(Quanlynhanuoc.vn) – Học viện Hành chính Quốc gia bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học năm 1996 theo Quyết định số 2488/GD-ĐT ngày 24/7/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kể từ đó đến nay, chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia không ngừng được đổi mới, nâng cao và việc đổi mới phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu của học viên trong cả nước.
Khái quát về nhiệm vụ và quy mô đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia
Từ năm 2003, Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện) bắt đầu đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Quản lý Hành chính công theo Quyết định số 140/2002/QĐ-TTg ngày 18/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sỹ cho Học viện Hành chính Quốc gia (hiện nay là chuyên ngành Quản lý công).
Từ năm 1996 –2007, Học viện đào tạo trình độ thạc sỹ với 1 chuyên ngành duy nhất là: Quản lý nhà nước (sau đó tên chuyên ngành được đổi thành Quản lý Hành chính công và hiện nay là chuyên ngành Quản lý công). Từ năm 2008, Học viện bắt đầu thực hiện đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng (theo Quyết định số 563/QĐ-BGDĐT ngày 01/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng cho Học viện Hành chính).
Ngày 06/8/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2798/QĐ-BGDĐT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; chuyên ngành Chính sách công cho Học viện. Hiện nay, Học viện đang đào tạo chuyên ngành tiến sỹ Quản lý công và 5 chuyên ngành thạc sỹ là Quản lý công, Chính sách công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Tài chính ngân hàng, Quản lý kinh tế.
Tính đến thời điểm tháng 10/2022, Học viện đã tuyển sinh được 10.747 học viên cao học và 520 nghiên cứu sinh. Những học viên cao học, nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình nghiên cứu, học tập tại Học viện đa số đều làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, tại các bộ, ban ngành trung ương và địa phương thuộc nhiều lĩnh vực: Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các lực lượng vũ trang: Công an, Cảnh sát biển…
Trong việc liên kết đào tạo trình độ thạc sỹ với nước ngoài, Học viện đã thực hiện đào tạo liên kết với Trường Đại học Tempere, Phần Lan theo Quyết định số 50/QĐ-BGDĐT ngày 05/01/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép Học viện và Trường Đại học Tempere thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng Thạc sỹ Chính sách công và Quản lý tài chính. Tổng số học viên tốt nghiệp 04 khóa liên kết đào tạo cấp bằng thạc sỹ Chính sách công và Quản lý tài chính là hơn 100 học viên.
Công tác quản lý đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ luôn được quan tâm, đổi mới phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn, trong đó nổi bật là các nội dung: xây dựng các quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; xây dựng quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình bồi dưỡng giảng viên tham gia đào tạo sau đại học (ĐTSĐH); đổi mới hình thức giảng dạy và đánh giá luận văn, luận án; đổi mới quy trình quản lý ĐTSĐH. Học viện đã xây dựng và thực hiện “Đề án biên soạn đề cương, tài liệu chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tại Học viện Hành chính Quốc gia” trong giai đoạn từ năm 2018 -2020. Đến nay, Học viện đã hoàn thành 171 đề cương chi tiết và 52 tài liệu của các học phần thuộc chương trình đào tạo tiến sỹ Quản lý công và 5 chương trình đào tạo thạc sỹ.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện đã nghiên cứu, cho ý kiến xây dựng danh mục ngành phù hợp, ngành gần đáp ứng yêu cầu ĐTSĐH, xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sỹ; xây dựng Quy chế về bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng viên tham gia ĐTSĐH. Đồng thời, Học viện tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học thu hút được sự tham gia của nhiều học giả, nhà khoa học có uy tín. Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện được triển khai đa dạng về hình thức, tạo điều kiện cho viên chức và người lao động Học viện nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực chuyên môn, bổ sung thêm nguồn tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo đại học và sau đại học.
Một số yêu cầu mới trong đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay
Thứ nhất, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh và ĐTSĐH có rất nhiều thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện tuyển sinh, quy trình quản lý và chuẩn đầu ra. Các quy định có thể kể đến như: Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sỹ, với nhiều quy định mới về đối tượng, điều kiện dự tuyển và các yêu cầu cao hơn đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo; kế hoạch và thời gian đào tạo được quy định chặt chẽ hơn… Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 21/6/2021 ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ với nhiều thay đổi như quy định về điều kiện dự tuyển; tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh; điều kiện để nghiên cứu sinh bảo vệ luận án…
Thứ hai, nguồn dự tuyển trình độ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ đang có xu hướng giảm, do nhiều nguyên nhân. Có thể từ nhu cầu chung của xã hội trong đào tạo trình độ sau đại học sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, sức hút của chuyên ngành đào tạo, quy định về chuẩn đầu vào chặt chẽ hơn… Đặc biệt, đối tượng học viên là cán bộ, công chức, viên chức các địa phương khó có cơ hội tham gia ĐTSĐH tại Học viện dù nhiều địa phương có nhu cầu đào tạo chuyên sâu về quản lý công, chính sách công, luật, kinh tế, tài chính.
Điều này đòi hỏi Học viện phải đa dạng hoá hình thức đào tạo như đào tạo trực tiếp kết hợp đào tạo trực tuyến; tăng cường năng lực cạnh tranh của Học viện (chương trình đào tạo tiên tiến; nội dung đào tạo hiện đại, cập nhật; đội ngũ giảng viên chất lượng cao; cơ sở vật chất hiện đại; quy trình, thủ tục quản lý đào tạo đơn giản, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo…) trong đó, chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng và quyết định nhất đối với thương hiệu và khả năng cạnh tranh của Học viện trong ĐTSĐH.
Thứ ba, năng lực của Học viện trong ĐTSĐH chưa tương thích với yêu cầu quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Học viện cần có thời gian để gia tăng cả về số lượng và chất lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu mới trong ĐTSĐH.
Định hướng phát triển đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia thời gian tới
Để Học viện trở thành địa chỉ tin cậy về ĐTSĐH, cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị và cho xã hội trong bối cảnh mới, thời gian tới Học viện có thể tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, cần thay đổi nhận thức về ĐTSĐH cho các đối tượng học viên, trong đó chú trọng đến nhóm đối tượng đặc thù và chiếm số đông của Học viện là cán bộ, công chức, viên chức. Đào tạo là quá trình phát triển năng lực với mục tiêu để nâng cao năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, ĐTSĐH tại Học viện hướng đến đối tượng đặc thù là cán bộ, công chức, viên chức phải hướng đến mục tiêu, đến hiệu quả làm việc sau quá trình ĐTSĐH của họ.
Hai là, tiếp tục đa dạng hóa ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ phù hợp với thế mạnh của Học viện, đáp ứng nhu cầu ĐTSĐH của xã hội và triển khai tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ ngành Quản lý công theo Đề án 89 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục và đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình ĐTSĐH. Các chương trình, tài liệu đào tạo cần được cập nhật thường xuyên và điều chỉnh cho phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên. Quá trình xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo cần phải nâng cao tính tương tác giữa Học viện với cơ quan quản lý, sử dụng lao động và với chính học viên để xác định chính xác những thiếu hụt trong năng lực của họ. Cần bảo đảm chương trình, tài liệu đào tạo cập nhật được các kiến thức mà người học cần biết, phải biết và nên biết.
Quá trình xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo cần mở rộng sự tham gia bảo đảm tập hợp được các nhà khoa học đúng ngành, các nhà khoa học tiếp cận liên ngành, đa ngành và thường xuyên cập nhật để chương trình, tài liệu bảo đảm cung cấp tri thức mà nền công vụ, các cơ quan sử dụng lao động và bản thân người học thực sự cần.
Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Học viện cần có cơ chế cho giảng viên đi thực tế với thời gian từ 3-6 tháng ở các địa phương, các bộ ngành để có thông tin thực tiễn, phục vụ cho việc giảng dạy. Ở nhiều nước trên thế giới, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đóng vai trò là người tổ chức còn giảng viên là những chuyên gia, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Trên thực tế, những người có kinh nghiệm trong việc thực hiện những công việc đó mới biết được và chỉ dẫn cụ thể được phải làm việc đó như thế nào và làm sao để đạt hiệu quả cao nhất. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng phát triển đội ngũ giảng viên kiêm chức sẽ có được một đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có bề dầy kinh nghiệm quản lý và công tác thực tiễn.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, đội ngũ này cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Học viện là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức nên rất khác biệt với các trường đại học khác do đó cần tìm kiếm những nhà quản lý giỏi, những công chức giỏi trong lĩnh vực công tác của họ để làm giảng viên kiêm chức.
Năm là, đổi mới hình thức đào tạo. Đào tạo trực tuyến thông qua lớp học ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng cần là xu hướng đào tạo trong tương lai gần. Đào tạo ngày càng đòi hỏi tính chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, rèn luyện thái độ phù hợp. Nội dung đào tạo không ngừng tăng lên cả về khối lượng kiến thức và kỹ năng. Điều này mâu thuẫn với những rào cản về không gian và thời gian đối với cả giảng viên và học viên. Đào tạo trực tuyến chính là chìa khóa quan trọng để giải quyết mâu thuẫn đó. Bởi lẽ, đào tạo trực tuyến là hoạt động đào tạo hiện đại, ứng dụng những thành tựu của phát triển của khoa học, công nghệ (thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), phù hợp với các quốc gia có diện tích rộng lớn, các cơ quan nhà nước trải dài trên vùng lãnh thổ rộng lớn. Đào tạo trực tuyến thường có hiệu quả cao gấp nhiều lần so với đào tạo thông thường do: học viên có thái độ và động lực học tập tốt hơn vì họ tự nguyện tham gia hoạt động đào tạo; do phải thiết kế bài giảng và thực hiện video nên giảng viên sẽ chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc hơn.
Đào tạo trực tuyến tăng cường cơ hội tiếp cận giữa học viên với các giảng viên có năng lực. Với việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào đào tạo cho phép tăng cường số lượng cán bộ, công chức được đào tạo mà không cần đầu tư mở rộng số lượng phòng học. Giới hạn về số lượng về lớp trong một khóa đào tạo ở phương pháp đào tạo truyền thống được khắc phục triệt để thông qua phương pháp đào tạo trực tuyến. Điều này cũng giúp cho đào tạo trực tuyến có chi phí thấp hơn do giảm chi phí đi lại, tiền giảng và thời gian cho cả giảng viên và người học.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong ĐTSĐH. Mục tiêu, yêu cầu của hợp tác quốc tế trong ĐTSĐH trong giai đoạn hiện nay là nghiên cứu tiếp thu, áp dụng các mô hình hiệu quả, các chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tiên tiến phù hợp với thực tiễn Việt Nam và Học viện.