(Quanlynhanuoc.vn) – Hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở là lực lượng chiếm số lượng đông đảo trong quân đội, là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chính trị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Quản lý các mối quan hệ xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ có ý nghĩa, vai trò to lớn góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đặt vấn đề
Mối quan hệ xã hội (MQHXH) của hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQBS) trong đơn vị là tổng thể những mối quan hệ tác động qua lại của HSQBS trong hoạt động quân sự và trong cuộc sống hàng ngày, là quan hệ bền chặt, ổn định của các chủ thể hành động. Các quan hệ này được hình thành trên những tương tác xã hội ổn định, lặp đi lặp lại, có liên hệ chặt chẽ với hành động xã hội và tương tác xã hội. Các MQHXH đã tạo ra một mạng lưới tương đối ổn định, từ đó mà chúng có mối liên hệ và ràng buộc lẫn nhau. Điều này cũng chỉ rõ bản chất xã hội của con người được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa con người với con người. C.Mác đã khẳng định: “bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”1.
Quản lý các MQHXH của HSQBS là tổng thể hoạt động có mục đích, có kế hoạch và quy trình thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, tập thể quân nhân và của mỗi HSQBS nhằm nắm thực chất khuynh hướng tư tưởng, tâm lý, tình cảm, hành vi của họ, từ đó có biện pháp tổ chức, định hướng, điều khiển và phát triển các MQHXH lành mạnh, góp phần giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Quản lý các MQHXH của HSQBS yêu cầu phải quản lý toàn diện, chặt chẽ nhiều mặt, trong đó cần tập trung quản lý quan hệ của HSQBS với cấp ủy, chỉ huy các cấp; với tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội đồng quân nhân; với đồng chí, đồng đội trong đơn vị; với gia đình, bạn bè, người thân; với Nhân dân, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân và nơi cư trú và làm công tác dân vận; với các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng…
Mục đích của việc quản lý các MQHXH của HSQBS là huy động, phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng để xây dựng đơn vị vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, có đủ năng lực thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ.
Thực trạng quản lý mối quan hệ xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở
Thực tiễn thời gian qua, công tác quản lý các MQHXH của HSQBS ở đơn vị cơ sở (ĐVCS) đã đạt được kết quả tích cực, như: nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp về quản lý các MQHXH của HSQBS ngày càng được nâng cao; nội dung, phương pháp quản lý không ngừng được hoàn thiện. Tuyệt đại đa số HSQBS có các MQHXH trong sáng, lành mạnh, luôn nhận thức sâu sắc và thể hiện tình thương yêu đồng chí, đồng đội, quan tâm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, công tác, sinh hoạt hàng ngày, giữ vững và phát huy phẩm chất nhân cách của “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, thực trạng quản lý các MQHXH của HSQBS ở ĐVCS còn hạn chế, bất cập, như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, cán bộ chỉ huy các cấp về quản lý các MQHXH của HSQBS có lúc còn xem nhẹ, chưa đề cao trách nhiệm trong quản lý các MQHXH của HSQBS để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trong đơn vị: “có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, tham gia tệ nạn xã hội, sống buông thả, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội”2, chưa thật sự chủ động nắm chắc các MQHXH của HSQBS để có các biện pháp ngăn chặn, giải quyết kịp thời; xuất hiện nhiều biểu hiện cục bộ, bè phái, mất đoàn kết ở một số đơn vị, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của đồng chí, đồng đội; một số HSQBS chưa nêu cao ý thức tự giác và phát huy vai trò cá nhân trong tự quản lý, cá biệt vẫn còn trường hợp vi phạm quy định, kỷ luật quân đội phải xử lý, ngoài ra, còn vi phạm khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội tùy tiện, thiếu ý thức cảnh giác, dẫn đến làm lộ bí mật quân sự…
Giải pháp quản lý các mối quan hệ xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay
Một là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng đối với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý các MQHXH của HSQBS ở ĐVCS.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là tiền đề góp phần nâng cao chất lượng quản lý các MQHXH của HSQBS. Bởi vì, có nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm cao sẽ góp phần thúc đẩy hành động đúng, phát huy được tính tích cực, tự giác của các chủ thể. Do đó, để hoạt động quản lý các MQHXH của HSQBS đạt kết quả cao cần có sự thống nhất cao về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm để các chủ thể thực sự hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, bản chất của hoạt động này.
Để thực hiện tốt nội dung trên cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ huy, quản lý các MQHXH của HSQBS. Đánh giá đúng nhận thức, trách nhiệm, năng lực của từng cán bộ để từ đó đưa vào nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng theo định kỳ “Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực trong quản lý, giáo dục bộ đội”3. Tổ chức tốt các buổi học tập, tập huấn hằng năm cho đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tăng cường phổ biến, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý, kỹ năng, kinh nghiệm và phương pháp xử lý các vấn đề nảy sinh trong giải quyết các MQHXH. Khắc phục tình trạng buông lỏng, dựa dẫm, ỷ lại, tranh công đổ lỗi giữa các tổ chức, các lực lượng trong quá trình quản lý các MQHXH của HSQBS ở ĐVCS.
Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp: “Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”4 trong nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của HSQBS, trực tiếp giáo dục, chỉ huy, quản lý HSQBS thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ; nhanh chóng xử lý triệt để các tình huống nảy sinh trong giải quyết các MQHXH của HSQBS theo phân cấp, không để diễn biến phức tạp. Với Đoàn thanh niên cần đổi mới nội dung, hình thức quản lý đoàn viên, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý các MQHXH của đoàn viên, với quản lý việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh và kỷ luật. Với Hội đồng quân nhân cần phát huy tốt dân chủ, tích cực tham gia: “tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các vướng mắc, nảy sinh”5 trong giải quyết các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ và giữa các quân nhân; xây dựng tình đồng chí, đồng đội thân thiết, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong đơn vị. Nhờ đó, đơn vị sẽ luôn nắm chắc, phân tích, đánh giá và có biện pháp xử lý phù hợp các tình huống nảy sinh từ các MQHXH của HSQBS.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp quản lý các MQHXH của HSQBS.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp quản lý, thực chất là xác định các công việc cần làm cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị. Để quản lý có hiệu quả phải có nội dung quản lý phù hợp với từng giai đoạn, từng hoạt động của HSQBS: “Nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm ngay từ cơ sở”6 cần nắm và quản lý chặt chẽ mối liên hệ của họ với gia đình người thân, kịp thời phát hiện mâu thuẫn, vướng mắc, những biểu hiện quan hệ thiếu lành mạnh, kịp thời ngăn chặn, khắc phục những tác động của chúng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của HSQBS.
Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên khi phân tích, đánh giá các MQHXH của HSQBS cần kết luận chính xác, làm rõ nguyên nhân và chiều hướng phát triển của các mối quan hệ. Trong đó, chú trọng các biện pháp quản lý trực tiếp, như: thông qua hoạt động hằng ngày của HSQBS; thông qua giao ban, thông qua các buổi sinh hoạt, đối thoại dân chủ, trao đổi, phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, trò chuyện với quân nhân và nghe họ báo cáo, phản ánh các mối quan hệ, trực tiếp kiểm tra, giám sát các MQHXH của HSQBS… Qua đó, mỗi HSQBS tự điều chỉnh hành vi trong giao tiếp, ứng xử với các MQHXH đúng với chuẩn mực đạo đức quân nhân và quy định trong quân đội, đơn vị.
Ngoài ra, cần vận dụng linh hoạt hình thức, biện pháp quản lý trực tiếp với biện pháp quản lý gián tiếp như: kết hợp phân tích, đánh giá kết quả giải quyết các MQHXH của HSQBS, thông qua hồ sơ, sổ sách, các tài khoản mạng xã hội của HSQBS, từ người thân, gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội, mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân nơi đóng quân; thông qua các báo cáo, phản ánh của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị, thông qua lấy “phiếu chiến sĩ”; thông qua nhận và giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại và thông qua HSQBS tự khai, bổ sung lý lịch định kỳ hàng năm để nắm những thông tin cơ bản, cần thiết; thông qua dư luận xã hội. Qua đó, nhanh chóng phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vấn đề nảy sinh, vướng mắc cần tháo gỡ trong giải quyết các MQHXH của HSQBS. Thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, tìm ra nguyên nhân mạnh, yếu để rút kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp theo.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động quản lý chặt chẽ các MQHXH của HSQBS trên mạng xã hội.
Để quản lý tốt MQHXH của HSQBS trên mạng xã hội đòi hỏi cấp ủy, người chỉ huy, các tổ chức trong đơn vị phát huy tốt vai trò của mình trong nắm bắt tình hình tư tưởng, ý thức chấp hành kỷ luật của HSQBS. Trong đó nêu cao vai trò của cán bộ chính trị làm nòng cốt để quản lý chặt chẽ HSQBS tham gia mạng xã hội. Nêu cao vai trò của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị đối với phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội: “Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch”7. Cùng với đó là thường xuyên tăng cường quản lý điện thoại di động, phương tiện công nghệ thông tin và hoạt động kết nối, sử dụng Internet của HSQBS trong đơn vị. Chủ động thành lập các tổ, nhóm kiểm tra, giám sát quản lý HSQBS tham gia mạng xã hội.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đơn vị vững mạnh toàn diện là điều kiện tốt để loại bỏ mọi tác động xấu, tạo môi trường lành mạnh cho HSQBS phấn đấu, rèn luyện. Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện với xây dựng chính quy, môi trường văn hóa, tạo môi trường lành mạnh đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp, giao tiếp văn minh, theo đúng chuẩn mực xã hội, điều lệnh, điều lệ của quân đội “chú trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, chủ động đấu tranh phòng, chống các tác động tiêu cực và văn hóa xấu độc”8, nâng cao khả năng tự bảo vệ trong mỗi tập thể và mỗi quân nhân. Toàn đơn vị là tập thể vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có nhiều điểm sáng văn hóa là nhân tố quan trọng, góp phần đẩy lùi các tiêu cực tác động vào quân đội, vào đơn vị; phòng, chống có hiệu quả các hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, nhất là với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết gắn bó quân dân cho bộ đội và thanh niên địa phương nhằm tạo ra “sân chơi” phù hợp với tuổi trẻ, thu hút bộ đội và thanh niên địa phương vào các hoạt động bổ ích, giàu chất nhân văn giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những quan hệ không lành mạnh xuất hiện trong đơn vị, những biểu hiện tiêu cực, cục bộ, bè phái… làm ảnh hưởng đến các quan hệ truyền thống tốt đẹp của đơn vị, quân đội.
Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo tự quản lý MQHXH của HSQBS.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến hiệu quả công tác quản lý các MQHXH của HSQBS ở ĐVCS. Đồng thời, là cơ sở quan trọng để biến quá trình quản lý thành quá trình tự quản lý của HSQBS. Yêu cầu cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong giáo dục, nâng cao nhận thức “Làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong quán triệt, thực hiện điều lệnh, điều lệ, chỉ thị, quy định”9; duy trì hoạt động quản lý chặt chẽ, thường xuyên có nề nếp “tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội của quân nhân”10; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để HSQBS phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự giác chấp hành sự quản lý, biến quá trình quản lý thành quá trình tự quản lý, làm chủ bản thân trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị thường xuyên hướng dẫn HSQBS xây dựng và thực hiện kế hoạch phấn đấu tu dưỡng; phổ biến kinh nghiệm điển hình của tập thể, cá nhân có thành tích tự quản lý; đồng thời phát huy vai trò tự quản lý của các tổ chức trong tập thể HSQBS. Đấu tranh khắc phục những biểu hiện sai trái, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, lười học, ngại rèn, không quan tâm đúng mức hoạt động quản lý MQHXH của HSQBS. Đồng thời, phát huy tính tích cực, tự giác chấp hành sự quản lý của đơn vị và tự quản lý của HSQBS; nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ; tự giác gắn bó với tổ chức, đơn vị, quán triệt và chấp hành nghiêm nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên, gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, giải quyết các mối quan hệ có lý, có tình, vì sự tiến bộ của tập thể, cá nhân.