Theo Báo cáo số 227/BC-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về kết quả thực hiện đào tạo nghề giai đoạn 2016 – 2020 và Đề án “Đào tạo nghề cho la o động nông thôn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020”, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đạt được một số kết quả: toàn tỉnh tuyển sinh được 73.926/65.000 người (đạt 116,73%) gồm: cao đẳng 3.265 người, trung cấp 3.526 người; sơ cấp 15.552 người, dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên được 51.883 người. Số lao động có việc làm sau đào tạo là 54.664 người/64.025 người được đào tạo, đạt 85,38%. Theo đánh giá của doanh nghiệp, một số ngành, nghề liên kết đào tạo đạt hiệu quả góp phần bảo đảm việc làm cho người học sau đào tạo, với thu nhập bình quân từ 5 – 8 triệu đồng/tháng. Tạo việc làm cho 136.900 lao động, đạt 109,96%, bình quân 27.380 người/năm; trong đó, có 1.837 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 99,3%, bình quân 398 lượt người/năm.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: trình độ của người lao động còn thấp, chủ yếu lao động phổ thông; lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27,75% năm 2020; chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh thiếu điều kiện tổ chức đào tạo các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực tỉnh đã và đang kêu gọi đầu tư, nhất là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện. Hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch việc làm chưa cao, thị trường lao động trong tỉnh chưa thu hút được nhiều lao động tham gia làm việc… Mặt khác, lao động có nhu cầu tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đa số có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của một số nước phát triển. Hệ thống trung tâm, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm chậm phát triển; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, làm thị trường lao động bị mất ổn định, tạo áp lực lớn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Sóc Trăng trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/7/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra mục tiêu: “Đến năm 2030: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 32,5%; tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 90%; số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp chiếm 30%; giải quyết việc làm và ổn định việc làm bình quân hàng năm cho 30.000 lao động; phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 80% lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch”… Trong đó quan tâm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng”. Để xây dựng lực lượng lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng:
Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp.
Đầu tư phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN. Trong đó, đầu tư phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đạt các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng caođược trung ương công nhận vào năm 2025. Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục đầu tư phát triển hoàn thiện các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao của Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng; đồng thời, đầu tư phát triển Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao vào năm 2030. Đổi mới phương thức hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo hướng: phấn đấu mỗi Trung tâm có từ 2 đến 5 ngành, nghề đào tạo được công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo và tổ chức tuyển sinh, đào tạo ít nhất 1 lớp/ngành, nghề theo yêu cầu của công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, lựa chọn, đầu tư phát triển từ 3 – 4 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện hoạt động hiệu quả. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các huyện đạt chuẩn nông thôn mới và các huyện đang xây dựng tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm kết nối, tích hợp, khai thác dữ liệu giáo dục nghề nghiệp với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia góp phần thực hiện đạt các một tiêu chuyển đổi số; nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý các cấp. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo thuộc vùng đặc biệt khó khăn; các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động,… nhất là thu hút người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm; chính sách đối với người học thuộc các đối tượng đặc thù; chính sách định hướng, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp và từng bước đào tạo tay nghề cao cho người lao động là thanh niên, bảo đảm yếu tố bình đẳng giới, công bằng, dễ tiếp cận. Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp.
Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; trao đổi giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, chuyên gia quốc tế.
Hai là, về việc làm.
Thực hiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người lao động; giữa các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng thực hiện các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội của các bên tham gia. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ người lao động sau học nghề tìm được việc làm; gắn kết đào tạo nghề với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Triển khai hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối dữ liệu về việc làm với dữ liệu về dân cư quốc gia; khuyến khích các doanh nghiệp có chính sách thu hút nhân tài, trong đó, chú trọng chính sách về nhà ở, lương thưởng, điều kiện sinh hoạt, làm việc nhằm thu hút và giữ chân lao động có trình độ cao làm việc tại doanh nghiệp; quy hoạch và phát triển hệ thống giao dịch việc làm.