ra và định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn mới. https://www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 29/10/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
3. Nghị quyết 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủvề hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
ThS. Phạm Xuân Quyền
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước