Tổng quan kết quả khảo sát chính phủ điện tử năm 2022 của Liên hiệp quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 28/9/2022, Liên hiệp quốc đã chính thức phát hành phiên bản thứ 12 của Khảo sát phát triển chính phủ điện tử của 193 quốc gia thành viên với chủ đề: “Tương lai của chính phủ kỹ thuật số”. Phiên bản này giúp các quốc gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật số hiệu quả, trách nhiệm, phục vụ mọi đối tượng, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Khảo sát năm 2022 cũng đánh dấu lần đầu tiên Liên hiệp quốc đánh giá chính quyền điện tử ở các thành phố đông dân nhất của mỗi quốc gia thành viên.
Ảnh minh họa (internet).
Khảo sát chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc

Khảo sát chính phủ điện tử (CPĐT) do Liên hiệp quốc (LHQ) bắt đầu thực hiện vào năm 2001, dần trở thành công cụ đo lường, xếp hạng mức phát triển CPĐT không thể thiếu đối với chính phủ, cơ quan, tổ chức tham mưu giúp chính phủ trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển CPĐT, chính phủ số và đối với các nhà khoa học, đơn vị giảng dạy trong nghiên cứu, giảng dạy về CPĐT, chính phủ số.

Khảo sát đánh giá sự phát triển CPĐT toàn cầu thông qua xếp hạng so sánh các cổng thông tin của chính phủ tại mỗi quốc gia với nhau. Các tiêu chí đánh giá được thiết kế nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về các xu hướng của quốc gia và xếp hạng tương đối sự phát triển của CPĐT trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) do LHQ thông qua năm 2015.

Về phương pháp:

Khảo sát của LHQ theo dõi mức độ phát triển CPĐT thông qua chỉ số phát triển CPĐT (E-Government Development Index – EGDI), là kết quả tổng hợp dựa trên phép tính trung bình cộng của ba chỉ số chuẩn hóa tương ứng với ba yếu tố quan trọng nhất của CPĐT:

Trong đó:

– Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII): đánh giá, định lượng tình trạng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

– Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI): đánh giá, định lượng chất lượng nguồn nhân lực.

– Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI): đánh giá, định lượng phạm vi và chất lượng của các dịch vụ trực tuyến.

Giá trị tổng hợp của mỗi chỉ số thành phần sau đó được chuẩn hóa, thể hiện bằng con số trong khoảng từ 0 -1.

Dữ liệu của khảo sát được thu thập bằng bảng câu hỏi dịch vụ trực tuyến độc lập (Online Service Questionnaire – OSQ) đánh giá sự hiện diện trực tuyến (qua trang tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử) của 193 quốc gia thành viên LHQ và được bổ sung bằng một bảng câu hỏi quốc gia thành viên (Member State Questionnaire – MSQ). Dữ liệu này được một nhóm các nhà nghiên cứu dưới sự giám sát của Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ (United Nations Department of Economic and Social Affairs – UNDESA) thu thập, xử lý.

Nhìn chung, phương pháp khảo sát thực hiện nhất quán từ năm 2001 đến nay. Tuy nhiên, LHQ xác nhận có cải tiến nhỏ trong mỗi lần khảo sát, sau khi rút kinh nghiệm và lắng nghe phản hồi từ các quốc gia thành viên,khuyến nghị của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu vấn đề này. Khảo sát năm 2022 cũng như vậy, cụ thể:

(1) Điều chỉnh chỉ số Dịch vụ trực tuyến (Online service index – OSI), các chỉ báo (sub-index) được chia thành năm nhóm tiêu chí: khung thể chế (Institutional Framework – IF); cung cấp dịch vụ (Service Provision -SP); cung cấp nội dung (Content Provision – CP); công nghệ (Technology – TEC); tham gia điện tử (E-participation – EPI).

(2) Điều chỉnh chỉ số Tham gia điện tử (E-Participation Index – EPI) nhằm đánh giá tốt hơn mức độ tương tác, bao gồm: các cổng thông tin và trang tin điện tử của chính phủ để tích hợp ngân sách có sự tương tác hoặc các cơ chế tương tự; sự sẵn có của dữ liệu mở của chính phủ nói chung và trong sáu lĩnh vực chính gồm giáo dục, việc làm, môi trường, y tế, pháp luật và bảo trợ xã hội; bằng chứng về cơ chế đồng sáng tạo hoặc đồng sản xuất để cung cấp dịch vụ hợp tác; bằng chứng cho thấy ý kiến của người dân được quan tâm trong các cuộc thảo luận và quá trình ra quyết định liên quan đến việc xây dựng, thông qua các chính sách về các vấn đề liên quan đến các nhóm dân số yếu thế; bằng chứng về tham vấn trực tuyến (thông qua diễn đàn điện tử, thăm dò ý kiến điện tử, bảng câu hỏi điện tử hoặc các công cụ tham gia điện tử khác) được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của mọi người trong các tình huống dễ bị tổn thương.

(3) Mở rộng nội dung trong bảng câu hỏi khảo sát các quốc gia thành viên nhằm bao quát vấn đề kỹ thuật số và hướng đến các vấn đề liên quan đến phản ứng Covid-19 và sự phục hồi.

(4) Tăng số lượng cổng thông tin của thành phố có số dân đông nhất được khảo sát từ 100 (năm 2020) lên 193 (năm 2022), tương ứng mỗi quốc gia thành viên đều có một thành phố được khảo sát.

(5) Tăng thêm 2 nội dung khảo sát hỗ trợ gồm: phân tích mạng phức hợp và chỉ số dữ liệu mở của chính phủ.

Báo cáo cũng cho biết là không thể sử dụng chỉ báo đánh giá mức độ hiểu biết kỹ thuật số (digital literacy) trong đợt khảo sát này do không có đủ dữ liệu.

Kết quả khảo sát ở Việt Nam và một số quốc gia

Năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 86/193 quốc gia thành viên LHQ, giữ nguyên bậc so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam không tăng hạng kể từ giai đoạn từ năm 2014 – 2020. Tuy nhiên, về giá trị, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam năm 2022 đạt 0,6787 điểm, cao hơn so với năm 2020 (0,6667 điểm), cao hơn mức trung bình của thế giới (0,6102 điểm) và mức trung bình của châu Á (0,6493 điểm), tiếp tục xếp trong nhóm các nước phát triển CPĐT mức cao. Giá trị chỉ số thành phần của chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam lần lượt như sau: chỉ số Dịch vụ trực tuyến đạt 0,6484 điểm; chỉ số Hạ tầng viễn thông đạt 0,6973 điểm và chỉ số Nguồn nhân lực đạt 0,6903 điểm.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6/11 quốc gia, vẫn giữ nguyên vị trí như năm 2018 và 2020. Có 5 quốc gia xếp hạng chỉ số Phát triển CPĐT cao hơn Việt Nam là Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Bru-nây và In-đô-nê-xi-a. Đáng chú ý, các quốc gia tăng hạng mạnh so với năm 2020 gồm: Mi-an-ma từ vị trí 146 lên vị trí 134, vượt 12 bậc; In-đô-nê-xi-a từ vị trí 88 lên vị trí 77, vượt 9 bậc; Lào từ vị trí 167 lên vị trí 159, vượt 8 bậc. Trong số 5 quốc gia xếp vị trí cao hơn Việt Nam có 3 quốc gia bị giảm thứ hạng (Bru-nây giảm 8 bậc, Ma-lai-xi-a giảm 6 bậc, Xinh-ga-po giảm 1 bậc).

Năm 2022, LHQ tiếp tục duy trì đánh giá thêm chỉ số phụ liên quan đến phát triển CPĐT, cụ thể:

Chỉ số EPI dùng để tham khảo, không sử dụng cho việc xếp hạng. Mục đích của chỉ số nhằm khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định của chính phủ. Năm 2022, chỉ số EPI của Việt Nam giảm xuống vị trí xếp hạng 72/193, giá trị đạt 0,5341 điểm. Trước đó, năm 2020, chỉ số này của Việt Nam được xếp hạng 70/193 và giá trị đạt 0,7024 điểm.

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (Local Online Service Index – LOSI) đã cho thấy sự phát triển của chính quyền địa phương của mỗi quốc gia. Năm 2022, LHQ điều chỉnh tiêu chí lựa chọn thành phố của các quốc gia thành viên để đưa vào khảo sát, theo đó, chọn thành phố có số dân đông nhất của từng quốc gia thành viên. Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh được chọn khảo sát đánh giá, đạt kết quả xếp hạng 54/193, giá trị đạt 0,6279 điểm, trong đó khung thể chế đạt 0,8889 điểm; cung cấp dịch vụ 0,2778 điểm; cung cấp nội dung đạt 0,8400 điểm, công nghệ đạt 0,6471 điểm và tham gia điện tử đạt 0,5294 điểm. Trước đó, năm 2020, TP. Hồ Chí Minh xếp hạng 42/86, giá trị đạt 0,400 điểm.

Chỉ số Dữ liệu mở của chính phủ (Open Government Data Index – OGDI): dữ liệu mở của chính phủ làm tăng sự minh bạch dẫn đến tăng trách nhiệm giải trình và sự tin tưởng vào chính phủ, thúc đẩy các bên tham gia vào quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ. Tổng số câu hỏi khảo sát là 26 câu, tăng 12 câu so với năm 2020, xoay quanh 3 khía cạnh: (1) Chính sách và khung thể chế; (2) Nền tảng (sự tồn tại của cổng dữ liệu mở của chính phủ và các tính năng); (3) Tính sẵn có của dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, như: y tế, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội, môi trường và pháp luật. Năm 2022, chỉ số OGDI của Chính phủ Việt Nam đạt giá trị 0,6423 điểm, thuộc nhóm quốc gia đạt chỉ số OGDI của Chính phủ mức cao.

Trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát CPĐT 2022, Đan Mạch tiếp tục giữ vững vị trí xếp hạng 1 (đã đạt được các năm 2018, 2020); Phần Lan xếp hạng 2 (tăng 2 bậc so với năm 2020); Hàn Quốc xếp hạng 3 (giảm 1 bậc so với năm 2020).

Danh sách 15 quốc gia đạt hạng đánh giá cao nhất thuộc nhóm quốc gia có chỉ số EGDI rất cao thay đổi một chút so với lần khảo sát năm 2020. Quốc gia Man-ta và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất gia nhập nhóm này trong khi Na Uy rời khỏi nhóm vì đạt thứ hạng thấp hơn.

Kết luận – khuyến nghị

Đề cập chính phủ số trong tương lai, báo cáo kết quả khảo sát CPĐT của LHQ nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của internet và các công nghệ kỹ thuật số hỗ trợ xã hội phát triển bền vững, tiến bộ, giúp chính phủ làm việc với dữ liệu một cách thông minh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra giá trị mới từ các dữ liệu đang có, tăng khả năng dự báo. Báo cáo cũng lưu ý các chính phủ cần luôn cảnh giác và có giải pháp phòng ngừa rủi ro, như: dữ liệu không đáng tin cậy, bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và đạo đức cá nhân, gian lận dữ liệu,…

Qua khảo sát, LHQ nhận định đại dịch Covid-19 diễn ra đã góp phần mở thêm cơ hội ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và ghi nhận xu hướng tiếp tục gia tăng triển khai chính phủ số để cung cấp dịch vụ công. Khuyến nghị đối với các quốc gia ở thời điểm này là cần quan tâm đến việc thể chế hóa chuyển đổi kỹ thuật số làm cơ sở triển khai chiến lược chuyển đổi số lâu dài, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ở Việt Nam, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/2021/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển CPĐT, chính phủ số theo đánh giá của LHQ có sự thay đổi đột phá. Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở… Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam có chỉ số phát triển CPĐT, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.

Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia, phát triển dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia, trong đó trọng tâm là các nền tảng số quốc gia toàn dân, toàn diện.

Chú thích:
1, 2. UN E-Government Survey 2022. https://publicadministration.un.org, ngày 28/9/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
2. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
3. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh