Sử dụng vốn văn hóa trong phát triển sinh kế của phụ nữ dân tộc Thái và H’Mông ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Vốn văn hóa là tài sản của cộng đồng được tích lũy qua thời gian, từ đó định hình bản sắc của mỗi dân tộc. Bài viết làm rõ thực trạng phụ nữ dân tộc Thái, dân tộc H’Mông đã tạo ra sinh kế phù hợp cho bản thân và gia đình dù có sự khác nhau trong nhận thức và sử dụng các nguồn vốn văn hóa trong phát triển sinh kế. Tuy có sự khác biệt trong việc khai thác vốn văn hóa để phát triển sinh kế nhưng vốn văn hóa đang được phụ nữ các dân tộc thiểu số sử dụng như một hình thức sinh kế mới để góp phần cải thiện cuộc sống và mang tính bền vững.
Phụ nữ dân tộc Thái. Ảnh: baohoabinh.com.vn.
Đặt vấn đề

Mai Châu là một huyện vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên là 56.982,81 ha, dân số trên 58.222 người. Mai Châu là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 61,23% dân số của huyện, người Mường chiếm 15%, người Kinh chiếm 11,96%, người H’Mông chiếm 9,83%, người Dao chiếm 1,98%, còn lại đồng bào các dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ1. Phụ nữ nơi đây ít có cơ hội tiếp cận và sử dụng các loại vốn sinh kế, như: đất đai, tài sản, phương tiện sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, lợi ích kinh tế và vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, họ lại là đối tượng được nhận nhiều vốn văn hóa (VVH) từ cha mẹ trao truyền trong gia đình. Ngày nay, phụ nữ dân tộc Thái, dân tộc H’Mông đã khai thác được nguồn VVH của dân tộc mình để phát triển sinh kế mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình; góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, từ đó thay đổi vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Vốn văn hóa và sinh kế

Piere Bourdieu (một nhà xã hội học, nhà triết học người Pháp) cho rằng, VVH là các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu nó cao hơn và tương lai hứa hẹn hơn. Cha mẹ cấp VVH cho con cái bằng tri thức, thái độ, phong cách sống làm cho hệ thống giáo dục trở thành một vị thế thân thuộc, thuận tiện giúp chúng có thể dễ dàng thành công. Ông nhấn mạnh đến giá trị luân chuyển, trao đổi của VVH với tư cách là “tư bản” (capital) chứ không đơn giản là “nguồn” (source)2. VVH không chỉ tất cả các yếu tố văn hóa mà đề cập đến những yếu tố văn hóa có khả năng luân chuyển, có giá trị trao đổi và tạo ra lợi ích trong quá trình luân chuyển, trao đổi đó.

Hai học giả Robert Putnam  (là giáo sư hàng đầu trong ngành Chính trị và Xã hội học người  Mỹ) và Francis Fukuyama (là nhà Triết học, nhà Kinh tế chính trị người Mỹ gốc Nhật Bản) tiếp tục phát triển khái niệm VVH của Piere Bourdieu, theo hai học giả này VVH là những tài sản vật thể và phi vật thể tham gia vào quá trình sản xuất để tạo ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Nếu Piere Bourdieu xem VVH là tài sản cá nhân thì Putnam và Fukuyama lại xem VVH là tài sản cá nhân lẫn tập thể3.

Ở Việt Nam, GS. TS. Trần Đình Hượu cho rằng, văn hóa là một loại vốn, là tài sản của cộng đồng được tích lũy qua thời gian, từ đó mà định hình bản sắc, nhưng khái niệm “vốn” mà ông đề cập nghiêng về nghĩa kho tàng chứ không phải vốn – capital4. Hay GS. TS. Trần Hữu Dũng đề cập đến hai dạng VVH, đó là: vật thể (công trình kiến trúc, di tích lịch sử) và phi vật thể (tập quán, phong tục, tín ngưỡng), VVH thuộc sở hữu của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo nên trong lịch sử5.

Ngoài ra, còn có các nhà nghiên cứu về văn hóa nhìn nhận và đưa ra khái niệm VVH “về cơ bản gắn liền với khái niệm các môi trường và thói quen” nên bên cạnh VVH cá nhân cần bổ sung, khai thác thêm di sản “vốn văn hóa”gắn liền với cộng đồng6. VVH là giá trị của của toàn bộ các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể do con người của từng cộng đồng sáng tạo, tích lũy và trao truyền trong lịch sử, được toàn thể cộng đồng chấp nhận như những chuẩn mực và sử dụng để định hình bản sắc, kết nối và tương tác trong cộng đồng và với các cộng đồng khác; mỗi cá nhân thuộc cộng đồng thẩm thấu VVH đó (với tư cách là những chuẩn mực giá trị chung) thành VVH của mình (với tư cách là các chuẩn mực giá trị cá nhân) và sử dụng nó trong quá trình sống để kiến tạo bản sắc cá nhân và tạo lập các mạng lưới xã hội cho bản thân mình7.

VVH trong bài viết này được hiểu là toàn bộ các nguồn lực vật thể và phi vật thể do con người của từng cộng đồng sáng tạo, tích lũy và trao truyền trong lịch sử, được toàn thể cộng đồng chấp nhận như những chuẩn mực chung và sử dụng để định hình bản sắc, kết nối và tương tác trong cộng đồng và với các cộng đồng khác; được biểu hiện ở từng cá nhân hoặc cộng đồng, nhưng quan trọng là có thể luân chuyển và tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình làm kinh tế để tạo ra lợi ích cho con người.

Theo Từ điển tiếng Việt (Trung Tâm từ điển học, 2008), sinh kế là: “Việc làm để kiếm ăn, để mưu sống”. Theo Chambers, R. and G. R. Conway: “Sinh kế bao gồm khả năng, nguồn lực và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người”. Và sinh kế chỉ bền vững khi nó có thể đương đầu và phục hồi sau các cú sốc hoặc cải thiện năng lực, tài sản, cung cấp các cơ hội sinh kế bền vững cho các thế hệ kế tiếp và đóng góp lợi ích cho các sinh kế khác ở cấp độ địa phương hoặc toàn cầu, trong ngắn hạn và dài hạn8.

Vì vậy, việc sử dụng VVH vào phát triển sinh kế trong bài viết này được hiểu là việc dùng VVH vào mục đích làm ăn, kiếm sống nhằm tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình. Từ đó, VVH được sử dụng vào phát triển sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) là những tri thức, kinh nghiệm, năng lực văn hóa của phụ nữ và năng lực vận dụng các yếu tố văn hóa để tạo ra giá trị trong quá trình phát triển.

Nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số về vốn văn hóa

Qua nghiên cứu của Đề tài “Vốn văn hóa trong phát triển sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số (nghiên cứu trường hợp phụ nữ dân tộc Thái, H’Mông, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình”, mã số đề tài ĐTCS.09/22/Viện Nghiên cứu Phụ nữ của Học viện Phụ nữ Việt Nam, năm 2022 cho thấy, nhận thức của phụ nữ DTTS về VVH chủ yếu là: phản ánh mức độ vận dụng các nguồn vốn đó vào quá trình phát triển sinh kế của bản thân họ. Nhận thức về VVH được tìm hiểu thông qua các nội dung, như: nhận định của phụ nữ về các khía cạnh của VVH; thực trạng nhận thức của phụ nữ về các nguồn VVH được trao truyền từ gia đình và cộng đồng; nhận thức về VVH là nguồn lực phát triển kinh tế.

Nhận thức về VVH của phụ nữ DTTS được hiểu qua các nhận định của họ về các khía cạnh thuộc VVH, bao gồm các khía cạnh: phong tục tập quán, tín ngưỡng lễ hội; sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật trình diễn dân gian; cảnh quan làng bản, di tích lịch sử, di sản chung của cộng đồng; ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nhà ở của dân tộc; các nghề thủ công truyền thống; tri thức, kinh nghiệm, năng lực cá nhân và các mối quan hệ được thừa kế, trao truyền; thiết chế tự quản thôn/bản với vai trò của luật tục, người già và các thủ lĩnh, dòng họ và gia đình; các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, làng bản.

Phụ nữ DTTS nhận thức khá tốt về các khía cạnh của VVH, như: các nghề thủ công truyền thống (75%) phụ nữ nhận định có; ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nhà ở của dân tộc (70%); phong tục tập quán, tín ngưỡng lễ hội; sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật trình diễn dân gian (60%). Các nội dung: thiết chế tự quản thôn/bản và các mối quan hệ gia đình dòng tộc có tỷ lệ nhận thức thấp hơn cả với (25% và 38%). Nhận thức tương đối đầy đủ về các khía cạnh của VVH với 5/7 nội dung còn chiếm tỷ lệ thấp với 25%9.

Nhìn chung, phụ nữ dân tộc Thái nhận thức đầy đủ hơn về các nội dung của VVH so với phụ nữ dân tộc H’Mông (được tính 5/7 các nội dung) với (28%). Điều này cũng phản ánh thực tế, người Thái ở Mai Châu ngay từ sớm đã khai thác VVH vào phát triển du lịch cộng đồng nên nhận thức của phụ nữ Thái về nguồn vốn này cũng có phần đầy đủ hơn, cụ thể là về các nghề thủ công truyền thống; phong tục tập quán, tín ngưỡng lễ hội sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật trình diễn dân gian; ngôn ngữ, chữ viết; ẩm thực, trang phục, nhà cửa (78%, 76%, 68%). Còn phụ nữ dân tộc H’Mông nhận thức tốt hơn phụ nữ dân tộc Thái ở những nội dung: tri thức, kinh nghiệm, năng lực cá nhân và các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, làng bản (46%, 42%)10. Ở người H’Mông các tri thức, kinh nghiệm năng lực cá nhân được trao truyền hay các mối quan hệ gia đình, dòng tộc… nên có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Vì vậy cũng phản ánh trong nhận thức của phụ nữ về nội dung này.

Phụ nữ DTTS nhận định VVH là nguồn lực phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ khá cao với 92% phụ nữ tham gia khảo sát đều nhận định đây là nguồn lực để phát triển kinh tế, có 2% phụ nữ không coi đây là nguồn lực phát triển kinh tế; còn lại 6 ý kiến khác cho rằng VVH giúp họ bảo vệ sức khỏe, duy trì truyền thống văn hóa11.

Có thể thấy, đa phần phụ nữ dân tộc Thái, H’Mông nhận thức về VVH và nguồn lực VVH trong phát triển sinh kế. Từ nhận thức đầy đủ về các khía cạnh của VVH, sẽ giúp cho phụ nữ có thể sử dụng các nguồn vốn này làm sinh kế đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

Thực trạng sử dụng những kinh nghiệm, tri thức vốn văn hóa được trao truyền để phát triển kinh tế

Từ nghiên cứu cho thấy, nhận định của phụ nữ DTTS về các nguồn VVH được trao truyền từ gia đình và cộng đồng: 85,0% phụ nữ DTTS lựa chọn có được truyền lại những: kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp như chọn giống, chăm sóc cây trồng/vật nuôi, mùa vụ,…; 81,0% lựa chọn được trao truyền những tri thức, kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử, nếp sống trong gia đình và cộng đồng; hơn 70% phụ nữ DTTS nhận định được truyền dạy những tri thức, kinh nghiệm về may mặc trang phục truyền thống của dân tộc (73%); các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, làng bản (73%); kinh nghiệm chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình (72%); phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội trong đời sống của cộng đồng từ gia đình và cộng đồng (71%); hơn 60% phụ nữ DTTS được truyền lại những tri thức, như: dệt vải, se lanh, vẽ sáp ong, đan lát, nấu rượu làm giấy gió, rèn…(68%); kinh nghiệm, tri thức đi rừng, tìm kiếm sản vật ở rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước (66%); kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe gia đình, chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian; các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật biểu diễn dân gian: múa, hát, thổi sáo, thơ ca, các trò chơi dân gian ném còn…(65%); phụ nữ nhận định được truyền lại những tri thức, kinh nghiệm trong lựa chọn nơi ở, làm nhà, trang trí nhà cửa chiếm 54%; trong việc tìm và chế biến thuốc chữa bệnh (từ các cây dược liệu) 46%12.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS áp dụng những tri thức, kinh nghiệm được trao truyền vào phát triển kinh tế chiếm 97% và không có sự khác nhau giữa phụ nữ dân tộc Thái và H’Mông. Sử dụng những tri thức, kinh nghiệm vào phát triển kinh tế cụ thể: trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 94,8%; sử dụng để phát triển các nghề thủ công truyền thống 74,2%; trong làm nghề tự do chiếm 50,5% (các nghề tự do được phụ nữ dân tộc Thái, H’Mông đề cập đến là đi làm thuê trong nông nghiệp, nấu ăn, dọn dẹp cho các gia đình làm du lịch cộng đồng, biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch làm thuê cho các xưởng sản xuất tăm,…). Sử dụng VVH trong phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng chưa cao chiếm 11,3%, nhưng phụ nữ tại địa bàn khảo sát lại vận dụng được VVH vào kinh doanh/buôn bán chiếm 24,7%13.

Phụ nữ dân tộc Thái và H’Mông sử dụng VVH trong các lĩnh vực chủ yếu, như: sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và các công việc dịch vụ phục vụ du lịch.

(1) Sử dụng VVH trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ DTTS ứng dụng những tri thức, kinh nghiệm VVH vào sản xuất nông nghiệp ở các khâu, như: gieo hạt, làm cỏ, lựa chọn phân bón, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng; các kinh nghiệm canh tác trên nương, rẫy, đất đồi, đất dốc, đất bạc màu…(92%) phụ nữ tham gia khảo sát có sử dụng; sử dụng trong chăm sóc cây/con, biết xác định bệnh của cây trồng, vật nuôi và cách chữa trị, xử lý (83%); làm truồng trại, trống nóng, rét cho vật nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh cho vật nuôi, nguồn thức ăn cho vật nuôi…(81%); sử dụng để chọn giống cây/con (79%); kết hợp phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi, đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi (70%). Ngoài ra, những kinh nghiệm tri thức VVH còn được sử dụng vào khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ nguồn nước… với (58%); tham gia trong cung cấp các hoạt động dịch vụ nông nghiệp (làm thuê/làm đỡ…) với 51% phụ nữ DTTS tham gia khảo sát sử dụng14.

(2) Sử dụng VVH trong sản xuât thủ công. Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ có sử dụng những tri thức, kinh nghiệm VVH để làm nghề thủ công khá cao, trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm phụ nữ dưới 45 tuổi (chiếm 88,5%) và đây cũng là nhóm có trình độ học vấn dưới THPT. Tỷ lệ phụ nữ DTTS vận dụng VVH để làm nghề thêu, dệt thổ cẩm chiếm tỷ lệ lớn nhất (79,5%; 78,2%); nấu rượu (60,3%); se lanh, nhuộm vải, vẽ sáp ong (51,3%); làm giấy gió/giang (37,2%)15. Ngoài ra, còn một số nghề thủ công khác, như: làm nỏ, cung tên, đan lát, nghề rèn nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ.

Việc sử dụng tri thức, kinh nghiệm VVH để làm các nghề thủ công đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình của của phụ nữ Thái và H’Mông ở Mai Châu có: 89,7%  phụ nữ nhận định là phục vụ cho nhu cầu của bản thân và gia đình; 80,8% tạo ra nhu thập; 78,2%  duy trì các nghề thủ công truyền thống truyền lại cho con cháu/thế hệ sau; 48,7% tạo cơ hội để tham gia vào các hội nghề nghiệp/hợp tác xã nghề thủ công; 28,2% 16tạo cơ hội để phát triển các dịch vụ tham quan du lịch khám phá, trải nhiệm.

(3) Sử dụng VVH để phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Phụ nữ DTTS sử dụng VVH để làm các dịch vụ du lịch, tập trung chủ yếu ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi dưới 45 tuổi, chiếm 30,9%; phụ nữ dân tộc Thái sử dụng VVH này vào phát triển du lịch (30%) nhiều hơn phụ nữ H’Mông (22%). Trong đó, tỷ lệ phụ nữ sử dụng VVH tham gia vào từng loại hình dịch vụ là 46,2% tham gia dịch vụ ăn uống; 38,5% làm các dịch vụ trải nhiệm làng nghề truyền thống; 11% làm dịch vụ lưu trú; 19,2% làm các dịch vụ khác như làm thuê, dọn dẹp cho các cơ sở dịch vụ du lịch; Ngoài ra, họ còn làm các dịch vụ cho thuê xe, trang phục, chụp ảnh, hướng dẫn viên du lịch (3,8%)17. Các nguồn VVH được phụ nữ khai thác để làm các dịch vụ du lịch, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm sau:

Nhóm 1, các tri thức, kinh nghiệm về ẩm thực, trang phục truyền thống của dân tộc; kinh nghiệm, tri thức trong giao tiếp, ứng xử, nếp sống của gia đình và cộng đồng; phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội của địa phương (lễ hội Xên bản, Xên mường, Tết cổ truyền của dân tộc…); các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, làng bản và quan hệ bạn bè chiếm từ 50%.

Nhóm 2, nếp nhà, cảnh quan làng bản và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng với hơn 40%.

Nhóm 3, các tri thức về cây dược liệu và các di tích lịch sử của địa phương; tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch cũng mang lại thu nhập cao cho phụ nữ.

Những kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng được phụ nữ vận dụng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể: 46,2%  trong phục vụ các món ăn dân tộc cho khách du lịch; 23,1%  trong giao tiếp, ứng xử với khách du lịch; 23,1%  sử dụng trong kinh doanh các dịch vụ du lịch bổ trợ (hướng dẫn viên, đốt lửa trại, biểu diễn văn nghệ, chụp ảnh, thuê xe, thuốc dược liệu chăm sóc sức khỏe ….);15,4% trong hoạt động quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh du lịch của gia đình/cộng đồng18.

Ngoài ra, nhiều phụ nữ DTTS còn vận dụng kinh nghiệm, hiểu biết về văn nghệ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc để tham gia nhóm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại các điểm văn hóa, du lịch, sự kiện và mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, việc biểu diễn phục vụ khách du lịch hoặc sự kiện thường không đều và chủ yếu theo mùa khách du lịch tại địa phương nhưng nguồn thu nhập này cũng góp phần cải thiện đáng kể để phụ nữ trang trải cuộc sống gia đình.

Kết luận

Phụ nữ DTTS nhận thức và coi VVH là một nguồn lực quan trọng để họ phát triển kinh tế mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Các nguồn VVH hiện đang được phụ nữ dân tộc Thái, H’Mông khai thác và sử dụng rất tốt trong sinh kế của mình, nguồn vốn này đang đóng vai trò nòng cốt trong sinh kế của phụ nữ nơi đây. VVH đang được phụ nữ khai thác và sử dụng thay thế cho những thiếu hụt về các nguồn vốn tự nhiên, tài chính…

Trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác phát huy được nguồn lực văn hóa vào phát triển sinh kế đang là một hướng đi mang tính bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng đến khi các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Từ thực trạng sử dụng nguồn VVH trong phát triển sinh kế của phụ nữ Thái, H’Mông sẽ là một gợi ý chính sách để phát huy được nguồn vốn này vào phát triển sinh kế của phụ nữ nói chung và DTTS nói riêng.

Chú thích:
1. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mai Châu khóa XXIV trình Đại hội Đại biểu Phụ nữ huyện Mai Châu lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2021 – 2026).
2. Bourdieu, P. (1986). The Forms of Capital, in J. G. Richardson (ed.) Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. New York: Greenwood Press. Pp. 241-258
3. Putnam, Robert D (2000). Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. New York: Simon and Schuster: 48.
4, 6. Bùi Minh Hào. Vốn văn hóa và tiếp cận vốn văn hóa trong nghiên cứu phát triển. Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 1, tháng 01/2021, tr. 135 – 140.
5. Phát triển bền vũng nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa. https://www.chungta.com, ngày 25/9/2014.
7. Trần Thị An. Mối quan hệ giữa vốn văn hóa và vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi ở Việt nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 11/2017, tr. 6.
8. Chambers, R. and G. R. Conway (1991). Sustainable rural livelihoods: practical
concepts for the 21st century
. IDS Discussion Paper No.296, p.15.
9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18. Đề tài “Vốn văn hóa trong phát triển sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số (nghiên cứu trường hợp phụ nữ dân tộc Thái, H’Mông, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình”, mã số đề tài ĐTCS.09/22/Viện Nghiên cứu Phụ nữ của Học viện Phụ nữ Việt Nam, năm 2022.
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Xuân Dũng. Khai thông nguồn lực văn hóa, tạo bước đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tạp chí Cộng sản, tháng 12/2019.
2. Lê Quỹ Đức. Phát huy nguồn lực văn hóa – con người, tạo bước đột phá đưa đất nước phát triển nhan, bền vững. Tạp chí Cộng sản, 03/6/2020.
3. Trần Hữu Quang. Tìm hiểu khái niệm vốn xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội, số 95/2006, tr.74 – 81.
4. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030.
5. Trung tâm Từ điển học. Từ điển tiếng Việt, Đ.NXB Đà Nẵng, 2008, tr. 1.064.
6. Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Tư liệu phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm phụ nữ dân tộc Thái, H’Mông tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, tháng 8/2022.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Dư địa chí tỉnh Hòa Bình. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.
ThS. Trương Thị Thúy Hà
Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam
ThS. Trần Toàn Trung
Học viện Hành chính Quốc gia