Xây dựng và phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ cơ bản đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức là vấn đề mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải giải quyết nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh.
Ảnh minh họa (internet).
Xây dựng và phát triển đô thị thông minh – yêu cầu tất yếu gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đã và đang là xu hướng tất yếu gắn với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư ở mọi quốc gia trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững. ĐTTM là các đô thị sử dụng công nghệ hiện đại gắn liền với các tiện ích phục vụ cho cuộc sống. Các hoạt động quản lý tại ĐTTM đều được tích hợp công nghệ mới. ĐTTM giúp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó giúp cho môi trường sống lành mạnh và an toàn hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia Hoa Kỳ, dự kiến đến 2050, dân số thành thị sẽ vào khoảng 6,3 tỷ người. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ, trong 20 năm nữa sẽ có 800 triệu người đến thành phố sinh sống. Diện tích của các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích trái đất nhưng chứa 50% dân số hoặc nhiều hơn và các thành phố tiêu thụ khoảng 75% năng lượng, thải ra 80% lượng CO21. Xu thế ngày càng nhiều người dân đổ về khu vực thành thị tạo ra áp lực lớn về giao thông, năng lượng, môi trường, y tế, thực phẩm, nước sạch… Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay cần phải ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) hiện đại để giải quyết các vấn đề của đô thị, trong đó ưu tiên ứng dụng các công nghệ có tính đột phá, sáng tạo.

Tại Việt Nam, chủ trương xây dựng và phát triển ĐTTM đã được xác định tại các nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM. Về triển khai các dịch vụ ĐTTM, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra, còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh…2.

Cơ hội thách thức của Việt Nam đối với mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị thông minh

Những cơ hội đối với mục tiêu xây dựng và phát triển ĐTTM

Một là, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế, mọi quốc gia đều có sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau, nếu không có sự hợp tác, sẽ không có hiệu quả trong mục tiêu phát triển. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có ảnh hưởng lẫn nhau, đây chính là cơ hội để phát triển. Các nước đang phát triển có thể tìm hướng đi phù hợp cho mình trong việc phát triển KHCN, phát triển kinh tế – xã hội. Tận dụng thời cơ và hạn chế thách thức là tuỳ thuộc vào bản lĩnh, năng lực và trí tuệ của mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam hiện nay cũng đang tích cực tận dụng mọi cơ hội, nhất là sau khi gia nhập WTO để phát triển đột phá, đưa đất nước lên một trình độ mới, nhanh và bền vững. Chủtrương, chính sách mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra đã nắm bắt được những cơ hội trong hợp tác phát triển giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, điều này sẽ góp phần đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển ĐTTM.

Hai là, cùng với quá trình hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế, cuộc CMCN lần thứ tư đã tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nước để chuyển giao và tiếp nhận công nghệ mới, phục vụ đắc lực cho mục tiêu xây dựng ĐTTM trong mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, các nước đang phát triển muốn tận dụng những thành tựu KHCN của thế giới để làm nền tảng cho sự sáng tạo công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với thời đại kinh tế tri thức và kinh tế toàn cầu hóa thì KHCN ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy toàn cầu hóa phát triển và ngược lại, toàn cầu hóa làm xuất hiện nhiều nhân tố tạo động lực cho KHCN phát triển. Chính điều này có thể tạo điều kiện cho các nước đang phát triển “đi tắt – đón đầu” bằng năng lực nội sinh về KHCN, phát huy tiềm lực và tận dụng tối đa những thời cơ có được từ quá trình toàn cầu hóa.

Những thách thức đặt ra

Thứ nhất, mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển ĐTTM, song nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến ĐTTM còn chưa đồng bộ và thiếu tính liên ngành; quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển ĐTTM và tiêu chí đánh giá ĐTTM chưa được thống nhất ban hành; tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Rõ ràng, việc xây dựng và phát triển ĐTTM rất cần phải dựa trên một hành lang pháp lý đồng bộ và có hiệu quả.

Thứ hai, việc xây dựng và phát triển ĐTTM ở mỗi địa phương cần phải phát huy lợi thế của địa phương, đồng thời khắc phục những điểm yếu xuất phát từ chính những đặc thù của địa phương. Điều đó cho thấy, chính quyền mỗi địa phương cần nghiên cứu, xem xét kỹ các đặc thù của địa phương để xây dựng và lựa chọn một mô hình ĐTTM phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng ĐTTM, một số địa phương lại nóng vội, học hỏi một cách máy móc mô hình của địa phương khác hoặc mô hình quốc tế, trong khi chưa xem xét mức độ phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực thi. Rõ ràng, mỗi địa phương sẽ có những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, do vậy, nếu không có sự nghiên cứu kỹ để đưa ra một mô hình ĐTTM phù hợp, việc đạt được mục tiêu này sẽ khó có tính khả thi.

Thứ ba, xây dựng và phát triển ĐTTM phải dựa trên một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bảo đảm, trong đó đặc biệt là vấn đề quy hoạch. Cần phải nhấn mạnh, quy hoạch là vấn đề then chốt trong việc xây dựng và phát triển ĐTTM. Một ĐTTM không thể song hành với một quy hoạch chắp vá, lộn xộn và không có tính hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề lớn đặt ra đối với các đô thị hiện nay ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, phần lớn các địa phương đang tập trung nhiều cho dịch vụ ĐTTMmà chưa quan tâm đến phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng ngầm…). Nếu chỉ tập trung cho phát triển dịch vụ ĐTTM thì chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề quản lý và phát triển đô thị mà chưa giải được những vấn đề căn cơ, những bài toán lớn của đô thị, như: quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải, ngập lụt trong đô thị… Trong khi đó, các vấn đề cơ bản của đô thị cần phải được giải quyết triệt để, tạo cơ sở cho việc triển khai xây dựng ĐTTM.

Thứ tư, bên cạnh hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng và phát triển ĐTTM đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng dữ liệu thông tin đầy đủ, đồng bộ và chia sẻ. Đây chính là một thách thức đặt ra khi nhiều các địa phương hiện nay chưa chú ý đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược phát triển dữ liệu, chưa quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất. Việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt trong quản lý cư dân đô thị cần phải được quan tâm đúng mức trước mục tiêu xây dựng ĐTTM. Đây cũng là một thách thức lớn đặt ra đối với các thành phố lớn hiện nay ở Việt Nam, trong bối cảnh hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành phố để tìm việc làm ngày càng tăng.

Thứ năm, phát triển ĐTTM, dịch vụ ĐTTM cần phải thực hiện song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của ĐTTM. Bản thân mỗi người dân, doanh nghiệp cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển ĐTTM, thấy rõ được trách nhiệm của chính mình trước mục tiêu xây dựng ĐTTM tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tham gia cùng với chính quyền trong phát triển ĐTTM. Sẽ rất khó để triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, ứng dụng công nghệ số trong quản trị số nếu mỗi người dân chưa nhận thức và hiểu được việc sử dụng công nghệ số hiện nay.

Thứ sáu, việc xây dựng và phát triển ĐTTM cần đặt song song với liên kết vùng, liên kết khu vực nhằm phát triển lợi thế của mỗi địa phương, mỗi vùng. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các địa phương khi triển khai xây dựng ĐTTM chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ của đô thị/thành phố hay địa phương mình mà chưa tính toán đến các yếu tố để có thể tận dụng được những lợi thế mang lại từ liên kết vùng, khu vực.

Một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Một là, việc xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào. Vì vậy, cần có sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương để đạt được mục tiêu đặt ra. Trong quá trình xây dựng ĐTTM có thể sẽ có những khó khăn, rào cản, vì vậy phải có sự quyết tâm và sự phối hợpchặt chẽ để giải quyết các vấn đề đặt ra. Đồng thời, cũng cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, không trùng lặp. Việc xây dựng ĐTTM cũng chính là quá trình chuyển đổi số trong đô thị đó.

Hai là, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng của tiến trình xây dựng ĐTTM, vừa là chủ thể tham gia xây dựng ĐTTM thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa phù hợp. Điều đó cho thấy mỗi người dân phải nhận thức được vai trò cũng như trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và phát triển ĐTTM. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ về công nghệ thông tin để khai thác sử dụng có hiệu quả. Một hạ tầng thông tin ĐTTM hiện đại nhưng người dân không biết, không muốn hay không đủ khả năng khai thác sử dụng thì cũng không mang lại lợi ích.

Ba là, phát triển ĐTTM phải được bắt đầu từ khâu quy hoạch đô thị, đây phải được xem là điểm mấu chốt trong xây dựng ĐTTM. Xây dựng và phát triển ĐTTM phải được thể hiện trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Cần có các quy chế, quy chuẩn bảo đảm các cấu phần ĐTTM có thể kết nối thành một tổng thể ĐTTM bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến các kết cấu hạ tầng về giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, kiến trúc đô thị… Điều này cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề đô thị đặt ra như ùn tắc giao thông, ngập lụt hay ô nhiễm môi trường đô thị…

Bốn là, cần tập trung xây dựng đầy đủ và đồng bộ hạ tầng thông tin dữ liệu đô thị, hạ tầng số. Đây chính là yếu tố nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế – xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị. Hệ thống hạ tầng thông tin đô thị cần phải được kết nối, chia sẻ giữa các cấp chính quyền, giữa các ngành, lĩnh vực tại địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển ĐTTM.

Năm là, đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số vào các lĩnh vực tại đô thị với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, xây dựng các tiện ích thông minh tại đô thị,như: hệ thống chỉ dẫn giao thông thông minh, chỗ đỗ xe gắn cảm biến, hệ thống camera bảo vệ an toàn đối với người dân đô thị, các tiện ích thông minh về an sinh xã hội (bảo vệ người vô gia cư, người già neo đơn…)…

Sáu là, ĐTTM phải gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Các tổ chức kinh tế cần tận dụng tối đa công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ và phân phối sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế đáp ứng mục tiêu phát triển. Rõ ràng, xây dựng và phát triển ĐTTM cũng đòi hỏi đô thị đó cần phải có một nền kinh tế thông minh, trong đó kinh tế số phải được ưu tiên phát triển.

Trong bối cảnh cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc CMCN lần thứ tư hiện nay, xây dựng, phát triển ĐTTM ở Việt Nam có những cơ hội và không ít thách thức đặt ra, điều này đòi hỏi chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức, góp phần đưa Việt Nam vững bước trong thế kỷ XXI.

Chú thích:
1. Cần xây dựng tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 16/6/2022.

2. Xây dựng đô thị thông minh: Hiệu quả, bài học từ triển khai thực tế tại Việt Nam. https://namdinh.gov.vn, ngày 05/10/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tuấn Anh. Đẩy mạnh chuyển đổi số theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 533 (7/2022).

2. Chu Tiểu Bình. Ảnh hưởng của quy hoạch bền vững đối với phát triển đô thị bền vững. Hội nghị Phát triển Đô thị bền vững, Hồ Chí Minh, 2010.
3. Nguyễn Trọng Chuẩn. Những vấn đề toàn cầu trong thập niên đầu thế kỷ XXI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.
5. Đậu Hương Nam. Rủi ro toàn cầu đối với việc thực hiện các chiến lược quốc gia và một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 531 (5/2022).
6. Nguyễn Hồng Sơn. Đặc điểm đô thị Việt Nam từ góc nhìn văn hóa. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 525 (11/2021).
7. Cần xây dựng tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 16/6/2022.
8. Đại đô thị tái định hình không gian sống tại Việt Nam. https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 05/6/2022.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Học viện Hành chính Quốc gia