Hội thảo khoa học: “Chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 25/10/2022, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Chính sách an sinh cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua phần mềm Zoom Meeting, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Học viện.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời, có các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Chính trị Khu vực II; Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); đại diện Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh An Giang và Trà Vinh.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo; TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước; PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa Quản lý nhà nước về xã hội; TS. Vũ Duy Duẩn, Trưởng Ban Kế hoạch – Tài chính; cán bộ, giảng viên Học viện; lãnh đạo các phòng, bộ môn, giảng viên, viên chức của Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo khẳng định trước những khó khăn của đại dịch Covid-19 nhiều chính sách của Nhà nước đã được ban hành để có những hỗ trợ cần thiết cho nhóm yếu thế. Trong giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay cần tiếp tục có chính sách cho các nhóm đối tượng này. Hội thảo sẽ là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến chính sách an sinh xã hội (ASXH) cho nhóm yếu thế giai đoạn hậu Covid-19.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước tham luận.

Với chủ đề: Bảo đảm quyền ASXH đối với nhóm yếu thế sau đại dịch Covid-19, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước đã khẳng định ASXH là hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được xây dựng, thiết lập trên cơ sở điều kiện thực tế của đất nước bảo đảm cho mọi người dân có mức sống ổn định, có cơ hội, điều kiện được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ về y tế, nhà ở, giáo dục, văn hóa, thông tin. Hiến pháp 2013 đã quy định cụ thể quyền được bảo đảm ASXH  của người dân và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “phát triển hệ thống chính sách ASXH toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khác khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế…”.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thực hiện chính sách ASXH ở nước ta, TS Nguyễn Quang Vinh đề xuất 5 khuyến nghị: (1) Hoàn thiện chính sách giảm nghèo; (2) Tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo; (3) Đổi mới hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến ASXH sau đại dịch theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn các chính sách kinh tế với chính sách xã hội và ASXH, để từ đó tăng trưởng kinh tế thực sự gắn kết với phát triển xã hội công bằng, bảo đảm ASXH; (4) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và ASXH bền vững sau đại dịch giai đoạn 2021 – 2030; (5) Tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

TS. Hồ Ngọc Châm, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận.

TS. Hồ Ngọc Châm, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận: Chính sách trợ giúp lao động phi chính thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề, tình trạng dễ bị tổn thương của lao động phi chính thức ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nhiều chính phủ đã triển khai chính sách trợ giúp đến nhóm lao động phi chính thức nhằm giảm bớt những tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với một số hạn chế như nguồn ngân sách dành cho trợ giúp thấp, quá trình ban hành và triển khai chính sách diễn ra trong thời gian ngắn do tính chất khẩn cấp của dịch bệnh,… khiến hoạt động trợ giúp chủ yếu có hiệu quả trong thời gian ngắn hạn. Những kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, ban hành, triển khai, điều chỉnh chính sách là bài học cho Việt Nam nhằm nâng tính hiệu quả của hoạt động trợ giúp xã hội khẩn cấp khi xảy ra khủng hoảng.

ThS. Huỳnh Thị Thúy Vy, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tham luận.

Cũng từ thực tiễn kinh nghiệm các nước, phát biểu tại Hội thảo ThS. Huỳnh Thị Thúy Vy, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về phản ứng chính sách ASXH của một số quốc gia, như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Thái Lan, Ma-lai-xi-a… và thực tiễn tại Việt Nam, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong ứng phó đại dịch Covid-19.

TS. Nguyễn Thị Hồng Duyên, giảng viên Bộ môn Quản lý nhà nước về Xã hội, Phân viện Học viện tại TP. HCM trình bày tham luận: “Luận bàn một số vấn đề về thực hiện ASXH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Nội dung tham luận làm rõ một số vấn đề cơ bản về ASXH; sự cần thiết phải xây dựng định hướng phát triển ASXH Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn năm 2045; đề xuất một số khuyến nghị trong việc phát triển hệ thống ASXH ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045.

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định cần tiếp tục xác định đúng vị trí, vai trò của ASXH đối với sự phát triển đất nước, phù hợp với tình hình mới, là cơ sở và điều kiện để người dân được thụ hưởng nhiều hơn thành quả tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Do đó, việc vận dụng nguyên tắc công bằng, bao trùm của quản trị nhà nước tốt để tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách ASXH là điều cần thiết, để bảo đảm sự công bằng và không bỏ sót bất kỳ ai cần sự trợ giúp từ chính sách. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm người lao động phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19.

Trong tham luận của mình ThS. Lê Thị Thanh Tuyền, Trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định thanh niên là đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Do đó, những can thiệp chính sách khẩn cấp để giải quyết tình trạng khó khăn mà thanh niên đang phải trải qua. Đồng thời, việc tăng cường các biện pháp ASXH là điều quan trọng hàng đầu.

Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, tiếp cận chính sách cho nhóm yếu thế trên góc độ tiếp cận thông tin của nhóm yếu thế trong đại dịch Covid-19. Tác giả đề xuất cần chú trọng công tác truyền thông chính sách để các nhóm yếu thế là đối tượng thụ hưởng chính sách nắm và hiểu được chính sách liên quan đến mình; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát song song với quá trình thực hiện chính sách ASXH.

ThS. Trần Quảng Sơn, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng 4.0 và chuyển đổi số bên cạnh cơ hội đã tạo ra nhiều thách thức đòi hỏi chính phủ phải đối mặt và giải quyết trong đó có vấn đề về “khoảng cách số”. “Khoảng cách số” có thể đào sâu thêm sự cách biệt giữa các nhóm trong xã hội, đặc biệt là gia tăng sự thiệt thòi của các nhóm yếu thế. Do đó, cần có giải pháp để thu hẹp khoảng cách số cho nhóm yếu thế.

TS. Trần Hoàng Hạnh – Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh tham luận.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trần Hoàng Hạnh, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh khái quát lại những tác động của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phân tích vai trò của UBND cấp xã trong việc thực hiện các chính sách ASXH đối với trẻ em bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách này.

Trong tham luận Một số giải pháp bảo đảm ASXH  trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Sơn, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, cho thấy hệ thống chính trị đã phát huy được vai trò quan trọng trong thực hiện các chính sách ASXH không dừng lại ở vai trò tuyên truyền vận động. Trong bối cảnh đó cũng đặt ra thách thức cho chính các tổ chức chính trị xã hội trong việc thay đổi, cải cách phù hợp với tình hình mới.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động sau đại dịch Covid-19. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh khẳng định Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị tác động của đại dịch Covid-19 còn có nhiều hạn chế. Từ đó, tác giả đề xuất cần ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ về vốn, lãi suất; chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động; cần tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung – cầu lao động và nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động…

TS. Phan Ánh Hè, Trưởng Bộ môn Quản lý nhà nước về Xã hội, Phân viện Học viện tại TP.HCM khẳng định sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động, việc làm đã bộc lộ rõ hơn những bất cập và những thách thức đòi hỏi các chính sách ứng phó của Chính phủ phải mang tính toàn diện và cấp bách. Tác giả đưa ra các khuyến nghị: tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”; xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bảo đảm ASXH; hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phát triển thị trường lao động, việc làm; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới.

TS. Phạm Thị Thúy, Phó Trưởng Bộ môn Quản lý nhà nước về Xã hội, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận Kiến nghị về chính sách cho trẻ em sau Covid–19. Tác giả chia sẻ sau đại dịch toàn cầu, trẻ em phải đối mặt với khủng hoảng: gia tăng tình trạng bạo lực, những đề về sức khỏe tâm thần, tình trạng bạo lực trực tuyến, việc đóng cửa các trường học và tình trạng nghèo đói. Chính phủ đã ban hành các chính sách ASXH nhưng vẫn còn khoảng trống về các chính sách ASXH dành cho trẻ em sau Covid 19. Tác giả đề xuất ban hành một hướng dẫn về “Bình thường mới” tầm mức Quốc gia dành cho trẻ em sau Covid-19; Bảo đảm sinh kế cho gia đình có trẻ em sau Covid-19; Tham vấn học đường; …

TS.BS. Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang tham luận.

Tại Hội thảo ThS. Lê Đức Hiền, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ vai trò của Đoàn Thanh niên trong tham gia thực thi chính sách ASXH thể hiện ở khía cạnh về hỗ trợ nhân lực tuyến đầu chống dịch; vận động người dân thực hiện 5K… Từ thực tiễn tỉnh An Giang, TS.BS. Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang trình bày tham luận: Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân (nói chung) và cho nhóm yếu thế (nói riêng) tại tỉnh An giang trong giai đoạn hiện nay”. Để thực hiện đạt mục tiêu trên về chăm sóc sức khỏe Nhân dân và cho nhóm yếu thế tại tỉnh An Giang trong thời gian tới, ngành Y tế tập trung thực hiện việc tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế; Tăng cường công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế – dân số,…

Cũng từ thực tiễn địa phương, Bà Tô Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh chia sẻ trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các chính sách để khắc phục tác động của đại dịch như hỗ trợ các nhóm lao động, thực hiện chi trả kịp thời chính sách bảo trợ xã hội; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách ASXH cho nhóm yếu thế.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới khẳng định những tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo có giá trị lý luận, thực tiễn quý báu trong việc phân tích, luận giải, làm sáng tỏ nhiều phương diện quan trọng về chính sách ASXH nói chung, chính sách ASXH cho nhóm yếu thế nói riêng. Những đóng góp tâm huyết, thảo luận sôi nổi, đa chiều, sâu sắc đã làm nên thành công của Hội thảo; kết quả trao đổi, thảo luận của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về chính sách ASXH trong thời gian tới; cũng như phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Học viện Hành chính Quốc gia.

                                                                              Phương Truyền