Hội thảo Khoa học quốc tế: “Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm trong thực thi chính sách đối với phát triển quốc gia giữa Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á (ASEAN) thời kỳ hậu Covid-19”

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 25/11/2022, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế do Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc (KRI) của Đại học New South Wales, Ốt-trây-li-a đồng chủ trì tổ chức, với chủ đề: “Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm trong thực thi chính sách đối với phát triển quốc gia giữa Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á (ASEAN) thời kỳ hậu Covid-19”. PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có ông Nisith Keopanya, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào; TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; TS. Seung-H Kwon, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc; ông Jaejin Choi, Giám đốc Quỹ Hàn Quốc văn phòng Hà Nội; TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cùng hơn 100 quan chức cấp cao, nhà khoa học đến từ 10 quốc gia: Hàn Quốc, Ốt-trây-li-a,Việt Nam, Campuchia, Lào, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin.

PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Triệu Văn Cường, nhấn mạnh: từ cuối năm 2019, cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Hậu Covid-19 gây ra các biến động, bất ổn về môi trường địa kinh tế; đồng thời, địa chính trị trên thế giới lại diễn biến phức tạp, gây chia rẽ giữa các nước, các khối, các khu vực, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện đa cực ngày càng rõ nét. Sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế có xu hướng gia tăng…

Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam nhận định bối cảnh quốc tế sẽ phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

PGS.TS. Triệu Văn Cường đánh giá Hàn Quốc và các nước ASEAN có mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhiều thập kỷ. Hàn Quốc là quốc gia đã đạt được những tiến bộ về kinh tế, chuyển mình nhanh từ nền kinh tế đang phát triển thành nền kinh tế phát triển, có đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN. Hội thảo là cơ hội để những tri thức khoa học và những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và thực thi chính sách được chia sẻ giữa Hàn Quốc với các quốc gia Đông Nam Á và giữa các quốc gia ASEAN, sẽ mang lại những bài học quý giá cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á nói chung, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và phát triển bền vững.

TS. Seung-H Kwon, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, Đại Học New South Wales, Úc phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Seung-Ho Kwon, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc đánh giá đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức và những thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng địa chính trị và quân sự gia tăng. Việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc và các nước ASEAN đã tạo dựng mối quan hệ đối tác ngoại giao, văn hóa – xã hội và kinh tế mạnh mẽ hơn. Khi các điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội phát triển nhanh chóng trong thời kỳ hậu Covid-19, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngày càng cần phải tham gia đối thoại bền vững và điều chỉnh chiến lược của mình. Hội thảo này sẽ đóng góp vào nỗ lực không ngừng của Hàn Quốc và ASEAN trong việc tăng cường quan hệ đối tác bằng cách cung cấp một diễn đàn độc lập cho sự tham gia của các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách công, nhà nghiên cứu và học giả hàng đầu từ Hàn Quốc và 8 quốc gia ASEAN nhằm giải quyết các vấn đề phát triển chính sách quan trọng trong bối cảnh hậu đại dịch. Là mạng lưới nghiên cứu duy nhất chuyên nghiên cứu so sánh chính sách công giữa ASEAN và Hàn Quốc, diễn đàn đã và đang thúc đẩy trao đổi kiến ​​thức trong lĩnh vực phát triển chính sách.

Một số đại biểu tham gia trình bày tham luận.
GS. Emerlinda R. Roman Ban cố vấn Diễn đàn Nghiên cứu So sánh Chính sách Công (CPPR) phát biểu chúc mừng Hội thảo.

Phát biểu chúc mừng Hội thảo, GS. Emerlinda R. Roman, nguyên Giám đốc Đại học Philippines, cho rằng: trong những năm qua KRI đã đi đầu trong việc duy trì các nỗ lực nhằm tiếp tục chia sẻ kiến thức để giúp tăng cường quan hệ chiến lược về kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị giữa ASEAN và Hàn Quốc. Nhiều hội thảo và hội nghị chuyên đề đã được tổ chức nhằm chia sẻ kiến thức và học hỏi từ những thành công, thất bại của các sáng kiến chính sách. Mặc dù hoàn cảnh và tình huống có thể khác nhau, nhưng những bài học quý giá có thể được rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia khác và từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và tình hình cụ thể của một quốc gia. Hội thảo sẽ giúp tăng thêm giá trị cho việc củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia tham gia, hiểu rõ hơn về tình hình của mỗi nước có thể tạo nên nền tảng vững chắc hơn để xây dựng mối quan hệ giữa các nước.

Ông Nisith Keopanya, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào phát biểu chúc mừng Hội thảo.

Phát biểu chúc mừng Hội thảo, ông Nisith Keopanya, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp với Việt Nam, các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc trong khuôn khổ ASEAN và các nền tảng hợp tác khác, nhất là trong lĩnh vực cải cách quản trị. Đại dịch Covid-19 gây ra những gián đoạn nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và cuộc sống của người dân trong khu vực và trên thế giới. Ông mong muốn được chia sẻ và học hỏi nhiều hơn và tin rằng những kinh nghiệm chia sẻ trong Hội thảo sẽ giúp giải quyết những khó khăn giai đoạn hậu đại dịch.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.

Hội thảo bao gồm ba phiên phát biểu: (1) Cải cách Khu vực công: Những thách thức và cơ hội trong thời kỳ hậu Covid-19; (2) Phát triển kinh tế: Những thách thức và cơ hội trong thời kỳ hậu Covid-19; (3) Tìm hiểu những thách thức đối với sự phát triển quốc gia của các nước ASEAN trong thời kỳ hậu Covid-19 và một phiên toàn thể. Các nhà khoa học, diễn giả của các quốc gia đã tham luận tại Hội thảo nhiều nội dung rất phong phú, đa dạng các nghiên cứu điển hình về chính sách liên quan đến xây dựng, thực thi, những ảnh hưởng của các chính sách tới kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, bên cạnh đó là những cải cách trong khu vực công, phát triển kinh tế, tìm hiểu những thách thức, cơ hội đối với sự phát triển của mỗi quốc gia của các nước ASEAN và Hàn Quốc trong các giai đoạn trước trong và giai đoạn hậu Covid-19.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Xuân Phú