Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Quanlynhanuoc.vn) – Thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong công tác dân tộc, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, từ các nhà nghiên cứu, người làm chính sách… đồng thời, luôn được các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai tích cực. Bài viết trao đổi một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh minh họa (internet).
Một số vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) đã khẳng định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Đến Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa – xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”1.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền (TTTT) về chính sách, pháp luật (CSPL), ngày 21/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ TTTT về dân tộc, tôn giáo với mục tiêu: đẩy mạnh TTTT về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, CSPL của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT- BTTTT ngày 05/12/2019 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, vấn đề CSPL và TTTT vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đang còn nhiều bất cập, đặt ra nhiều thách thức:

Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân tộc còn thiếu tính hệ thống và chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh và bảo đảm quyền bình đẳng, phát triển của DTTS sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam2. Trong xây dựng và triển khai CSPL về dân tộc còn thiếu quy định về quy trình xây dựng chính sách; chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp trong ban hành chế độ, chính sách. Nhiều vấn đề của DTTS đã được Đảng xác định trong các văn kiện, nghị quyết nhưng thể hiện chưa đầy đủ trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết… Còn thiếu một số chính sách phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS.

Một số chính sách vùng DTTS chưa bảo đảm gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển dân tộc với chính sách phát triển vùng; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy, hiệu quả chưa thực sự bền vững. Việc xây dựng một số chính sách cho DTTS thiếu thực tế, chưa phù hợp với địa bàn miền núi. Tổ chức thực hiện chính sách còn nhiều yếu kém, phân công chủ trì, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa hợp lý; việc phối hợp giữa các bộ, ngành có lĩnh vực chưa chặt chẽ, chỉ đạo có mặt còn chồng chéo… Mặt khác, nhiều nội dung của chính sách dân tộc còn có sự chồng chéo, chưa sát hợp với thực tiễn hoặc thiếu nguồn lực thực thi, làm hạn chế hiệu quả của hệ thống CSPL. Công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc chưa được thực hiện thường xuyên. Việc rà soát xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện một số đề án, chính sách dân tộc còn chậm, chất lượng còn hạn chế.

Hai là, TTTT trong xây dựng và ban hành CSPL chưa dựa trên đặc thù kinh tế, văn hóa – xã hội của vùng; thiếu sự tham gia của cộng đồng; không tính đến khả năng duy trì hiệu quả của chính sách sau khi kết thúc. Vì vậy, khi áp dụng chính sách vào điều kiện cho từng vùng, từng DTTS thì hiệu quả không cao… Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông dân tộc mặc dù nhiều nhưng số lượng người DTTS tham gia còn ít. Đa phần cán bộ làm công tác truyền thông là người Kinh, không biết tiếng DTTS, còn chưa am hiểu sâu về văn hóa, phong tục tập quán… Ngoài ra, năng lực tiếp nhận thông tin của đồng bào DTTS còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông ở vùng DTTS.

Ba là, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của TTTT ở vùng DTTS còn chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, vùng DTTS đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Còn tình trạng chậm trong phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, dẫn đến báo chí, truyền thông có lúc “chạy theo” mạng xã hội, sử dụng thông tin thiếu kiểm chứng hoặc kiểm chứng chưa chặt chẽ, thông tin sai sự thật, thiếu cơ sở…

Bốn là, phương thức TTTT vùng DTTS còn đơn điệu, một chiều, chưa thu hút sự quan tâm của người dân. Chất lượng các tác phẩm viết về CSPL vùng DTTS còn hạn chế, cả về hình thức và nội dung, đa số bài báo, phóng sự chủ yếu phản ánh các hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho đồng bàoDTTS. Hằng năm, các địa phương vùng DTTS tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các lễ hội truyền thống, các sinh hoạt văn hóa – văn nghệ, thể thao nhưng việc gắn kết, lồng ghép các nội dung TTTT về CSPL cho đồng bào DTTS đạt hiệu quả chưa cao. Thông điệp, nội dung truyền thông về CSPL đôi khi chưa bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước…

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống CSPL về dân tộc, công tác dân tộc theo hướng tích hợp một số chính sách, bảo đảm bao phủ toàn diện các lĩnh vực và phân cấp triệt để cho các địa phương tổ chức thực hiện, đặc biệt là những chủ trương, chính sách liên quan đến xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Nhiều văn bản có nội dung quy định cụ thể các chế độ, chính sách cần được sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và tình hình thực hiện chính sách dân tộc đối với các vùng, miền hoặc các đối tượng cụ thể. Cần chú ý coi trọng tính công khai, minh bạch, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; chú trọng vai trò chủ thể thực hiện chính sách của người dân… Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống CSPL bảo đảm các quyền con người về dân sự, chính trị; các quyền về kinh tế – xã hội và văn hóa nói chung và quyền của nhóm đối tượng DTTS nói riêng. Việc bảo đảm các quyền cho đồng bào DTTS phải được coi là đối tượng ưu tiên trong việc hoàn thiện CSPL bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này, được bảo đảm trên thực tế, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, bình đẳng trước pháp luật của công dân.

Thực thi một cách đồng bộ và toàn diện các chương trình, chính sách phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện dịch vụ xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa ở vùng dân tộc nhằm bảo đảm quyền kinh tế cho mọi người, thực hiện công bằng xã hội, hướng tới giảm sự phân cách giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc. Cần có những chính sách đặc biệt để tạo nên sự thay đổi toàn diện trong đời sống của người dân một cách cơ bản theo các mục tiêu phát triển.

Thứ hai, TTTT về CSPL vùng đồng bào DTTS phải bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống của khu vực miền núi, bảo đảm phù hợp với trình độ hiểu biết, nhận thức của người dân. Trong đó, xác định rõ chính bản thân đồng bào các DTTS là chủ thể văn hóa để thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, mọi chủ trương, CSPL phải phục vụ chính bà con ở vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục xác định vai trò quan trọng của hoạt động TTTT vùng đồng bào DTTS với công cuộc phát triển bền vững đất nước cùng những chủ trương, quyết sách kịp thời để tạo ra sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực CSPL cũng như các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã nội nói chung nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, CSPL của Nhà nước về vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới.

Thứ ba, tăng cường nhân lực người DTTS để các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc bảo đảm tính chuyên biệt, đa dạng hóa loại hình truyền thông, nâng cao tần suất, chất lượng các chương trình. Đặc biệt chú ý tới công tác giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS thường xuyên, phủ khắp các đối tượng; đổi mới phương pháp tuyên truyền, gắn với hiệu quả. Ngoài ra, cần quy định về chuẩn chức danh nghề nghiệp của người làm công tác dân tộc với những quy định bắt buộc về trình độ ngôn ngữ, trình độ chuyên môn…

Thứ tư, đổi mới phương thức TTTT vùng đồng bào DTTS. Trong đó, cần làm tốt việc đưa hầu hết các ngôn ngữ DTTS vào hoạt động truyền hình, phát thanh và các loại hình tuyên truyền khác ở các cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, chỉ đạo sát sao việc các đài phát thanh cấp huyện, xã vùng đồng bào DTTS tiếp sóng chương trình tiếng dân tộc của các đài tuyến trên. Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những hướng dẫn cụ thể về việc đưa thêm các ngôn ngữ DTTS vào xây dựng các ấn phẩm báo, tạp chí và xuất bản, phát hành có hiệu quả các ấn phẩm này. Có những quy định về việc tăng cường sử dụng tiếng dân tộc trên các báo điện tử, các cổng thông tin điện tử. Tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc bằng nhiều hình thức, như: băng đĩa, phim ảnh, tiểu phẩm sân khấu, tờ rơi, tranh quảng cáo, áp phích… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế xã hội hóa trong truyền thông bằng tiếng dân tộc; khuyến khích các nghệ nhân, nhạc sĩ người DTTS và người dân sáng tác hoặc sưu tầm những tác phẩm âm nhạc truyền thống và hiện đại, các tác phẩm thơ, truyện, sân khấu bằng tiếng DTTS về các chủ đề cần truyền thông…

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 170 – 171.
2. Báo cáo số 50/BC-UBDT ngày 21/02/2017 của Ủy ban Dân tộc tổng kết việc thi hành pháp luật về lĩnh vực dân tộc.
Tài liệu tham khảo
1. Trương Minh Dục. Chiến lược và chính sách dân tộc. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, số 19/2017.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới.
4. Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
5. Quyết định 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
6. Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duỵêt Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.
7. Thông tư số 15/2019/TT- BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.
8. Tờ trình số 02/TTr-UBDT ngày 22/02/2017 của Ủy ban Dân tộc đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
TS. Cao Minh Công
Đại học Kiểm sát Hà Nội