Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc và một vài gợi ý chính sách cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hàn Quốc là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế. Đặc biệt là sự phát triển của các ngành công nghiệp hóa chất nặng, công nghiệp công nghệ thông tin, đóng tàu… Tuy nhiên, từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra cùng với sự gia tăng của khủng hoảng môi trường, thiếu hụt tài nguyên… đã làm cho kinh tế Hàn Quốc bị suy giảm. Để giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế, Hàn Quốc đã theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh. Từ một chiến lược tăng trưởng số lượng sang tăng trưởng chất lượng, thông qua cải tiến khoa học – công nghệ, áp dụng kiến thức xanh. Bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là bước đột phá được xem như là một chiến lược sống còn cam kết và tin vào tương lai xanh vì sự phát triển và bền vững của Hàn Quốc.
Ảnh minh họa (gggi.org).
Tăng trưởng xanh – những lĩnh vực ưu tiên của Hàn Quốc

Tháng 12/2007, trong quá trình chuẩn bị nhậm chức, tân Tổng thống Lee Myung-Bak đã bày tỏ quan điểm của chính phủ mới trong việc củng cố động lực tăng trưởng, xây dựng một đất nước tiên tiến trên cơ sở nhận thức sâu sắc nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định chính sách tăng trưởng xanh (TTX) với số lượng carbon thấp chính là triển vọng tương lai của Hàn Quốc 60 năm tuổi.

Tháng 9/2008, Chiến lược thực hiện TTX được Hội đồng quốc vụ thông qua. Để cụ thể hóa chiến lược này, Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt các hoạt động, như: ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính, phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm cho người dân giai đoạn 2009 – 2012, ngày 06/01/2009,  Chính phủ Hàn Quốc đưa ra gói kích thích kinh tế “Green New Deal”; gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới”, “Kế hoach nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh”… Với chính sách TTX, Hàn Quốc dự kiến sẽ trở thành một trong 5 cường quốc kinh tế xanh (KTX) của thế giới vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu chiến lược TTX, Hàn Quốc tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực ưu tiên:

Một là, quản lý nguồn nước.

Sau 30 năm thực hiện công nghiệp hóa và đô thị hóa, ô nhiễm môi trường nước tại Hàn Quốc đã thực sự trầm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Vì vậy, Hàn Quốc luôn đặc biệt quan tâm đến chất lượng của nguồn nước. Hơn 40 triệu dân của Hàn Quốc sử dụng nguồn nước từ bốn dòng sông lớn, đó là: sông Hàn, sông Nakdong, sông Sumjin và sông Geum. Từ năm 1998 – 2003, Chính phủ Hàn Quốc đã chi một khoản kinh phí khá lớn cho những dự án xây dựng các vùng đệm ở các bờ sông, hệ thống cống để kiểm soát được nguồn nước thải.

Tháng 9/2006, kế hoạch về tổng thể quản lý môi trường nước cũng đã được Bộ Môi trường Hàn Quốc trình lên Chính phủ với mục đích nhằm bảo đảm chất lượng của nguồn nước và thúc đẩy một môi trường nước lành mạnh. Chất lượng nước được kiểm soát bằng những hạng mục chung, như: DO, TOC, PH, VOC… Ngoài ra, Hàn Quốc còn áp dụng hệ thống chi phí đối với các dịch vụ liên quan tới môi trường như người tiêu dùng khi mua nước khoáng thì phải trả một tỷ lệ phí là 7,5%. Số tiền phí thu được sẽ dùng vào các dự án cải thiện chất lượng nước và quản lý nước ngầm.

Hai là, xử lý chất thải.

Ngày 11/9/1987, Tổng thống Hàn Quốc phê duyệt Dự án xây dựng bãi chôn lấp Sudokwon để bảo vệ môi trường có tổng diện tích đất sử dụng là 19.986.000 m2, bao gồm: 4 bãi chôn lấp, nhà máy điện, nhà máy xử lý nước rò rỉ rác và khu vực điều hành.  Đây là công trình liên hoàn xử lý chất thải khép kín mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường cho toàn cộng đồng. Để làm được điều này, công ty Sudokwon được giao nhiệm vụ xử lý rác khép kín, liên hoàn phải đăng ký các thủ tục khi chuyển rác vào bãi chôn lấp, như: đóng tiền ký gửi thẻ đo lường; cấp thẻ đo lường; kiểm tra rác theo quy định; cân xe khi vào và ra để tính trọng lượng của xe và rác, rửa xe trước khi ra khỏi bãi… Áp dụng kỹ thuật chôn lấp an toàn, hợp vệ sinh, như: chôn lấp hợp vệ sinh; chôn lấp tầng đáy; thu gom khí; làm đường thoát nước mưa; khử mùi hôi trong và ngoài khu vực đổ rác; lắp đặt máy đốt khí. Vận hành hệ thống xử lý liên hoàn nước rỉ rác, thu hồi khí CH4 để phát điện và xây dựng công viên xanh “Dream park” tương lai. Đây là một dự án sinh thái được thực hiện với mục đích biến đổi bãi rác sau khi được lấp đầy thành công viên sinh thái để phục vụ giải trí công cộng.

Ba là, năng lượng mới và tái tạo.

Theo dữ liệu từ Korea Power Exchange, công suất của các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo (NLTT), tính đến tháng 9/2022, là 27.103 megawatt, chiếm 20,1% tổng sản lượng NLTT. Trong số các nguồn NLTT khác, thủy điện, năng lượng sinh học và năng lượng gió chiếm 1,3% công suất. Năng lượng hạt nhân chiếm 17,3%, giảm 25% so với 10 năm trước. Điện mặt trời có bước nhảy vọt lớn nhất, từ 0,8% tổng sản lượng NLTT lên 15,1%. So với 10 năm trước, tỷ trọng NLTT ở Hàn Quốc đã tăng gấp 4 lần, trong khi việc sử dụng năng lượng mặt trời đã tăng gấp 19 lần.

Mục tiêu về tỷ lệ điện năng từ nguồn NLTT được Chính phủ Hàn Quốc nâng lên mức 5% vào năm 2018 và 7% năm 2020. Hàn Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 NLTT sẽ chiếm tỷ lệ 20% tổng năng lượng quốc gia, với dự kiến ​​tăng công suất điện sạch để thay thế cho các nhà máy than sắp đóng cửa.

Bốn là, đô thị xanh.

Với những sáng kiến về TTX, như: phát triển công nghệ xanh; giao thông xanh; phong cách sống xanh; ô tô xanh; nhà xanh, văn phòng xanh và trường học xanh; phong cảnh và cơ sở hạ tầng xanh, xây dựng một xã hội carbon thấp, tạo nền tảng cho nền KTX… Để triển khai được hiệu quả những sáng kiến này, Ủy ban Điều hành về TTX đã được thiết lập vào tháng 02/2009. Ủy ban này gồm 47 thành viên là các bộ trưởng hữu quan, các chuyên gia và những người tham gia trong lĩnh vực tư nhân. Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ những ngành công nghiệp và công nghệ xanh. Năm 2011, những hệ thống này được Chính phủ Hàn Quốc thông qua việc ban hành luật nhằm hạn chế khí thải nhà kính và phát triển quản lý năng lượng nhằm chuyển giao cơ cấu kinh tế – xã hội theo hướng khí thải carbon thấp. Năm 2012, Hội đồng về cuộc sống xanh được thành lập và hoạt động.

Với khẩu hiệu “Tất cả vì một cộng đồng giàu có”, Chính phủ Hàn Quốc đã thành công đáng kể trong việc khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vì sự phát triển của cộng đồng. Sự thành công này được ghi nhận qua các dự án, như: “Ngôi nhà xanh trị giá 2 triệu”, “Thành phố và dòng sông xanh hơn”, “Thành phố mặt trời”… Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn khuyến khích người dân sử dụng xe đạp để bảo vệ môi trường, người dân Hàn Quốc cũng được nâng cao nhận thức về cuộc sống xanh. Nhờ có việc nâng cao nhận thức xã hội về cuộc sống xanh, số lượng gia đình tham gia vào hệ thống giảm thiểu khí thải carbon tăng tới 2 triệu vào tháng 02/2011.

Năm là, lâm nghiệp và sinh khối.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích người dân trồng càng nhiều cây càng tốt, đặc biệt là những cây tán rộng để che phủ xanh các đô thị. Sau khi Luật Lâm nghiệp ra đời năm 1961, việc làm đầu tiên của Hàn Quốc là tuyển dụng 460 lao động là nam giới để làm việc trong vườn ươm. Nhiệm vụ của những công nhân này là mỗi người phải ươm 1 triệu cây giống mỗi năm để phục vụ cho việc trồng rừng. Trong năm đầu tiên thực hiện, đã có gần 500 triệu cây giống ra đời. Để nhanh chóng trồng hết số cây giống, tháng 02/1963, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành đạo luật tạm thời về trồng rừng và những nam giới tuổi từ 29 – 33 đều phải tham gia vào hợp tác xã lâm nghiệp, đồng thời việc trồng rừng là nhiệm vụ bắt buộc đối với hầu hết người dân lao động. Chính phủ Hàn Quốc đã rất nỗ lực trong việc chọn cây để trồng. Cây minh quyết đen, cây hạt dẻ và cây dương ý là những loại cây có giá trị được ưu tiên hàng đầu. Cây hạt dẻ là loại cây được trồng trong cả nước với quan điểm: “Ba con chim trong một hòn đá”, điều này được Hàn Quốc lý giải tác dụng trồng cây hạt dẻ đem lại 3 mục đích: thứ nhất, chống xói mòn đất; thứ hai, để làm thực phẩm; thứ 3, tăng thu nhập cho những người dân nghèo. Cây dương ý cũng đem lại giá trị kinh tế cao, có nhiều tác dụng, như: dùng để sản xuất mỹ phẩm, thuốc nhuộm, cung cấp gỗ, nguyên liệu làm giấy in, lá dùng làm trà để uống… Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn quan tâm đặc biệt đến việc trồng cây để tạo cảnh quan và vành đai xanh tại các thành phố.

Như vậy, trong những năm qua, với ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Chính phủ Hàn Quốc đã chủ trương thúc đẩy chiến lược TTX với nhiều hình thức, chiến dịch khác nhau. Những chiến dịch này mang lại thành công đáng kể. Đất rừng của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 1950 và khoảng 2/3 diện tích đất nước này đã được che phủ trong nhiều tán cây xanh và bảo vệ môi trường đã thực sự trở thành khẩu hiệu quốc gia của Hàn Quốc.

Ngoài ra, để thực hiện chiến lược TTX có hiệu quả, Hàn Quốc còn đưa ra 10 sáng kiến cơ bản, như: (1) Xây dựng một xã hội carbon thấp; (2) Giao thông xanh và quản lý đất; (3) Phong cách sống xanh; (4) Lãnh đạo trong nền KTX thế giới; (5) Củng cố an ninh năng lượng; (6) Ứng phó biến đổi khí hậu; (7) Phát triển công nghệ xanh; (8) Thúc đẩy công nghiệp sạch; (9) Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có; (10) Tạo nền tảng cho nền KTX.

Những gợi ý chính sách cho Việt Nam

Thứ nhất, phải quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ kinh tế “nâu” sang KTX.

Mô hình kinh tế nâu đem lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế nhưng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại to lớn về môi trường, đi liền với điều này là gây ra những bất bình đẳng, nạn nghèo khó của đông đảo dân cư trong xã hội. Trong khi đó mô hình KTX (Green Economy) mà Hàn Quốc những năm gần đây đang hướng đến là nền kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính; là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nguyên, nhiên liệu, chú trọng các ngành công nghiệp sinh thái; là nền kinh tế tăng trưởng bền vững, mang lại công bằng xã hội, “vì một cộng đồng giàu có”. Yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ của việc chuyển đổi mô hình kinh tế ở Hàn Quốc từ “nâu” sang “xanh” là do sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường.

Việt Nam đang nằm trong mô hình kinh tế “nâu”. Tốc độ tăng trưởng GDP vào loại cao trong khu vực, nhưng xu hướng giảm dần ngày càng rõ rệt do các nguồn lực để duy trì sự phát triển theo chiều rộng, nặng về tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ ngày càng suy giảm. Chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao, đang tăng dần qua các năm. Môi trường suy thoái nghiêm trọng, thậm chí trên diện rộng.

Nhận thức được thực trạng kinh tế – xã hội nước ta, kinh nghiệm và xu hướng phát triển chung của nhân loại, năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” với nội dung cốt lõi là nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải nhà kính, đồng thời chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế. Nghị quyết 05-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Tinh thần của Nghị quyết là tái cấu trúc mô hình tăng trưởng phải gắn với phát triển KTX. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu1.

Để khẳng định tầm quan trọng của TTX trong phát triển bền vững quốc gia, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”, trong đó đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội; hướng tới nền KTX, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Những văn kiện này cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc hướng sự phát triển kinh tế- xã hội nước ta chuyển sang mô hình TTX.

Thứ hai, tạo sự đồng thuận của Chính phủ, DN và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chiến lược phát triển KTX.

Đây là bài học rất đáng ngưỡng mộ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp (DN), cộng đồng dân cư của Hàn Quốc. So sánh với Hàn Quốc, Việt Nam đạt được sự tương đồng ở quyết tâm chính trị của lãnh đạo quốc gia trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế thành KTX. Còn để tạo được sự đồng thuận của các chủ thể quản lý các cấp, của các DN, của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng một cộng đồng kinh tế – xã hội xanh thì còn rất nhiều việc phải làm. Đối với chủ thể quản  lý các ngành, các cấp, lối tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm còn mang dấu ấn nặng nề trong việc phát triển kinh tế, chạy đua xây dựng các công trình (khu công nghiệp, nhà máy có công nghệ lạc hậu, thủy điện, bến cảng…) nhưng không tính đến đầy đủ hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động môi trường; khai thác cạn kiệt  tài nguyên không tái tạo.

Với các DN trong nước cũng như FDI, rất ít DN chú ý đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng KTX. Chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều DN cố tình né tránh đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải gây độc hại tới môi trường; gian dối trong xử lý các chất độc hại.

Với cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường sống xanh chưa trở thành ý thức phổ quát trong các cộng đồng nông thôn cũng như thành thị. Chưa có những hình thức hữu hiệu để cư dân trong vùng giám sát các dự án kinh tế, hoạt động của các DN trong sản xuất – kinh doanh, xây dựng tác động tiêu cực đến môi trường.

Đối với vấn đề này, Viện nghiên cứu TTX toàn cầu Hàn Quốc (GGGI – Global Green Growth Institute) với mục tiêu phổ biến mô hình TTX, đã đưa ra những khuyến nghị đáng chú ý sau: trước tiên, Chính phủ cần xây dựng khung thể chế pháp lý bền vững cho TTX, trong đó tối đa hóa sức mạnh của thị trường đối với TTX (chẳng hạn cần tính đủ chi phí cho môi trường trong các hoạt động kinh doanh thay vì dùng biện pháp phạt hành chính); có một hệ thống nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động kinh doanh bảo vệ môi trường. Để chiến lược TTX thành công cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với TTX, có những biện pháp chủ động để thay đổi hành vi của cộng đồng. Việc phổ biến, tuyên truyền về TTX đến các địa phương và khu vực nông thôn trên phạm vi toàn quốc là việc làm hết sức cần thiết.

Thứ ba, lựa chọn trọng tâm thực hiện chiến lược TTX thích hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Hàn Quốc là quốc gia có nền KTX thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới trong khi Việt Nam mới bước vào ngưỡng cửa của quá trình xây dựng nền KTX. Việc lựa chọn trọng tâm cho từng giai đoạn thực hiện chiến lược TTX là rất cần thiết. Đối với Việt Nam, căn cứ vào thực tế phát triển, trong giai đoạn hiện nay cần đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư.

Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng TTX trước hết cần thay đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng KTX.  Phát triển nông nghiệp phải trên cơ sở sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, trước hết là đất đai và nguồn nước; duy trì tính đa dạng sinh học. Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm tái sử dụng, tái chế phụ phẩm, sử dụng phế thải nông nghiệp thành đầu vào có hiệu quả cho một số ngành công nghiệp, nâng cao chất lượng sinh thái môi trường, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng cư dân nông thôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình KTX trong nông nghiệp.

Về đầu tư, các chính sách của Chính phủ cần chú trọng đến những nội dung khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực tạo thành hợp phần của TTX, như: các dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu như giảm thiểu tác động của xâm thực nước biển đến các vùng sản xuất hàng nông sản, đến các vùng dân cư; giảm phát thải khí nhà kính, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch. Khuyến khích các dự án xây dựng các thành phố, khu công nghiệp xanh, cải thiện môi sinh cho dân cư. Mặt khác, bổ sung các chính sách nhằm xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của DN trong việc khắc phục hậu quả về môi trường do hoạt động của DN gây ra. Đối với các DN bắt đầu đi vào hoạt động thì nhất thiết phải thực hiện yêu cầu quy trình xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường coi như là điều kiện bắt buộc để thực hiện dự án. Chấm dứt tình trạng đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Cần thiết lập hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt là hệ thống cơ quan thực thi giám sát việc chấp hành các điều kiện bảo đảm sản xuất theo hướng xanh hóa.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho TTX.

Trong những năm qua, chiến lược TTX đã được nhiều địa phương, DN quan tâm, ứng dụng nhưng hiệu quả đạt được chưa thực sự như mong đợi. Phần lớn người dân và DN chưa nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của TTX. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng chưa phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức quản lý chiến lược về phát triển ngành, vùng, địa phương trên phạm vi cả nước còn rời rạc, cục bộ… Để TTX thực sự trở thành động lực của nền kinh tế thì đòi hỏi các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng phối hợp liên vùng, liên ngành và tích hợp các mục tiêu, giải pháp TTX để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc giám sát, đánh giá thực hiện chiến lược quốc gia về TTX và mức độ xanh hóa của nền kinh tế.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 69.
Tài liệu tham khảo:
1. Thảo Nguyên. Tăng trưởng xanh – Chìa khóa của phát triển bền vững. Tạp chí Tuyên giáo, số 10/2021.
2. Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
3. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
4. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
5. Đánh giá 5 năm thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam. https://kinhtevadubao.vn, ngày 07/02/2019.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hải Vân
Học viện Chính trị Công an nhân dân