Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc – Thực trạng và giải pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Tây Bắc – nơi cư ngụ của nhiều nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, với đặc trưng là vùng núi cao, địa hình phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn bị chi phối bởi nhiều hủ tục lạc hậu; nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của các đạo luật còn bị hạn chế… Để người dân tiếp cận và có ý thức hơn nữa trong thực hiện pháp luật, đòi hỏi chính quyền địa phương phải tích cực và chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Ảnh: https://vpcp.chinhphu.vn.
Thực trạng tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc

Theo Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020, thì tiểu vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Hiện tiểu vùng này có hơn 20 tộc người cùng cư trú xen cài với nhau; trong đó dân tộc Thái (với những yếu tố tiếp biến từ văn hóa Đông Nam Á) nổi lên như một sắc thái đại diện cho văn hóa Tây Bắc. Từ điều kiện cảnh quan, môi trường sống đã tạo nên những nét đặc trưng, cả về vật chất và tinh thần cho văn hóa vùng này.

Nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình, thực hiện bình đẳng trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, thực hiện kế hoạch hóa gia đìnhCác địa phương trên địa bàn Tây Bắc đã xuất phát từ thực tiễn điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế – xã hội và quá trình xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương mình để triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, GDPL về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức thi hành pháp luật về PCBLGĐ.

Từ số liệu thu được qua khảo sát cho đề tài nghiên cứu “Tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc”, cho thấy “Không có kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình ở địa phương. Điều này minh chứng bằng một số sự việc xảy ra mới đây trên địa bàn các tỉnh miền núi Tây Bắc. Điển hình là, ngày 04/02/2022, tại điểm dân cư Co Hạ, bản Khá, xã Mường Lạn, Điện Biên, một người đàn ông đã dùng súng tự chế để sát hại vợ trong đêm rồi bỏ trốn vào rừng. Vụ việc đã gây ra tâm lý lo ngại cho người dân địa phương và đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Trước đó, ngày 19/02/2021, một người đàn ông ở bản Song, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, Sơn La đã dùng vật sắc, nhọn đâm nhiều nhát vào vùng cổ để sát hại vợ trong đêm, sau đó bỏ trốn1.

Ngày 10/4/2021, do mâu thuẫn gia đình, tại bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, một người đàn ông đã ra tay sát hại cha ruột của mình. Ngày 28/4/2021, tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, một bộ đội biên phòng đã nổ súng bắn cả bố và mẹ vợ tử vong…”2.

Những người đàn ông trong các vụ trọng án trên đều được xác định là trong cuộc sống hằng ngày luôn có hành vi bạo hành với người thân, đặc biệt là vợ, con. Chính sự thiếu hiểu biết về kiến thức trong PCBLGĐ, không có sự tự vệ và chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp đã dẫn đến những kết cục rất đau lòng.

Khi khảo sát về đối tượng gây ra hành vi bạo lực gia đình cho thấy, không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng là người gây ra hành vi bạo lực cho chính người thân trong gia đình. Gần đây nhất, ngày 19/3/2022, tại xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), chị H.T.N. (SN 1986) đã dùng dao cắt đứt lìa bộ phận sinh dục của người chồng tên Ng.V.H. (SN 1993). Nguyên nhân là do trước khi kết hôn với anh H, chị có 1 con gái riêng sinh năm 2007, gần đây chị phát hiện chồng mình đã dùng các thủ đoạn để đe dọa, ép buộc con gái riêng của vợ phải quan hệ tình dục. Uất ức vì thương con cộng với trong quá trình chung sống, Ng.V.H. nhiều lần hành hung, đánh đập chị và con nhỏ, chị đã ra ngoài uống rượu cùng một số người bạn và trong lúc không kiềm chế được chị đã làm liều3.

Trong các vụ việc đau lòng nêu trên cho thấy, các đối tượng là người gây ra bạo lực gia đình và nạn nhân dù là nam hay nữ đều không có kiến thức về PCBLGĐ. Nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu được cấp độ nguy hại cao nhất có thể xảy ra là bị tước mạng sống, thì họ đã có biện pháp ngăn ngừa, như: thông qua chính quyền sở tại, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức có trách nhiệm liên quan trong cơ quan nhà nước và tìm kiếm sự giúp đỡ trong cộng đồng…

Trước những vụ việc báo động như trên và số liệu thu thập được từ việc xác định nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực gia đình, các địa phương cần triển khai kịp thời hơn những biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ. Bên cạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật, nội dung tuyên truyền tập trung vào giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

Các địa phương hiện nay tập trung tuyên truyền vào hai nội dung: (1) Chính sách pháp luật về PCBLGĐ và vai trò của các thành viên trong gia đình; (2) Kiến thức và kỹ năng ứng xử trong gia đình để PCBLGĐ. Đây là những nội dung quan trọng cho mục tiêu PCBLGĐ. Nếu mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi trong việc thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCBLGĐ sẽ góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, cộng đồng an toàn, lành mạnh và những gia đình thật sự đầm ấm, hạnh phúc, phát triển bền vững.

Để công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL thực sự đem lại hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan quản lý cũng như giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình của địa phương, nên chăng trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước cần gắn công tác tổ chức thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật, từ giai đoạn soạn thảo luật, đánh giá điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật (về tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện khác để tổ chức thi hành pháp luật) phải được thực hiện nghiêm túc từ khâu đề xuất và thông qua chính sách, đến việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật phải được thực hiện đồng thời với văn bản luật.

Để các chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, bên cạnh các chính sách chung cần phải có các chính sách phục vụ cho việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật phù hợp với trình độ dân trí của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Trong đó, cần quan tâm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng; đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số cần phải có cách tiếp cận riêng với từng nhóm cộng đồng dân tộc bởi họ có trình độ dân trí khác nhau.

Một số phương thức tiếp cận tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc

Trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, nếp nghĩ, luật tục riêng biệt, do đó, việc xây dựng chính sách, pháp luật, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống để nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế – xã hội cho đồng bào các dân tộc cần có những phương thức cụ thể, phù hợp.

Một là, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến thường xuyên cũng như phát động phong trào PCBLGĐ cho nhân dân và người lao động trên địa bàn để thấy được những hệ lụy không đáng có của bạo lực gia đình và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước phải là một hạt nhân, một tuyên truyền viên của pháp luật về PCBLGĐ. Đặc biệt, cần chia đối tượng theo độ tuổi để tuyên truyền, phổ biến, GDPL phù hợp với những cam kết trong xây dựng gia đình văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Hai là, chọn lọc tuyên truyền viên về PCBLGĐ với những tiêu chí cụ thể liên quan đến phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc GDPL. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung GDPL thường xuyên cho đội ngũ làm công tác GDPL (bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL, giúp họ không chỉ có kiến thức vững mà còn có khả năng truyền đạt thu hút người nghe và có hiệu quả nội dung pháp luật).

Ba là, đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến, GDPL theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để một mặt, nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, mặt khác, giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Định kỳ cần tổ chức sơ kết, đánh giá để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định nội dung phổ biến, GDPL thời gian tiếp theo. Cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, GDPL. Chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật… Nghiên cứu, thí điểm mô hình phòng, chống khủng hoảng cho nạn nhân và người gây bạo lực gia đình.

Bốn là, không ngừng nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho người dân. Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, GDPL sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ văn hóa pháp lý của người dân. Hiệu quả tác động này lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ, công chức, phụ thuộc vào việc họ thực thi pháp luật, có thái độ tôn trọng pháp luật, nhất là trong điều kiện xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao để người dân được tham gia tích cực vào hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật. Phổ biến, GDPL góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tính tích cực, bảo đảm hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Chú thích:
1,2,3. Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 28/6/2020 của UBND tỉnh Sơn La về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Phạm Thị Bình. Tác động của kinh tế thị trường đến chức năng gia đình ở Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2012.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Báo cáo điều tra thực trạng bạo lực gia đình, đề xuất giải pháp có tính đột phá nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình trong giai đoạn 2018-2020. Hà Nội, 2012.
4. Bùi Thị Mai Đông. Giáo trình công tác xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình. HNXB Giáo dục, 2016.
5. Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 25/3/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện “Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
6. Kế hoạch số 675/KH-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh Lai Châu về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2025.
7. Định hướng nội dung phổ biến giáo dục pháp luật. http://pbgdpl.laichau.gov.vn, tháng 5/2022.
 ThS. Cung Thúy Quỳnh
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội