Ninh Bình phát huy lợi thế và tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch

(Quanlynhanuoc.vn) – Ninh Bình nằm ở cực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về phía Nam, là vùng ranh giới của 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, Châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp tỉnh Nam Định; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Tây, Tây Nam giáp tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Diện tích tự nhiên khoảng 1.386 km2, dân số khoảng 952.000 người.
Quần thể danh thắng Tràng An, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tuy là một tỉnh không lớn, nhưng Ninh Bình có địa hình rất đa dạng: có núi, đồng bằng, vùng ven biển mang đầy đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình rất đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu, điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả; công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều tiến bộ; hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả; các chỉ tiêu: lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành Du lịch… ngày càng tăng; các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương luôn tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010 – 2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, trong đó có gần 01 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 3.670 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, song tỉnh Ninh Bình tiếp tục được khách du lịch đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc mở cửa đón khách du lịch trở lại, với nhiều giải pháp kích cầu du lịch, trong 10 tháng đầu năm 2022, tỉnh Ninh Bình ước đón 3.075.719 lượt khách tham quan, đạt 332,25 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách nội địa ước đón 3.032.276 lượt khách, đạt 332,37%, khách quốc tế ước đón 43.443 lượt khách, đạt 324,42% so với năm 2021. Doanh thu ước đạt 2.221.839 triệu đồng, đạt 188,71% so với cùng kỳ năm 2021.

Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển. Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo động lực quan trọng và điều kiện thuận lợi cho du lịch Ninh Bình phát triển và hội nhập quốc tế, đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider…) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yêu thích.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”. Đến năm 2045, phấn đấu Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP. Thời gian tới, phát triển du lịch sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là: đổi mới nhận thức, tư duy và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, đảng, chính quyền các cấp về phát triển du lịch; quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh; tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao; Đồng thời phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên vừa góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, đồng thời vừa góp phần thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển mạnh trong thời gian tới. Từ đó, làm cho ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển văn hóa, xã hội; giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo…, góp phần đưa Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Thu Hoài