Thực hiện pháp luật về đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự thay đổi của hệ thống pháp luật cùng những chính sách phù hợp trong thực hiện đăng ký kinh doanh, với những chức năng, nhiệm vụ được cụ thể hóa sẽ tạo ra môi trường làm việc để các chủ thể đến đăng ký thành lập doanh nghiệp thuận lợi, dễ dàng hơn. Đây thực sự là một cải cách rất tiến bộ trong hoạt động cấp phép đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với TP. Hồ Chí Minh, là trung tâm lớn về kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nhằm tạo ra môi trường thông thoáng trong hoạt động thu hút đầu tư của TP. Hồ Chí Minh hiện nay. 
Ảnh minh hoạ: TTXVN.
Đặt vấn đề

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho các chủ thể kinh doanh thuộc về rất nhiều cơ quan nhà nước, được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Pháp luật quy định các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Và, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan ĐKKD không chỉ dừng chấm dứt tại thời điểm khi cấp Giấy Chứng nhận ĐKKD cho doanh nghiệp (DN) mà còn tiếp tục được thực hiện trong quá trình DN đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Việc quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan ĐKKD như trên là hợp lý bởi, Nhà nước chỉ thực hiện việc ĐKKD, sau đó thực hiện công tác “hậu kiểm”. Việc ĐKKD được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền ĐKKD nên mọi thông tin về các chủ thể kinh doanh, cơ quan tiến hành cấp Giấy Chứng nhận ĐKKD sẽ nắm rõ nhất về tính pháp lý của chủ thể, các điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm tra đối với DN, các chủ thể được cấp phép hoạt động kinh doanh.

Về trách nhiệm thực hiện pháp luật đăng ký kinh doanh

Cơ quan ĐKKD có thể được hiểu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận ĐKKD cho các tổ chức cá nhân. Theo Điều 14 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 01/01/2021 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức của cơ quan ĐKKD được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).

Ở cấp tỉnh: phòng ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc phòng ĐKKD tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.

Ở cấp huyện: phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện là cơ quan ĐKKD cấp huyện có tài khoản và con dấu riêng.

Theo khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn chung của cơ quan ĐKKD như sau: giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) và cấp Giấy chứng nhận ĐKDN theo quy định của pháp luật; phối hợp xây dựng, quản lý hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN; công khai, cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật; yêu cầu DN báo cáo về việc tuân thủ quy định khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của DN; trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát DN theo nội dung trong hồ sơ ĐKDN; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ ĐKDN, không chịu trách nhiệm về những vi phạm của DN xảy ra trước và sau khi ĐKDN; xử lý vi phạm quy định của pháp luật về ĐKDN; thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN và yêu cầu DN làm thủ tục giải thể và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhiệm vụ, quyền hạn của phòng ĐKKD theo Điều 15 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định như sau: phòng ĐKKD trực tiếp nhận hồ sơ ĐKDN; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ ĐKDN; cấp hoặc từ chối cấp ĐKDN; hướng dẫn DN và người thành lập DN về hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKDN; hướng dẫn cơ quan ĐKKD cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN; thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật dữ liệu ĐKDN tại địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN. Cung cấp thông tin về ĐKDN lưu giữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN trong phạm vi địa phương quản lý cho UBND cấp tỉnh, cơ quan quản lý thuế tại địa phương và theo yêu cầu của cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu DN báo cáo về việc tuân thủ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về yêu cầu DN báo cáo về việc tuân thủ quy định khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của DN; trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát DN theo nội dung trong hồ sơ ĐKDN. Kiểm tra, giám sát cơ quan ĐKKD cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký hộ kinh doanh. Yêu cầu DN tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định pháp luật. ĐKKD cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ĐKKD cấp huyện theo Điều 16 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP; trực tiếp nhận hồ sơ ĐKKD; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp ĐKKD; hướng dẫn hộ kinh doanh và người thành lập hộ kinh doanh về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ báo cáo UBND cấp huyện, phòng ĐKKD, cơ quan thuế cấp huyện về tình hình đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn. Cung cấp thông tin về đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi địa bàn cho UBND cấp huyện, cơ quan quản lý thuế tại địa phương, các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo về việc tuân thủ các quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP khi cần thiết; yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh; thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD hoặc tiến hành ĐKKD cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn thực hiện pháp luật đăng ký kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay

Trong tầm nhìn, chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030, TP.HCM được ưu tiên tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển đô thị vệ tinh trở thành các cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội của TP.HCM.

Tập trung xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế,… Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước. Theo đó, TP.HCM không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế; đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý nhiều thủ tục khác liên quan đến DN, như: thủ tục ĐKDN qua mạng, cấp phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển phát nhanh kết quả giải quyết về tận nhà cho DN.

Việc thực thi pháp luật về ĐKDN trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đã cơ bản đạt được những mục tiêu, góp phần chuẩn hóa, pháp lý hóa, tin học hóa quy trình nghiệp vụ ĐKDN. Trong vai trò là cơ quan nhà nước thực hiện nghiệp vụ ĐKDN, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, cơ quan ĐKDN TP.HCM đã từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng hình ảnh cơ quan ĐKDN tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa các yêu cầu của DN, của các cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng. TP.HCM đã phối hợp trong việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN, bao gồm toàn bộ thông tin có giá trị pháp lý về DN trên phạm vi cả nước, đáp ứng các yêu cầu thống kê của các cơ quan và phục vụ các báo cáo kinh tế – xã hội của trung ương cũng như địa phương.

Các quy định về đăng ký thành lập DN là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý DN có hiệu quả. Công tác đăng ký thành lập DN của các cấp, các ngành đã trở thành cơ sở quan trọng để định hướng cho phát triển thống nhất và đồng bộ, trở thành công cụ để quản lý, tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế được cân đối, có chính sách hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, chính sách phát triển thương nghiệp miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc.

Hiện nay, liên quan đến bất cập trong quản lý đăng ký ngành nghề kinh doanh, Luật Doanh nghiệp không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận ĐKDN, trong khi tiến hành đăng ký thành lập DN, chủ thể kinh doanh vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành cấp IV trong hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Nhiều DN khi ĐKKD những ngành, nghề không thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng không có trong mã ngành kinh tế, hoặc như tên ngành không được đăng ký, dẫn tới khó khăn cho công tác hậu kiểm. Đối với DN chỉ kinh doanh một vài ngành nghề, công tác kiểm tra còn đơn giản; nhưng đối với DN kinh doanh nhiều ngành nghề, việc kiểm tra sẽ khó khăn.

Một số thủ tục hành chính không còn phù hợp, đã và đang tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường. Ngoài ra, các chi nhánh, văn phòng đại diện của DN đều là đơn vị phụ thuộc của DN. Các hoạt động, nhiệm vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện do DN ủy quyền, nên tình trạng pháp lý của DN và chi nhánh, văn phòng đại diện phải giống nhau. Song, Luật Doanh nghiệp chưa quy định khi DN tạm ngừng kinh doanh, hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn thì chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ bị tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh có thời hạn theo DN (Điều 44), dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý DN sau thành lập của các cơ quan QLNN nói chung, cơ quan quản lý thuế (cơ quan thuế, cơ quan hải quan) nói riêng.

Ngoài ra, theo quy định từ Điều 19 đến Điều 22, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thành phần hồ sơ ĐKDN của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, DN tư nhân, công ty cổ phần không bắt buộc có Phiếu lý lịch tư pháp. Nhưng, thực tế, lợi dụng tình trạng cơ quan ĐKKD không thể biết rõ về lý lịch của người xin thành lập DN, nên một số đối tượng tại TP.HCM đã thành lập DN không nhằm mục đích kinh doanh, mà thực tế là thực hiện lừa gạt, gian lận thương mại hoặc DN được thành lập mang tính thời vụ, hoạt động chỉ trong thời gian ngắn, thuê mướn người lao động không có trình độ, kiến thức làm giám đốc – người đại diện pháp luật, rồi lấy tư cách pháp nhân của DN để trốn thuế, buôn bán hàng lậu, xuất nhập khẩu hàng lậu, buôn bán bất động sản – lừa đảo, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp,… Có những trường hợp giám đốc DN là công nhân, thợ hồ, người tàn tật, mất trí nhớ, thậm chí cả những người đã chết từ lâu vẫn được đứng tên là người đại diện pháp luật của DN.

Hơn nữa chưa có quy định rõ ràng về đặt tên DN, có tên DN gây nhiều tranh cãi, nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc không có nghĩa. Thực tế tại TP.HCM, cơ quan ĐKKD không có cơ sở để xác định vi phạm “văn hóa”, “đạo đức” hay “thuần phong mỹ tục”, nên vẫn cấp Giấy chứng nhận DN, chẳng hạn như: quán Buddha Bar and Grill, Công ty TNHH Dịch vụ A đến Z,…

Giải pháp hoàn thiện việc thực thi pháp luật đăng ký kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ DN và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan ĐKKD. Đây là một trong những yêu cầu của quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐKKD nhằm nâng cao sự minh bạch, giảm thiểu chi phí không cần thiết cho DN, tạo được niềm tin cho các cá nhân, DN khi gia nhập thị trường.

Thứ hai, phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực ĐKKD; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, DN sử dụng dịch vụ ĐKKD qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về ĐKDN. Cần xem xét quy trình ĐKKD để giảm thời gian, chi phí, giúp xây dựng niềm tin, uy tín và vị thế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật chuyên ngành và pháp luật liên quan trong quá trình thực hiện; trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ theo quy định. Cập nhật các văn bản pháp luật về ĐKDN và các văn bản khác có liên quan khi có sự thay đổi, bổ sung; tổ chức tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới đến người dân và DN. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thực hiện ĐKDN, tiến tới thống nhất việc ĐKDN cho mọi loại hình DN thuộc mọi khu vực kinh tế, không phân biệt trong nước và nước ngoài.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác ĐKKD. Nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập qua việc tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước liên quan.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Doanh nghiệp năm 2020.
2. Luật Đầu tư năm 2020.
3. Luật Quản lý thuế năm 2019.
4. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 01/01/2021 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức của cơ quan ĐKKD được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
5. Hoàng Minh Chiến (2016). Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – Đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 1 (286), tr.25-29.
6. Nguyễn Thị Thu Thủy (2015). Hoàn thiện pháp luật về đăng ký kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Hà Nội.
Trương Tấn Phát
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn