(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn kiềm chế sự lây lan, bùng phát của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch bệnh trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường “sức đề kháng” của nền kinh tế, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ở Việt Nam hiện nay, loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động1. DNNVV ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh tế. Đây là kết quả tất yếu của việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó luôn khuyến khích và coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2020. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48% (năm 2019 là 2,17%), tỷ lệ thiếu việc làm là 2,51% (năm 2019 là 1,5%)2. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, mặc dù được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%) nhưng vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%); thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt thấp, chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với quý I/2021 (2,19% và 2,2%)3.
Trước tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại, phát triển của các DNNVV, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp giúp DNNVV tháo gỡ khó khăn. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có 125,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.379,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 835 nghìn lao động, tăng 34,3% về số DN, tăng 5,7% về vốn đăng ký tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng 10 năm 2022 đạt 11 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 2.784,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 42,6 nghìn lượt DN tăng vốn đăng ký thêm của 42,6 nghìn lượt DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2022 là 4.173,3 nghìn tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 52,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên gần 178,5 nghìn DN, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước4.
Thực trạng thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của DNNVV đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các DNNVV phát triển. Đặc biệt từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã chứng tỏ vai trò quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động hỗ trợ DNNVV, tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, xác lập nguyên tắc hỗ trợ; trách nhiệm của các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác hỗ trợ DNNVV.
Thành phố Hà Nội xác định “sức khỏe” của DN là “sức khỏe” của nền kinh tế nên chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất – kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Trong hai năm (2019 – 2020), UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 – 2025” và Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”. Trong đó Đề án tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ thực hiện gồm: (1) Hỗ trợ chung cho các DNNVV; (2) Hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; (3) Hỗ trợ theo cơ chế của Hà Nội.
Theo đó, thành phố phấn đấu đạt mục tiêu: (1) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; (2) Phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố; (3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV, phấn đấu tốc độ phát triển DN mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 DN mới/năm), phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, thành phố có thêm 150.000 DN thành lập mới.
Theo mục tiêu của UBND thành phố, giai đoạn 2021 – 2025, DNNVV phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; đóng góp trên 40% tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) và trên 30% ngân sách thành phố. Cùng với đó, củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 10 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 5 ngành tiềm năng phát triển gồm: công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm5.
Các DN đã chủ động lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo nhiều kịch bản khác nhau, không chỉ duy trì được hoạt động của DN mà còn giúp cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu và sẵn sàng cho quá trình phục hồi. Mặc dù những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, nhưng nhờ thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, niềm tin của cộng đồng DN vào đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 tăng lên. Điều đó cho thấy chính sách hỗ trợ DNNVV đã được phát huy có hiệu quả.
Một số hạn chế
Thứ nhất, việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV còn chậm. Tuy nhiên, các nghị định và thông tư hướng dẫn đến năm 2019 và 2020 mới được ban hành. Hầu hết các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV của các địa phương cũng mới được xây dựng và ban hành trong năm 2020, do đó chưa có cơ sở để bố trí kinh phí hỗ trợ DNNVV. Dự thảo Chương trình hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021 – 2025 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 12/2019, đến nay vẫn chưa được ban hành để có căn cứ triển khai thực hiện. Tiếp đó, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Thứ hai, một số chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn thi hành nhưng chưa được ban hành hoặc gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.
Về thuế suất, Luật Hỗ trợ DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường. Năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đối với DNNVV, tuy nhiên, đến nay, chính sách này chưa được ban hành và DNNVV chưa được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định, do Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi chưa được trình Quốc hội xem xét ban hành.
Về đối tượng hỗ trợ, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định 2 nhóm DNNVV để hỗ trợ trọng tâm là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia các cụm, chuỗi liên kết, tuy nhiên trên thực tế, rất khó để tìm kiếm những doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí để thực hiện hỗ trợ hoặc nếu tìm kiếm được thì các doanh nghiệp này đã được các nhà đầu tư khác đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và mức hỗ trợ cao hơn hẳn so với mức hỗ trợ, gây khó khăn cho cơ quan hỗ trợ DNNVV trong quá trình thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân của Quỹ Phát triển DNNVV còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vốn cho DN.
Thứ ba, nguồn lực hỗ trợ DNNNVV còn hạn chế. Các hoạt động hỗ trợ DNNVV ở cấp trung ương chủ yếu được lồng ghép trong các chương trình phát triển ngành nên tác động còn hạn chế. Phần lớn các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực để hỗ trợ DNNVV, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc do mật độ DN ít, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách chủ yếu do trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành năm 2018, vào thời điểm giữa kỳ lập kế hoạch ngân sách nên các địa phương gặp khó khăn trong việc bổ sung vào dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn 2016 – 2020.
Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua đại dịch Covid-19
Một là, các chính sách hỗ trợ DN cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát nhu cầu của DN. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí. Cần tránh hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ này.
Hai là, nghiên cứu, thực hiện những chính sách giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho DNNVV, bởi đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng. Thuế GTGT phát sinh ngay khi DN cung cấp hàng DNNVV, dịch vụ. Giảm thuế GTGT nên tập trung cho các dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 như lưu trú, khách sạn, du lịch, vận tải… Cần có chính sách thuế hợp lý theo hướng “nuôi dưỡng nguồn thu” đối với các DNNVV để bảo đảm cho các DN này đỡ chịu gánh nặng thuế quá lớn trong khi họ chưa có đủ lực chống đỡ.
Ba là, tháo gỡ khó khăn cho DNNVV thông qua chính sách tạo môi trường đầu tư và vay vốn. Các DNNVV cần các chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất – kinh doanh có hiệu quả. Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế. Các chính sách đa dạng DNNVV các hình thức cho vay, các sản phẩm cho vay, đơn giản DNNVV thủ tục vay và thanh toán, đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho các DN. Các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, thuê đất đai, thành lập DN, các chính sách thuế… cần được ưu tiên nhiều hơn cho các DNNVV.
Bốn là, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nhằm tháo gỡ khó khăn, trở ngại về công nghệ, năng lực quản trị đối với các DNNVV. UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu. Tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa DN với chính quyền Thành phố, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh; nhằm giúp DN xác định chiến lược kinh doanh phù hợp, các kỹ năng quản trị DN, hỗ trợ trong đầu tư đổi mới trang thiết bị và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho nhà quản lý và công nhân của các DNNVV.
Năm là, hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho DNVVN. Theo Luật Hỗ trợ DNNVV, một trong những biện pháp hỗ trợ cho DNNVV là hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng mạng lưới tư vấn viên, các DNNVV được miễn giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên này. Tuy nhiên, biện pháp này chưa được thực hiện triệt để đến cấp địa phương, đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn như một trong những nguồn nhân lực quan trọng để nâng cao năng lực quản lý của các DNNVV.