(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường với nhiều biện pháp. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực; các vụ việc, thông tin tình trạng ô nhiễm môi trường được xử lý nhanh chóng và kịp thời, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Một số vấn đề môi trường nóng, bức xúc như ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời có văn bản hướng dẫn địa phương phối hợp giải quyết.
Một số kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước về môi trường thời gian qua
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường nhiều biện pháp. Theo đó, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ môi trường của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Cải thiện chất lượng môi trường; từng bước khôi phục môi trường các lưu vực sông, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở đô thị lớn. Tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường.
Triển khai các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên. Tăng cường kiểm soát tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.
Hướng dẫn, kiểm tra công tác xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tại “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 2.584 triệu đồng; duy trì 12 tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao với sự tham gia của chính quyền trung ương và địa phương1, bao gồm: Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại KKT Dung Quất, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng, Lào Cai; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Tiếp nhận và chuyển địa phương xử lý hơn 140 thông tin phản ánh về môi trường thông qua Đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường2. Hướng dẫn các địa phương áp dụng các giải pháp tăng tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp; chất thải nguy hại đã được quản lý tốt hơn. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị ước đạt 87,2%; dự kiến kết quả thực hiện cả năm vượt chỉ tiêu đề ra (87%). Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại ước đạt 85%, đạt chỉ tiêu đề ra của cả năm (85%)3.
Phối hợp với các địa phương để điều tra, đánh giá, lập danh mục các khu vực đất ô nhiễm và đề xuất kế hoạch xử lý, cải tạo phục hồi môi trường; ban hành hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tại các địa phương cấp tỉnh; hướng dẫn địa phương giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc; xây dựng, đề xuất các giải pháp đột phá về bảo vệ môi trường đất, nước, không khí cho giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm: Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch phòng ngừa xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn 2021 – 2025; định hướng quản lý môi trường lưu vực sông theo cách tiếp cận mới.
Tổ chức triển khai kiểm kê đất ngập nước ven biển; tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước tại một số vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Mê Công; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động hưởng ứng, triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh; tổ chức vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2012 – 2020.
So với thời điểm tháng 6/2020 (trước thời điểm Nghị quyết số 134/2020/QH14 được ban hành), nhiều chỉ tiêu môi trường có kết quả tích cực như số lượng các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng 13 KCN, tương ứng tăng 1,7%, số lượng KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục tăng 20 KCN, tương ứng tăng hơn 8%, số lượng CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng 05 CCN, tương ứng tăng 1%; số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để tăng 40 cơ sở, tương ứng tăng 8,8%4.
Một số tồn tại, hạn chế
(1) Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể.
(2) Tổ chức bộ máy còn chưa phù hợp, tương xứng; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp; công tác tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế.
(3) Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
(4) Khoa học và công nghệ chưa có nhiều đóng góp thiết thực, đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.
(5) Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường còn thiếu chủ động, chưa tranh thủ được tối đa, chưa nắm bắt kịp thời các cơ hội huy động hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường. Khai thác nguồn hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế chưa hiệu quả.
Để tiếp tục cải thiện vấn đề môi trường, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị, cần phải thực sự xem trọng công tác bảo vệ môi trường từ trong nhận thức cho đến hành động. Trong đó, cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, các chỉ đạo về công tác môi trường; có nhiều quy định khuyến khích các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; thực hiện nhiều giải pháp phù hợp về tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho người dân; gắn việc giáo dục, động viên với chế tài, xử lý vi phạm; cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường…
Phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm gồm: xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả.
Triển khai xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để theo dõi, giám sát.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước tiên tiến trong khu vực nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật duy trì và bảo vệ chất lượng môi trường, bảo đảm sự chủ động đề kháng trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Thứ hai, thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai 4 nhóm nhiệm vụ gồm:
(1) Đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên cơ sở xem xét hài hòa lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia, mời đội ngũ chuyên gia giỏi để tư vấn trong quá trình thẩm định, khắc phục tình trạng cấp phép khi chưa có đủ căn cứ, nguồn lực, dẫn đến khá nhiều dự án không có tính khả thi.
(2) Chủ động ban hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn; khoanh vùng các đối tượng chính gây ra những vấn đề môi trường bức xúc để chủ động kiểm soát chặt chẽ.
(3) Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường.
(4) Thực hiện tốt nguyên tắc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng, quần chúng nhân dân từ hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường. Triển khai hoạt động của các Tổ giám sát về môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất lớn đã được thành lập; huy động sự vào cuộc của tất cả các địa phương cấp tỉnh trong việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguồn thải thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc phạm vi quản lý.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về môi trường theo hướng thực hiện đơn giản hoá về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép, tích hợp việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện chuyển đổi số để tiến tới thực hiện Chính phủ số, nền kinh tế số đối với lĩnh vực môi trường.
Chú thích:
1,2,3,4. Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 và định hướng giai đoạn 2022 – 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, ngày 29/7/2022 tại Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
2. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn.
4. Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
5. Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường.
Lê Minh Duẩn
Trung tâm Tin học Ngoại ngữ Tín Thành