Xây dựng môi trường làm việc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, vai trò của đội ngũ trí thức được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có việc thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay. Bài viết chỉ ra những tác động của môi trường làm việc, những vấn đề liên quan đến môi trường làm việc cũng như gợi ý các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường làm việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Đội ngũ trí thức (ĐNTT) ngày càng có vai trò quan trọng trong điều kiện của sự phát triển kinh tế tri thức, của khoa học và công nghệ ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Nhận rõ được vai trò này, đồng thời có giải pháp phát huy vai trò của ĐNTT trong quá trình phát triển là điều rất cần thiết. Chính vì vậy, để phát huy vai trò của ĐNTT trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, cần tạo dựng một môi trường làm việc (MTLV) tốt, tạo dựng môi trường nghiên cứu, đổi mới sáng tạo (ĐMST) phù hợp với nhu cầu, với điều kiện thực tiễn và khả năng làm việc của ĐNTT. Việc nắm rõ thực trạng và đưa ra giải pháp để xây dựng MTLV nhằm khuyến khích ĐMST của ĐNTT là hướng đến một MTLV hiện đại và hiệu quả.

Môi trường làm việc hướng đến đổi mới sáng tạo của trí thức hiện nay

MTLV hướng đến ĐMST của trí thức được hiểu là toàn bộ những điều kiện tự nhiên và xã hội tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới quá trình làm việc, hiệu quả và kết quả làm việc, thúc đẩy ĐMST của ĐNTT. Môi trường có thể xem xét một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, từ không gian làm việc, các tương tác xã hội trong quá trình làm việc đến chế độ, chính sách đối với việc làm của ĐNTT.

Về không gian làm việc, tuỳ theo đặc điểm của từng công việc của ĐNTT mà không gian làm việc có những đặc điểm khác nhau. Có thể cố định tại một vị trí, địa điểm nào đó như trong nhà, ngoài trời hoặc có thể di động tại những địa điểm khác; do vậy, cũng có không gian làm việc ít bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên nhưng cũng có không gian làm việc gắn chặt với môi trường tự nhiên.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện nay, cũng có thể giúp ĐNTT làm việc từ xa, làm việc tại nhà hoặc thậm chí có thể làm việc ngay cả trong quá trình di chuyển. Chính vì thế, ĐNTT có nhiều lựa chọn hơn về không gian làm việc phù hợp với những điều kiện riêng có của mình.

Chẳng hạn, trong đại dịch Covid – 19 vừa qua, việc linh hoạt trong bố trí địa điểm làm việc đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế đại dịch bùng phát song vẫn không làm gián đoạn nhiệm vụ cần triển khai. Thực tế từ triển khai làm việc online tại nhà (như giảng dạy trực tuyến, hội họp, thảo luận, trao đổi học thuật trực tuyến,…) đã phát huy hiệu quả cao và trở thành xu thế làm việc không thể thiếu của ĐNTT trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Đối với việc thiết kế phòng làm việc, xu thế tạo không gian mở với nhiều lựa chọn cho ĐNTT đang được quan tâm. Điển hình như tại trụ sở chính của Tập đoàn Apple, đặt tại Cupertino, California (Mỹ). Văn phòng làm việc với đặc điểm là không gian làm việc thân thiện với môi trường, tạo cảm hứng làm việc và tinh thần sáng tạo tốt nhất cho các nhân viên. Diện tích khu vực trồng cây tự nhiên rất lớn, phòng làm việc thoáng đãng, có các khu nghỉ ngơi với nhà hát, quán cà phê, trung tâm thể dục – thể thao dành cho nhân viên. Bên cạnh đó, cách thức bố trí, trưng bày trong phòng làm việc cũng nhằm hướng đến sự kích thích ĐNTT với những thiết kế không theo một quy chuẩn truyền thống nào.

Dưới tác động của khoa học và công nghệ, những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường tự nhiên đến sức khoẻ, khả năng làm việc của ĐNTT đã dần dần được giảm thiểu. Hơn nữa, với sự tham gia của máy móc vào quá trình nghiên cứu tự nhiên của con người đã và đang chuyển hóa từ trực tiếp sang gián tiếp ở nhiều công việc khác nhau như lấy mẫu, chụp ảnh… đã làm thay đổi không gian và MTLV của ĐNTT.

Từ góc độ xã hội, với sự phát triển của kinh tế – xã hội, các ngành nghề lao động đòi hỏi trình độ tri thức cao ngày một nhiều. ĐNTT làm việc trong môi trường có nhiều lựa chọn hơn để phát triển năng lực bản thân. Các hoạt động nhằm truyền bá, sáng tạo tri thức ngày càng được đề cao và phát triển mạnh mẽ. Điều này làm cho ĐNTT có nhiều cơ hội hơn để học tập và phát triển năng lực bản thân cũng như có nhiều lựa chọn đối với những công việc và ngành nghề phù hợp.

Những vấn đề đặt ra trong môi trường làm việc của trí thức Việt Nam hiện nay

Bên cạnh những cơ hội lớn thì những thách thức đặt ra cho ĐNTT trong MTLV hiện nay ngày một lớn. Đó là sự đòi hỏi ngày càng cao về trình độ và hiệu quả làm việc của ĐNTT. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong quá trình phát triển, như cạnh tranh trong công việc, nghiên cứu khoa học không chỉ đối với các tác nhân trong nước mà trên phạm vi toàn thế giới. Nếu ĐNTT không nỗ lực, cố gắng nhằm tận dụng những cơ hội để phát triển bản thân và vươn lên trong xã hội ngày càng phát triển thì họ sẽ bị tụt lại phía sau và có thể tự đánh mất chính bản thân mình trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Do đó, vấn đề đặt ra là:

Thứ nhất, MTLV ngày càng có tính mở với nhiều lựa chọn hơn cho ĐNTT, tuy nhiên, việc thay đổi thể chế vẫn chưa thích ứng kịp với những điều kiện mới. Điều này đã tác động đến phần nào tới công việc của ĐNTT, nhất là đối với ĐNTT làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị Việt Nam. Họ được hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước và phải có mặt đầy đủ tại cơ quan làm việc theo giờ hành chính là một trong những cách thức quản lý người lao động của đa số các cơ quan hiện nay. Trong khi nhiều công việc của ĐNTT có thể được tiến hành ở nhiều địa điểm khác nhau mà không nhất thiết phải đến một địa điểm cố định như các trụ sở, cơ quan. Hơn nữa, nhiều công việc của ĐNTT có thể được tiến hành ở những thời gian linh động mà không phụ thuộc vào giờ hành chính của nhà nước. Vậy quản lý thế nào cho hiệu quả nhằm tạo ra môi trường và không gian làm việc vừa phù hợp với ĐNTT, vừa hoàn thành nhiệm vụ đặt ra là vấn đề cần được xem xét hiện nay. Trong thực tế quản lý theo hiệu quả công việc và chất lượng công việc là cách thức quản lý mới và cần được áp dụng tùy theo đối tượng nhằm phát huy tính năng động và sáng tạo của ĐNTT, là một trong những phương thức quản lý hiệu quả hiện nay.

Thứ hai, kết quả làm việc của ĐNTT là những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị đối với xã hội. Song, các sản phẩm này không thể phát huy giá trị ứng dụng ngay mà cần có nhiều khâu trung gian để đi vào thực tiễn. Do vậy, việc phối hợp trong làm việc của ĐNTT nói riêng cũng như sự phối hợp với các chủ thể, như các cơ quan quản lý, các nhà tài trợ, nhà sản xuất, phân phối, ứng dụng…  để biến sản phẩm lao động của ĐNTT thành những giá trị thực tế là rất quan trọng.

Thứ ba, trong thời đại toàn cầu hóa và chính sách đẩy mạnh đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay thì MTLV của ĐNTT có nhiều thay đổi và bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ MTLV quốc tế. Điều này đòi hỏi ĐNTT Việt Nam cần phải có trình độ và kỹ năng làm việc mới đáp ứng với bối cảnh mới. Đó là trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng làm việc với cường độ cao, kỹ năng làm việc nhóm… Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của ĐNTT Việt Nam. Hiện nay, các công trình khoa học công bố quốc tế của ĐNTT nước ta còn khiêm tốn. Các nhà khoa học gây tiếng vang trên trường quốc tế không nhiều. Việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ còn ít. Đây là vấn đề lớn cần giải quyết để ĐNTT Việt Nam thích ứng được với MTLV mới đòi hỏi ngày càng cao trong xu thế toàn cầu hóa.

Xây dựng môi trường làm việc hướng đến đổi mới sáng tạo của trí thức Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, MTLV của ĐNTT diễn ra trong xã hội đã và đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ xã hội với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo sang công nghiệp và dịch vụ ngày càng hiện đại; chuyển biến từ mô hình xã hội với cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ xã hội khép kín sang xã hội ngày càng mở rộng quan hệ với bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực. Điều này cũng đã tác động mạnh mẽ tới MTLV của trí thức Việt Nam, để xây dựng MTLV thúc đẩy sự sáng tạo cho ĐNTT, có thể xem xét một số giải pháp:

Một là, xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế nhằm thúc đẩy ĐMST, theo đó, cần thay đổi cách thức quản lý hoạt động của ĐNTT theo hướng mở, quản lý theo chuẩn đầu ra, lấy kết quả lao động và các sản phẩm cụ thể là căn cứ để đánh giá hoạt động của ĐNTT. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, không lấy các trình tự thủ tục hành chính như là tiêu chuẩn bắt buộc để đánh giá hoạt động của ĐNTT. Bởi sáng tạo luôn gắn liền với những cái mới mà những cái mới thường khó có quy chuẩn cụ thể, các quy định của pháp luật cũng có khi chưa đề cập tới, chính vì vậy rất khó để bảo đảm đúng các trình tự, thủ tục theo quy định. Ngược lại, nếu cứ bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định thì nhiều cái mới, sáng tạo khó có thể được triển khai.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa công sở – nơi mọi người luôn hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt. Hợp tác, tôn trọng lẫn nhau là điều kiện quan trọng để thúc đẩy hiệu quả công việc nói chung và ĐMST nói riêng, nhất là hoạt động sáng tạo của ĐNTT. Sự ĐMST sẽ luôn dẫn dắt con người đi đến sự khác biệt, tiến bộ, nhưng sự sáng tạo, sự khác biệt này có thể chưa phát huy ngay những giá trị, cần có thời gian kiểm nghiệm, thậm chí có cả những sự sáng tạo, khác biệt sẽ không phát huy được giá trị (thất bại). Dù có thể chưa đem đến những thành công hoặc thậm chí là có thể đối mặt với thất bại thì những người tiên phong trong ĐMST, tìm tòi sự khác biệt, tiến bộ cần nhận được sự hợp tác, sự tôn trọng, động viên từ bạn bè, đồng nghiệp. Nếu không, mọi cái mới, cái tiến bộ cũng có thể bị rơi vào quên lãng. Sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt luôn phải được coi trọng, phải được quan tâm rèn luyện hàng ngày, trở thành văn hóa ứng xử của người lao động, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa làm việc hướng đến sự cẩn thận, chỉn chu nhưng cũng phải biết chấp nhận những rủi ro trong ĐMST. Sự cẩn thận, chỉn chu nhằm hạn chế tối đã những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình ĐMST. Tuy nhiên, đã là ĐMST thì không thể khắc phục được tuyệt đối mọi rủi ro, và ít nhiều những rủi ro lớn nhỏ có thể xảy ra. Trước những rủi ro khó thể tránh được cần có thái độ bình tĩnh chấp nhận và khắc phục tối đa các thiệt hại. Không nên vì rủi ro mà hạn chế hoặc ngăn cản các hoạt động ĐMST của ĐNTT. Có như vậy sẽ tạo ra môi trường văn hóa khuyến khích mạnh mẽ hoạt động ĐMST của người lao động nói chung và ĐNTT nói riêng.

Ba là, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho ĐNTT. MTLV quốc tế của ĐNTT Việt Nam hiện nay diễn ra không chỉ trên phạm vi thế giới mà có thể ở chính trong lãnh thổ Việt Nam. Việc nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật hoặc triển khai công việc có yếu tố quốc tế sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên. Nó đòi hỏi ĐNTT phải có năng lực thích ứng phù hợp. Đó là vốn ngoại ngữ có khả năng sử dụng được trong môi trường quốc tế, bao gồm: khả năng đọc, tìm kiếm tài liệu, giao tiếp, trao đổi với đối tác quốc tế trong nghiên cứu và học thuật…

Bên cạnh việc nâng cao khả năng ngoại ngữ, ĐNTT cần nâng cao sự tự tin và tinh thần tự tôn dân tộc trong hoạt động ở môi trường quốc tế. Tự tin về khả năng và trình độ của con người Việt Nam, tự tin, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, tư tin về tương lai tươi sáng trong quá trình phát triển đất nước. Sự tự tin và tinh thần tự tôn dân tộc sẽ giúp ĐNTT làm việc trong môi trường quốc tế vừa phát huy được những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu giá trị tiến bộ của nhân loại, thúc đẩy ĐMST, đồng thời tôn vinh được vị thế và con người Việt Nam trước trường quốc tế.

Kết luận

Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn đề cao và quan tâm đối với khoa học và công nghệ, với ĐNTT, MTLV có tác động rất lớn đến hoạt động ĐMST của ĐNTT. Nhiều sản phẩm sáng tạo của ĐNTT đã và đang được đưa vào ứng dụng trên thực tế, vừa góp phần gia tăng nguồn thu nhập cho đội ngũ trí thức, vừa góp ích cho sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực ĐMST, phát huy vai trò của ĐNTT Việt Nam trong thời đại mới cần tạo dựng MTLV tích cực, phù hợp với ĐNTT Việt Nam. Đó là môi trường thể chế hướng đến sự khuyến khích ĐMST; môi trường văn hóa công sở luôn hướng đến sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt; MTLV quốc tế năng động nhưng cần khẳng định sự tự tin và tự tôn dân tộc của ĐNTT Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Trao đổi xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 – 2030. https://moet.gov.vn, ngày 24/5/2022.
2. Phát triển kinh tế tri thức – kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ TP. Hồ Chí Minh. https://nhandan.vn, ngày 28/01/2021.
3. Tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển mới của trí thức Việt Nam. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, ngày 30/9/2015.
4. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở đội ngũ trí thức Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 12/5/2022.
TS. Nguyễn Kim Tôn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh