(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 05/10/2022, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xây dựng chính phủ số – Những vấn đề đặt ra đối với công vụ, công chức”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu, khách mời: GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ, những năm gần đây, Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực xây dựng chính phủ số trong chiến lược cải cách khu vực công với mục tiêu cắt giảm chi phí, cải thiện dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.
Ở Việt Nam, phát triển chính phủ số được xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển chính phủ điện tử ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hiệp quốc, hoàn thành xây dựng chính phủ số vào năm 2030. Đây là những định hướng quan trọng, hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, khủng hoảng dịch bệnh…đã và đang đặt ra cho Chính phủ rất nhiều thách thức cần phải giải quyết.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới chính phủ số và những vấn đề đặt ra đối với công vụ, công chức trong quá trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam, từ đó đề ra phương hướng giải quyết nhằm giúp Chính phủ chuyển đổi thành công chính phủ điện tử sang Chính phủ số.
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, chính phủ số là kết quả của quá trình đổi mới, cải cách phương thức quản trị đất nước, đánh dấu bước tiến bộ có tính cách mạng trong lịch sử. Theo ông, chính phủ điện tử và chính phủ số có sự khác nhau về chất. Bản chất của chính phủ số là dữ liệu tập trung, liên thông và thông suốt trên toàn bộ hệ thống, thông tin được chia sẻ và sử dụng cho tất cả các chủ thể. Vấn đề xây dựng và hoàn thiện chính phủ số là yêu cầu khách quan, xu hướng khách quan của hệ thống công vụ quốc tế, trong đó có Việt Nam. Theo đó, để xây dựng chính phủ số thành công cần giải quyết được các yêu cầu, như: bảo đảm hạ tầng thông tin cả về chiều rộng cũng như chiều sâu; chú trọng yếu tố nguồn nhân lực; bảo đảm tính đồng bộ; hoàn thiện kỹ năng thực thi công vụ của cán bộ, công chức; bảo đảm quyền công dân; an toàn thông tin trong tiến trình chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số…
PGS.TS. Ngô Thành Can tham luận nội dung: “Chuyển đổi số trong quản trị nhân sự khu vực công”. Chuyển đổi số trong quản trị nhân sự là quá trình ứng dụng số hóa vào hoạt động vận hành quản lý nhân sự tại cơ quan, tổ chức khu vực công, tập trung vào các hoạt động chính như: thu hút, tuyển dụng nhân sự, nhất là nguồn nhân sự tài năng; quản lý thông tin nhân sự và các thủ tục quản lý hành chính liên quan; đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tự động hóa một số hoạt động trong quản trị nhân sự… PGS.TS. Ngô Thành Can đưa ra quy trình 5 bước thực hiện chuyển đổi số trong quản trị nhân lực ở khu vực công, đồng thời đề xuất một số giải pháp về định hướng chính sách cũng như trong hoạt động quản lý của từng tổ chức trong khu vực công nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số hiện nay.
Tại Hội thảo, TS. Đinh Duy Hòa trao đổi các nội dung về nhận diện chính phủ số; mối tương quan giữa chính phủ điện tử và chính phủ số; những vấn đề then chốt đặt ra trong quá trình xây dựng chính phủ số; tác động của chính phủ số tới hệ thống hành chính nhà nước về các mặt: (1) Cách thức hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; (2) Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (3) Các giá trị mới, cao hơn của hệ thống hành chính; (4) Cơ cấu tổ chức của hệ thống hành chính.
Theo TS. Chu Xuân Khánh, để thực hiện thành công “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam cần có quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xây dựng và triển khai mô hình lãnh đạo và quản trị mới, nhằm tận dụng sức mạnh và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số. Xây dựng chính phủ số, trước hết cần chuyển đổi số cơ quan nhà nước, trong đó vai trò của việc xây dựng đội ngũ “công chức điện tử, công chức số” là vô cùng quan trọng.
Hội thảo đã nhận 31 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung: những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính phủ số; những vấn đề đặt ra đối với công vụ trong bối cảnh xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam và phương hướng giải quyết; kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong giải quyết những vấn đề về công vụ, công chức trong xây dựng Chính phủ số và giá trị tham khảo cho Việt Nam…
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trân trọng cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã dành sự quan tâm, tham dự Hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến rất có giá trị, gợi mở những vấn đề khoa học lý luận và thực tiễn, từ đó góp phần để cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Hành chính Quốc gia nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.