Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công theo nhu cầu xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị tiên phong đề xuất và thí điểm thành công mô hình cung cấp dịch vụ công trong hoạt động nghiên cứu khoa học bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo đó, Viện đã tập trung, chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động và đạt hiệu quả rõ nét trên nhiều phương diện, dần khẳng định thương hiệu, uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hành chính, khoa học quản lý và cung ứng các dịch vụ công theo nhu cầu xã hội.
Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia.

Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính (sau đây viết tắt là Viện) được thành lập ngày 02/11/1992 với tên ban đầu là Viện Nghiên cứu Hành chính trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia (HCQG) có chức năng tổ chức nghiên cứu khoa học về hành chính, quản lý nhà nước, chính sách công, cung ứng dịch vụ công và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chung về đẩy mạnh tự chủ tài chính, đồng thời, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện đã chủ động đề xuất thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ công theo nhu cầu xã hội trong hoạt động ĐTBD gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học một cách có hiệu quả trên nhiều phương diện.

Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, Viện đã có những bước phát triển trong hoạt động ĐTBD, cụ thể: đã tổ chức 337 lớp bồi dưỡng với 24.083 học viên, bình quân khoảng 70 lớp/năm trên khắp cả nước, trong đó nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, như: huyện Tịnh Biên(tỉnh An Giang); huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang)… góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời kỳ hội nhập.

Song song với công tác ĐTBD, Viện cũng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện chủ trì và hoàn thành bảo vệ 5 đề tài cấp tỉnh, kịp thời cung cấp các luận cứ khoa học nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương; đồng thời hiện nay đang chủ trì triển khai 2 đề tài khoa học cấp quốc gia (từ năm 2022 – 2024), 1 đề tài cấp tỉnh (từ năm 2022 – 2023) với tổng kinh phí khoảng 8.650 tỷ đồng. Cùng với đó, Viện đã tổ chức được 5 hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, trong đó kinh phí được Viện huy động từ nguồn xã hội hóa. Hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có kinh nghiệm và đội ngũ giảng viên của Học viện HCQG. Các hội thảo đã tạo sức lan tỏa trên phạm vi toàn quốc, là diễn đàn khoa học trực tiếp hỗ trợ các giảng viên công bố các công trình khoa học, có đủ điều kiện hướng dẫn khoa học cho học viên sau đại học.

Những kết quả nêu trên thể hiện rõ nỗ lực và sự quyết tâm đổi mới toàn diện của tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của Viện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, điển hình là các nội dung sau:

Thứ nhất, đột phá trong tư duy và năng lực quản trị theo hướng gắn các hoạt động cung cấp dịch vụ công về bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội và cạnh tranh thị trường.

Trong 5 năm gần đây, Viện có sự biến động về nhân sự do thực hiện sắp xếp tổ chức hành chính vàđơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nội vụ, Viện đã tiếp nhận 11 viên chức, người lao động từ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ. Nhận thấy đây là nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm trong hoạt động ĐTBD, do đó, cấp uỷ, lãnh đạo Viện đã tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, ổn định tư tưởng, phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo của các cá nhân, tạo được sự đồng thuận, thống nhất ngay từ đầu trong toàn bộ viên chức, người lao động về mục tiêu và định hướng phát triển của Viện. Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo Viện chú trọng tạo động lực, bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho người lao động. Đây là những nội dung quan trọng trong tiến trình phát triển Viện nhằm đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bám sát nội dung “Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công”, Viện đã chủ động đề xuất Ban Giám đốc Học viện HCQG giao cho Viện thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công trong hoạt động bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội nhằm phát huy năng lực viên chức, người lao động của Viện, đồng thời tạo nguồn thu sự nghiệp.

Cùng với đó, Viện phối hợp triển khai các hoạt động nghiên cứu để cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học cho các bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng hoạch định chính sách; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành và lãnh thổ. Viện đã trực tiếp lập hồ sơ tham gia tuyển chọn và chủ trì hoàn thành nghiệm thu 5 đề tài cấp tỉnh (Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đắk Lắk) và đang chủ trì triển khai 2 đề tài cấp quốc gia thực hiện giai đoạn năm 2022 – 2024; 1 đề tài cấp tỉnh thực hiệntrong năm 2022. Kinh phí thực hiện của các đề tài này là gần 14 tỷ đồng, có sự tham gia của khoảng 110nhà khoa học của Học viện HCQG, do đó những kết quả nghiên cứu được các địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là cơ hội để viên chức, người lao động của Viện tham gia trực tiếp hoạt động nghiên cứu khoa học các đề tài cấp tỉnh, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học…

Trong thời gian tới, Viện tiếp tục đề xuất, chủ động đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp bộ, cấp tỉnh (từ 10 – 15 nhiệm vụ/năm, phấn đấu được giao chủ trì từ 3 – 5 nhiệm vụ/năm), đồng thời, đề xuất cơ chế thu hút, khuyến khích đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, tăng cường và đổi mới quản lý hoạt động khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tổ chức, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp.

Thứ hai, xác lập thể chế quản lý hiệu quả và xây dựng tác phong chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ công của cán bộ, viên chức và người lao động.

Từ năm 2017, Viện đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 đối với lĩnh vực khoa học. Viện được ghi nhận là đơn vị tiên phong trong áp dụng kiến thức quản lý mới, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả của Học viện, đồng thời là một trong số ít các tổ chức KHCN trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn của cả nước áp dụng liên tục, hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 trong quản trị nội bộ.

Công tác ban hành các quy định, quy chế quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ công trong bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội luôn được lãnh dạo Viện quan tâm. Ngoài việc chấp hành các quy định, quy chế của Học viện HCQG, Viện cũng chủ động, tích cực hoàn thiện thể chế quản lý theo thẩm quyền và thực hiện các hoạt động lãnh đạo cũng như công tác chuyên môn, như: (1) Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý hoạt động mở lớp theo nhu cầu xã hội của Viện; (2) Thường xuyên tổ chức họp giao ban định kỳ hằngtháng và theo chuyên đề để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, sớm đưa hoạt động bồi dưỡng đi vào nề nếp ngay từ đầu theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; (3) Thực hiện chế độ phân công nhiệm vụ cụ thểcho từng cá nhân trong quá trình thực hiện hoạt động bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Xây dựng kế hoạch mở lớp hàng năm, trong đó, giao chỉ tiêu mở lớp cho các viên chức lãnh đạo, bao gồm cả Viện trưởng để phát huy được năng lực, vai trò lãnh đạo, tính gương mẫu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đội ngũ viên chức, người lao động của Viện đã sớm định hình được tác phong chuyên nghiệp, hiệu quả trong quá trình lập hồ sơ mở lớp, hồ sơ học tập, các hoạt động thanh toán, quyết toán, bảo đảm yêu cầu hướng đến chất lượng, giữ uy tín với đối tác và hỗ trợ học viên tối đa.

Đặc biệt, Viện đã lập hồ sơ, tham gia đấu thầu thành công nhiều gói thầu bồi dưỡng, tiếp tục phát huy kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ tham gia tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN các cấp. Công tác quản lý hồ sơ, tài liệu các hoạt động cung ứng dịch vụ công theo nhu cầu xã hội tuân thủ các quy định về lưu trữ, đi vào nề nếp. Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khoa học, giảng viên và học viên phục vụ công tác quản lý và khai thác, sử dụng.

Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường phân cấp nhằm nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ công theo nhu cầu xã hội.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà khoa học thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ KHCN các cấp đã được giao, Viện tích cực huy động, khuyến khích các nhà khoa học tham gia tuyển chọn các đề tài cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh các năm tiếp theo. Viện chủ động bám sát các bộ, ngành và địa phương để tiếp nhận thông tin, thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ các nhà khoa học của Học viện HCQG tham gia đề xuất định hướng nghiên cứu, tham gia tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp, đặc biệt là nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh. Viện cũng chủ động đề xuất tham mưu nhiều chủ đề khoa học có giá trị và ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, cùng với việc tổ chức thanh công 5 hội thảo quốc tế, quốc gia, kinh phí lấy từ nguồn xã hội hoá.

Viện chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo định hướng của Bộ Nội vụ, Bộ KHCN, giúp Ban Giám đốc Học viện HCQG quản lý thống nhất, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, cung ứng các dịch vụ công theo nhu cầu xã hội nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế gắn với yêu cầu đổi mới nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện có hiệu quả tự chủ tài chính.

Thứ tư, tạo nguồn thu sự nghiệp cho Viện thực hiện tự chủ về tài chính.

Để phát huy khả năng của Viện, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện tăng cường mở các lớp bồi dưỡng và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội. Hoạt động cung ứng dịch vụ công theo nhu cầu xã hội hiện nay là nguồn thu sự nghiệp quan trọng, từng bước tạo nền tảng tài chính cho Viện phát triển.

Hiện nay, tổng doanh thu sự nghiệp giai đoạn 2017 – 2021 của Viện là 48.902 tỷ đồng, trong đó có khoảng 2.435 tỷ đồng từ hoạt động nghiên cứu khoa học, gồm: (1) Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp quốc gia: 8.250 tỷ đồng; cấp bộ: 1,650 tỷ đồng; cấp cơ sở: 1.912 tỷ đồng. (2) Nhiệm vụ ĐTBD theo nhu cầu xã hội khoảng 9,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2022 các nhiệm vụ đã được phê duyệt tạo doanh thu 14.612 tỷ đồng (hoạt động khoa học 11.812 tỷ đồng, hoạt động mở lớp 2,8 tỷ đồng), đạt 69,5% tổng doanh thu dự kiến.

Ngoài ra, Viện đã trích lập được các quỹ theo quy định như: quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ ổn định thu nhập, quỹ chi cải cách tiền lương, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi để thực hiện chi trả theo quy định của Học viện HCQG, tăng thu nhập cho người lao động. Viện thực hiện chi trả trực tiếp 70.510 giờ giảng cho giảng viên Học viện HCQG và chi trả theo chế độ cho gần 100 nhà khoa học của Học viện tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện và của Viện trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Sự quyết tâm, cố gắng của lãnh đạo Viện và tập thể viên chức, người lao động trong thời gian qua đã từng bước khẳng định hình ảnh Viện là một tổ chức chuyên nghiệp, hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao.

Năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, nghiên cứu viên được quan tâm ĐTBD từ thực tiễn nghiên cứu khoa học và tham gia tổ chức nghiên cứu khoa học đã giúp cho Viện có được một đội ngũ viên chức, nghiên cứu viên có năng lực, trình độ cao, có môi trường làm việc chuyên nghiệp, có kỷ luật, kỷ cương.

Hiện nay, Viện tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học với kết quả nghiên cứu có chất lượng cao, đến nay, có 1 chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia, 18 chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở, 5 đề tài khoa học cấp Bộ, tỉnh; đồng thời là thành viên của nhiều đề tài khoa học các cấp; xuất bản nhiều bài báo khoa học có giá trị. Nhiều viên chức của Viện tích cực tham gia biên soạn các giáo trình đào tạo đại học và sau đại học, tài liệu bồi dưỡng của Học viện.

Không chỉ tiên phong đổi mới và thành công với mô hình cung ứng dịch vụ công trong hoạt động nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội trong những năm gần đây, mà trong suốt quá trình xây dựng và phát triển (từ năm 1992 đến nay), Viện cũng đã chủ động, linh hoạt, vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Phát huy những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 30 năm qua, tập thể cấp ủy, lãnh đạo và viên chức, người lao động của Viện quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, viên chức và người lao động; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo bước phát triển bền vững. Cùng với đó, phấn đấu phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng Viện trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu về khoa học hành chính theo định hướng của Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.

TS. Đặng Thành Lê
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính
Học viện Hành chính Quốc gia