Truyền thông chính sách cần phải được tham gia vào các khâu của chu trình chính sách

(Quanlynhanuoc.vn) – “Truyền thông chính sách – những vấn đề lý luận và thực tiễn” là chủ đề buổi tọa đàm khoa học do Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 04/10/2022.
Toàn cảnh toạ đàm.

Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Với trên 20 bài tham luận được in trong kỷ yếu tọa đàm, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Lý thuyết và vai trò của truyền thông chính sách; (2) Truyền thông chính sách trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và (3) Truyền thông chính sách hướng tới các đối tượng chuyên biệt.

Những vấn đề đặt ra trong truyền thông chính sách

Tọa đàm đã có những trao đổi thẳng thắn và cởi mở với mục đích làm rõ các vấn đề lý thuyết liên quan đến truyền thông chính sách; những vấn đề đặt ra trong truyền thông chính sách và đặc biệt làm rõ vai trò của truyền thông chính sách trong chu trình chính sách công.

TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở chủ trì Tọa đàm.

ThS. Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm chính trị quận 8, TP. Hồ Chí Minh trong tham luận: “Lược thuật sơ bộ về truyền thông chính sách” đã chia sẻ cách tiếp cận về truyền thông chính sách từ những góc độ khác nhau, như: pháp luật; người dân và chu trình chính sách. Trong trao đổi của mình, tác giả cũng chỉ ra những “hạn chế cố hữu của truyền thông chính sách”, trong đó bao gồm: quan điểm chính trị; vấn đề công ích; sự giới hạn của luật pháp; sự giám sát của phương tiện truyền thông; sự coi nhẹ công tác truyền thông chính sách; nhận thức còn hạn chế của công chúng về truyền thông chính sách của Chính phủ. Trên cơ sở đó, tác giả cũng “gợi ý mang tính hàm ý chính sách trong việc thực hiện truyền thông chính sách” trên một số mặt: pháp luật và thể chế; vai trò của truyền thông; sự phối hợp giữa các cơ quan ngoài chính phủ và nhân sự thực hiện truyền thông.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân, Tạp chí Quản lý nhà nước tham luận.

Đồng tình quan điểm này, ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân, Tạp chí Quản lý nhà nước nhấn mạnh, vai trò của công tác truyền thông chính sách là đặc biệt quan trọng. Tính đặc trưng của truyền thông chính sách nói chung và về chương trình cải cách hành chính nói riêng là hệ thống các nỗ lực chủ động chủ trì, thúc đẩy và tương tác hai chiều của Nhà nước được thiết kế có chủ đích nhằm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin về quản lý nhà nước, nền hành chính và quá trình thực hiện cải cách hành chính (cách thức xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, thực thi, đánh giá) vào đối tượng hướng đến nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy qua lại giữa nhà nước nói chung và các chủ thể trong tiến trình thực hiện các nội dung của cải cách hành chính vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và vì lợi ích công cộng. Truyền thông khác với tuyên truyền, do đó các chủ thể truyền thông muốn đạt được mục tiêu cần có phương pháp tiếp cận đối tượng truyền thông theo những nguyên tắc căn bản: đúng đối tượng, sát mục tiêu, đúng thời điểm, thông tin chính xác, kịp thời và cẩn trọng, phương thức, hình thức phù hợp với đối tượng truyền thông.

Nhiều tham luận về nội dung này cũng như các ý kiến phát biểu trực tiếp tại tọa đàm đã chỉ ra rằng, đội ngũ làm truyền thông chính sách hiện nay ở Việt Nam đang đứng trước một thực tế là “thiếu về số lượng và yếu về chất lượng”. Chính vì vậy, hầu hết các ý kiến đều đồng tình về sứ mệnh của Học viện Hành chính Quốc gia trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm truyền thông chính sách chuyên nghiệp, hiệu quả. Đặc biệt, việc xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng liên quan đến kỹ năng làm truyền thông chính sách; xây dựng các mô hình truyền thông chính sách là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, tọa đàm đã làm rõ vai trò của truyền thông chính sách trong chu trình chính sách công hiện nay và đã thu hút được sự tham gia, thảo luận tích cực của giảng viên và các nhà khoa học.

ThS. Trần Bá Hùng – Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. Hồ Chí Minh trong bài tham luận “Vai trò của truyền thông chính sách trong chu trình chính sách công”, đã nhấn mạnh rằng: “Truyền thông chính sách tham gia vào toàn bộ chu trình chính sách công, có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với từng bước của chu trình chính sách công cũng như toàn bộ chu trình chính sách công”. Tác giả khẳng định, truyền thông chính sách phải được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trong từng khâu của chu trình chính sách.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tham luận.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Nhà nước -Pháp luật và Lý luận cơ sở cho rằng, thực tế hiện nay, truyền thông chính sách mới chỉ thực hiện ở khâu thực thi chính sách và thực chất, cũng chỉ dừng lại ở tuyên truyền về chính sách. Chính vì vậy, trước hết cần phải hiểu rõ về khái niệm, đặc điểm, tính chất của truyền thông chính sách từ đó xác định vai trò của truyền thông chính sách trong mỗi một khâu của chu trình chính sách. Đặc biệt, đối với hoạch định chính sách, truyền thông cần tham gia ngay từ đầu để hướng tới công chúng mục tiêu của truyền thông chính sách – những người sẽ chịu tác động từ chính sách được hoạch định, xây dựng và thực thi trên thực tế. Truyền thông là quá trình thông tin hai chiều, thông qua hoạt động truyền thông, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp nhận phản hồi từ công chúng mục tiêu để hoạch định và điều chỉnh hoạch định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nếu truyền thông chính sách được thực hiện tốt ngay từ khâu này sẽ hạn chế được cái nhìn một chiều từ phía các nhà hoạch định chính sách, các chính sách được hoạch định sẽ sát với thực tế, phù hợp với các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Truyền thông chính sách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Truyền thông chính sách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Ban tổ chức tọa đàm đã nhận được 7 tham luận liên quan đến nội dung này.

ThS. Trần Đức Tuấn, Giảng viên Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tham luận.

ThS. Trần Đức Tuấn, Giảng viên Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở trong bài tham luận tại: “Thuận lợi và khó khăn của truyền thông chính sách trong thời kỳ cách mạng 4.0” cho rằng, bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi phương thức truyền thông truyền thống, hàng loạt các phương thức truyền thông mới được sử dụng và phát huy hiệu quả đặc biệt như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, không gian kết nối ảo; tương tác mạng xã hội: facebook; zalo; youtube; Instagram; twitter… vì vậy, những người làm truyền thông chính sách cần phải thay đổi nhanh chóng, cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số và đáp ứng quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra rằng, truyền thông chính sách hiện đang phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian “mở” nhưng “ảo”. Những vấn đề về an ninh truyền thông, hacker tin tặc, các loại tội phạm thông tin đặc biệt nguy hiểm. Do đó, theo tác giả, cần phải đưa ra biện pháp hợp lý để hạn chế ảnh hưởng xấu của các thông tin sai lệch về chính sách trên không gian mạng đối với dư luận xã hội là điều vô cùng cấp thiết.

Ông Lê Văn Phúc, Phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tham luận.

Trong bài tham luận: “Định hướng truyền thông chính sách ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tác giả Lê Văn Phúc, Phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra 5 giải pháp mang tính định hướng: truyền thông chính thống phải chiếm lĩnh và giữ được vai trò chủ đạo trong truyền thông chính sách; truyền thông chính sách phải góp phần tạo sự đồng thuận xã hội; truyền thông chính sách phải lấy người dân làm trung tâm; truyền thông chính sách cần phải tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0 và chú trọng đào tạo đội ngũ làm truyền thông chính sách.

Đồng tình với ý kiến lấy Người dân làm trung tâm trong truyền thông chính sách, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở cho rằng, yêu cầu của truyền thông chính sách trong bối cảnh hiện nay là phải tạo sự đồng thuận xã hội và truyền thông phải xuất phát từ trình độ của công chúng chứ không phải từ trình độ của nhà truyền thông.

ThS. Đặng Thị Mai Dung, Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tham luận.

ThS. Đặng Thị Mai Dung, Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và lý luận cơ sở trong bài tham luận: “Xây dựng chính sách truyền thông cởi mở trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” cho rằng, việc xây dựng một hệ thống truyền thông chính sách công “cởi mở” là quá trình đổi mới về cách thức truyền thông về chính sách công. Theo tác giả, cùng với việc truyền thông chính sách công, cởi mở là hành động nhất quán của chính quyền, tuân thủ các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức công vụ vì truyền thông chính sách cởi mở đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính quyền nhà nước, giúp tăng cường sự kết nối hai chiều giữa Nhà nước với các tổ chức và công dân của mình.

ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện tham luận.

Phát biểu tại tọa đàm, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện chia sẻ, hiện tại, mặc dù nhiều cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ mới, tạo thêm kênh/phương thức nhằm truyền thông hiệu quả tới công dân, doanh nghiệp, tuy nhiên đa số vẫn là truyền thông một chiều (từ cơ quan nhà nước tới công dân, doanh nghiệp), dẫn đến khó đạt được mục đích đặt ra. Chúng ta cần học hỏi các quốc gia đã và đang khai thác tốt công nghệ thông tin, công nghệ số vào truyền thông chính sách. Ví dụ, Chính phủ Singapore với định hướng “cá nhân hóa”, không bỏ lại ai ở phía sau nên chú trọng lựa chọn phương thức, nội dung truyền thông đúng đối tượng (người cao tuổi, công dân trong độ tuổi lao động…).

ThS. Lê Đức Hiền, Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế tham luận.

ThS. Lê Đức Hiền, Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế chia sẻ kinh nghiệm đã xử lý thành công một tình huống liên quan đến truyền thông cho sinh viên. Đây là đối tượng đặc biệt vì khả năng tiếp cận thông tin qua nền tảng xã hội, tuy nhiên năng lực chọn lọc thông tin còn hạn chế, chính vì vậy vai trò định hướng của tổ chức hội, đoàn thể rất quan trọng.

Truyền thông chính sách hướng đến các đối tượng chuyên biệt

Ở nội dung truyền thông chính sách hướng đến các đối tượng chuyên biệt, Ban tổ chức nhận được 6 bài tham luận.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Tạp chí Quản lý nhà nước trong bài tham luận: “Thực hiện truyền thông chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay” đã khẳng định: công tác truyền thông chính sách, tổ chức các chiến dịch truyền thông thời gian qua đã thu hút được sự tham gia trực tiếp của người dân tại cộng đồng, các trường học và các em học sinh. Các chiến dịch truyền thông được triển khai một cách bài bản, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và người dân về bảo vệ trẻ em. Tác giả cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hiện truyền thông chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; vận động nguồn lực và sự tham gia của xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế.

Cùng chia sẻ nội dung truyền thông chính sách hướng đến trẻ em, ThS. Hà Mai Anh, Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và lý luận cơ sở trình bày tham luận với chủ đề: “Truyền thông chính sách giáo dục – thực tiễn tại một số địa phương”. Tác giả nhấn mạnh về vai trò của truyền thông chính sách giáo dục và chia sẻ về thực tiễn công tác truyền thông chính sách giáo dục tại tỉnh Phú Thọ và tỉnh Điện Biên. Qua đó, tác giả khẳng định trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nếu công tác truyền thông trong các cơ sở giáo dục không theo kịp sự phát triển sẽ bị tụt hậu, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh khi thông tin, mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình học sinh, chính quyền địa phương và xã hội bị gián đoạn. Cần chú trọng hơn nữa về công tác truyền thông chính sách giáo dục cho đối tượng đích là học sinh và các đối tượng liên quan như giáo viên; phụ huynh…

Truyền thông chính sách cho các nhóm yếu thế (đối tượng chuyên biệt đặc biệt) cũng dành được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo giảng viên và nhà khoa học có mặt tại tọa đàm.

Trong bài tham luận: “Truyền thông chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ThS. Vũ Tất Đạt, Bộ môn Nhà nước -Pháp luật và Lý luận cơ sở chia sẻ một trong những rào cản trong hoạt động truyền thông dân tộc hiện nay là bất đồng ngôn ngữ; tỷ lệ đọc thông, viết thạo thấp; tâm lý thiếu tự tin, e ngại; truyền thông chủ yếu bằng tiếng Việt; dịch vụ xã hội ở nhiều vùng thiếu hoặc yếu kém; thiếu phương tiện truyền thông… Sau khi phân tích và làm rõ về một số bất cập, tác giả đề xuất một số giải pháp trước mắt trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục ban hành và sửa đổi Đề án tuyên truyền, vận động vùng đồng bào và miền núi. Đặc biệt, cần ghi rõ nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành thực hiện cũng như phối hợp với các địa phương.

ThS. Đặng Thị Mai Dung trong chia sẻ của mình đặc biệt quan tâm đến “vai trò của truyền thông trong chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS”. Tác giả chỉ ra những biểu hiện của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong xã hội Việt Nam, phân tích những nguyên nhân của sự kỳ thị và phân biệt đối xử cũng như hậu quả của việc kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Tác giả cũng trình bày các chính sách của Nhà nước dành cho người nhiễm HIV/AIDS và nhấn mạnh vai trò của truyền thông để những chính sách này được phổ biến và hiểu một cách sâu rộng đối với toàn xã hội.

Chia sẻ về nội dung truyền thông chính sách cho các đối tượng chuyên biệt, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Nhà nước-Pháp luật và lý luận cơ sở một lần nữa nhấn mạnh trong quá trình truyền thông cần xuất phát từ trình độ của đối tượng (công chúng truyền thông) chứ không phải xuất phát từ trình độ của chủ thể truyền thông. Việc xác định được đối tượng đích của truyền thông chính sách rất quan trọng, nó sẽ quyết định thành bại của một chiến dịch truyền thông chính sách.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Nhà nước -Pháp luật và Lý luận cơ sở đưa ra ví dụ: “truyền thông chính sách về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Singapore”. Ước tính 20% dân số Singapore sẽ có độ tuổi 65 trở lên vào năm 2030. Sau khi lên các phương án và phân tích thực tế, chính phủ Singapore đã lựa chọn hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ tình nguyện viên. Ở Singapore, Văn phòng thế hệ Bạc (SGO) có khoảng 3.000 tình nguyện viên tham gia chăm sóc người cao niên tại nhà hoặc tại các địa điểm cộng đồng để thực hiện các chính sách và đề án của chính phủ cũng như các hoạt động cộng đồng và dịch vụ y tế dễ dàng tiếp cận hơn.

Việc truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ tình nguyện viên dựa trên sự phân tích thấu đáo các yếu tố có liên quan đến đối tượng đích – công chúng mục tiêu của truyền thông chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là người già ở Singapore trong đó có rất nhiều người trình độ văn hóa không cao; không có khả năng tiếp cận các phương thức truyền thông mới; mù chữ; mắt mờ, nghe kém… Đội ngũ tình nguyện viên này sẽ đến từng nhà của người già để giúp đỡ và truyền thông, giải thích, hướng dẫn về chính sách cho họ. Qua đó có thể thấy, việc xác định đối tượng đích của truyền thông chính sách sẽ quyết định hình thức truyền thông, nội dung truyền thông. Với mỗi một đối tượng cụ thể cần có hình thức và nội dung truyền thông riêng, không thể dùng một nội dung, một hình thức cho các đối tượng khác nhau…

Tọa đàm với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên và nhà khoa học tham dự. Kết luận tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Anh cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự toạ đàm, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu tọa đàm và xin ý kiến lãnh đạo Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh xuất bản thành ấn phẩm sách tham khảo, phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu và đề xuất xây dựng chương trình bồi dưỡng truyền thông chính sách theo nhu cầu xã hội tại Phân viện Học viện trong thời gian tới.

Thu Hà