Trách nhiệm pháp lý Hiến pháp Nga và gợi mở hướng nghiên cứu về trách nhiệm pháp lý Hiến pháp Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Vấn đề trách nhiệm pháp lý Hiến pháp Nga đã được xem xét vào đầu thập niên 70 80 của thế kỷ XX trong khoa học chuyên ngành về Luật Nhà nước Xô Viết. Hơn hai thập kỷ qua, chủ đề trách nhiệm pháp lý Hiến pháp ở Nga là một trong những chủ đề có nhiều sự quan tâm, tranh luận trong khoa học về LHPđất nước này. Nội dung bài viết khái quát tổng quan về thể chế trách nhiệm pháp lý Hiến pháp ở Nga; từ đó, liên hệ, so sánh và gợi mở tư duy về hoàn thiện thể chế trách nhiệm pháp lý Hiến pháp ở Việt Nam. Về thuật ngữ trách nhiệm pháp lý Hiến pháp
Ảnh minh họa (internet).

Khái niệm trách nhiệm pháp lý Hiến pháp (TNPLHP) có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo giáo sư V.A. Vinogradov, TNPLHP “là nghĩa vụ của chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi pháp lý không phù hợp với các quy phạm của luật Hiến pháp (LHP), (biện pháp trách nhiệm) do nhà nước (hoặc xã hội) áp dụng theo quy định bởi các quy phạm của ngành luật này”1.

Giáo sư Sakhrai S.M. nhận định: trách nhiệm Hiến pháp là một loại trách nhiệm xã hội đặc biệt, có bản chất chính trị và pháp lý phức tạp mà đằng sau nó là hành vi vi phạm Hiến pháp. Nó thể hiện ở những hậu quả tiêu cực đặc biệt đối với chủ thể vi phạm (ví dụ, luận tội)2.

Như vậy, TNPLHP được khái quát như sau: TNPLHP là biện pháp chế tài do ngành LHP quy định, áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của ngành luật này.

Các nhà luật học Nga thống nhất rằng, cả Hiến pháp và các đạo luật thuộc ngành LHP đều có quy định các biện pháp trách nhiệm. Cụm từ “trách nhiệm Hiến pháp” dùng để chỉ các biện pháp trách nhiệm khi thực hiện hành vi vi phạm Hiến pháp. Còn cụm từ “trách nhiệm pháp lý Hiến pháp” dùng để chỉ các biện pháp trách nhiệm khi thực hiện hành vi vi phạm Hiến pháp cũng như khi thực hiện hành vi vi phạm đạo luật thuộc ngành LHP. Do đó, TNPLHP là một khái niệm rộng hơn và bao hàm cả trách nhiệm Hiến pháp. Khi nói đến trách nhiệm theo ngành LHP thì phải dùng cụm từ “trách nhiệm pháp lý Hiến pháp”.

Về thể chế trách nhiệm pháp lý Hiến pháp ở Cộng hòa Liên bang Nga

Cho đến nay, mặc dù chưa thể khẳng định thể chế TNPLHP trong hệ thống pháp luật Liên bang Nga đã trở nên hoàn hảo nhưng cũng đã được hoàn thiện hơn trước nhiều, đóng vai trò là công cụ quan trọng bảo vệ các quy định của ngành LHP và bảo vệ các quan hệ xã hội do ngành luật này điều chỉnh.

Các văn bản thuộc hệ thống LHP quy định khá đầy đủ và rõ ràng về trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm Hiến pháp. Biện pháp TNPLHP quy định trong Hiến pháp và các đạo luật của Liên bang Nga được chia thành các nhóm lớn sau: (1) Giải thể hoặc chấm dứt các hoạt động của cơ quan; (2) Cách chức, chấm dứt quyền hạn trước thời hạn (kể cả do mất tín nhiệm); (3) Tước bỏ hoặc thay đổi địa vị pháp lý được quy định rõ trong Hiến pháp (ví dụ, tước bỏ quy chế tị nạn), hạn chế các quyền hiến định; (4) Tuyên bố vô hiệu hoặc đình chỉ hiệu lực của quyết định; (5) Sự can thiệp của Liên bang Nga trong trường hợp các cơ quan nhà nước của một thực thể cấu thành Liên bang vi phạm điều khoản Hiến pháp Liên bang Nga và luật pháp Liên bang3.

Một số quan điểm đánh giá thể chế TNPLHP ở Nga chưa hoàn hảo, một phần là do trong Hiến pháp Nga và các đạo luật, những thuật ngữ “trách nhiệm pháp lý”, “trách nhiệm Hiến pháp” vẫn chưa được sử dụng. Điều này cho thấy sự thiếu rõ ràng của nhà lập pháp Nga khi quy định về vấn đề này. Vì vậy, dẫn đến việc xác định cơ sở lý luận về TNPLHP và việc thực thi Hiến pháp trên thực tế sẽ gặp những khó khăn.

Trong khi đó, khác với Hiến pháp của Nga, Hiến pháp nhiều nước trên thế giới thể hiện trực tiếp, rõ ràng về loại trách nhiệm đặc biệt này. Ví dụ: Hiến pháp năm 1920 của Cộng hòa Áo, tại Điều 142 sử dụng cụm từ: “trách nhiệm do Hiến pháp quy định”4; Hiến pháp năm 1997 của Cộng hòa Ba Lan, tại Điều 198 cũng đã sử dụng cụm từ: “trách nhiệm Hiến pháp5.

Trên cơ sở Hiến pháp, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã xây dựng một số nguyên tắc lập pháp cần tuân thủ khi điều chỉnh vấn đề TNPLHP, như: yêu cầu tuân thủ nguyên tắc về căn cứ chắc chắn của trách nhiệm – xác lập rõ ràng tất cả các yếu tố cấu thành của hành vi vi phạm LHP để tránh hiểu mơ hồ và do đó, dẫn đến sai sót khi áp dụng; các biện pháp trừng phạt phải bảo đảm đạt được mục đích, mục tiêu và giá trị đã được thiết lập theo Hiến pháp cũng như đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm LHP…6

Có thể nhận định rằng, sự phát triển thể chế TNPLHP ở Nga gắn với vai trò của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga. Trong quá trình thi hành luật, Tòa án Hiến pháp đã chính thức sử dụng thuật ngữ TNPLHP và công nhận sự tồn tại của các biện pháp TNPLHP trong các đạo luật liên bang. Cho đến nay, các luận điểm pháp lý của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của lý luận về TNPLHP.

Nghiên cứu so sánh và tư duy hoàn thiện thể chế trách nhiệm pháp lý Hiến pháp ở Việt Nam

Thể chế TNPLHP ở Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với thể chế TNPLHP ở Nga. Khoa học pháp lý ở Việt Nam cũng phân chia trách nhiệm pháp lý thành ba loại cơ bản: (1) Trách nhiệm hình sự; (2) Trách nhiệm hành chính; (3) Trách nhiệm dân sự.

Tuy nhiên, thể chế TNPLHP cũng chưa thể hiện rõ ràng, trực tiếp mặc dù ngành LHP đã có các quy định về một số biện pháp TNPLHP cụ thể: (1) Trách nhiệm liên quan đến bầu cử (Hội đồng Bầu cử Quốc gia có quyền hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có vi phạm pháp luật nghiêm trọng…). (2) Trách nhiệm liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, người giữ chức vụ (Bãi nhiệm đại biểu dân cử…). (3) Trách nhiệm liên quan đến bảo đảm lợi ích quốc gia (hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam)…

Từ tổng quan sơ lược về thực trạng thể chế TNPLHP ở Nga và liên hệ với thể chế TNPLHP ở Việt Nam, gợi mở tư duy về hoàn thiện thể chế TNPLHP ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần có sự thừa nhận thể chế TNPLHP đã và đang tồn tại trong pháp luật thực định Việt Nam. Hiến pháp và các đạo luật thuộc ngành LHP cũng đã có các quy định về hành vi vi phạm và biện pháp trách nhiệm cụ thể.

Thứ hai, thể chế TNPLHP cần nhận được sự quan tâm hoàn thiện từ phía các nhà nghiên cứu pháp luật cũng như các nhà lập pháp.

Thứ ba, Hiến pháp và các đạo luật thuộc ngành LHP phải được bảo vệ trước hết bằng chính các chế tài của ngành luật này. Như vậy, nhà lập pháp cần tính toán về việc thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ các quy định LHP, trước hết ở ngay trong các văn bản của ngành luật này; bảo đảm mỗi hành vi vi phạm quy định của LHP đều bị trừng phạt. Nếu hành vi cùng lúc vi phạm quy định của ngành luật khác thì sẽ áp dụng cả chế tài của ngành luật đó.

Chú thích:
1, 6. Виноградов В.А. Актуальные проблемы конституционно-правовой ответственности, “Законодательство”, N 10, октябрь 2002 г.) https://constitution.garant.ru, truy cập ngày 20/8/2022.
2. Шуваев К.В., Определение понятия «конституционно-правовая ответственность». http://www.bseu.by, truy cập ngày 20/8/2022.
3. ШахрайС.М., Учебник для академического бакалавриата и магистратуры, МГУ, 2017.
4. Hiến pháp Cộng hòa Áo năm 1920. https://legalns.com, truy cập ngày 05/9/2022.
5. Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan năm 1997. https://legalns.com, truy cập ngày 06/9/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Bàn về lập hiến. https://quochoi.vn, truy cập ngày 06/9/2022.
2. Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga năm 1993.
3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
4. Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
5. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
TS. Trần Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia