Quận Thốt Nốt thu hút đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Thốt Nốt là quận cửa ngõ phía Tây Bắc của TP. Cần Thơ, với tổng diện tích 12.202,40 ha. Quận Thốt Nốt là đầu mối giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế gắn kết với các tỉnh vùng Tứ Giác Long Xuyên. Đặc biệt hạ tầng cơ sở, logistics, cầu Vàm Cống, cảng Thốt Nốt… hình thành tạo điều kiện thuận lợi để Thốt Nốt ngày càng phát triển, giao lưu kinh tế với các địa phương trong vùng và cả nước.
Cảnh trên cao quận Thốt Nốt.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Thốt Nốt có điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp phụ trợ như: xay xát, linh kiện, cơ khí, kho vận – logistic, chuyên doanh lúa gạo… Từ đó, tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú (quy hoạch đô thị, quảng cáo, đóng gói, đào tạo nghề, tài chính – ngân hàng, xử lý chất thải, giao thông đường thủy, bến bãi, vận chuyển hàng hóa,…).

Ngoài ra, địa phương cũng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: cơ khí, hàn tiện, nghề mộc và trang trí nội thất, các làng nghề (làng nghề bánh tráng, đan lưới), sản xuất bún, tàu hủ, bánh mì, sản xuất gạch truyền thống… đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng chung của ngành công nghiệp – xây dựng trên địa bàn quận.

Cảnh trên cao quận Thốt Nốt.

Bên cạnh đó, với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, Thốt Nốt cũng là địa phương thu hút du lịch khá tốt với các điểm tham quan nổi bật như: Vườn Cò Bằng Lăng, Nhà cổ, Khu tưởng niệm Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, Vườn trái cây Tân Lộc, một số làng nghề truyền thống (đan lưới, bánh tráng),…

6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế của quận đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng ước được 18.981 tỷ đồng, đạt 55,08% so với kế hoạch năm, tăng 5,29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, địa phương đã phát triển mới 2 doanh nghiệp và 16 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nâng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp – xây dựng của quận đến nay là 1.354 cơ sở (trong đó có 145 doanh nghiệp), giải quyết được 16.697 lao động. Giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ quận trong cũng tăng trưởng khá, ước đạt 8.122,7 tỷ đồng, đạt gần 60% so với kế hoạch, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm 2021.

Khu tái định cư quận Thốt Nốt (khu 1) Phường Trung Kiên.
Thu hút đầu tư 

Thốt Nốt đang trên đà xây dựng diện mạo đô thị mới, nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai thực hiện. Đặc biệt, nhờ việc phát huy tiềm năng, thế mạnh cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nên địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư ngày càng tăng. Quận đã xúc tiến kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội qua các dự án: Cảng Tân Cảng, Khu đô thị mới Hoàng Gia, Khu đô thị mới hai bên đường Nguyễn Thái Học, Khu đô thị mới tại phường Thới Thuận, Khu Công nghiệp Thốt Nốt… cùng một số điểm chợ được nâng cấp, mở rộng. Qua đó, đem lại hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao cuộc sống của người dân, tạo động lực thúc đẩy Thốt Nốt phát triển trở thành một trong những quận vững mạnh, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra công trình xây dựng cơ bản.

Hiện nay, khu công nghiệp Thốt Nốt với diện tích quy hoạch 600ha, được chia làm 2 phân kỳ thực hiện. Hiện phân kỳ I đã thu hút 13 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư gần 2.443,5 tỉ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 8.880 lao động. Cảng Tân cảng Thốt Nốt đã đưa vào hoạt động từ cuối năm 2015 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 2.000 tấn, sà lan 1.000 tấn, có vai trò thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa, xếp dỡ container hàng xuất khẩu, trọng tâm là ngành hàng gạo, thủy sản, thức ăn gia súc… của thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp; đồng thời, cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho tuyến đường thủy nối liền đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và các cảng nước sâu như Cái Mép – Thị Vải cũng như liên tuyến Campuchia…

Quận Thốt Nốt đang tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, khôi phục các hoạt động sản xuất – kinh doanh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai thực hiện hiệu quả các đề án của thành phố về tái cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục thực hiện thủ tục đấu giá đất tại các chợ thuộc đất công nhằm đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, phát triển chợ hiện đại trên địa bàn.

Người dân đi siêu thị.

Để thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, quận sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, chuẩn bị tốt các điều kiện (quỹ đất sạch, hạ tầng, ưu đãi thuế,…) để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến với địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và tăng cường trao đổi, giao lưu và gặp gỡ doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh trên địa bàn quận.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác cải cách hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại UBND quận; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận những dự án thuộc lĩnh vực nhà đầu tư quan tâm.