Hội thảo khoa học: “Định hướng phát triển đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 10/10/2022, Ban Quản lý đào tạo sau đại học đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Định hướng phát triển đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu, khách mời: TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, giảng viên cao cấp, trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô; TS. Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Đại học Luật Hà Nội.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. TS. Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Sau đại học chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Hoàng Mai phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Hoàng Mai chia sẻ, Học viện Hành chính quốc gia thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học từ năm 1996, đến nay đã triển khai đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Quản lý công và trình độ thạc sỹ đối với 5 chuyên ngành, gồm: Quản lý công, Chính sách công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Tài chính – Ngân hàng, Quản lý kinh tế. Tính đến tháng 10/2022, Học viện đã tuyển sinh được 10.747 học viên cao học và 520 nghiên cứu sinh.

TS. Hoàng Mai khẳng định, trong những năm qua, công tác đào tạo sau đại học của Học viện luôn được quan tâm và không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần đưa Học viện trở thành địa chỉ tin cậy, có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước những yêu cầu mới, công tác đào tạo sau đại học tại Học viện cần xác định đúng định hướng phát triển, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện trong giai đoạn mới. Hội thảo mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tập trung thảo luận các vấn đề: (1) Thực trạng công tác đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo, trong đó có Học viện; (2) Bối cảnh và yêu cầu mới đối với đào tạo sau đại học; (3) Kinh nghiệm đào tạo sau đại học ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô tham luận.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Đào Thị Ái Thi trình bày tham luận: “Một số vấn đề cơ bản về đào tạo sau đại học: định hướng chuẩn đầu ra”. Tham luận đã chỉ ra những nội dung về bản chất của đào tạo sau đại học định hướng chuẩn đầu ra, trong đó định hướng chuẩn đầu ra gồm 2 loại chính: “định hướng làm chủ” và “định hướng hiệu suất”. Trong xu hướng chung của thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, đào tạo sau đại học yêu cầu nâng cao về chất lượng và đòi hỏi liên tục đổi mới. PGS.TS. Đào Thị Ái Thi đề xuất một số giải pháp định hướng phát triển đào tạo sau đại học theo chuẩn đầu ra, như: xây dựng mô hình đào tạo sau đại học “định hướng làm chủ” kết hợp với “định hướng hiệu suất”; xây dựng môi trường tự học tập, tự nghiên cứu, tự trải nghiệm trong quá trình đào tạo sau đại học, thay thế phương pháp đào tạo bị động bằng chủ động; xây dựng môi trường văn hóa đổi mới sáng tạo…

Theo TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, đổi mới đào tạo sau đại học tại Học viện là nội dung nhiệm vụ quan trọng thời gian tới. TS. Nguyễn Minh Sản tham luận nội dung về thực trạng và giải pháp đổi mới đào tạo sau đại học ở Học viện, đặt ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần nhận thức về mô hình tổ chức đào tạo sau đại học, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành và vận dụng kiến thức; chất lượng hiệu quả đào tạo còn chưa cao, thiếu sự gắn kết với thị trường lao động; phương pháp và hình thức dạy học chưa đổi mới về thực chất; đội ngũ giảng viên, nhà khoa học còn thiếu, các công trình khoa học được công bố quốc tế còn hạn chế… Tham luận đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học ở Học viện, như: xây dựng triết lý đào tạo sau đại học; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo sau đại học; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo sau đại học, tăng cường hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế; tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo sau đại học…

TS. Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ những kinh nghiệm về công tác đào tạo sau đại học tại trường Đại học Luật Hà Nội, với lịch sử gần 30 năm đào tạo sau đại học. Đào tạo sau đại học là đào tạo trình độ cao, hướng tới việc hình thành đội ngũ tinh hoa trong xã hội, theo đó cần xác định cách tiếp cận trong đào tạo, lấy mục tiêu bảo đảm chất lượng đào tạo làm nền tảng căn bản, trên cơ sở đó hình thành các nhóm giải pháp, như: đặt trọng tâm của quá trình đào tạo vào 2 chủ thể: người học và người dạy; xây dựng chương trình đào tạo lấy người học làm trung tâm; bảo đảm tính liên thông trong quá trình đào tạo; tập trung phát triển đội ngũ giảng viên; tăng cường năng lực chuyên môn, tính cạnh tranh đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh tham luận.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, đào tạo sau đại học được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trên con đường xây dựng và khẳng định vị thế của Học viện, với bề dày 26 năm đào tạo thạc sỹ, 19 năm đào tạo tiến sỹ, Học viện đã có nhiều đóng góp tích cực đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy hành chính nhà nước, nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Học viện giữ cương vị lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị ở địa phương, trung ương. Hội thảo gắn bối cảnh phát triển của Học viện mới với nhiều thời cơ cũng như thách thức mới, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo. PGS.TS. Huỳnh Văn Thới gợi mở nội dung định hướng đào tạo sau đại học tại Học viện cần tập trung vào vấn đề “đa dạng hóa”, cụ thể trong 5 phương diện: (1) Chuyên ngành đào tạo; (2) Hình thức đào tạo; (3) Liên kết đào tạo; (4) Xây dựng và đánh giá luận văn, luận án; (5) Truyền thông, quảng bá.

Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, tính cạnh tranh trong giáo dục, đào tạo hiện nay rất lớn, đặc biệt đối với đào tạo sau đại học, đòi hỏi đổi mới là tất yếu. Quá trình đổi mới, trong đó công tác định hướng phát triển đào tạo sau đại học định hướng chuẩn đầu ra có những khó khăn nhất định, yêu cầu thay đổi tư duy và cách làm. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến chia sẻ kinh nghiệm của trường Đại học Nội vụ Hà Nội về đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng, trong đó việc xây dựng các học phần cần bám sát với thực tiễn, mạnh dạn đổi mới; chuyển đổi tư duy theo tinh thần phục vụ tốt nhất cho học viên bằng nhiều phương pháp, đồng thời phải bảo đảm kế hoạch đào tạo; thiết kế chương trình và toàn bộ nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu học viên…

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường khẳng định, đổi mới giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo sau đại học là vấn đề cấp thiết, góp phần xây dựng Học viện thực sự trở thành trung tâm quốc gia, ngang tầm khu vực về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xác định định hướng phát triển đào tạo sau đại học cần xuất phát từ cốt lõi Học viện là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, phục vụ cho ngành Nội vụ, cho nền hành chính, nền công vụ với đối tượng học viên đặc thù (hơn 80% học viên đến từ khu vực công). Đồng tình với quan điểm về tính cạnh tranh trong giáo dục, đào tạo, theo ông công tác đào tạo sau đại học tại Học viện cần cạnh tranh bằng sự khác biệt về các nội dung: chương trình đào tạo; tinh thần, thái độ phục vụ học viên; tính hiện đại trong phương thức, quy trình tổ chức đào tạo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã quan tâm, tham dự Hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến rất có giá trị, gợi mở, định hướng những nội dung, giải pháp nhằm phát triển đào tạo sau đại học tại Học viện. Trên cơ sở tiếp thu đầy đủ những tham luận, ý kiến, của các nhà khoa học để đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Học viện trong định hướng phát triển đào tạo sau đại học của Học viện thời gian tới, tiếp tục khẳng định vị thế của Học viện trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuấn Anh