Đào tạo nguồn nhân lực thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn)Đào tạo nhân lực luôn là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng. Việc thay đổi thế nào để bắt kịp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là bài toán mà các ngân hàng đang tìm hướng giải quyết. Bài viết nghiên cứu về yêu cầu và giải pháp về đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet).
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nguồn nhân lực ngành Ngân hàng

Tiến bộ khoa học – công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động thực tế của các doanh nghiệp nói chung và trong ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng, đòi hỏi nhân lực trong các NHTM bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp có thể hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Lĩnh vực tài chính – ngân hàng hiện là một trong những lĩnh vực được đánh giá ở mức cao về ứng dụng công nghệ thông tin và chịu nhiều tác động của làn sóng CMCN 4.0, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong cấu trúc tổ chức, phương thức hoạt động, quản trị rủi ro, cung ứng sản phẩm dịch vụ nhằm thích ứng với thời đại kỷ nguyên số. Hơn nữa, CMCN 4.0 với những công nghệ mới, làm thay đổi nền tảng sản xuất, phát sinh thêm nhiều ngành nghề mới, điều này đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực nguồn nhân lực đối với ngành Ngân hàng nói chung, từng ngân hàng nói riêng.

Nghiên cứu của Kusumawati về “Sự thay đổi vai trò của nhân lực tại ngân hàng trong kỷ nguyên số1nhằm tìm hiểu vị trí giữa nguồn nhân lực với công nghệ kỹ thuật số trong ngành Ngân hàng khi công nghệ phát triển như hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vai trò của công nghệ kỹ thuật số chiếm ưu thế so với vai trò của con người trong thế giới ngân hàng, yếu tố chi phối nhiều nhất là số lượng giao dịch ngân hàng qua ngân hàng điện tử ngày càng tăng, đặc biệt là giao dịch thương mại điện tử. Nghiên cứu của Archita Nur Fitrian: “Thực hành tốt nhất về quản lý nhân tài và kỹ năng trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 – trường hợp của ngành Ngân hàng2 chỉ ra nhu cầu của người lao động trong ngành Ngân hàng đang có sự chuyển đổi. Lao động có kỹ năng công nghệ, tư duy phản biện và lao động sáng tạo là những nhân viên được yêu thích nhất trong ngân hàng hiện nay.

Trong  nghiên cứu của Esha Mehta về “Tổng quan tài liệu về thực hành nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng3 đã cho thấy sự cạnh tranh trong ngành Ngân hàng là rất quyết liệt. Chỉ những ngân hàng có năng lực, thích nghi nhanh mới có thể tồn tại trước những thay đổi nhanh chóng này. Việc chuyển động nhanh chóng và sự phức tạp của các kỹ thuật, kỹ năng mới đã buộc các ngân hàng phải cân nhắc và tự điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi, yêu cầu nâng cao năng lực gồm kỹ năng, kiến ​​thức và phương pháp giao tiếp giữa các nhân viên ngân hàng để thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh thay đổi.

Trong nghiên cứu của Fabrizio Campelli: “Để chuyển đổi ngân hàng, chúng ta cần chuyển đổi cách làm việc4 đã chỉ ra, cần có mô hình tổ chức mới, cần sử dụng, phân tích dữ liệu thông minh hơn để cải thiện việc ra quyết định và nâng cao kỹ năng cho nhân viên trong tương lai. Bên cạnh sự gắn bó và cam kết của người lao động cho cơ quan, hai yếu tố quyết định sự thành công của ngân hàng là nhân viên giỏi và công nghệ: (1) Ngân hàng cần những cán bộ có chất lượng và những nhà lãnh đạo toàn cầu, cho phép ngân hàng để thực hiện các biện pháp phát triển phù hợp, sự thành công của ngân hàng đi kèm với chất lượng nguồn nhân lực; (2) Công nghệ đã và đang tồn tại trong một thời gian, ngân hàng cần xác định và tận dụng các cơ hội mà công nghệ mang lại để giải phóng con người, tách ra khỏi việc hành chính, tạo ra một môi trường làm việc tập trung vào tăng trưởng và thúc đẩy tiến trình, dành nhiều thời gian hơn để nhân viên ngân hàng gặp mặt, tư vấn cho khách hàng.

Tại Việt Nam “Nhân lực ngân hàng trước cách mạng công nghiệp 4.05 và “Nhà băng “khát” nhân sự thời 4.06 nhận định: nhiều năm nay, các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán nhân sự, thừa thì vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thềm CMCN 4.0. Một trong những điểm yếu lớn của ngành tài chính – ngân hàng hiện nay là khan hiếm nghiêm trọng nguồn lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế và đặc biệt là các chuyên gia tài chính – ngân hàng có bằng cấp quốc tế. Nhân sự có năng lực về công nghệ số hiện đại trong các ngân hàng Việt Nam còn yếu và mỏng, còn thiếu các nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai các công nghệ số hiện đại trên thế giới, đặc biệt, khi ngân hàng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ứng dụng dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ khách hàng trong ngân hàng số, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và nghiên cứu, ứng dụng tự động hóa quy trình bằng rô-bốt.

Nhận thức sâu sắc về tác động của cuộc CMCN 4.0, Đảng và Nhà nước đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược đối với việc phát triển khoa học – công nghệ để tạo tiền đề nâng cao khả năng thích ứng và triển khai thành tựu cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo những mục tiêu ngành Ngân hàng cần đạt được, đặc biệt là phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Căn cứ vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch thực hiện. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch đặt ra đối với NHTM là: “Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ”. Với mục tiêu này, hoạt động chuyển đổi số tại NHTM gắn với nhiệm vụ về gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và cung ứng sản phẩm theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nghiệp vụ, … nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các NHTM trong quá trình thực hiện.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành Ngân hàng

Lĩnh vực đào tạo có những thay đổi nhanh chóng và rất sâu sắc dưới tác động của cuộc CMCN 4.0. Một trong những chức năng quan trọng nhất của hoạt động đào tạo là chuẩn bị cho người lao động những kiến thức và kỹ năng cần thiết để hòa nhập và làm việc tại cơ quan.

Trong nghiên cứu của Georg Spoettl1 and Vidmantas Tūtlys về “Giáo dục và đào tạo trong CMCN 4.07đã chỉ ra: CMCN 4.0 là một sự thay đổi tổng thể mô hình, tổ chức và quy trình làm việc, cùng với quá trình tự động hóa liên tục và kiểm soát sản xuất theo thời gian thực, tùy thuộc vào mức độ triển khai của công nghiệp 4.0 tại các doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo nghề cho lực lượng lao động sẽ có sự liên quan chặt chẽ. Hệ thống dạy nghề phải đáp ứng các yêu cầu của công nghệ mới, phải tập trung vào phát triển chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên và đào tạo người lao động có tay nghề cao.

Cần đổi mới chương trình đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thích ứng với CMCN 4.0. Chương trình giảng dạy cần được chuẩn hóa, chương trình đào tạo cần theo kịp xu hướng thay đổi của xã hội để cập nhật các kiến thức, kỹ năng cần có cho nguồn nhân lực trong thời đại CMCN 4.0, từ đó, cải tiến chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Trong nghiên cứu của Las Windelband: “CMCN 4.0 ảnh hưởng đến kỹ năng nghề nghiệp8 cho thấy, mặc dù có nhiều sự đồng tình về cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động đáng kể đến giáo dục và đào tạo, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào, đến đâu vẫn đang được thảo luận tại các hội thảo giáo dục và đào tạo. Việc nghiên cứu tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với yêu cầu giáo dục và đào tạo bước đầu được nhận được quan tâm đặc biệt vì tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục trong chiến lược phát triển công nghiệp và việc làm. Sẽ có hai thay đổi chính trong công việc: (1) Thay đổi nội dung của quy trình làm việc, tổ chức công việc và các yếu tố khác khi áp dụng công nghệ; (2) Thay đổi cấu trúc vi mô của công việc và quy trình làm việc dẫn đến một số ngành nghề biến mất và một số nghề nghiệp mới xuất hiện.

Để đáp ứng được các mục tiêu trên, hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phải thay đổi về chất để xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Ngân hàng, yếu tố cơ bản quyết định lợi thế cạnh tranh cho hệ thống NHTM ngày càng trở nên cấp bách. Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực được xem là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của CMCN 4.0 và quá trình hội nhập của ngành Ngân hàng. Yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực bao gồm: 1) Trình độ nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin,  trình độ chuyên môn kết hợp phát triển các dịch vụ kinh doanh mới như thương mại điện tử; (2) Kỹ năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng về vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường CNTT; (3) Chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, ý thức bảo mật thông tin của nhân viên trong quá trình thực hiện nhằm giữ uy tín, an toàn cho ngân hàng một cách tuyệt đối.

Thực tiễn chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực của Vietcombank

Vietcombank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, Vietcombank hiện là một trong những NHTM lớn nhất Việt Nam. Vietcombank hiện có 1 trụ sở chính tại Hà Nội; 121 chi nhánh; 484 phòng giao dịch; 4 công ty con (Công ty cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty kiều hối, Công ty cao ốc Vietcombank 198); 3 công ty con ở nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong, Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ, Ngân hàng con tại Lào); 1 Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh; 1 Văn phòng đại diện tại Xinh-ga-po, 1 Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ; 3 đơn vị sự nghiệp: Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Trung tâm xử lý tiền mặt tại Hà Nội và Trung tâm Xử lý tiền mặt tại TP. Hồ Chí Minh; 3 công ty liên doanh, liên kết. Về nhân sự, Vietcombank hiện có gần 22.000 cán bộ, nhân viên9.

Trước thách thức của yêu cầu CMCN 4.0, VCB đã có mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại Việt Nam: (1) Là tổ chức học tập và sáng tạo với các phong trào thi đua sôi nổi học tập, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; (2) Có năng suất lao động cao nhất trong ngành ngân hàng; (3) Giữ vững vị trí ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, tốp 3 các doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam; (4) Giữ vững thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất ngành Ngân hàng; (5) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng hàng đầu trong ngành ngân hàng có số lượng và cơ cấu hợp lý, thích ứng mạnh mẽ với lộ trình chuyển đổi số tại Vietcombank; (6) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận có chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực thực tiễn, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén trong kinh doanh, phấn đấu đáp ứng nhu cầu tăng số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trung từ 10 – 15%10.

Để đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thông qua công tác tuyển dụng, thu hút nhân tài; kiện toàn mô hình tổ chức; hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức và nhân sự, trong đó có chế độ lương thưởng, phúc lợi và chế độ đãi ngộ cho người lao động; đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; phát triển đội ngũ lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn và khả năng gắn kết; phát triển văn hóa doanh nghiệp tiến tới quản trị nguồn nhân lực theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.

Về hoạt động đào tạo Vietcombank, yêu cầu phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ có đủ tri thức và kỹ năng đảm đương được nhiệm vụ trong môi trường kinh doanh hiện đại và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, mục tiêu trong những năm qua của Vietcombank luôn tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn mực hóa: Thứ nhất, đội ngũ lãnh đạo các cấp có đủ năng lực quản trị điều hành ngân hàng hiện đại và làm chủ công nghệ tiên tiến nhất. Thứ hai, cán bộ có năng lực thực hiện các nghiệp vụ chuyên sâu theo từng nhóm sản phẩm; có phong cách dịch vụ chuyên nghiệp và đẳng cấp. Thứ ba, có đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có đạo đức nghề nghiệp làm nòng cốt, biết vận dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường TCNH trong tình hình cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước và quốc tế. Để làm được điều đó, việc thiết lập các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đào tạo nhằm khuyến khích cũng như bắt buộc cán bộ, nhân viên có trách nhiệm học tập, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ là một việc cần làm cấp thiết và quyết liệt. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải được Ban lãnh đạo chỉ đạo một cách mạnh mẽ, kiên quyết với những giải pháp “mạnh” mang tính chất “cách mạng”, toàn diện và triệt để, đó là: (1) Hình thành được đội ngũ cán bộ sẵn sàng cho việc vận hành một định chế tài chính hiện đại và hội nhập quốc tế với phong cách dịch vụ chuyên nghiệp và đẳng cấp.(2) Thay đổi tuy duy dịch vụ và thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi tư duy truyền thống sang mô hình ngân hàng hiện đại, linh hoạt và hỗ trợ tối đa hoạt động kinh doanh (thương mại và đa dạng hóa).(3) Đào tạo được đội ngũ cán bộ nắm bắt và kịp thời vận dụng công nghệ theo các dự án hiện đại hóa ngân hàng. Kết quả đào tạo giai đoạn 2015 – 2021 của Vietcombank đã có bước tăng trưởng vượt bậc về quy mô và chất lượng, đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý của các chi nhánh; tổ chức được nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ, kiến thức về sản phẩm dịch vụ, đạo đức kinh doanh cho hàng ngàn lượt cán bộ, nhân viên11(xem bảng dưới đây). cụ thể:

Trong quá trình hội nhập để chuyển đổi số, tiến tới cuộc CMCN 4.0 đáp ứng kỳ vọng khách hàng, Vietcombank đã từng bước đầu tư nâng cấp hệ thống các ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ trải nghiệm khách hàng và đầu tư đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức, tư duy dịch vụ khách hàng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên với mục tiêu nhằm chuyển đổi từ việc cung cấp sản phẩm dịch vụ truyền thống sang không gian số hóa, trực tuyến, chiếm lĩnh thị trường nhờ sự kết nối vượt trội với khách hàng và khả năng định hướng hành vi cũng như nhu cầu sử dụng của khách hàng. Vietcombank luôn lấy nguyên tắc “Lấy khách hàng làm trọng tâm”, theo đó, việc số hóa ngân hàng sẽ mang đến cho Vietcombank cơ hội khẳng định cũng như giữ vững ngôi đầu trong hệ thống Ngân hàng cả về lợi nhuận và phân khúc khách hàng, sản phẩm dịch vụ và độ phủ thị trường. Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số, phục vụ mục tiêu chiến lược kinh doanh, hướng tới trở thành ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam, do đó, hoạt động đào tạo của Vietcombank đã từng bước thay đổi để bắt kịp và phục vụ cho mục tiêu chiến lược này kịp thời, trước mắt việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, kết hợp giữa hình thức đào tạo truyền thống với phương thức đào tạo hiện đại nhằm bảo đảm tính linh hoạt và hiệu quả trong công tác đào tạo.

Một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho Vietcombank

Đào tạo có ý nghĩa quan trọng góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường cạnh tranh của doanh nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp về hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Vietcombank đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo định hướng chiến lược chuyển đổi số, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới tư duy, sức sáng tạo, giúp cán bộ, nhân viên VCB chủ động hơn, gạt bỏ dần tâm lý ngại thay đổi, ngại tiếp thu cái mới, tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cán bộ, nhân viên Vietcombank.

Thứ hai, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bổ sung nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số, phát triển và vận hành mô hình ngân hàng số.

Thứ ba, tăng cường đào tạo kỹ năng bao gồm kỹ năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu, kỹ năng về vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường CNTT.

Thứ tư, xây dựng, triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cán bộ ngân hàng, nâng cao ý thức và thực hành bảo mật an toàn thông tin trong ngân hàng.

Thứ năm, chuyển hóa và xây dựng các nội dung đào tạo sang hình thức bài giảng điện tử. Đa dạng các hình thức đào tạo bao gồm đào tạo tập trung, đào tạo trực tuyến (Msteam, Zoom…), Elearning.

Thứ sáu, ứng dụng công nghệ Leaning Manaement System trong hoạt động đào tạo, làm cơ sở cho việc triển khai đào tạo theo lộ trình đào tạo và phù hợp với vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu về  khung năng lực của Vietcombank.

Thứ bảy, xây dựng văn hóa học tập, sáng tạo, tổ chức, kiến tạo môi trường làm việc đổi mới, linh hoạt. Đẩy nhanh việc ứng dụng kết quả từ các sản phẩm nghiên cứu khoa học để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng Vietcombank.

Chú thích:
1. Adhyka Kusumawati. “The change of human resources role in the banking digitalization era”. https://doi.org
2. Archita Nur Fitrian, “Practice of talent management and skills in industry 40 era: the case of banking industry”. https://pssat.ugm.ac.id, July 25, 2019.
3. Esha Mehta. Literature Review on HR Practice in Banking Sector. https://doi.org/10.21744/irjeis.v2i7.149 .
4. Fabrizio Campelli. “World’s Best Bank Transformation 2020: Deutsche Bank”. https://www.euromoney.com, September 10, 2020.
5. Nhân sự ngân hàng – những nỗi lo hiện hữu. https://thoibaonganhang.vn, ngày 12/9/2018.
6. “Nhà băng “khát” nhân sự thời 4.0”. https://cafebiz.vn, ngày 22/10/2018.
7. Georg Spoettl1 and Vidmantas Tūtlys (2020). Giáo dục và đào tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0.https://www,academia.edu
8. Las Windelband (2020). Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến kỹ năng nghề nghiệp.https://www.researchgate.net
9, 10. Báo cáo Vietcombank  năm 2019, 2020, 2021, 2022.
11. Báo cáo hoạt động đào tạo của Vietcombank giai đoạn năm 2015 – 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Nghị Quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
PGS.TS. Đặng Hoàng Linh
Học viện Ngoại giao
ThS. Nguyễn Đức Tuấn
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam