(Quanlynhanuoc) – Vương quốc Anh là một trong những cường quốc về phát triển thương mại. Chính vì vậy, ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia nàynhằm bảo vệ và mở rộng tối đa lợi ích quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế. Bài viết nghiên cứu về ngoại giao kinh tế của Vương quốc Anh trước tác động của toàn cầu hóa và những biến động trên thế giới kể từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19.
Khái quát chung về ngoại giao kinh tế của Vương quốc Anh
Ngoại giao kinh tế (NGKT) bao gồm tập hợp các chính sách và thể chế giúp đạt được các ưu tiên kinh tế và phi kinh tế nhất định. Theo đó, chính sách NGKT được xây dựng để phản ứng hoặc thích ứng với những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu cũng như chủ động gây ảnh hưởng hoặc định hướng phát triển kinh tế vĩ mô theo chiều hướng chính phủ mong muốn1.
NGKT cũng là một trong số công cụ mà một quốc gia sử dụng để quản lý các kết nối kinh tế của nước mình trong mối quan hệ với các quốc gia khác. Tuy nhiên, NGKT vẫn phải tuân theo quyền ưu tiên của chính trị, như: NGKT có thể tăng cường hoặc giảm kết nối kinh tế; có thể được sử dụng để thúc đẩy thương mại tự do hoặc theo đuổi chính sách thương mại bảo hộ.
Từ việc quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh đã thiết lập chính sách thương mại và chính sách đầu tư lần đầu tiên kể từ những năm 70 thế kỷ XX. Mục đích của chính sách đối ngoại kinh tế nàylà định vị Vương quốc Anh một cách tối ưu trong một nền kinh tế toàn cầu thế kỷ XXI, đó là hệ thống thương mại đa phương rộng mở và hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm: (1) Tái định vị Vương quốc Anh cho sự gia tăng liên tục của thương mại kỹ thuật số và dịch vụ; (2) Đóng góp vào thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc và trật tự đầu tư; (3) Hỗ trợ các liên minh để thúc đẩy các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu, tạo điều kiện cho tiến bộ về hàng hóa công cộng toàn cầu, quản lý áp lực từ toàn cầu hóa, số hóa và mở rộng năng lực thể chế cho NGKT của Vương quốc Anh2.
Theo Ủy ban Ngoại giao Kinh tế LSE, NGKT của Vương quốc Anh được cân bằng giữa độ mở thương mại với các mục tiêu chiến lược của chính sách đối nội và đối ngoại, từ đó định vị rõ NGKT của Vương quốc Anh trong nền kinh tế thế giới thế kỷ XXI với những động lực mới nhằm mục đích “giảm thiểu căng thẳng địa kinh tế và thừa nhận tất cả các chính sách kinh tế đối ngoại cuối cùng cũng là trong nước”3.
Hiện nay, có năm lĩnh vực chính mà Chương trình nghị sự NGKT Vương quốc Anh quan tâm, đó là:
(1) Về thương mại, Vương quốc Anh nhận định nguồn lực ngoại giao là công cụ để thúc đẩy thương mại và đầu tư của quốc gia. NGKT thúc đẩy thương mại được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền, chịu trách nhiệm chính là Phòng Thương mại quốc tế (DIT), Tổ chức Phát triển quốc tế của Scotland (Scottish Development International), “This is Wales” – trang web thúc đẩy hoạt động thương mại của xứ Wales cùng các cơ quan khác.
(2) Các chuẩn mực và tiêu chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn do Tổ chức tiêu chuẩn hóa (ISO) đặt ra từ tiêu chuẩn về thực phẩm và sức khỏe động vật, đến các dịch vụ định hình tiêu chuẩn (chẳng hạn như dịch vụ tài chính cùng những tiêu chuẩn định hình nền kinh tế kỹ thuật số). Việc xây dựng tiêu chuẩn diễn ra ở các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), tập trung vào các vấn đề như đầu tư quốc tế, thuế, mua sắm chính phủ, cạnh tranh chính sách…; Thế giới Tổ chức Hải quan (WCO), tập trung các vấn đề về hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại; Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng đưa ra các tiêu chuẩn về quy định an toàn. Việc tham gia vào quá trình thiết lập các tiêu chuẩn và chuẩn mực giúp thúc đẩy một trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc, là cơ sở cho các hiệp định có ràng buộc quốc tế.
(3) Hiệp định song phương, đa phương và nhiều bên, việc đàm phán Hiệp định Thương mại và Hợp tác với EU và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hoa Kỳ cũng như các bên khác cũng chính là các ưu tiên của quốc gia này. Kể từ Brexit, nước Anh cũng đã ký các thỏa thuận và hiệp định thương mại với 71 quốc gia và một hiệp định thương mại và hợp tác với EU4.
(4) Các tổ chức quốc tế, vai trò của Vương quốc Anh đối với nền kinh tế thế giới cũng được định hình bởi sự tham gia và đóng góp của quốc gia này vào các tổ chức quốc tế. Cụ thể tham gia vào xử lý các vấn đề toàn cầu, như: tăng cường hợp tác trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); giải quyết cuộc khủng hoảng trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); phối hợp các nỗ lực ổn định lớn hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tăng cường các diễn đàn như nhóm G20… Sự tham gia vào tổ chức hoặc thể chế quốc tế cũng đòi hỏi nước Anh cần hỗ trợ các mục tiêu và tuân theo hướng dẫn của các ngân hàng phát triển đa phương (như Ngân hàng Thế giới – WB) và các tổ chức kinh tế khác (như OECD) bằng cách duy trì các cam kết viện trợ nước ngoài.
(5) Quy chế kinh tế, Vương quốc Anh phải có sự phối hợp của các quy chế cam kết đơn phương, song phương và đa phương về các nỗ lực và nguồn lực để thực hiện được vai trò của mình trong các vấn đề toàn cầu. Các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế nhà nước bao gồm tạo điều kiện hợp tác về biến đổi khí hậu và các tiêu chuẩn công nghệ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều lợi ích quốc gia cốt lõi của Vương quốc Anh5.
Ngoại giao kinh tế của Vương quốc Anh trong đại dịch Covid-19
Trước khi thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, xu hướng toàn cầu hóa vẫn đang được đón nhận bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới. Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho các chủ thể đều tham gia vào NGKT, từ đó, mối quan hệ giữa các chủ thể trở nên phức tạp và sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, với những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra cùng với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng toàn cầu hóa đã có xu hướng chững lại, kéo theo những thay đổi trong các quan hệ hợp tác kinh tế đa phương trên toàn cầu trong giai đoạn này.
Đối mặt với các tác động của toàn cầu hóa, Vương quốc Anh đã sử dụng nhiều công cụ để thực hiện NGKT, bao gồm các hiệp định thương mại, các biện pháp trừng phạt, các quy định về tài chính và tiền tệ, cùng các hành động trong WTO. Đặc biệt, rời khỏi EU giúp quốc gia này có thể thực hiện các chính sách độc lập và phù hợp với lợi ích của đất nước cũng như các đồng minh, dễ dàng hơn trong việc hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để bảo vệ các giá trị của quốc gia khi cần thiết. Vương quốc Anh đã xác định những ưu tiên dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bởi khu vực này đang ngày càng “như trung tâm địa chính trị của thế giới”, trong đó có các cường quốc châu Á, như: Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc và những nền kinh tế mới nổi,như: In-đô-nê-xi-a và Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, Vương quốc Anh được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Chính phủ Anh đã thừa nhận phản ứng chậm với tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, nếu phản ứng của Chính phủ Anh đối với tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh nhận về nhiều phản ứng tiêu cực thì cách họ bảo vệ doanh nghiệp và việc làm cho người dân lại được đánh giá tích cực và được coi như một lời khẳng định năng lực của nước Anh trong các vấn đề kinh tế.
Vương quốc Anh cũng đi đầu trong các nỗ lực quốc tế để hiểu về virus và phát triển vắc-xin cũng như đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Oxford trong việc thiết lập hiệu quả thuốc Dexamethasone – là loại thuốc đầu tiên được chứng minh làm giảm tử vong ở bệnh nhân Covid-19 và hiện đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Hợp tác với AstraZeneca, Oxford cũng đi đầu trong việc nghiên cứu một loại vắc-xin hiệu quả hàng đầu ngừa Covid-19. Những động thái trên cho thấy mong muốn của Chính phủ Anh trong việc trở thành một “siêu cường về khoa học”.
Bên cạnh bảo vệ cho các công dân, việc hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp hơn trong một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là cần thiết. Vương quốc Anh tuy có tỷ lệ dân được tiêm chủng cao và có số lượng dư vắc-xin lớn nhưng lại hỗ trợ khá chậm tới các nước kém phát triển hơn. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2021, Thủ tướng Boris Johnson cam kết rằng Vương quốc Anh sẽ tài trợ 100 triệu liều vắc xin Covid-19 cho thế giới vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, các số liệu của Chính phủ cho thấy, Vương quốc Anh chỉ tài trợ khoảng 85 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong 12 tháng đó, thấp hơn số lượng đã công bố6.
Ngoại giao kinh tế của Vương quốc Anh trong bối cảnh mới
Việc đại dịch diễn ra trong bối cảnh Vương quốc Anh rời khỏi EU đã phải chịu nhiều áp lực cũng như phải tìm kiếm các cơ hội mới nhằm hạn chế ảnh hưởng của Brexit lên nền kinh tế. Tháng 11/2021, Thủ tướng Boris Johnson công bố chiến lược “Sản xuất tại Vương quốc Anh, bán cho thế giới” (Made in the UK, Sold to the World) với mục tiêu đưa xuất khẩu của nước Anh đạt 1 nghìn tỷ bảng Anh vào năm 20307. Chiến lược này kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của Vương quốc Anh với các quốc gia khác thông qua việc hỗ trợ tài chính như các khoản vay liên quan đến xuất khẩu, tiếp cận đến chuyên gia để nhận những lời khuyên… Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ được hỗ trợ tài chính để tham dự các hội chợ, hội nghị và triển lãm thương mại.
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng đẩy nhanh tiến trình ký kết FTA với các quốc gia nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm trong nước, như: FTA với Ấn Độ và GCC. Nước Anh và GCC cũng đã đưa ra về một tuyên bố chung về việc khởi động các cuộc đàm phán FTA song phương vào cuối tháng 6/20228.
Trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, kể từ khi rời EU, nước Anh bắt đầu khẳng định là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Hiện nay, đang triển khai chương trình thương mại kỹ thuật số song phương (chủ yếu thông qua các hiệp định FTA). Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Anh – Nhật Bản (CEPA) năm 2020 đã có những điểm nổi bật hơn so với hiệp định song phương trước đó giữa nước Anh và Nhật Bản trong lĩnh vực kỹ thuật số khi về bổ sung dữ liệu xuyên biên giới, địa phương hóa dữ liệu hay xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về thông tin cá nhân9. Hiệp định FTA giữa Anh – Ốt-xtrây-li-a cũng đã tạo ra một bước đột phá mới với không chỉ đề cập đến một chương thương mại kỹ thuật số mà còn bao gồm một chương về vấn đề đổi mới. Chương này thiết lập Đối thoại Đổi mới Chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ phát thải thấp và chuỗi giá trị giữa hai bên10.
Thủ tướng Rishi Sunak lên cầm quyền đã đặt ưu tiên ổn định nền kinh tế trong nước lên hàng đầu. Dù chưa có nhiều động thái từ chính quyền tân Thủ tướng về chính sách đối ngoại nói chung hay chính sách NGKT nói riêng, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, hướng đi đối ngoại của Thủ tướng Sunak vẫn sẽ tiếp tục tập trung củng cố và tăng cường vị thế của Anh trên thế giới11. Bên cạnh việc tiếp cận vấn đề Nga – U-crai-na được đánh giá khả năng cao sẽ không có nhiều thay đổi, có ba điểm đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của nước Anh nói chung và chính sách NGKT nói riêng, bao gồm cách tiếp cận của Anh trong vấn đề với EU, Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đối với EU, một cách công khai, có thể ông Rishi Sunak sẽ đi theo chính sách của cựu Thủ tướng Boris Johnson, dù được đánh giá là không cực đoan như người tiền nhiệm12. Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Thủ tướng Anh, ông đã nhấn mạnh về việc “xây dựng một nền kinh tế dựa trên cơ hội của Brexit”. Tuy nhiên, sẽ khó để đưa ra nhận định từ bây giờ vì mục tiêu của Thủ tướng Rishi là khôi phục sự thịnh vượng của nền kinh tế nước Anh, mà ông hiểu rõ những vấn đề Brexit để lại cho doanh nghiệp và người dân Anh là không thể phủ nhận13. Ngoài tác động của Covid-19 và chiến tranh U-crai-na gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho Vương quốc Anh, Brexit cũng là một nguyên nhân lớn gây ra “cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng” mà nước này phải đối mặt. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh tin rằng Brexit sẽ làm giảm 4% GDP của nước Anh trong dài hạn14.
Thủ tướng Rishi Sunak sẽ tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng của Vương quốc Anh trong khu vực, phù hợp với định hướng “xoay trục Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific tilt) – một kế hoạch đầy tham vọng cho Vương quốc Anh trở thành “đối tác châu Âu có sự hiện diện rộng rãi và tích hợp nhất” ở châu Á. Với riêng Ấn Độ, Thủ tướng Anh gốc Ấn Độ đầu tiên đặt ra nhiều hy vọng về một mối quan hệ giữa hai nước Anh – Ấn Độ được thắt chặt trong thời gian tới. Tuy nhiên, quan hệ này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, sẽ rất khó để đưa ra nhận định liệu hai bên có thể ký kết hiệp định thương mại mới, mở ra dấu mốc mới trong quan hệ song phương hay không.
Kết luận
Bất ổn địa chính trị toàn cầu như đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn và chiến tranh Nga – U-crai-nakhiến nhiều nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Bên cạnh áp lực từ những bất ổn toàn cầu, việc phát triển nền kinh tế sau khi rời khỏi EU trước đó cũng khiến nước Anh phải nỗ lực thực hiện các chính sách và thúc đẩy các chương trình thương mại ở các lĩnh vực mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Dù chưa có tuyên bố rõ ràng, chính sách đối ngoại hay cụ thể là chính sách NGKT nhưng chắc chắn ở thời điểm hiện tại, tân Thủ tướng Rishi Sunak sẽ đưa ra các chính sách với mục tiêu và ưu tiên hàng đầu là kéo nền kinh tế Anh ra khỏi suy thoái, khôi phục sự thịnh vượng của nền kinh tế nước này.