Tiếp tục hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất cần thiết. TP. Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong bối cảnh thực hiện chính quyền đô thị và bước đầu tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Bài viết trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đặc thù trong phân cấp, phân quyền cho TP. Hồ Chí Minh.
Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Khái quát về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước

Ở Việt Nam, vấn đề phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của quá trình cải cách nền hành chính nhà nước. Thực tế về phân cấp, phân quyền vẫn còn nhiều điều chưa thống nhất cả về lý luận và thực tiễn “hiện nay, các công trình nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam chưa có sự tiếp cận và sử dụng thống nhất thuật ngữ “phân cấp, phân quyền”1;“Hiện nay, chúng ta thường nói gộp phân cấp, phân quyền với nhau làm một. Nên nội hàm của khái niệm là không thật rõ. Tuy nhiên, có lẽ hợp lý hơn, phân cấp là phân chia chính quyền ra thành các cấp. Phân quyền là phân chia quyền lực (thẩm quyền) giữa các cấp chính quyền. Còn quyền lực của cấp trên nhưng phân xuống cho cấp dưới thì nên được gọi là ủy quyền”2.

Từ góc độ khoa học quản lý và thực tiễn hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam, có thể hiểu phân cấp, phân quyền, ủy quyền (PCPQUQ) như sau:

(1) Phân cấp quản lý nhà nước (QLNN).

Ở Việt Nam phân cấp QLNN được hiểu là “sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động QLNN. Ở đây tồn tại tính thứ bậc hành chính giữa các đơn vị hành chính – lãnh thổ”3. Thực chất, phân cấp QLNN được hiểu là phân cấp quản lý hành chính nhà nước hay phân cấp hành chính, đó là “Chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật… thực chất của phân cấp quản lý hành chính là xác định lại sự phân chia thẩm quyền theo các cấp hành chính phù hợp với yêu cầu của tình hình mới”4. Phân cấp là chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên cho cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở quy định của pháp luật (mang tính chiều dọc, có thứ bậc từ trên xuống).

Ở nước ta, khoản 2 Điều 112 Hiến pháp năm 2013 xác định: “nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”. Quy định này của Hiến pháp năm 2013 là căn cứ pháp lý quan trọng để quy định về phân cấp cho từng cấp chính quyền địa phương (CQĐP). Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã có những quy định cụ thể về phân cấp cho CQĐP. Điều 13 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho CQĐP hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới…Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp… Phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp...

(2) Phân quyền QLNN

Phân quyền theo cách hiểu chung nhất là “phân cho một tập thể hay một đơn vị hành chính – lãnh thổ tự quản lý, có tư cách pháp nhân, có những quyền hạn và những nguồn lực nhất định, dưới sự kiểm tra của Nhà nước5. Hiện nay phân quyền được chia thành phân quyền ngang và phân quyền dọc. Ở nước ta, sự phân quyền theo chiều ngang này là sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Phân quyền dọc là việc phân quyền giữa Trung ương và CQĐP. Phân quyền theo chiều dọc (phân quyền theo lãnh thổ) là việc cấp Trung ương chuyển giao một phần quyền hạn, nhiệm vụ, phương tiện vật chất… cho các cấp CQĐP thực hiện. Theo đó, CQĐP được tự quyết định các vấn đề của địa phương trên cơ sở quy định của pháp luật; Trung ương thực hiện kiểm tra hoạt động của CQĐP thông qua hệ thống pháp luật và tài phán hành chính.

Như vậy, phân quyền trong QLNN giữa Trung ương và địa phương được tiếp cận phân quyền chiều dọc, theo đó “phân quyền theo cấp lãnh thổ là nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực, theo đó, Nhà nước trung ương chuyển giao (thông qua hiến pháp và luật) cho các hội đồng dân biểu địa phương những quyền hạn độc lập và toàn vẹn (bao gồm cả phương tiện vật chất, tài chính, nhân sự…), trong phạm vi đó nó thực hiện một cách chủ động, độc lập và tự chịu trách nhiệm”6. Theo quy định của Điều 12 Luật Tổ chức CQĐP năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì việc phân quyền cho mỗi cấp CQĐP phải được quy định trong các luật. CQĐP tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp CQĐP…

(3) y quyền trong QLNN

Ủy quyền theo cách hiểu phổ biến là giao cho người khác sử dụng một số quyền mà pháp luật đã giao cho mình hoặc giao quyền cho người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Theo đó, trong hoạt động QLNN “ủy quyền thực chất là việc cơ quan cấp trên trao cho cơ quan cấp dưới thực hiện quyền giải quyết các công việc của mình trong những điều kiện cụ thể, mà cấp trên thấy mình không cần phải trực tiếp giải quyết7.

Ủy quyền thường được thực hiện theo từng vụ việc cụ thể, khi ủy quyền thì chính quyền cấp trên, người lãnh đạo cấp trên có thể trao cho cấp dưới cả các phương tiện, vật chất kỹ thuật, tài chính để thực hiện các công việc nhất định và chính quyền cấp trên, người lãnh đạo cấp trên giữ quyền kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới, cơ quan, người ủy quyền có thể chấm dứt sự ủy quyền vào bất kỳ lúc nào khi xét thấy cần thiết và người được ủy quyền không có quyền ủy quyền cho người khác. Theo Điều 14 Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Trong trường hợp cần thiết,… cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp dưới trực tiếp,… Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho phó chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình…”.

Như vậy, PCPQUQ là xu thế phổ biến trong tổ chức thực hiện QLNN giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền, đã xuất hiện trong các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Tổ chức CQĐP.Những quy định cơ bản góp phần giúp triển khai các nhiệm vụ của CQĐP, đặc biệt là chính quyền đô thị một cách hiệu lực, hiệu quả.

Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Trung ương cho TP. Hồ Chí Minh

Thể chế hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Tiếp theo, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14. Trên cơ sở đó, CQĐP ở TP. Hồ Chí Minh là cấp chính quyền gồm có HĐND Thành phố và UBND Thành phố; CQĐP ở quận tại TP. Hồ Chí Minh là UBND quận; CQĐP ở phường là UBND phường. Chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định tại Luật Tổ chức CQĐP, Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Trung ương cho chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh ngoài thực hiện theo quy định chung nêu trên còn được thực hiện cụ thể theo Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 54/2017/QH14 quy định về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực.Theo đó, Nghị định số 93/2001/NĐ-CP phân cấp quản lý cho TP. Hồ Chí Minh trên 4 lĩnh vực: (1) Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội; (2) Quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị; (3) Quản lý ngân sách nhà nước; (4) Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức. Nghị quyết số 54/2017/QH14 phân quyền, ủy quyền cho TP. Hồ Chí Minh thực hiện một số hoạt động sau: (1) Quản lý đất đai; (2) Quản lý đầu tư; (3) Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; (4) Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; (5) Tổ chức bộ máy các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố.

Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20/10/2018 (sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 3751/QĐ-UBND ngày 10/10/2020)  về ủy quyền cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP Hồ Chí Minh. Các quy định của pháp luật về PCPQUQ cho chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh thể hiện tính thực tiễn và tính khoa học về tổ chức thực hiện QLNN, tạo ra cơ chế PCPQUQ, chủ động thực hiện các công việc mang tính nội bộ, đột phá cho TP. Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn thời gian qua8. Ngoài ra, việc PCPQUQ này cũng giúp TP. Hồ Chí Minh chủ động phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh. Những quy định này tạo cơ chế đặc thù để TP. Hồ Chí Minh phát triển thành đô thị đặc biệt, giúp TP. Hồ Chí Minh phát huy khả năng sáng tạo, chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Các quy định về PCPQUQ cho TP. Hồ Chí Minh thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, một số nội dung PCPQUQ chưa thật sự bảo đảm quyền chủ động cho TP. Hồ Chí Minh trong thiết kế tổ chức bộ máy.

Thực tế quy định việc phân cấp thẩm quyền cho TP. Hồ Chí Minh quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND theo Nghị định số 93/2001/NĐ-CP thực chất không có gì khác so với việc phân cấp cho CQĐP cấp tỉnh ở các địa phương khác9. Hiện nay, mặc dù cho phép UBND Thành phố được quyền điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố (phòng thuộc Sở) để phù hợp với đặc điểm của Thành phố theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 cũng không có sự đột phá để giúp Thành phố có thể chủ động thiết kế tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố.

Các quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ vẫn quy định thẩm quyền quyết định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND là thẩm quyền của Chính phủ. TP. Hồ Chí Minh chỉ có thể triển khai xây dựng tổ chức bộ máy hành chính trên cơ sở quy định chung của Chính phủ. Mặc dù, từ thời điểm năm 2001 đã có sự phân cấp này nhưng thực tế các quy định không có sự thay đổi đột phá để trao quyền chủ động cho TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, xây dựng chính quyền đô thị để quản trị hiệu quả đô thị là vấn đề quan trọng trong tổ chức CQĐP ở nước ta, nhằm tạo ra sự đột phát trong tổ chức CQĐP. Thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh được thành lập theo Nghị quyết số 1111/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên sơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức ra đời nhằm mục đích dẫn dắt kinh tế tri thức, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ phát triển. Đây là lần đầu tiên một đơn vị thành phố thuộc thành phố được thành lập tại một thành phố trực thuộc Trung ương. CQĐP của thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh bao gồm HĐND, UBND thành phố và chính quyền phường (UBND) trực thuộc thành phố Thủ Đức.

Tại thành phố Thủ Đức, việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố được thực hiện theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020). Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh nhưng việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh vẫn do Chính phủ quy định. Theo đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức bao gồm 13 cơ quan chuyên môn và trong cơ cấu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh, so với các quận, huyện thì ngoài 10 phòng được tổ chức thống nhất ở các đơn vị hành chính cấp huyện, 2 phòng được thành lập ở các quận là phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị, có thêm 1 phòng đặc thù là phòng Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP chỉ trao cho TP. Hồ Chí Minh thẩm quyền “Căn cứ quy định tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và quy định tại khoản 1 Điều này, UBND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng cho phù hợp với yêu cầu QLNN ở thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng thuộc UBND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh”. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cũng không có thẩm quyền chủ động quyết định cơ cấu, tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Thủ Đức mà thực hiện theo cơ cấu tổ chức do Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định.

Đối với UBND các phường thuộc thành phố Thủ Đức thì các chức danh công chức ở phường cũng không có gì khác biệt so với các chức danh công chức ở cấp xã nói chung. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm: chủ tịch phường; phó chủ tịch phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường; văn phòng – thống kê; địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch; văn hóa – xã hội. Quy định này thực chất không tạo ra sự khác biệt giữa UBND phường thuộc thành phốThủ Đức so với UBND cấp xã trên cả nước.

Thứ hai, các quy định về PCPQUQ chưa trao quyền chủ động quyết định biên chế và chính sách ưu đãi trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức cho Thành phố.

Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ trao quyền cho UBND TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào tổng biên chế được Chính phủ giao và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ xác định và phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Thành phố sau khi được sự đồng ý của HĐND Thành phố. Tuy nhiên, việc xác định và phân bổ chỉ tiêu biên chế hằng năm của TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn trên cơ sở tổng biên chế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, nội dung phân cấp này cũng không có gì đặc biệt, chưa phát huy tính chủ động của Thành phố trong quyết định chỉ tiêu biên chế công chức đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ công chức tại Thành phố. Mặt khác, số lượng biên chế công chức làm việc tại cấp xã hiện nay Chính phủ cũng đã khống chế số lượng và TP. Hồ Chí Minh không có thẩm quyền riêng nào quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại Thành phố. Trên thực tế, có những phường, xã của TP. Hồ Chí Minh có dân cư rất đông và số lượng công chức đã được ấn định như vậy không tạo điều kiện linh hoạt cho chính quyền cấp xã của Thành phố thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Nghị định số 93/2001/NĐ-CP trao quyền cho TP. Hồ Chí Minh được quy định các chế độ ưu đãi trong việc tuyển dụng những cán bộ, công chức vào những ngành nghề ít người dự tuyển. Như vậy, nội dung phân cấp này chỉ trao quyền cho TP. Hồ Chí Minh được quyền quy định chế độ ưu đãi trong tuyển dụng công chức vào ngành nghề ít người dự tuyển mà chưa trao quyền chủ động cho TP. Hồ Chí Minh được quyền quyết định chế độ chính sách trong tuyển dụng công chức nhằm phát huy việc thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước của Thành phố10.

Thứ ba, một số quy định về PCPQUQ chưa hoàn thiện, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm tính đột phá cho sự phát triển của chính quyền đô thị thuộc Thành phố.

Theo quy định Nghị quyết số 131/2020/QH14, thì UBND quận, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật quy định thẩm quyền tập thể UBND11. Do vậy, thực tế các quận, các phường thuộc TP. Hồ Chí Minh trong khi triển khai các công việc vẫn còn khó khăn nhất định, do thiếu các quy định hoặc hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định về thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh còn bất cập. Theo đó, chủ tịch UBND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường trực thuộc, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc thành phố. Tuy nhiên, thẩm quyền này chỉ được thực hiện sau khi HĐND cùng cấp tiến hành bầu, bãi nhiệm các ủy viên UBND. Nói cách khác, tuy là người ra quyết định bổ nhiệm đối với các trưởng phòng nhưng thực ra “Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố không có thẩm quyền lựa chọn các thành viên UBND như lựa chọn một “ê kíp” ăn ý cho mình trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Điều này sẽ không phù hợp với mô hình UBND hoạt động theo chế độ thủ trưởng”12. Do vậy, cần tăng cường thẩm quyền cho chủ tịch UBND thành phố thuộc Thành phố trong quyết định vấn đề về tổ chức bộ máy và nhân sự.

Mặt khác, các quy định của Luật Tổ chức CQĐP, Nghị quyết số 131/2020/QH14 quy định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của thành phố Thủ Đức hiện nay chỉ ngang với các đơn vị hành chính quận, huyện, do đó chưa phát huy hiệu quả chính quyền thành phố thuộc thành phố, chưa bảo đảm tính đột phá trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Hơn thế nữa thành phố Thủ Đức – đơn vị hành chính thuộc Thành phố được thành lập trên cơ sở 3 quận nhưng biên chế lại giảm, tạo ra sự quá tải về công việc, gây áp lực thời hạn giải quyết hồ sơ, trong khi các quy định chưa có những chính sách đãi ngộ đột phá, đặc biệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc bộ máy hành chính thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh.

Thứ tư, các quy định về kiểm tra, giám sát việc PCPQUQ chưa cụ thể.

Hiện nay, chưa có các quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát việc PCPQUQ của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác kiểm tra, giám sát việc PCPQUQ của chính quyền đô thị vẫn chủ yếu theo các quy định của pháp luật chung cho cả nước nên chưa có các quy định đặc thù cho chính quyền đô thị thực hiện theo cơ chế PCPQUQ nên thực tế nhiều quy định PCPQUQ chưa được chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, quy định chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp – hộ tịch ký chứng thực giấy tờ, văn bản. Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện quy định này còn rất hạn chế.

Theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 thì HĐND TP. Hồ Chí Minh “giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận”; HĐND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh “Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố thuộc Thành phố trên địa bàn phường trực thuộc; giám sát hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường trực thuộc”.

Xuất phát từ việc CQĐP ở quận không có HĐND nên việc giám sát được giao cho HĐND TP. Hồ Chí Minh còn đối với thành phố Thủ Đức có HĐND nên việc giám sát giao cho HĐND thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về nội dung, phương thức, trình tự, thủ tục giám sát của HĐND cấp trên đối với UBND phường cấp dưới “việc HĐND thành phố Thủ Đức thực hiện chức năng giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường trực thuộc cũng phải được quy định cụ thể về trình tự, cách thức thực hiện. Việc giám sát hoạt động của cả UBND thành phố Thủ Đức lẫn UBND các phường trực thuộc là không đơn giản bởi nội dung, phương thức, thủ tục tổ chức giám sát sẽ có rất nhiều những khác biệt”13.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, tổng kết thực tiễn thực hiện các quy định về PCPQUQ cho TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành tổng kết thực tiễn thực hiện các quy định về PCPQUQ của Trung ương cho Thành phố và các quy định phân cấp, ủy quyền của Thành phố cho các sở, ngành và CQĐP thuộc Thành phố để đánh giá những ưu điểm và hạn chế của thể chế về PCPQUQ. Thực tế cho thấy, nhiều quy định về PCPQUQ đã ban hành từ rất lâu, trước khi Thành phố thực hiện chính quyền đô thị, nhưng nhiều quy định vẫn còn mang tính chất chung, giống với cấp tỉnh, chưa có sự đột phá khác biệt cho chính quyền đô thị đặc biệt. Do đó, Thành phố tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị định số 93/2001/NĐ-CP và Nghị quyết số 131/2020/QH14và Nghị quyết số 54/2017/QH14 là điều cần thiết. Đồng thời, kiến nghị Trung ương những nội dung PCPQUQ phù hợp với đặc thù của đô thị đặc biệt nhằm tạo ra cơ chế bứt phá cho sự phát triển của Thành phố.

Thứ hai, đẩy mạnh việc PCPQUQ cho TP. Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm chính quyền đô thị; nâng cao vị thế, vai trò của chính quyền thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh.

Vấn đề PCPQUQ trong thực hiện QLNN là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động QLNN của CQĐP. Các quy định của Luật Tổ chức CQĐP và các văn bản pháp luật khác cũng đã có quy định chung về PCPQUQ. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa có sự phân định rõ trong cơ chế PCPQUQ giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Xuất phát từ tính chất đặc thù của đô thị đặc biệt “siêu đô thị”, TP. Hồ Chí Minh cần được PCPQUQ với những cơ chế, chính sách đặc biệt hơn nữa.

Cần xây dựng cơ chế PCPQUQ theo cách thức đổi mới nội dung và phương thức của cơ chế quản l‎ý phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Trong cơ chế PCPQUQ cần ban hành những quy định phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm cho TP. Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, trong đó cần quan tâm nghiên cứu để nâng cao thẩm quyền quyết định của thành phố Thủ Đức trong các nội dung thẩm quyền thuộc TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù thành phố Thủ Đức xét về phân loại đơn vị hành chính là tương đương quận, huyện nhưng trong cơ chế về thẩm quyền cần loại bỏ cơ chế ngang hàng với quận, huyện để phát huy hiệu quả nội lực củathành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, cần trao thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức nhiều hơn thẩm quyền của chính quyền quận, huyện thuộc TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, đẩy mạnh PCPQUQ cho TP. Hồ Chí Minh chủ động thiết kế tổ chức bộ máy và quyết định các cơ chế, chính sách trong quản lý công chức để vận hành hiệu quả chính quyền đô thị thành phố.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”14 và phảixây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả15. Do đó, cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị; hoàn thiện khung khổ pháp lý tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, nhất là thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh gắn với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ.

Trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục có những đổi mới để hoàn thiện tổ chức bộ máy của UBND thành phố thuộc thành phố, trao quyền chủ động cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong việc quy định và thiết lập tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và chính quyền phường (thuộc thành phố). Do đó, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, Trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP. Hồ Chí Minh quyền chủ động thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm phù hợp với đặc điểm riêng của TP. Hồ Chí Minh, để đáp ứng yêu cầu quản lý một đô thị đặc biệt.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quản lý công chức, Trung ương phân cấp cho TP. Hồ Chí Minh quyết định và chịu trách nhiệm về tổng biên chế của Thành phố, tổng biên chế này có thể được điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, trao cho Thành phố thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở phường cho phù hợp với tính chất của chính quyền đô thị quận, phường. Qua đó, TP. Hồ Chí Minh có quyền chủ động tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức và quyết định chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã) của TP. Hồ Chí Minh.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính cho các sở ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và UBND cấp xã thuộc Thành phố.

Trên cơ sở những cơ chế, chính sách PCPQUQ của Trung ương, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách đột phá để phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và cả UBND cấp xã của Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần lưu ý việc  phân cấp thẩm quyền quyết định trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào trực tiếp giải quyết thì cấp đó quyết định. Do đó, cần phân cấp hơn nữa thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính của UBND Thành phố cho các sở ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; phân cấp thẩm quyền của các sở, ngành cho UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; phân cấp thẩm quyền của UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cho UBND cấp xã quyết định và chịu trách nhiệm.

TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20/10/2018 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 3751/QĐ-UBND ngày 10/10/2020) về ủy quyền cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị nhà nước gắn với xây dựng chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Chú thích:
1. Anwar Shah (Ed.), Local Governance in Developing Countries, World Bank, Wahsington D.C., 2006; Phạm Duy Nghĩa, Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế: Cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp, 2012.
2. Bàn về phân cấp, phân quyền trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. https://moha.gov.vn, ngày 08/04/2022.
3. Đỗ Ngọc Tú. Phân cấp, phân quyền và cải cách hành chính ở Việt Nam. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 5/2020.
4, 5. Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý. Từ điển luật học. H. NXB Từ điển Bách Khoa – NXB Tư pháp, 2006, tr 614, 615.
6. Nguyễn Cửu Việt. Khái niệm tập quyền, tản quyền và phân quyền. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội. Luật học. Tập 26 – Số 4/2010.
7. Phạm Hồng Thái. Phân quyền và phân cấp trong quản lý nhà nước – Một số khía cạnh lý luận – thực tiễn và pháp lý, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 27 (2011), tr 1-9.
8. Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20/10/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ủy quyền cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. Hồ Chí Minh.
9. Ngay cả việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan UBND TP. Hồ Chí Minh, có chức năng giúp UBND Thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thành phố vẫn phải thí điểm từ năm 2016 đến nay do TP. Hồ Chí Minh không có thẩm quyền quyết định trong thành lập cơ quan chuyên môn.
10. Nguyễn Đặng Phương Truyền. Một số vấn đề về phân cấp quản lý cho TP. Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy và quản lý công chức. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, số 13 (3/2015).
11. Luật Đất đai năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Hộ tịch… quy định một số vấn đề thẩm quyền của UBND cấp huyện.
12. Trần Thị Thu Hà. UBND thành phố Thủ Đức và những yêu cầu đối với cơ quan hành chính nhà nước trong chính quyền thành phố thuộc thành phố. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02 (425), tháng 01/2020.
13. Cao Vũ Minh. Vị trí pháp lý, thẩm quyền của chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 22 (422), tháng 11/2020.
14, 15. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.
ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh