Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện thể chế dân chủ ở cơ sở”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 29/9/2022, tại Hà Nội, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở (Học viện Hành chính Quốc gia) đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện thể chế dân chủ ở cơ sở”. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu, khách mời: GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; TS. Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; ông Trần Xuân Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện; các nghiên cứu sinh, học viên đang nghiên cứu, học tập tại Học viện.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Dân chủ càng cao thì pháp luật càng phải chặt chẽ, khoa học. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường tạo đồng thuận xã hội, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội”. Thực hiện dân chủ ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội. Quyền làm chủ của Nhân dân chỉ có thể được hiện thực hóa khi bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo bằng hình thức trực tuyến.

Qua hơn 20 năm triển khai chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (từ năm 1998 đến nay) đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị – xã hội của Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cũng đã dần bộc lộ những bất cập, vướng mắc. Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra cơ sở lý luận về dân chủ cơ sở, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở để thể chế hóa trong quá trình triển khai những nội hàm khái niệm này trong thực tiễn là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh mong muốn Hội thảo nhận được những ý kiến tham luận, đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học tập trung luận giải những nội dung trọng tâm, như: cơ sở lý luận của dân chủ cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở; thể chế dân chủ cơ sở; xác định chủ thể, đối tượng, cách tiếp tận vấn đề dân chủ ở cơ sở; cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; các yếu tố tác động đến thực hiện dân chủ ở cơ sở và những vấn đề đặt ra cần giải quyết hiện nay…

PGS.TS. Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham luận.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Đức trình bày tham luận: “Bàn về khái niệm dân chủ ở cơ sở”, trong đó tập trung làm rõ những quan niệm về dân chủ cơ sở; những vấn đề bất cập, hạn chế về cơ chế dân chủ ở cơ sở thể hiện qua nhận thức và thực tiễn thực hiện; phương hướng hoàn thiện cơ chế dân chủ ở cơ sở và những đề nghị, đóng góp cụ thể đối với Dự thảo Luật Dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng trình Quốc hội tới đây.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường chia sẻ những vấn đề: (1) Tiếp cận vấn đề dân chủ ở cơ sở một cách đầy đủ, nhìn từ nhiều góc độ: xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị – pháp lý nhằm đánh giá những tác động của thể chế dân chủ ở cơ sở đối với đời sống kinh tế – xã hội; (2) Đánh giá thể chế về dân chủ cơ sở trong mối tương quan với hệ thống luật pháp hiện hành; (3) Mối quan hệ giữa Nhân dân và chính quyền, nghĩa vụ của Nhà nước trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; (4) Thẩm quyền quyết định, kèm theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người dân ở cơ sở; (5) Bối cảnh sự chuyển đổi của đối tượng điều chỉnh, sự thay đổi của cấp cơ sở về cấu trúc xã hội, cơ cấu dân cư, cơ cấu kinh tế… ảnh hưởng đến thể chế dân chủ ở cơ sở; (6) Vấn đề hoàn thiện thể chế dân chủ ở cơ sở cần tập trung, trọng tâm, có hiệu lực, hiệu quả, tính đến khả năng tổ chức thực hiện pháp luật, thực hiện thể chế.

TS. Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội tham luận.

Theo TS. Nguyễn Tiến Thành, việc thực hiện dân chủ là rất quan trọng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh mô hình xã, phường, trị trấn có nhiều thay đổi, yêu cầu hiện nay ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ ở cơ sở còn cần bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần xác định rõ ràng khái niệm cấp cơ sở, xác định đối tượng, trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền quyết định của người dân.

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tham luận.

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ đưa ra cách tiếp cận dân chủ là khái niệm gắn liền với quyền lực, cụ thể là quyền lực nhà nước. Dân chủ là quyền của người dân, là công cụ để hạn chế quyền lực nhà nước. Vấn đề yêu cầu cần đặt ra thực hiện dân chủ như thế nào, đến đâu, bằng công vụ và phương thức nào, ở thế chế nào? Theo quan điểm của ông, quyền lực ở đâu thì xác định dân chủ ở đó, tổ chức chính quyền đến đâu thì thực hiện dân chủ đến đó.

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận.
Ông Trần Xuân Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ tham luận.

Hội thảo cũng nhận được những ý kiến đóng góp của các đại biểu về những vấn đề, như: xác định nội dung, hình thức, phạm vi thực hiện dân chủ và sự tham gia của Nhà nước, người dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung cụ thể hóa về công tác cán bộ trong quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng, hoàn thiện luật, nghị định liên quan dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thể chế dân chủ cơ sở của cộng hòa Pháp…

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham dự và tích cực đóng góp ý kiến, tham luận những nội dung chất lượng, tâm huyết tại Hội thảo, tạo cơ sở lý luận, học thuật quý báu cho quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Tuấn Anh