Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Quyết định số 163/QĐ -TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó tập trung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đạo đức công chức, công vụ…
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2021

Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, ngày 05/9/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ra Quyết định số 2022/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt, tỉnh đã bám sát các quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC; Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017, Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các quy định về ĐTBD CBCCVC của tỉnh, do vậy, công tác ĐTBD đã được triển khai mạnh mẽ.

Giai đoạn 2016 – 2021, có 25.897 lượt CBCCVC đã được ĐTBD, trong đó: (1) Bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị: cao cấp lý luận chính trị – hành chính: 442 người; trung cấp chính trị – hành chính: 4.066 người; (2) Bồi dưỡng trình độ quản lý nhà nước: chương trình chuyên viên cao cấp: 26 người; chương trình chuyên viên chính: 2.000 người; chương trình chuyên viên: 2.093 người; (3) Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý: cấp sở: 68 người; cấp huyện: 152 người; cấp phòng: 918 người; (4) Bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đối với công chức 4.781 người; (5) Bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đối với viên chức 3.496 người; (6) Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho CBCC xã 4.918 lượt người1.

Lễ khai giảng lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên khóa I/2022 tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế.

Hằng năm, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và cử CBCCVC tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở Nội vụ tổ chức. Ngoài ra, nhiều CBCCVC còn tham gia các khóa đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở trong nước và nước ngoài, đào tạo tin học, ngoại ngữ…

So với kế hoạch đề ra, tính đến nay, Thừa Thiên Huế đạt 100% số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân, có 100% cán bộ xã và 100% công chức xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định; có 98% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; có 100% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng2.

Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng CBCCVC trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả ĐTBD, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 26/10/2018 về việc đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với CBCCVC nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chinh phủ. Đến năm 2020, đã tổ chức được 15 lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng với 918 học viên, trong đó cơ bản là những công chức, viên chức nhằm bảo đảm điều kiện trước khi bổ nhiệm chức vụ, đạt 95%. Đối với chức danh lãnh đạo cấp huyện đã bồi dưỡng được 152 người đạt 100% và lãnh đạo cấp sở được 68 người đạt 100%3.

Trên cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực trong từng vị trí việc làm của các CBCCVC hiệu quả công tác tham mưu, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị có chuyển biến tích cực, cụ thể:

(1) Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được phân công tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện ĐTBD CBCCVC chặt chẽ, có hiệu quả; đội ngũ giảng viên các cơ sở ĐTBD của tỉnh đủ về số lượng, chất lượng ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về ĐTBD CBCCVC.

(2) Công tác quản lý, sử dụng đội ngũ CBCC cấp xã ở tỉnh đã đi vào nề nếp; trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ CBCC đã được nâng lên một bước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính ở các đơn vị, địa phương.

(3) Nâng cao trách nhiệm của bản thân CBCCVC trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được ĐTBD; học và tự học, thực hiện học tập suốt đời, đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng. Các sở, ban, ngành thực hiện kế hoạch bồi dưỡng CBCCVC tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong các trường học, cơ quan, đơn vị…

Để có được kết quả nêu trên là do tỉnh đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, về kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị, giảng viên thỉnh giảng của địa phương.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ. Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng thường xuyên tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng… Đồng thời, cử giảng viên thỉnh giảng tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy do Bộ Nội vụ tổ chức. Một số giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh được tham gia bồi dưỡng các khóa ngắn hạn tại nước ngoài.

Hai là, về xây dựng Quy chế ĐTBD CBCCVC, chương trình, tài liệu ĐTBD. Hiện nay, tỉnh chưa có Quy chế về ĐTBD mà thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, việc đang sử dụng các tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo cấp phòng do Bộ Nội vụ ban hành, các giảng viên của Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã biên soạn nội dung cập nhật các văn bản mới để nâng cao chất lượng ĐTBD CBCCVC. Bên cạnh đó, một số giảng viên thỉnh giảng là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình và thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ba là, về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở ĐTBD CBCCVC đã được UBND tỉnh quan tâm, như: xây dựng các phòng học đáp ứng tiêu chuẩn, các phòng chức năng, các khu vực nhà ở của học viên, trang thiết bị như máy chiếu, máy vi tính nối mạng internet phục vụ công tác giảng dạy, học tập.

Bốn là, về tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng thực hiện quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng ĐTBD cán bộ, công chức đã được Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh lựa chọn một số lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, chuyên viên chính để lấy phiếu khảo sát đánh giá chất lượng ĐTBD.

Những hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTBD CBCCVC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Thứ nhất, đối với công tác ĐTBD trong nước:

(1) Việc thực hiện cơ chế khoán chi thành tự chủ trong công tác ĐTBD đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc cử CBCCVC đi ĐTBD hiện nay.

(2) Số lượng CBCCVC của tỉnh được ĐTBD hằng năm tăng về số lượng nhưng về kỹ năng làm việc của một số CBCCVC còn yếu; trình độ tin học, ngoại ngữ còn hạn chế.

(3) Năng lực của của các cơ sở ĐTBD CBCCVC của tỉnh nhìn chung còn nhiều hạn chế và bất cập. Các trang thiết bị phục vụ công tác ĐTBD ở một số cơ sở ĐTBD còn thiếu. Đội ngũ giảng viên chưa đồng đều, một số giảng viên trẻ và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng còn thiếu phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy ở một số chương trình.

(4) Tỉnh chưa xây dựng được các chương trình, tài liệu để phục vụ ĐTBD CBCCVC. Đặc biệt, các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo vị trí việc làm.

(5) Kinh phí của tỉnh bố trí cho công tác ĐTBD hằng năm có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác ĐTBD CBCCVC, cụ thể: chưa bố trí đủ các khoản kinh phí ăn ở, đi lại cho học viên tham gia các lớp học tập trung dài ngày theo quy định.

Thứ hai, công tác ĐTBD ở nước ngoài:

(1) Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và giảng viên các cơ sở ĐTBD. Mặc dù một số giảng viên được tham gia các khóa bồi dưỡng nước ngoài do Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhưng do nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên chất lượng và số lượng vẫn còn có nhiều bất cập.

(2) Nguồn CBCCVC không đủ trình độ ngoại ngữ để đi đào tạo trình độ sau đại học, mặc dù một số cơ sở ĐTBD của nước ngoài dành học bổng cho tỉnh. Một số chương trình ĐTBD trung hạn có nguồn học bổng từ các cơ quan trung ương (ví dụ: Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương…) cũng không có ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn…

Một số giải pháp đặt ra trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng CBCCVC trong việc bảo đảm hiệu quả, chất lượng công tác ĐTBD.

Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng CBCCVC về vai trò, ý nghĩa, hiệu quả và chất lượng công tác ĐTBD; nghiêm túc thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC. Từ nội dung này cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và quán triệt nội dung ĐTBD ngay trong từng cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh để từng vị trí công tác, từ lãnh đạo, quản lý đến nhân viên đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và thực hiện ĐTBD hằng năm. Đồng thời, khuyến khích, xây dựng môi trường học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ CBCCVC.

Hai là, xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, hiệu quả về công tác ĐTBD CBCCVC trong tỉnh. Trước hết cần tái cấu trúc lại bộ máy quản lý công tác ĐTBD CBCCVC trong tỉnh theo hướng thống nhất, đồng bộ, hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phân cấp lại chức năng quản lý ĐTBD giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ. Đồng thời, phân cấp chức năng, nhiệm vụ về ĐTBD giữa các đơn vị thực thi ĐTBD như Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh với các trường đại học trực thuộc tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện…

Ba là, cần ban hành các chính sách ĐTBD CBCCVC đặc thù để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong giai đoạn đã qua, đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác ĐTBD CBCCVC, đáp ứng nhu cầu và tăng cường công tác kiểm định chất lượng ĐTBD CBCCVC trong tỉnh. Các chính sách này, cần khuyến khích cơ chế tự chủ của các cơ quan, đơn vị; đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như trách nhiệm của từng cá nhân CBCCVC về công tác ĐTBD.

Bốn là, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở ĐTBD CBCCVC trong tỉnh. Hệ thống này cần được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng. Đặc biệt, cần chú trọng ĐTBD đội ngũ giảng viên của các cơ sở ĐTBD CBCCVC để thực sự có năng lực ĐTBD CBCCVC trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển trong tỉnh.

Năm là, đề nghị các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sớm tham mưu trình Chính phủ bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho các địa phương thực hiện các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 26/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đối với nguồn kinh phí để đưa CBCCVC đi ĐTBD ở nước ngoàir

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 12/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016 – 2021, kế hoạch 2021 – 2025 và tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 26/10/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025.
4. Quyết định số 3555/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022.
5. Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Phan Lương
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế