Chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc – những tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế, cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định cơ chế, chính sách. Chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc được biết đến thông qua Kế hoạch “Made in China 2025” với mục tiêu chính là đưa Trung Quốc nhanh chóng đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong 10 lĩnh vực công nghệ cao. Bài viết nghiên cứu làm rõ nội hàm của chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc, từ đó, đưa ra khuyến nghị chính sách cho Việt Nam để tối đa hóa tiềm lực công nghệ của đất nước.
Ảnh minh họa (internet).
Chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc

Kế hoạch “Internet Plus”

Chiến lược “Internet Plus” được ban hành ngày 04/7/2015 nhằm phát triển đất nước và thực hiện hóa mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Chiến lược nhằm mục đích kết hợp internet di động, kết hợp đám mây, dữ liệu lớn và internet vạn vật (IoT) với các ngành công nghiệp truyền thống. Đây được đánh giá là kế hoạch hành động sẽ cải thiện nền kinh tế Trung Quốc phát triển bằng cách tái hình thành sự đổi mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sinh kế của người dân và thậm chí chuyển đổi các chức năng của Chính phủ1.

Đối với ngành thương mại dịch vụ, thị trường bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ giờ đây đã được tích hợp với internet và tạo ra một sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc mang tên www.taobao.com. Từ khi Trung Quốc triển khai thực hiện kế hoạch “Internet Plus”, internet được áp dụng vào các cửa hàng bách hóa truyền thống và tạo nên các doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử, điển hình là Jingdong. Tiếp đó, Trung Quốc còn thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng truyền thống thành công và minh chứng là sự ra đời của Alipay – nhà cung cấp và phân phối dịch vụ thanh toán trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc. Không chỉ vậy, công nghệ cũng được áp dụng vào lĩnh vực giao thông vận tải, chất lượng đời sống của nhân dân cũng theo đó mà được nâng cao, hai ứng dụng taxi miễn phí sử dụng trên điện thoại di động mang tên Didi Dache và Kuaidi Dache.

Một trong những minh chứng rõ nhất cho sự thành công của chiến lược “Internet Plus” là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực lại với nhau, chính quyền địa phương và các công ty công nghệ thông tin có điều kiện hợp tác để xúc tiến quá trình phát triển của các dự án dữ liệu lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Điển hình như bệnh viện trung tâm địa phương ở tỉnh Quảng Đông và các công ty công nghệ thông tin ở khu vực này đã cùng nhau thành lập một nền tảng điều trị y tế dựa trên internet2.

Kế hoạch “AI thế hệ tiếp theo”

Kế hoạch Phát triển AI thế hệ mới chú trọng phát triển tận gốc năng lực quốc gia để có thể đổi mới, thích ứng và tạo lập nên các DN trong tương lai, với trọng tâm là các nền tảng nguồn mở và dữ liệu mở3. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư vào một số lượng lớn các dự án AI, khuyến khích đầu tư tư nhân và thành lập quỹ phát triển AI quốc gia. Trung Quốc cũng sẽ phát triển một lực lượng lao động tài năng và cao cấp, được coi là một nhân tố không thể thiếu trong năng lực cạnh tranh quốc gia về AI. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch tham gia vào các nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này với giá trị cao sẽ cho phép thay đổi mô hình nâng cấp trong AI.

Không chỉ vậy, quốc gia này đã và đang nỗ lực phối hợp, ưu việt hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế bằng các phương án ủng hộ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các DN AI quốc nội với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức đa quốc gia. Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty AI áp dụng cách tiếp cận “hướng ngoại” để nắm bắt cơ hội sáp nhập, mua cổ phần ở nước ngoài và đầu tư mạo hiểm, đồng thời, xây dựng các trụ sở nghiên cứu và phát triển AI ngoài nước. Theo phương án này, Trung Quốc cũng sẽ khuyến khích những công ty AI quốc tế thành lập các trung tâm R&D của riêng họ tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẽ đẩy nhanh chiến lược “Một vành đai, một con đường” với mục đích thiết lập cơ sở hợp tác khoa học, kỹ thuật và công nghệ nước ngoài và các trung tâm nghiên cứu tập trung vào AI ở Trung Quốc. Thông qua các phương án này, sẽ thúc đẩy khả năng AI ở nước ngoài, đồng thời, thiết lập nền tảng thể chế phù hợp trong nước thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, kế hoạch mới này nhấn mạnh cách tiếp cận hợp nhất quân sự và dân sự nhằm cho phép triển khai nhanh chóng các tiến bộ của AI để bảo vệ an ninh quốc gia4.

Một số công nghệ AI thế hệ mới được ưu tiên sẽ sử dụng để nâng cao khả năng quân sự trong tương lai của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc tìm cách bảo đảm rằng, các tiến bộ KHCN có thể dễ dàng chuyển sang ứng dụng kép, trong khi các nguồn lực đổi mới quân sự và dân sự sẽ được cùng xây dựng và cùng chia sẻ. Để hạn chế những rủi ro mà công nghệ AI gây ra, ví dụ như tính bảo mật trong việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý, quy định và đạo đức cho AI, Trung Quốc sẽ tạo ra các cơ chế để bảo đảm an ninh và bảo mật phù hợp trong các hệ thống AI. Trung Quốc cũng có ý định xây dựng năng lực để đánh giá và chuẩn bị cho những khó khăn lâu dài liên quan đến AI, bao gồm thông qua phương án thành lập một Ủy ban Cố vấn Chiến lược về AI và các tổ chức tư vấn về AI. Ngoài ra, kế hoạch bao gồm các phương pháp để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn liên quan đến AI, như tái đào tạo và tái bố trí nguồn nhân lực đang trong tình trạng thất nghiệp.

Kế hoạch “Made in China”

Với bối cảnh cần củng cố nền tảng công nghiệp, nâng cao trình độ tích hợp và hệ thống đào tạo nhân sự để thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp, phát triển nền sản xuất, “Made in China 2025” (MIC 2025) đã được công bố tháng 5/2015. Kế hoạch này là một yếu tố then chốt của cấu trúc phức hợp gồm các hoạch định và chính sách với mục đích tạo ra sự phát triển theo định hướng đổi mới của Trung Quốc5.

Kế hoạch MIC 2025 đề xuất chiến lược “ba bước” nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất hàng đầu vào năm 2049 phù hợp với phương châm cơ bản là “đổi mới sáng tạo, chất lượng làm đầu, phát triển xanh, tối ưu hóa cấu trúc và hướng tới con người”. Nguyên tắc cơ bản: “định hướng thị trường, hướng dẫn của Chính phủ, tập trung vào hiện tại, nhìn vào tương lai, xúc tiến tổng thể, đột phá chính, phát triển độc lập, mở cửa và hợp tác”6.

Bước thứ nhất, phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất lớn trong 10 năm (2015 – 2025). Bên cạnh đó, quốc gia này cũng sẽ làm chủ công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt, tăng cường năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực, nơi mà Trung Quốc dẫn đầu trên toàn cầu và nâng cao đáng kể giá trị cốt lõi của sản phẩm. Thông tin hóa, số hóa, kết nối mạng trong quá trình sản xuất sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể. Tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu trên một đơn vị công nghiệp được thêm vào giá trị và phát thải chất ô nhiễm của các ngành công nghiệp chính sẽ giảm đáng kể.

Bước thứ hai, đạt trình độ trung bình của các cường quốc sản xuất thế giới vào năm 2035. Trung Quốc sẽ cải thiện đáng kể năng lực đổi mới, tạo đột phá trong các lĩnh vực chính, tăng đáng kể khả năng cạnh tranh tổng thể, dẫn đầu đổi mới toàn cầu trong các ngành mà Trung Quốc có khả năng cạnh tranh cao nhất và thực hiện công nghiệp hóa một cách toàn diện.

Bước thứ ba, đẩy nhanh việc sử dụng nguồn vốn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt, đường cao tốc và các phương tiện thông tin liên lạc, dẫn đến sự mở rộng của quá trình đô thị hóa. Nhờ sự lớn mạnh của các ngành vận tải biển, máy công cụ, ô tô, máy móc kỹ thuật, điện tử và truyền thông và toàn bộ dây chuyền công nghiệp sản xuất đã được cập nhật.

Để tiến tới hiện thực kế hoạch MIC 2025, Trung Quốc đã và đang gấp rút thực hiện 9 nhiệm vụ chiến lược và 8 kế hoạch bảo đảm trên 10 lĩnh vực trọng tâm.

Chín nhiệm vụ chiến lược sau:

(1) Phát triển khả năng sản xuất của quốc gia bằng việc nghiên cứu công nghệ cốt lõi, nâng cao năng lực thiết kế đổi mới, công nghiệp hóa các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ, thiết lập hệ thống đổi mới sản xuất quốc gia, cải cách hệ thống tiêu chuẩn, thiết lập và cải tiến cơ chế đánh giá quyền sở hữu trí tuệ.

(2) Thúc đẩy việc tích hợp đầy đủ các công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo và công nghiệp hóa; đồng thời, lấy sản xuất thông minh làm ưu tiên chính, bên cạnh đó, tập trung phát triển R&D, sản xuất, quản lý và dịch vụ.

(3) Củng cố khả năng tự chủ công nghiệp.

(4) Bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu.

(5) Nỗ lực chuyển đổi xanh, tích cực thúc đẩy các-bon thấp, tái chế, tăng hiệu quả tiêu thụ tài nguyên sản xuất, tăng cường quản lý sản phẩm xanh theo vòng đời và thiết lập một hệ thống sản xuất xanh hiệu quả cao.

(6) Thúc đẩy đột phá trong các lĩnh vực trọng điểm chiến lược như công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, dược phẩm sinh học và dành nguồn lực xã hội để phát triển các ngành công nghiệp chiến lược.

(7) Thúc đẩy các ngành công nghiệp truyền thống phát triển đến phân khúc trung cấp của thị trường và giảm dần công suất sản xuất dư thừa.

(8) Sản xuất theo định hướng dịch vụ và ngành dịch vụ sản phẩm.

(9) Thúc đẩy quốc tế hóa các ngành công nghiệp chính và hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tám nhiệm vụ bảo đảm thực hiện:

(1) Cải cách cơ chế thể chế; (2) Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; (3) Cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính; (4) Tăng cường hỗ trợ chính sách tài khóa và thuế; (5) Cải thiện hệ thống đào tạo nhân tài đa cấp, ngành; (6) Cải thiện chính sách đối với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ; (7) Mở rộng kết hợp sản xuất với nước ngoài; (8) Cải thiện bộ máy điều hành và cơ chế giám sát, đánh giá.

Tác động của chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc đối với Việt Nam

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển KHCN, hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác KHCN giữa Việt Nam – Trung Quốc vào năm 1992, thiết lập Ủy ban Hỗn hợp hợp tác về KHCN giữa Việt Nam – Trung Quốc. Trên lập trường hợp tác về KHCN cùng nền tảng phát triển của mối quan hệ truyền thống lâu đời này, những chính sách hoạch định về KHCN và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam. Chính vì vậy, chiến lược tự chủ về công nghệ của Trung Quốc tất yếu sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam thông qua một số cơ hội và thách thức sau.

Cơ hội đối với Việt Nam:

– Chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc sẽ tạo thêm nhiều lựa chọn trong áp dụng tiêu chuẩn công nghệ, ứng dụng hạ tầng công nghệ thích hợp, thỏa mãn nhu cầu và điều kiện riêng của mỗi quốc gia. Với các quốc gia ứng dụng và phát triển công nghệ ở diện rộng như Việt Nam, đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho những tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu ngày càng được cải tiến.

– Việt Nam có thể tận dụng thời điểm này để tăng cường các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, trong đó có công nghệ cao (CNC). Chiến lược tự chủ công nghệ của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi thông qua học hỏi, trao đổi và chuyển giao kỹ thuật.

– Việt Nam có cơ hội tiếp cận dễ dàng với các nguồn KHCN cao với giá cả hợp lý nhờ có chung đường biên giới với Trung Quốc. Ngược lại, khi Trung Quốc đã nắm trong tay nhiều sản phẩm CNC, họ sẽ có nhu cầu mở rộng thị trường và Việt Nam sẽ trở thành đối tác khá tiềm năng.

Thách thức:

– Trung Quốc đi đầu trong việc đề ra khái niệm “chủ quyền không gian mạng” và chủ động xác lập các quy định về quản trị không gian mạng từ năm 2015. Thách thức đặt ra đối với Việt Nam lúc này là xây dựng các khuôn khổ hành lang pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của Việt Nam trên các vùng không gian mạng. Để làm được điều đó, việc tập trung nguồn lực để nghiên cứu là hết sức quan trọng.

– Hàng hóa của Trung Quốc có nguy cơ thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Lúc này, các DN Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh khi phải đối đầu với những sản phẩm CNC có giá thành rẻ từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, nếu việc kiểm tra sản phẩm và yêu cầu chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam không được thực hiện khắt khe, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành nơi tập kết của những sản phẩm Trung Quốc chất lượng kém trong quá trình sản xuất và thử nghiệm.

– Các DN Việt Nam Nam cũng cần có sự đề phòng rủi ro khi phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Hiện tại, hoạt động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến lĩnh vực công nghệ của Việt Nam chưa được thúc đẩy mạnh mẽ; DN chủ yếu nâng cấp công nghệ bằng cách đưa máy móc, công nghệ từ nước ngoài vào dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn máy móc được nhập khẩu về lại có nguy cơ hoạt động kém hiệu quả do không có sự tương tích, lạc hậu so với công nghệ trên thế giới.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Chính sách ngoại giao, hợp tác về lĩnh vực công nghệ

Theo định nghĩa của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), “ngoại giao khoa học” (hay còn gọi là “ngoại giao công nghệ”) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc cung cấp tư vấn về KHCN cho các cuộc đàm phán đa phương và việc thực hiện các kết quả của những cuộc đàm phán đó ở cấp quốc gia. Ngoại giao khoa học là chính sách phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Đây là một trong những chiến lược chủ chốt thúc đẩy tiến trình phát triển công nghệ trong nước nói riêng và sự tăng trưởng quốc gia nói chung. Hiện nay, các chính sách hợp tác KHCN của Việt Nam gặp phải một số trở ngại, do vậy, cần có các chính sách sau:

Một là, Việt Nam cần có những công trình nghiên cứu sâu và toàn diện hơn về định nghĩa, nội hàm của khái niệm “ngoại giao công nghệ”. Những công trình nghiên cứu này sẽ đóng vai trò xác định vị trí của quốc gia, cung cấp chiến lược cho các hoạt động hợp tác KHCN quốc tế, giúp triển khai các chính sách có khả năng mang lại lợi ích về nhiều mặt cho đất nước.

Hai là, chọn lọc và xây dựng chính sách “ngoại giao công nghệ” phù hợp với bối cảnh kinh tế – chính trị trong nước. Sự gia tăng tính chính trị hóa và an ninh hóa của KHCN là rào cản giữa hoạt động hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các cường quốc công nghệ như Mỹ hoặc Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách để quản lý, thích ứng và phát triển trước những biến đổi trong khu vực và toàn cầu.

Ba là, trong chiến lược “ngoại giao công nghệ”, không nên bị lệ thuộc và bị động trước các công nghệ đến từ bên ngoài mà cần phải đề phòng trước tình huống bị đánh cắp cơ sở dữ liệu quốc gia qua việc tự chủ công nghệ “phần mềm” trước.

Chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao

Các khu CNC là nơi nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trình độ sản xuất, tạo động lực tăng trưởng cho các khu vực kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, các khu CNC vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng, việc hoạt động như thế nào cho hiệu quả và quá trình mở rộng quy mô của các khu CNC vẫn đang gặp nhiều bất cập về cơ chế, chính sách. Nhà nước đã ban hành Luật Công nghệ cao từ năm 2008, tuy nhiên, với tốc độ phát triển và tiến bộ của công nghệ, nhiều quy định pháp luật đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại, đặt ra yêu cầu thay đổi nhằm tạo môi trường tăng trưởng tốt nhất cho các khu CNC.

Thứ nhất, cần bổ sung chính sách về việc mở rộng, chuyển đổi các khu CNC trong Luật Công nghệ cao để tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực.

Thứ hai, hình thành cơ chế “một cửa” nhanh gọn, Nhà nước nên xem xét quy các thủ tục này về một mối, xác định rõ vị trí, chức năng, quyền hạn của ban quản lý các khu CNC, từ đó tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Thứ ba, tạo điều kiện để hình thành một hệ sinh thái CNC. Về cơ sở hạ tầng, cần phân bổ nguồn ngân sách để xây dựng các phòng nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, ngoài các phòng thí nghiệm, các cơ sở, dịch vụ vệ tinh liên quan cũng đóng vai trò vô cùng thiết yếu. Nhà nước cần quan tâm đến yếu tố hạ tầng, quyền sở hữu trí tuệ để đáp ứng các nhu cầu của việc sản xuất các mặt hàng, ngoài ra cũng nên giữ chân công nhân làm việc bằng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho người lao động.

Thứ tư, tăng cường ưu đãi để huy động nguồn vốn, Nhà nước cần ban hành quy định cho phép DN tư nhân đầu tư vào khu CNC, các quy định có thể bao gồm những ưu đãi về thuế và các lợi ích trong việc thuê cơ sở hạ tầng.

Thứ năm, thúc đẩy hội nhập các công nghệ tiên tiến đi kèm với nghiên cứu sáng tạo công nghệ mới, Việt Nam cần có những cơ chế để kiểm soát và chọn lọc các dự án từ nhà đầu tư nước ngoài vào CNC, các dự án này phải là các dự án mang công nghệ hiện đại và song song với đó, cần chú trọng hơn nữa việc khuyến khích các phòng thí nghiệm độc lập phát triển và áp dụng các công nghệ “Made in Vietnam”.

Thứ sáu, chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tương lai tại các khu CNC trọng điểm thông qua làm việc trực tiếp với ban quản lý của các hệ thống đào tạo, qua đó, bảo đảm được thế hệ nhân tài cho tương lai công nghệ tương lai nước nhà.

Chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư quốc tế

Lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực cho sự bứt phá vượt trội nhất, nhiều công nghệ hiện đại được chuyển giao và ứng dụng thành công như mạng cáp quang, mạng viễn thông số hóa, mạng 4G, 5G… Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được đánh giá là vẫn còn chậm, nhiều bất cập.

Trung Quốc đã sử dụng nhiều chính sách để ép các DN nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho DN nội. Nếu muốn đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có những chủ trương thích hợp để quá trình này không mang tính bắt buộc mà vẫn hiệu quả, ổn định. Một số chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư quốc tế có thể được kể đến như: đẩy mạnh các hoạt động tư quốc tế, ban hành các ưu đãi, hỗ trợ, xây dựng chiến lược chuyển giao công nghệ rõ ràng, nhất quán, đẩy mạnh hoạt động kết nối mang tính cung – cầu, và cuối cùng là nâng cao trình độ lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng.

Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao

So với Trung Quốc, Việt Nam đứng ở vị trí thấp hơn về xuất khẩu các loại hàng nông sản. Chính sách tối ưu nhằm khắc phục một số vấn đề của nông nghiệp Việt Nam lúc này là phát huy điểm mạnh sản xuất nông sản kết hợp CNC. Phát triển khoa học và cải tiến CNC ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp trọng tâm. Ứng dụng KHCN nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong nền nông nghiệp công nghệ từ bên trong, bằng các công nghệ tiên tiến, như: công nghệ sản xuất cây trồng hiệu quả an toàn; công nghệ nhân giống động vật khỏe mạnh; công nghệ thông tin ứng dụng trong nông nghiệp; công nghệ bảo tồn nước, nông nghiệp kỹ thuật số;… và các sản phẩm khoa học – kỹ thuật được tạo ra, như: vắc xin; công nghệ gen chọn lọc; phân bón sinh học; thuốc trừ sâu sinh học; hệ thống dữ liệu nông nghiệp; chuỗi thông tin nông nghiệp, đã nâng cấp các công nghệ công nghiệp và hình thành các ngành công nghiệp CNC. Đây cũng được xem là điểm sáng mà Trung Quốc thực hiện được trong chiến lược “Internet Plus” áp dụng vào nông nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi được từ những kỹ thuật trên để áp dụng vào nền nông nghiệp nước ta.

Chính sách nâng cao nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ

Trong “Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: phát triển nguồn nhân lực CNC chính là trọng tâm của các chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam giai đoạn tới.Về dài hạn, đây được coi là bước đi chính xác trong tầm nhìn của Chính phủ bởi mọi sự phát triển đều xuất phát từ sự thay đổi, tiến bộ của con người.

Một là, hoàn thiện khung chương trình đào tạo và khuyến khích học tập các ngành CNC. Việc các sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu về chuyên môn chính là nguyên nhân chính cho việc thiếu hụt lao động ngành này. Điều này một phần xuất phát từ việc phương pháp giáo dục của một số trường đại học, cao đẳng nghề chưa thực sự bám sát với hoạt động thực tiễn trong nghiên cứu và phát triển công nghệ của nước ta. Để khắc phục điều đó, trước tiên các tổ chức giáo dục có đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật cần phối hợp xây dựng lộ trình học vừa đáp ứng nền tảng lý thuyết vừa cung cấp những kiến thức thực tiễn cho người học, đặc biệt phải phục vụ được những công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm sau khi tham gia vào thị trường lao động.

Hai là, các DN, tổ chức cần ban hành những chính sách hấp dẫn nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển đa ngành trong lĩnh vực CNC. Thực tế cho thấy, rất nhiều du học sinh hay thậm chí các sinh viên tốt nghiệp trong nước lựa chọn làm việc, nghiên cứu tại các quốc gia phát triển vì bên cạnh lợi ích kinh tế họ còn có cơ hội phát huy năng lực chuyên môn, sự sáng tạo và có cơ hội tạo ra những sản phẩm hữu ích. Vì vậy, bên cạnh những lợi ích từ lương thưởng, phúc lợi thì các DN, tổ chức cũng cần tạo ra một môi trường lành mạnh để người lao động, nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn, năng lực có cơ hội được nghiên cứu và đóng góp cho tiến trình tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam” nhằm giúp nước ta giảm áp lực phụ thuộc hoạt động nhập khẩu sản phẩm lĩnh vực công nghiệp, CNC từ các nước phát triển.

Chú thích:
1. Betty XU (2015). China Internet Plus Strategy. Seconded European Standardization Expert in China Project (SESEC), SESEC III Report.
2. Chinadaily (2015). “Internet Plus” changes people’s lifestyles in China. http://www.chinadaily.com.cn, truy cập ngày 06/4/2022.
3. Phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn, ngày 24/7/2019.
4. Allen, Greory C. (2019). Understanding China’s AI Strategy: Clues to Chinese Strategic Thinking on Artificial Intelligence and National Security, Centre for New American Security.
5. Xiang Wu. (2018). Strategic Plan of “Made in China 2025” and Its Implementation. ResearchGate. DOI: 10.4018/978-1-5225-3468-6.ch001.
6. IoTONE (2015). Made in China 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Backgrounder (2018). Made in China 2025. Institute for Security & Development Policy – www.isdp.eu.
2. Jost Wübbeke, Mirjam Meissner, Max J. Zenglein Jaqueline Ives & Björn Conrad (2016), “MADE IN CHINA 2025 The making of a high-tech superpower and consequences for industrial countries”, Merics, Papers on China, No 2.
3. Max J. Zenglein & Anna Holzmann (2019), “Evolving MADE IN CHINA 2025 China’s industrial policy in the quest for global tech leadership”, Merics, Papers on China, No 8.
4. Zhong, X. & Yang, X. (2007), “Science and technology policy reform and its impact on China’s national innovation system”, Technology in Society, Volume 29, Issue 3, August 2007, Pages 317-325.
5. Baidu. (2011). 华人民共和国国民经济和社会发展第十二个五年 规划纲要.(Đại cương Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 phát triển kinh tế quốc dân và xã hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), truy cập ngày 16/08/2022 tại: https://baike.baidu.com/item/人民共和经济和社展第十二五年规划纲/8390358.
6. Keiti (Huiting) Wei. China’s Standards Development Strategy and Foreign Policy. UTokyo, Institute for Future Initiatives (IFI) Securities Studies Unit (SSU) MOFA Grant Research Project. FY2020 Working Paper Seri.
PGS.TS. Đặng Hoàng Linh
ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam
Học viện Ngoại giao