(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0 của cả nước. Các tỉnh miền núi phía Bắc không nằm ngoài xu thế này. Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đang là vùng có những chuyển biến tích cực, “thay da, đổi thịt” nhanh chóng cả về đời sống tinh thần và kinh tế – xã hội nhờ nắm bắt được sự dịch chuyển của khoa học – công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đối với chính quyền cũng như người dân.
Vai trò của chính quyền điện tử
Chính phủ đang rất quyết tâm thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của về chính phủ điện tử, trong đó nêu các chủ trương, biện pháp để nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời nhấn mạnh, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính. CQĐT là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), phục vụ người dân và các tổ chức, doanh nghiệp (DN) một cách tốt hơn.
Trước hết, đó là những lợi ích căn bản mà CQĐT mang lại:
Thứ nhất, làm tăng hiệu quả làm việc của các CQNN và chính quyền các cấp; tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của CQNN.
Thứ hai, người dân và DN được các CQNN cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa DN và người dân phải trực tiếp đến các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Thứ ba, thông qua hệ thống được số hóa, các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, doanh nghiệp tới các CQNN tiếp tục hoàn thiện nhanh hơn so với trước đây chủ yếu nhận đơn thư, giấy tờ truyền thống, từ đó, công tác tổ chức, các quy trình nghiệp vụ…, được nâng cao hiệu quả hoạt động của các CQNN. Tiết kiệm thời gian và chi phí trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, hệ thống một cửa điện tử hiện đại, đồng bộ được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch.
Thứ năm, hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc (TD-Office) được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử.
Thứ sáu, hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai tại các điểm cầu đang phát huy hiệu quả, điều này thể hiện rõ nhất trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Bên cạnh đó, hệ thống phòng họp không giấy (Ecabinet) tại các sở, ban, ngành, huyện, xã cũng dần được triển khai tại một số địa phương miền núi phía Bắc, như: Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái…
Và một điểm đặc biệt mà CQĐT đem lại đó là nó có sự gắn kết chặt chẽ với xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Để bảo đảm xây dựng và phát triển đô thị thông minh thành công, các tỉnh, thành phố hiện nay cần một nền tảng dữ liệu mở, mà ở đó bất kỳ dữ liệu nào được tạo ra, lưu trữ, thu thập và phát hành bởi Nhà nước, chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội, các công ty…, trong các hoạt động của chính quyền hoặc liên quan đến các quyết định đưa ra củachính quyền đều có giá trị sử dụng và chia sẻ cho các thành phần khác hoặc cộng đồng sử dụng (dữ liệu mở). Sự khác biệt giữa dữ liệu mở với các trang thông tin điện tử ở đây chính là “số liệu gốc” và các công cụ để xử lý dữ liệu đó. Từ đó, mở ra hai chiều tương tác, chiều thứ nhất là sự minh bạch tham gia hợp tác giữa Chính phủ, tổ chức, DN, người dân; đồng thời, ở chiều ngược lại người dân cũng tham gia phản biện với hiệu quả hoạt động của các CQNN.
Thực trạng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở một số tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay
(1) Tỉnh Quảng Ninh: những năm qua, trên cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý quan trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng thành công CQĐT, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả nổi bật. Đề án Xây dựng CQĐT của Quảng Ninh được triển khai từ rất sớm, tạo tiền đề quan trọng để hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tỉnh. Cụ thể, ngày 28/9/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Xây dựng CQĐT giai đoạn 2012 – 2014.
Tại thời điểm này, việc xây dựng CQĐT được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính, nhưng triển khai chưa mang tính tổng thể. Việc xây dựng CQĐT mới trong thời kỳ đầu, chưa có điển hình thành công để làm căn cứ, rút kinh nghiệm… Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai, thực hiện giai đoạn II của Đề án. Mục tiêu là xây dựng và hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh, hướng tới phát triển CQĐT.
5 năm liên tiếp (từ năm 2017 – 2021), Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đặc biệt, năm 2018, Quảng Ninh đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng Giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, sau những nỗ lực và thành công trong xây dựng CQĐT. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) luôn thuộc top đầu cả nước. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 11.
Với nỗ lực triển khai thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 (Nghị định 45) của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh… Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.806 dịch vụ công, trong đó 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.429 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia là 1.223 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%. Cùng với đó, để đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, tỉnh cũng tiếp tục triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tổng số TTHC toàn tỉnh là 1.806 thủ tục, trong đó cấp tỉnh là 1.400 TTHC, cấp huyện là 281 TTHC, cấp xã là 117 TTHC. Trong 1.278 TTHC của các sở, ngành thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thì có tới 943 thủ tục thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ, chỉ còn 335 TTHC còn lại không thực hiện phê duyệt tại Trung tâm. 100% TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đều xây dựng quy trình nội bộ giải quyết, bảo đảm phân rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với công tác rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định2.
Xây dựng CQĐT, thành phố thông minh, tiến tới xây dựng chính quyền số là mục tiêu lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh. Người dân chính là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này được thực hiện thành công. Tuy đích đến vẫn còn chặng đường không ngắn, nhưng việc ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT của Quảng Ninh đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, cộng với định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, lấy CNTT làm ngành kinh tế mũi nhọn sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh. Hy vọng, với những cách làm và nỗ lực riêng của mình, Quảng Ninh sẽ đến gần hơn với mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.
(2) Tỉnh Phú Thọ: thời gian qua, hoạt động xây dựng CQĐT được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và DN thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch với CQNN. Tiếp nối những thành công này, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thực hiện Đề án phát triển CQĐT hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra của tỉnh là chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của tỉnh làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số.
Hiện nay, 100% các CQNN của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định). Tính đến tháng 8/2021, các cơ quan, đơn vị thực hiện gửi nhận 625.412 văn bản điện tử (tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020); 135.221 văn bản điện tử đi được phát hành trên Trục liên thông văn bản Quốc gia (tăng 38,2%). Đến nay, 4.556 chữ ký số chuyên dùng đã được cấp cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các CQNN của tỉnh. Song song với đó, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các CQNN từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối liên thông Cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống đang cung cấp 1.977 TTHC, bao gồm cung cấp trực tuyến mức độ 3: 851 TTHC, mức độ 4: 677 TTHC, 626 TTHC được đồng bộ trạng thái xử lý kết quả với Cổng dịch vụ công Quốc gia, tăng 174,86% so với năm 2020. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến sau khi triển khai đến nay đã có trên 300 điểm cầu. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt và đăng ký biên lai điện tử theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh, hiện đã có 153/225 xã, phường, thị trấn mở tài khoản thanh toán trực tuyến3.
Năm 2020 chỉ số “Hiện đại hóa nền hành chính” trong xếp hạng cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh đạt 11,79/13 điểm (bằng 90,69%), góp phần đưa tỉnh Phú Thọ xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2019); đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Chỉ số PAR Index năm 2021, tỉnh Phú Thọ được đánh giá đạt: 88,59 điểm, xếp thứ hạng 09/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 2,85 điểm và tăng 01 bậc so với năm 2020). Tỷ lệ hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh Phú Thọ (SIPAS) đạt 89,30%, xếp thứ hạng 13/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 8 bậc so với năm 2020)4.
Điểm chung lại, CQĐT bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các CQNN trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử. Vì vậy, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của CQNN được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho Nhân dân theo dõi, giám sát. Người dân, DN và các tổ chức có thêm nhiều cơ hội thực hiện các giao dịch điện tử với CQNN, nhất là trong giải quyết TTHC. Chi phí về thời gian, công sức, của cải vật chất cho cả CQNN lẫn tổ chức, người dân được tiết kiệm đáng kể. Có được các kết quả đó là do có sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, được thể hiện qua những chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Đồng thời, nắm bắt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng chính phủ điện tử phải có cách nhìn tổng thể, nhưng hành động phải nhanh và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất từ các nghị quyết, đề án, kế hoạch mang tính định hướng; văn bản chỉ đạo với các nhiệm vụ cụ thể về CQĐT. Nổi bật là Nghị quyết số 55-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ngày 13/8/2021 về Đề án phát triển CQĐT, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới trong xây dựng CQĐT, chính quyền số tại địa phương. Đề án đã cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thành các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ để thực hiện.
Giai đoạn 2021 – 2025, Phú Thọ xác định phát triển CQĐT hướng tới chính quyền số nhằm chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các CQNN; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh. Định hướng đến năm 2030, Phú Thọ hoàn thành xây dựng CQĐT từng bước xây dựng chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ cho người dân. Để đạt được mục tiêu trên, Phú Thọ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Phát triển CQĐT phục vụ người dân, DN; (2) Phát triển các hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; (3) Xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng hệ thống, hạ tầng số hướng tới chính quyền số; (4) Xây dựng đô thị thông minh; (5) Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; (6) Nâng cao các chỉ số thành phần trong xếp hạng cấp tỉnh PCI, PAPI, PAR Index.
(3) Tỉnh Yên Bái: Yên Bái là tỉnh miền núi với địa bàn phân tán trải rộng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc thực hiện điện tử hóa, số hóa chính quyền là giải pháp hữu ích trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay. Đây là mong muốn thể hiện sự quyết tâm của chính quyền tỉnh Yên Bái trong việc thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, DN và người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển CQĐT tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Đảng, Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa nội dung này vào Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 lấy người dân làm trung tâm, trọng tâm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã thông qua Đề án “Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến năm 2025”. Cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Khung kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái phiên bản 2.0 thay thế phiên bản 1.0; phê duyệt kế hoạch duy trì phát triển hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã; ngày 31/3/2021, tiếp tục ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2025; ngày 05/7/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 của các CQNN tỉnh Yên Bái… Đó chính là nền tảng quan trọng để tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần quan trọng nâng cao chỉ số hài lòng của người dân với chính quyền. Qua đó, tỉnh đã thực hiện đầu tư các dự án CNTT xây dựng CQĐT một cách bài bản, tổng thể bảo đảm quy mô và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tỉnh đã sớm triển khai có hiệu quả phần mềm quản lý điều hành trong các cơ quan nhà nước, xây dựng mô hình một cửa liên thông từ tỉnh tới xã, tiến hành xây dựng hạ tầng CNTT với nhiều tiện ích không chỉ phục vụ công tác quản lý, điều hành mà còn thiết thực phục vụ cuộc sống của Nhân dân.
Tỉnh Yên Bái đã hoàn thành và bắt đầu đi vào khai thác sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); Hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đến nay đã được triển khai tại 408 điểm; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Yên Bái triển khai 183 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 100% (425 dịch vụ); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 20% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC tại 3 cấp chính quyền góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 20255.
Tỷ lệ hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định đạt 95%, rút gọn thời gian giải quyết TTHC, tiết kiệm chi phí hành chính theo đúng tinh thần Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đã chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ (tạo lập biểu mẫu điện tử – Eform) trên môi trường mạng cho 100% TTHC đủ điều kiện lên dịch vụ công mức độ 4; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Năm 2021, điểm của Chỉ số PAR Index của tỉnh Yên Bái là 87,24 xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2020). Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) năm 2021, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng với tỷ lệ hài lòng 89,24%, tăng 0,63% (năm 2020 là 88,61%), xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 2 bậc so với năm 2020)6.
Những kết quả trên là những thành công, cố gắng, nỗ lực của một số địa phương miền núi phía Bắc đạt được trong việc xây dựng và phát triển CQĐT trong những năm vừa qua, để đạt được những kết quả do, các tỉnh đã đầu tư tài chính, nhân lực cũng như tận dụng các chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ việc đẩy mạnh phát triển CQĐT theo đặc thù, điều kiện riêng của mỗi tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng CQĐT của các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế, nhiều nội dung triển khai CQĐT chưa được như mong đợi, như: người đứng đầu một số CQNN chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, vận hành CQĐT. Trong khi đó nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CNTT trong hệ thống CQNNcòn mỏng, chất lượng tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng nhiệm vụ. Một số văn bản quy phạm pháp luật cho xây dựng vận hành CQĐT chưa được hoàn thiện. Công tác tuyên truyền thông tin về xây dựng vận hành CQĐT, góp phần cải cách TTHC còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết TTHC và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại nhất khi triển khai các ứng dụng CNTT, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, do nguồn kinh phí cho việc đầu tư cho lĩnh vực CNTT còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai đồng bộ các hạng mục phần mềm, cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, đường truyền số liệu chuyên dùng…, đòi hỏi chi phí lớn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử tại một số tỉnh miền núi phía Bắc
Xây dựng và phát triển CQĐT tại các địa phương như những hạt nhân gộp lại sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho phát triển chung chính phủ điện tử của nước ta. Hiện nay, các phương pháp tiếp cận của thành phố thông minh là thông qua các biện pháp thúc đẩy các công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động quản lý đô thị và nâng cao khả năng tương tác giữa các chủ thể trong Nhà nước và ngoài Nhà nước nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Để phát triển CQĐT tại các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, cần lưu ý nội dung sau:
Một là, xác định thế mạnh của mỗi tỉnh. Du lịch tâm linh, du lịch di sản văn hóa, thiên nhiên, từ đó xây dựng CQĐT, đô thị thông minh theo hướng tạo điều kiện về phát triển du lịch thông minh. Du lịch thông minh là một thành phần trong đô thị thông minh, sử dụng CNTT truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, phục vụ 3 đối tượng là du khách, chính quyền, doanh nghiệp. Công nghệ mới sẽ tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tại điểm đến.
Hai là, xu hướng phát triển CQĐT chính là để thay đổi nền hành chính cứng nhắc. Từ giải quyết mọi công việc qua giấy tờ, thời gian giải quyết chậm, thủ tục rườm rà do phải qua nhiều khâu trình, ký, phê duyệt mới đến được với người dân, doanh nghiệp, thì nay, nhờ có CQĐT, việc tiếp cận với các thủ tục tục hành chính cũng như chờ giải quyết TTHC đã nhanh hơn rất nhiều, tạo sự thông thoáng, thoải mái cho cả CQNN, người dân cũng như DN, giảm bớt gánh nặng nhân lực trong khu vực công. Nói cách khác, thay vì sử dụng nguồn lực con người thực thi nhiệm vụ hành chính là chính thì nay chính quyền dùng sức mạnh và ảnh hưởng của mình dựa trên nền tảng công nghệ để tiếp cận người dân, DN nhằm giải quyết, đáp ứng nhu cầu của các bên một cách nhanh, gọn, hiệu quả. Đây chính là xu hướng phát triển của CQĐT nhằm hướng tới áp dụng công nghệ số vào các hoạt động thông minh của chính quyền và các bên liên quan trong xử lý công việc, thông tin và ra quyết định.
Ba là, việc người dân, DN cũng như các bên liên quan phản hồi lại những quyết định, hoạt động của chính quyền địa phương qua hình thức điện tử chính là góp phần thúc đẩy CQĐT phát triển. Sự tham gia của người dân, DN và mức độ tham gia đến đâu, quá trình ra quyết định sẽ liên quan đến các hành động của chính quyền địa phương. Công nghệ ICT ngày nay đã thu hẹp các khoảng cách về không gian và thời gian, cho phép hỗ trợ hoặc thiết lập các công cụ giao tiếp, đối thoại theo thời gian thực giữa chính quyền địa phương, người dân đô thị và các bên liên quan, hướng tới mối quan hệ minh bạch và bình đẳng của một không gian đô thị phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thu hút cộng đồng người dân, DN tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển CQĐT cũng như đô thị thông minh thì cần có các điều kiện sau:
(1) Người dân cần có ảnh hưởng đến việc định hình thành phố thông minh, ở đó, các nhà quản lý, chính quyền địa phương cần phải minh bạch ở tất các các lĩnh vực mà người dân có thể có tác động ảnh hưởng và nơi nào không thể tác động.
(2) Chính quyền địa phương cần từng bước giảm dần sự “độc quyền” trong xây dựng chính sách, thực hiện chính sách trong xây dựng hoạt động của chính quyền địa phương cũng như thiết kế hoạt động của đô thị thông minh. Người dân cũng có quyền được tham gia một phần trong quá trình định hướng về chính sách và thiết kế đô thị trong tương lai.
Sự xuất hiện của nhiều ý tưởng, sáng kiến đổi mới, sáng tạo đã tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển của CNTT và truyền thông ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, thay đổi phương thức hoạt động, cung cấp dịch vụ của chính quyền địa phương cho người dân. Thông qua những tiến bộ của CNTT và truyền thông, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ngày càng tăng mang đến cho mỗi địa phương những thách thức mới. CQĐT và đô thị thông minh đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, như: đối với chính quyền và các CQNN, sử dụng thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, phục vụ công tác quy hoạch dự báo, tạo môi trường quản lý hiện đại, hiệu quả; đối với người dân, DN thì được tiếp cận thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo môi trường kinh doanh bền vững và cạnh tranh cho DN. Từ đó, sẽ là động lực to lớn cho chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển CQĐT ngày một hiệu lực, hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững cho mỗi địa phương.